VN, Mỹ bắt đầu diễn tập hải quân bất chấp sự phản đối của Trung Quốc

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi việtdươngnhân, Thg 7 15, 2011.

  1. việtdươngnhân

    việtdươngnhân Bình Chánh

    Tham gia ngày:
    Thg 3 18, 2011
    Bài viết:
    639
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Nơi ở:
    Paris
    Web:

    Thứ Sáu, 15 tháng 7 2011


    Việt Nam đã đón ba tàu chiến thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ (gồm tàu khu trục USS Chung-Hoon, USS Preble và tàu giải cứu - cứu hộ USNS Safeguard) tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để bắt đầu thực hiện một cuộc diễn tập hải quân chung kể từ ngày 15/7, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc sau nhiều tuần căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

    Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trong một công bố rằng hai bên sẽ tiến hành 7 ngày huấn luyện ngoài khơi bờ biển miền trung Việt Nam.

    Theo hãng thông tấn Pháp, các giới chức Hoa Kỳ mô tả các cuộc thao dượt này là các “hoạt động phi tác chiến” và tập trung vào các lĩnh vực như trao đổi kỹ năng trong lĩnh vực điều khiển và bảo trì tàu.

    Mặc dù vậy, trước đó, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích cuộc thao dượt này.

    Hôm 11/7, sau các cuộc trao đổi ở Bắc Kinh với người đồng nhiệm Hoa Kỳ, Đô đốc Mike Mullen, Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Trần Bỉnh Đức, nói thời biểu các cuộc diễn tập của hải quân Hoa Kỳ tại khu vực nhạy cảm Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông, là không đúng lúc.

    Theo Reuters, ông Trần cũng kêu gọi Hoa Kỳ 'chừng mực hơn và thận trọng hơn trong lời nói và hành động' giữa tình hình căng thẳng leo thang liên quan đến các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

    Hãng thông tấn Đức trích lời đô đốc Thomas Carney - tư lệnh lực lượng Đặc nhiệm 73 và tư lệnh lực lượng hậu cần Tây Thái Bình Dương - nói rằng “sự kiện này không liên quan gì đến các tranh chấp lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa và không có gì là bất thường hay mang tính khiêu khích.”

    Đáp lại những chỉ trích của phía Trung Quốc, ông Carney nói rằng ông không biết khi nào thì mới là thời gian phù hợp cho các hoạt động mà theo ông vốn là những hoạt động nhằm giúp thủy thủ hai nước hiểu nhau hơn và xây dựng các mối quan hệ quan trọng giữa hải quân hai nước trong tương lai.

    Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippines nhận chủ quyền một phần tại Biển Đông, trong khi Đài Loan và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ khu vực này dựa trên một bản đồ có từ nhiều thế kỷ trước.

    Trong vài tháng qua, cả Việt Nam lẫn Philippines đều lên tiếng phản đối việc tàu bè của Trung Quốc gây cản trở cho những hoạt động thăm dò dầu khí của họ tại những vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của nước họ.

    Mới đây, Philippines cũng đã kết thúc 11 ngày diễn tập hải quân với Hoa Kỳ gần vùng biển mà họ gọi là Biển Tây Philippines, nhưng cả đôi bên đều nhấn mạnh sự kiện này là thường niên nhằm thắt chặt mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước.



    Nguồn: AFP, DPA, CN 1145743
    [youtube]5wYMRmzAaqg[/youtube]
     
  2. việtdươngnhân

    việtdươngnhân Bình Chánh

    Tham gia ngày:
    Thg 3 18, 2011
    Bài viết:
    639
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Nơi ở:
    Paris
    Web:
    "Tái ngộ Mỹ-Việt", bài báo bị kiểm duyệt





    [​IMG]

    Tuấn Thảo / Đức Tâm

    Bài "Tái ngộ Mỹ-Việt" của Xavier Monthéard, được đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique, tháng Sáu 15.7.2011, đã bị kiểm duyệt tại Việt Nam. RFI xin giới thiệu bản dịch.

