Những cuộc cách mạng của quả táo Apple

Thảo luận trong 'Thảo luận chung' bắt đầu bởi việtdươngnhân, Thg 10 13, 2011.

  1. việtdươngnhân

    việtdươngnhân Bình Chánh

    Tham gia ngày:
    Thg 3 18, 2011
    Bài viết:
    639
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Nơi ở:
    Paris
    Web:



    Thứ ba 11 Tháng Mười 2011
    Nghe (15:30)
    Thêm vào danh mục của tôi
    Tải về
    Embed




    [​IMG]
    Steve Jobs giới thiệu mẫu iPhone mới tại San Francisco, California ngày 09/01/2007. REUTERS/Kimberly White



    Thanh Hà
    Với chưa đầy 5.000 đô la vốn ban đầu và hình ảnh của một quả táo, Steve Jobs đã cùng với tập đoàn Apple đảo lộn trật tự của thế giới tin học và các trò chơi điện tử, của ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc và thông tin. Dưới sự điều hành của Steve Jobs, Apple đã có một mô hình phát triển riêng biệt cho phép nhãn hiệu quả táo trở thành tập đoàn hấp dẫn nhất thế giới.




    Ngày 05/10 vừa qua, cả thế giới đã rúng động vì tin sáng lập viên của tập đoàn nổi tiếng Apple, Steve Jobs qua đời. Các phương tiện truyền thông quốc tế đều dành những hồ sơ, những chương trình đặc biệt để tưởng nhớ Steve Jobs, một nhà phát minh xuất chúng, một doanh nhân tài ba, thần tượng của cả một thế hệ nhưng cũng là một nhà quản trị đáng gờm.

    Tổng thống Mỹ, Barack Obama thương tiếc « một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất của nước Mỹ, đủ can đảm để suy nghĩ khác mọi người, đủ táo bạo để tin rằng ông có thể thay đổi được bộ mặt của thế giới và đủ tài hoa để làm được điều đó ». Steve Jobs đã đi vào huyền thoại.

    Trong lịch sử của nền công nghiệp thế giới, Steve Jobs chiếm một vị trí quan trọng tương tự như Henry Ford, sáng lập viên của tập đoàn xe hơi cùng tên, hay của cha đẻ của tập đoàn điện lực General Electrics, Thomas Edison. Bởi lẽ Jobs đã không chỉ hài lòng ngự trị trên vương quốc máy vi tính cá nhân PC, mà ông còn thâu tóm luôn cả thị trường âm nhạc nhờ kỹ thuật số và ông cũng là người đã vẽ ra luật chơi mới trên thị trường điện thoại để buộc các đối thủ khác phải « đi theo »

    Huyền thoại Apple hồi thứ nhất

    Steve Jobs không là một nghệ sĩ tài ba như danh họa Ý Leonardo da Vinci. Ông cũng không có được sự thông minh của nhà bác học Einstein và lại càng không phải là một ông phù thủy hay một nhà ảo thuật. Nhưng người con của xứ California này đã biết « nhìn xa trông rộng » để từ hai bàn tay trắng -và một quả táo-dựng nên cơ đồ. Bí quyết thành công thứ nhất của Steve Jobs nằm ở chỗ ông là người đầu tiên muốn đem công nghệ tin học đến gõ cửa từng nhà. Để làm được việc đó cần có hai điều kiện : một là phải chế tạo được những chiếc máy tính nhỏ nhắn, gọn gàng và hai là phải dễ sử dụng để đến được với đại chúng.

    Hai điều kiện cơ bản đó luôn là kim chỉ nam trong suốt sự nghiệp của Steave Jobs.

    Say mê với ngành điện tử từ nhỏ, khi còn ở trung học, Steve Jobs may mắn làm quen với một thanh niên khác « cùng chung chí hướng » là Steve Wozniak và cả hai đã bắt đầu tính đến chuyện làm ăn. Nhưng phải đợi tới năm 1976, hai cậu Steve -khi đó vừa ngoài 20 tuổi- mới thực sự thực hiện được giấc mơ mở công ty. Apple Computer ra đời và trụ sở được đặt ngay trong ga-ra để xe của cha mẹ Steve Jobs. Ông vua tương lai của nền công nghệ tin học góp vốn ban đầu là 1.300 đô la.

    Steve Wozniak thiết kế chiếc máy vi tính cá nhân Apple 1 và liền sau đó là Apple 2. Tuy chưa phải là những sản phẩm sáng giá nhưng doanh thu của công ty đã nhảy từ 7 triệu đô la năm 1977 lên thành 600 triệu vào năm 1981. Ngày 12/12/1980 Apple tham gia thị trường chứng khoán với giá 44 đô la/cổ phiếu.

    Khi nhãn hiệu quả táo của hai anh chàng Steve đã thành danh thì ông khổng lồ IBM mới bắt đầu lao vào lĩnh vực PC.

    Trong lịch sử của tập đoàn mang nhãn hiệu trái táo, năm 1984 là một cột mốc quan trọng khi Steve Jobs trình làng chiếc Macintosh, chiếc vi tính cá nhân đầu tiên : vừa xinh xắn, vừa gọn gàng với một hệ thống đĩa mềm floppy disk, với một con chuột cho phép điều khiển màn hình và môt hệ thống phần mềm, dễ sử dụng. Steve Jobs và tập đoàn Apple vừa tiến hành một cuộc cách mạng trong thế giới tin học.

    Apple với logo hình quả táo từng bước trở thành một cây đại thụ trong ngành. Steve Jobs tuy là một trong hai sáng lập viên nhưng đã ý thức được rằng khi đó ông không đủ tài quản lý quả táo cứ lớn dần trên sàn chứng khoán cùng với năm tháng.

    Jobs đã mời một doanh nhân tên tuổi khác đang làm việc cho hãng nước ngọt Pepsi, John Sculley để cùng ông mở rộng tầm ảnh hưởng của Apple. Chẳng ngờ chính Sculley là người đã đẩy Jobs ra khỏi tập đoàn do chính ông tạo dựng.

    Từ thất bại đến thành công

    Với thời gian, khi đã lên đến tột đỉnh vinh quang, ông vua tin học Steve Jobs thú nhận : năm 1985, khi bị Sculley sa thải, cha đẻ của Apple đã như « từ trên trời rớt xuống ». Nhưng như ý thức được rằng sự hiện diện của ông trên trái đất này có hạn nên Jobs đã không cho phép mình lãng phí thời gian.

    Steve Jobs mở công ty tin học khác là NeXT Computer và mua lại hãng sản xuất phim hoạt họa Pixar của ông hoàng Hollywood là George Lucas. Bốn năm là thời gian để Jobs đem tin học phục vụ cho ngành phim ảnh. Tiếp theo đó, với bộ phim hoạt họa Toy Story (1995) Steve Jobs thực hiện cuộc cách mạng thứ nhì trong sự nghiệp : lần đầu tiên một bộ phim hoạt họa sử dụng hình ảnh bằng kỹ thuật số và Jobs đã tiên phong trong việc đưa hình ảnh ba chiều lên màn bạc. Nhờ cuộc cách mạng trong thế giới điện ảnh này mà Steve Jobs trở thành tỷ phú khi ông bán lại tập đoàn phim ảnh Pixar cho hãng phim Disney vào năm 2006 với giá trên 7 tỷ đô la. Cũng cần nhắc lại rằng, cuối thập niên 1980, Jobs đã mua lại Pixar với cái giá 10 triệu đô !

    Trở lại với nhãn hiệu quả táo : số mệnh của Steve Jobs như đã được gắn liền với Apple. Vận may