    36 năm sau chiến tranh: Tái ngộ Mỹ - Việt
    Bản báo cáo bí mật mang tựa đề ‘‘Quan hệ Mỹ-Việt, 1945 – 1967’’, vốn tiết lộ những lời giả dối của chính quyền Mỹ trong việc đưa quân tham chiến Việt Nam, vừa được giải mật để cho công chúng được quyền tham khảo. Về phía mình, chính quyền Hà Nội đã lật qua trang sử. Hơn thế nữa, mùa hè vừa qua, các cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Việt diễn ra ngay tại nơi mà những người lính GI đầu tiên đã đổ bộ cách đây hơn 40 năm…
    *
    Bán đảo Cam Ranh, ở miền trung Việt Nam (*). Trời gió lộng làm nhấp nhô cụm sóng trên biển « Hoa Nam » mà người Việt gọi là « Biển Đông ». Bị thu hẹp bởi hàng rào kẽm gai, một con đường ngoằn ngoèo dẫn đến căn cứ hải không quân mà quân đội Hoa Kỳ đã dựng lên trong thời chiến tranh Việt Nam. Các đồn lính cũ kỹ, tựa như một lớp áo, được khoác lên mảnh đất khô cằn trơ trụi. Binh lính và nhân viên hải quan thơ thẩn qua lại. Bến cảng quân sự không tiếp đón khách thăm viếng, mà họ có đến thì để làm gì ? Từ nhiều năm qua, hoạt động ở vịnh Cam Ranh diễn ra chầm chậm.

    Tháng 10 năm 2010, Cam Ranh như thể bừng tĩnh sau giấc ngủ uể oải : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố mở cảng Cam Ranh để tiếp đón tàu thuyền của tất cả các nước. Hoa Kỳ là ứng viên. Kể từ năm 2003, khoảng một chục chiến hạm Mỹ đã ghé vào các cảng của quốc gia cựu thù. Lần này, những người lính của Chú Sam, không vũ khí cũng như không hành trang, đã thực sự trở lại xứ sở của Bác Hồ - với tư các là thượng khách. Mọi chuyện diễn ra như thể những năm tháng chiến tranh, do 5 vị chủ nhân Nhà Trắng (1) liên tục tiến hành không còn nằm trong ký ức Việt Nam. 20 năm xung đột khốc liệt, ghê rợn kết thúc vào tháng Tư năm 1975 với việc chiếm được Sài Gòn, như thể bị lãng quên, người ta dường như cũng quên cả thái độ sau đó của chàng khổng lồ bị làm nhục, quyết tâm phong toả viện trợ quốc tế đối với một chú lùn đã đánh bại mình và cấm vận thương mại đã được duy trì cho đến năm 1994.

    Khu trục hạm « USS John S. McCain » ghé cảng Đà Nẵng

    Vào tháng 8 năm 2010, cuộc đối thoại quốc phòng Mỹ-Việt đầu tiên diễn ra tại Hà Nội. Trong cùng tháng, ở ngoài khơi Đà Nẵng – ngay tại nơi mà những người lính Mỹ đầu tiên đổ bộ vào năm 1965 – các sĩ quan cao cấp của Việt Nam ra biển tham quan tàu Mỹ USS George Washington, biểu tượng hàng đầu của hạm đội Bẩy và là một trong 11 hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Trong khi đó, khu trục hạm USS John S. McCain thì thả neo ở Đà Nẵng. Tại Hà Nội, tên của ông John McCain, ứng viên đảng Cộng Hoà ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008, không còn làm chói tai. Nguyên là phi công oanh tạc cơ, và như vậy bị xem như là ‘‘một tội phạm chiến tranh’’, theo như lời ông nói sau nay, ông John McCain đã bị cầm tù trong vòng 5 năm rưỡi tại Việt Nam. Được trao tặng huân chương chiến công vì những nỗi thống khổ phải chịu đựng trong lúc bị bắt, ông trở thành một vị anh hùng đối với một bộ phận công luận Mỹ.

    Tính chính đáng này đã giúp cho ông John McCain thuyết phục được phe bảo thủ, giúp cho tổng thống đảng Dân Chủ Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Không thù oán, phía Việt Nam quan tâm đến giai đoạn sự nghiệp sau này của ông McCain. Và các bức ảnh chụp tổng thống Bill Clinton nhân chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên vẫn được treo tại cửa hàng bán thức ăn nhanh tại thành phố Hồ Chí Minh…Còn giờ đây, vợ của vị tổng thống này, bà Ngoại trưởng Hillary Clinton thì hoan nghênh về chặng đường mà hai nước đã trải qua: « Thay vì là cựu thù, chúng ta đã biết coi nhau như là những đối tác, đồng nghiệp và bạn hữu. Chính quyền Obama sẵn sàng nâng quan hệ Mỹ-Việt lên một tầm mức cao hơn (2) ».

    Nhìn từ phía Hà Nội, việc xích lại gần Hoa Kỳ trước hết là theo logic kinh tế. Từ khi hiệp định thương mại song phương có hiệu lực vào năm 2001, trao đổi mậu dịch giữa hai nước gia tăng đều đặn. Vào năm 2000, trao đổi thương mại ở mức 1 tỷ đô la, đến năm 2010, thì đã lên đến 18,3 tỷ đô la. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, bà Jocelyn Trần, nhắm tới mục tiêu 35 tỷ đô la từ đây cho đến năm 2020 (3). Cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía Hà Nội, các xuất khẩu sang Hoa Kỳ, - chủ yếu là hàng may mặc và giầy dép – mang về cho Việt Nam 14,8 tỷ đô la năm 2010, tương đương hơn một phần năm tổng thu nhập từ bên ngoài.

    Mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Washington giúp cho Việt Nam hội nhập vào hệ thống thương mại quốc tế. Vào năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ đó trở đi, mức bình quân thu nhập hàng năm tính theo đầu người vượt qua ngưỡng một ngàn đô la. Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được xếp vào danh sách các quốc gia có mức thu nhập trung bình.

    Cái giá phải trả của sự khởi đầu phồn thịnh này là cần phải lật qua trang sử với 3 triệu người chết trong chiến tranh, các khu vực đất đai bị tàn phá, các gia đình bị tan nát. Để làm việc này, cần phải suy nghĩ kỹ và viết lại ký ức. Theo nhà sử học Wynn W. Gadkar-Wilcox, « Sau năm 1990, các nhà nghiên cứu Việt Nam bắt đầu giảm nhẹ tầm quan trọng của thời kỳ 1954-1975, trong quan hệ với Mỹ, và ưu tiên đề cập đến giai đoạn 1941-1945. Trong giai đoạn này, Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Minh, và nhiều thành viên của cơ quan tình báo OSS (Office of Strategic Services, tiền thân của CIA) đã có quan hệ gắn bó cá nhân với ông Hồ Chí Minh. (…) Dựa vào các tập nghiên cứu của ông Robert Hopkins, mang tựa đề Hoa Kỳ và Việt Nam, 1787-1941, chuyên gia Phạm Xanh đã nhấn mạnh đến sự quan tâm của tổng thống Mỹ Thomas Jefferson (1801-1809) đối với các vụ lúa tại miền nam Việt Nam, cũng như nhiều cuộc thám hiểm mà Mỹ đã thực hiện tại Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XIX (4). »

    Một nửa dân số Việt Nam dưới 26 tuổi. Quá khứ chiến tranh đối với họ rất xa vời và hình ảnh của Hoa Kỳ tạo trong tâm trí của họ niềm say mê. Sức quyến rũ đó không chỉ xuất phát từ đồng đô la xanh, mà còn nảy sinh từ « Giấc mơ kiểu Mỹ »: ai cũng có thể làm giàu nếu chịu khó và quyết tâm làm việc. 13 ngàn du học sinh - một kỷ lục đối với các nước Đông Nam Á - đã ghi tên vào một trường đại học ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương.

    Thỏa thuận đang thai nghén trong lĩnh vực hạt nhân dân sự

    Miền nam Việt Nam, do lịch sử, rất sẵn sàng đón tiếp các đầu tư bằng đô la. Việc tập đoàn khổng lồ Intel chuyên sản xuất mạch vi xử lý đặt một nhà máy ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh (trước kia là Sài Gòn) có giá trị biểu tượng : đó là cơ sở lắp ráp và kiểm tra lớn nhất của tập đoàn này trên thế giới, với tổng đầu tư ước tính 1 tỷ đô la. Trên một blog của website thuộc doanh nghiệp này, ngay từ tháng 9 năm 2009, người ta có thể đọc thấy hàng chữ « We are back in Saigon ! » (« Chúng tôi trở lại Sài Gòn »)…

    Mối diễm tình này không có nghĩa là không còn một vài tỵ hiềm, bởi vì Hoa Kỳ ngay lập tức đã tự coi mình là những người bảo vệ nhân quyền. Trong năm 2010, 80 người đã bị bắt – trong số này 14 người bị kết án – vì đã bày tỏ quan điểm trái ngược với đường lối của đảng Cộng sản. Nhiều nhà báo và viết blog nằm trong số này. Trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/12/2010, đại sứ Mỹ Michael W. Michalak đã nhẹ nhàng tuyên bố « rất tiếc, trong ba năm nhiệm kỳ của tôi, những tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền còn không đồng đều ».

    Ở mặt đối lập, kỷ niệm sống động về sự dính líu của các tổ chức Mỹ trong các « cuộc cách mạng mầu » tại Đông Âu, nuôi dưỡng sự nghi kỵ. Phải chăng chính quyền Mỹ sẽ không khuyến khích một kịch bản « diễn biến hòa bình », mà đối với Hà Nội, đồng nghĩa với ý đồ gạt bỏ chế độ và bản sắc văn hóa Việt Nam ?

    Thế nhưng, những đụng chạm này chỉ là một sự phản ánh nhạt nhòa những thù hận trong quá khứ. Thậm chí, năm 2011 có thể sẽ chứng kiến hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự đang được hoàn tất. Bản thỏa thuận liên quan đến việc chuyển giao công nghệ và phát triển các cơ sở hạ tầng, mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận với một thị trường hứa hẹn : Việt Nam mong muốn xây dựng 13 nhà máy điện hạt nhân, với tổng công suất là 16 000 MW, trong 20 năm tới. Các điều khoản của bản thỏa thuận không cấm việc làm giàu uranium – cho phép, về mặt lý thuyết, thực hiện một chương trình hạt nhân quân sự - trong khi Hoa Kỳ thường xuyên gây sức ép buộc các nước khác từ bỏ quyền được làm giàu uranium như vậy. Nhiều nhà bình luận đã so sánh các điều khoản này, có lợi cho Việt Nam, với các điều khoản của bản thỏa thuận Ấn Độ - Hoa Kỳ về hạt nhân năm 2007 (5).

    Tuy nhiên, ông Brahma Chellaney (6), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị New Delhi cũng giảm thiểu những điểm đồng nhau này : « Do Ấn Độ không phải là thành viên hiệp ước không phổ biến hạt nhân (TNP), nước này phải chịu nhiều hạn chế đặc biệt chiếu theo luật lệ của Mỹ. Do vậy, chính phủ Mỹ cần phải có được một sự miễn trừ đặc biệt từ phía Quốc hội. Trong trường hợp của Việt Nam, nước ký kết TNP, một sự đòi hỏi như vậy không cần thiết. Vả lại, vì Ấn Độ là một quốc gia có vũ khí nguyên tử, thỏa thuận song phương cần phải được xây dựng một cách chuyên biệt. »

    Như vậy, hai thỏa thuận này gần giống nhau là do mục đích của chúng chứ không phải do bản chất. Ông Chellaney thẩm định : « Hoa Kỳ sử dụng các thỏa thuận hạt nhân ký với Ấn Độ và Việt Nam như một công cụ chiến lược để xây dựng một sự hợp tác thân thiết ». Do đó, Việt Nam chắc chắn sẽ có được một thỏa thuận tốt nhất trong nhóm « các quốc gia hạt nhân trỗi dậy », đó là những nước vừa mới bắt đầu thực hiện một chương trình hạt nhân dân sự. Ngược lại với trường hợp Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ví dụ thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất năm 2009 ghi rõ Tiểu vương quốc này từ bỏ quyền làm giàu uranium trên lãnh thổ của mình. Phải chăng « nhất bên trọng, nhất bên khinh ? » Khi còn là phát ngôn viên bộ Ngoại giao, ông Philip J.Crowley đành phải nói rằng « Hoa Kỳ đàm phán những hiệp định như vậy theo từng trường hợp, đối với từng nước, từng vùng (7) ».

    « Một hoàn cảnh mong manh như vỏ trứng »

    Đối với Washington, việc củng cố các quan hệ quân sự và hợp tác hạt nhân có một mục tiêu : đó là duy trì sự ưu thế của Mỹ tại Thái Bình Dương. Do vậy, trong năm 2010, Hoa Kỳ đã bán 6 tỷ đô la thiết bị quân sự cho Đài Loan ; thông báo nối lại mối quan hệ với lực lượng đặc biệt Indonesia (Kopassus), cho dù lực lượng này có dính líu đến những vụ tàn sát ở Timor, Aceh và Papua ; bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Đông và coi đây là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, theo lời bà Ngoại trưởng Clinton ; tiến hành các hoạt động quân sự chung với Hàn Quốc ở Hoàng Hải ; khi xẩy ra va chạm tại vùng quần đảo Điều Ngư/Senkaku mà Trung Quốc và Nhật Bản đều coi thuộc chủ quyền của mình, Hoa Kỳ đã nhắc lại rằng Nhật Bản sẽ được hậu thuẫn nếu cần thiết, theo tinh thần hiệp ước phòng thủ chung.

    Đa số các biện pháp này, nếu không nói là tất cả, đều nhằm đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc : sự bật dậy của đế chế Trung Hoa tất đương nhiên dẫn đến việc Hoa Kỳ nâng cao giá trị chiến lược của các quốc gia láng giềng với Trung Quốc. Tạp chí Mỹ về Quốc phòng 2010, bốn năm ra một lần (US Quadrennial Defense Review 2010) nói đến Indonesia, Malaysia và Việt Nam như là những đối tác tiềm tàng trong lĩnh vực an ninh. Ông Kurt Campbell, trợ lý Ngọai trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương còn nói rõ hơn : « Khi nhìn vào tất cả những quốc gia bạn bè của chúng ta ở Đông Nam Á, tôi nghĩ rằng chính với Việt Nam mà chúng ta sẽ có những triển vọng tốt đẹp nhất » (8). Đối với cường quốc Hoa Kỳ, lại một lần nữa, đất nước này là một con tốt cần thiết, nhưng lần này, không phải để chống chủ nghĩa cộng sản, mà chống lại cái gọi là chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc.

    Mối ám ảnh này có được sự đồng thanh. Từ nhiều thế kỷ qua, Việt Nam xoay trong quỹ đạo của đế chế Trung Hoa đồng thời tìm cách thoát ra khỏi sức hút của nó. Sự phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất lớn – nhập khẩu từ láng giềng phương Bắc chiếm một tỷ lệ cực kỳ cao. Do vậy, ông Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại đại học Souh New Wales, Canberra, chuyên gia về Việt Nam, đánh giá rằng « không một nước nào có thể tự tin và có ảnh hưởng như Trung Quốc trong quan hệ với Hà Nội (9) ». Về cơ bản, ngoại giao Việt Nam tìm cách hòa thuận với càng nhiều nước càng tốt để thoát ra khỏi Bắc Kinh, nhưng đồng thời lại muốn duy trì quan hệ ưu tiên với nước láng giềng lớn – đây là mối bận tâm mà ngoại giao Việt Nam chia sẻ với nhiều nước Đông Nam Á. Cựu đại sứ Đinh Hoàng Thắng không coi nhẹ những khó khăn : « Nếu Việt Nam có thể thuyết phục được Trung Quốc rằng việc cải thiện quan hệ Mỹ-Việt sẽ không ảnh hưởng đến các quyền lợi của nựớc thứ ba, thì đó sẽ là một thành công lớn (10) ».

    Công việc này cũng không phải là dễ dàng đối với Mỹ. Ông Brantly Womack, giáo sư Quan hệ Quốc tế tại đại học Virginia Hoa Kỳ (11) nhắc lại rằng « sự xa cách giữa Hoa Kỳ và châu Á và mối quan hệ song song của Mỹ vừa với Trung Quốc vừa với Việt Nam tiếp tục làm biến dạng sự hiểu biết về mối quan hệ song phương này ». Phía Trung Quốc cũng đưa ra những mệnh lệnh đôi khi mạnh mẽ : « Việt Nam phải hiểu rằng, bị kẹp giữa hai cường quốc, họ đang chơi một trò chơi nguy hiểm, với hoàn cảnh vừa bấp bênh vừa mong manh như vỏ trứng », người ta có thể đọc thấy những dòng này trên Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (…) « Nếu Trung Quốc và Việt Nam thực sự dẫn đến đối đầu quân sự với nhau, thì không có một tàu chở sân bay nào, của bất kỳ một nước nào, có thể bảo đảm an ninh cho Việt Nam ».(12)

    Một cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông liên quan đến quần đảo Hoàng Sa – Paracels và Trường Sa – Spratleys đã tích tụ vào cuối thế kỷ XX (13). Cho dù vừa qua đã củng cố hạm đội của mình, Hà Nội không thể tranh đua với hải quân Trung Quốc. Do vậy, theo phân tích của ông Richard Bitzinger, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng tại châu Á-Thái Bình Dương, « Việt Nam muốn thấy có nhiều quốc gia hơn nữa can thiệp vào Biển Đông. Đối với Việt Nam, đây sẽ là một sự bảo vệ. Việt Nam cũng muốn nhận được sự hỗ trợ để mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng của cảng trong vịnh Cam Ranh. Tôi nghĩ rằng hải quân Mỹ sẽ tranh thủ vị trí chiến lược này, hải quân các nước khác cũng sẽ làm như vậy – đương nhiên, chỉ có hải quân Trung Quốc là sẽ vắng mặt !»

    Cuộc xung đột 1979 với Bắc Kinh bị bỏ qua

    Liệu một ngày nào đó, người ta sẽ thấy Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam chống lại đế chế Trung Hoa ? Quả sẽ là trớ trêu quá mức, nếu như người ta nhớ lại rằng sau khi tuyên bố độc lập ngày 2/09/1945, Trung Quốc của Mao Trạch Đông là nước đầu tiên công nhận nền dân chủ cộng hòa non trẻ này, vào tháng Giêng năm 1950, trước Liên Xô khoảng 12 ngày… Giữ cân bằng giữa hai nước bảo trợ cộng sản, mà 2 nước này sau đó lại trở thành đối thủ của nhau, là một phương trình mà Hồ Chí Minh và những người kế tục ông đã giải quyết thành công trong 25 năm. Viện trợ của Liên Xô đã biến mất khi chiến tranh lạnh kết thúc. Cuộc xung đột công khai giữa Việt Nam và Trung Quốc vào cuối những năm 1970, đã trở thành vấn đề húy kỵ nhất trong chính sách đối ngoại. Hơn 30 năm sau khi xẩy ra cuộc xung đột, vẫn không thể nào nói đến cuộc chiến tranh ngắn ngủi trong tháng Hai tháng Ba năm 1979 đã làm hàng chục ngàn người thiệt mạng. Báo chí cũng như sách giáo khoa không nói đến cuộc chiến tranh này. Về mặt chính thức, tất cả mọi việc đều tốt đẹp với Bắc Kinh.

    Lịch sử đã cho thấy những nguy hiểm đối với Việt Nam khi nước này rơi vào những tính toán địa-chính trị của những siêu cường láng giềng. Ỏ Hà Nội, liệu có ai sẽ quên điều này ? Nhà ngoại giao Hoàng Anh Tuấn vừa nhắc lại rằng Việt Nam « là nước duy nhất trên thế giới đã tiến hành những cuộc đàm phán dồn dập và kéo dài với Hoa Kỳ (…) Cho dù lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau đã có những tiến triển đáng kể, nhưng không có gì bảo đảm là những hiểu nhầm chiến lược lại không xuất hiện (…) Do vậy, quan hệ song phương chỉ có thể được thiết lập một cách bền vững trên cơ sở bình đẳng nếu như mối bang giao này được xây dựng nhằm phục vụ các lợi ích quốc gia của Việt Nam cũng như của Hoa Kỳ, chứ không chỉ nhằm phục vụ các lợi ích địa – chính trị của một bên.(14) ». Hiện nay, có nhiều điềm tốt. Thế nhưng « sự hung dữ của vị trí địa lý (15) » có thể vẫn chưa thôi định hướng số phận quốc gia Việt Nam.

    *
    Chú thích
    (*) Trong bài, tác giả viết là Cam Ranh ở miền nam Việt Nam
    (1) Dwight Eisenhower (giữa 1954 và 1961), John F. Kennedy (1961-1963), Lyndon B. Johnson (1963-1969), Richard Nixon (1969-1974) et Gerald Ford (giữa 08/1974 và 04/1975).
    (2) Diễn văn đọc tại Hà Nội, ngày 21/07/2010 bên lề cuộc gặp lần thứ 43 cấp Ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN.
    (3) Báo Tuổi Trẻ, Hà Nội, 20/12/2010.
    (4) Wynn W. Gadkar-Wilcox, « Mối quan hệ không rõ ràng : Những ấn tượng về Hoa Kỳ trong giảng dậy lịch sử tại Việt Nam 1989 – 2009 - An ambiguous relationship : Impressions of the United States in Vietnamese historical scholarship, 1986-2009 », World History Connected, tập 7, n° 3, Washington, DC, 10/2010.
    (5) Đọc Siddharth Varadarajan, « Ấn Độ khao khát được thừa nhận », Le Monde diplomatique, 11/ 2008.
    (6) Tác giả của cuốn « Sức mạnh châu Á: Sự vươn lên của Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản », HarperCollins, New York, 2006. Ngoại trừ có chỉ dẫn ngược lại, tất cả những trích dẫn của các nhà phân tích đều xuất phát từ các cuộc trao đổi.
    (7) Được trích dẫn trong bài của Daniel Ten Kate và Nicole Gaouette, « Hoa Kỳ, Việt Nam tiến hành các cuộc đàm phán về công nghệ hạt nhân như là những đối tác tranh giành hợp đồng », Bloomberg, 06/08/2010.
    (8) Agence France-Presse, 07/2010.
    (9) Carlyle Thayer, « Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ », hội thảo được tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 10/12/2010.
    (10) Phỏng vấn dành cho VietNamNet (ấn bản điện tử), 17/02/2010.
    (11) Brantly Womack, « Hoa Kỳ và mối quan hệ Trung-Việt », The Asia-Pacific Journal: Japan Focus (ấn bản điện tử), 2008.
    (12) Lý Hồng Mai, “Khuyên Việt Nam không nên đùa với lửa », Nhân dân nhật báo, Bắc Kinh, 17/08/2010.
    (13) Trung Quốc dùng quân đội chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ tháng Giêng 1974 nhưng Việt Nam và Đài Loan vẫn đòi hỏi chủ quyền của mình ở đây. Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan chiếm đóng các đảo khác nhau trong quần đảo Trường Sa (Brunei có đòi hỏi chủ quyền nhưng không đưa quân đội đến đây). Phân tích về các vấn đề chính trị và tìm kiếm giải pháp, xem Stein Tønnesson, trong « Những thay đổi sắp tới của Trung Quốc tại biển Hoa Nam », Harvard Asia Quarterly, Cambridge (Massachusetts), 12/2010
    (14) Hoàng Anh Tuấn, « Sự nhích lại gần nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ : Một câu trả lời », Contemporary Southeast Asia, tập. 32, n° 3, Singapour, 2010.
    (15) Carlyle Thayer, « Sự hung dữ của vị trí địa lý : Những chiến lược của Việt Nam nhằm kiềm chế Trung Quốc tại biển Hoa Nam», International Studies Association, Montréal, 03/2011.


    RFI
     
  3. việtdươngnhân

    việtdươngnhân Bình Chánh

    Tham gia ngày:
    Thg 3 18, 2011
    Bài viết:
    639
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Nơi ở:
    Paris
    Web:
    Biển Đông lên bàn hội nghị khu vực




    [​IMG]







    Căng thẳng hiện thời tại Biển Đông sẽ là một trong các chủ đề thảo luận của Hội nghị Khu vực Asean sắp họp tại Bali, Indonesia.

    Hội nghị này (Asean Regional Forum - ARF) bắt đầu nhóm họp ngày thứ Bảy 16/07 và kết thúc ngày 23/07.

    Tổng thư ký Hiệp hội Asean, ông Surin Pitsuwan, nói ông hy vọng rằng cuộc họp sẽ cho các ngoại trưởng Asean và đối tác, trong đó có cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, cơ hội đối thoại một cách xây dựng về các bất đồng liên quan tuyên bố chủ quyền.

    Tranh chấp Biển Đông là vấn đề đã đi khỏi phạm vi biên giới các quốc gia đơn lẻ, và theo giới chuyên gia nhận định, nó đã trở thành vấn đề của khu vực.

    Hai nước hiện đang có bất đồng mạnh mẽ nhất với Trung Quốc quanh chủ quyền tại các quần đảo và vùng biển ở Biển Đông là Việt Nam và Philippines.

    Hoa Kỳ cũng đóng vai trò khi khẳng định sự hiện diện của mình tại đây với vị thế của một "cường quốc Thái Bình Dương".

    Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen mới đây trong chuyến thăm Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng các vụ đụng chạm có thể leo thang để trở thành xung đột vũ trang, gây nguy cơ cho hòa bình khu vực.

    Phép thử cho Asean


    Giới quan sát cho rằng giải quyết căng thẳng ở Biển Đông có thể được xem như bài toán thử cho khối Asean.

    Asean có lợi thế là tổ chức khu vực, chủ trương cùng tồn tại hòa bình và hợp tác.

    Tuy nhiên, một điều có thể cản trở vai trò hòa giải của khối là lâu nay các nước Asean bị Bắc Kinh chỉ trích đã dựa vào nhau và vào Hoa Kỳ để đối chọi lại với Trung Quốc.

    Đang có một số bình luận, như của tác giả Simon Tay trong bài báo đăng trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hôm thứ Sáu 15/07, đề xuất 'hòa giải' trong vấn đề Biển Đông.

    Ông Tay nói quan hệ Trung Quốc-Asean quá quan trọng để mà bị ảnh hưởng bởi một vấn đề riêng lẻ, liên quan tới quyền lợi của một, hai quốc gia đơn lẻ.

    Điều này có thể không được nhiều người ở Việt Nam hay Philippines đồng tình, nhưng nó phản ánh phần nào lập trường của báo chí chính thức ở Trung Quốc.

    Tác giả Simon Tay cũng nói hội nghị ARF sắp diễn ra có thể là môi trường để các quốc gia thảo luận một cách hòa bình, hòa hiếu và xây dựng.

    Trong khi đó, ngay trước thềm ARF, Philippines lên tiếng bác bỏ quan điểm khăng khăng chỉ đàm phán song phương của Trung Quốc.

    Đàm phán đa phương


    Báo chí Philippines cũng trong thứ Sáu 15/07 dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Philippines nói không thể chấp nhận lập trường của Bắc Kinh và các cuộc đàm phán về Biển Tây Philippine (Biển Đông) cần được tiến hành theo phương thức đa phương dưới giám sát của Liên Hiệp Quốc.

    Người phát ngôn Edwin Lacierda được dẫn lời nói trong một cuộc họp báo rằng ngay cả khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ có chuyến thăm tới Trung Quốc trong năm nay, chủ trương của Philippines sẽ không thay đổi.

    Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi ủng hộ đàm phán đa phương trong vấn đề Biển Tây Philippine".

    "Ngoại trưởng Albert del Rosario đã tuyên bố lập trường đó, tuy rằng dường như vẫn có sự phân vân bên phía Trung Quốc về việc tuân thủ phán quyết luật pháp của Liên Hiệp Quốc."

    Philippines tự tin cho rằng đa số các nước thành viên của Asean ủng hộ lập trường đa phương này.


    BBC

     
  4. việtdươngnhân

    việtdươngnhân Bình Chánh

    Tham gia ngày:
    Thg 3 18, 2011
    Bài viết:
    639
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Nơi ở:
    Paris
    Web:




    [​IMG]
    Chuẩn đô đốc Mỹ Tom Carney (giữa) trả lời phỏng vấn của báo chí trong dịp lễ đón tiếp chiến hạm Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng ngày 15/7/11. Reuters



    Thanh Phương

    Khoảng 700 thủy thủ sẽ tham gia các cuộc tập luyện chung với hải quân Việt Nam. Một buổi lễ mở đầu các hoạt động chung này sẽ được tổ chức ở cảng Đà Nẵng, với sự có mặt của ba chiến hạm Mỹ, USNS Safeguard, USS Chung-Hoon và USS Preble, vừa cập cảng Đà Nẵng hôm nay 15/7.





    Trong một thông cáo đưa ra ngày hôm nay, Chuẩn đô đốc Tom Carney cho biết : « Việc trao đổi các hoạt động giữa các thủy thủ hai nước nhằm giúp hai bên hiểu nhau hơn và xây dựng các mối liên hệ quan trọng giữa hai quân chủng hải quân». Tuy nhiên, chương trình huấn luyện chung không bao gồm các cuộc tập trận, mà chủ yếu tập trung vào các hoạt động hàng hải và bảo trì.

    Vào tháng trước, một phát ngôn viên quân sự Mỹ đã nhấn mạnh là các hoạt động chung giữa hải quân hai nước đã được lên kế hoạch từ lâu và không có liên hệ gì đến căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với Việt Nam trên vấn đề Biển Đông. Một chương trình trao đổi hoạt động tương tự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã được tiến hành lần đầu tiên vào năm ngoái.

    Nhưng hôm thứ Hai vừa qua, sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức đã phản đối các cuộc huấn luyện chung giữa hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam, cho rằng các hoạt động này « không đúng lúc ».

    Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã gia tăng kể từ sau các vụ tàu Trung Quốc cắt dây cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trong tháng 5. Nhưng trong các cuộc hội đàm giữa Thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn với đồng nhiệm Trung Quốc tháng 6 vừa qua, Hà Nội và Bắc Kinh đã hứa sẽ giải quyết một cách hòa bình tranh chấp chủ quyền. Riêng Bắc Kinh đã yêu cầu Washington không can thiệp vào hồ sơ này.

    Tuy nhiên, theo AFP, Việt Nam ngày càng quay về phía Hoa Kỳ để cân bằng lại chính sách đối ngoại và tạo đối trọng với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Hà Nội và Washington đã tái lập bang giao vào năm 1995 và trong những năm gần đây đã gia tăng hợp tác về mặt quân sự, thông qua các chuyến viếng thăm cấp cao của các phái đoàn quốc phòng và qua các trao đổi. Gần đây, Hoa Kỳ và Việt Nam đã cùng tiến hành việc tẩy độc chất dioxine ở khu vực sân bay Đà Nẵng

    Còn theo nhận định của hãng tin AP, sự kiện ba chiến hạm Mỹ ghé thăm Việt Nam nhằm phát đi tín hiệu rằng hảì quân Hoa Kỳ vẫn là lực lượng hùng mạnh trong khu vực và Washington quyết tâm xây dựng các mối quan hệ quân sự mạnh hơn với các nước nhỏ ở Đông Nam Á, vốn rất muốn Hoa Kỳ duy trình sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực.

    tags: Biển Đông - Hoa Kỳ - Quân sự - Việt Nam
     

Chia sẻ trang này

Share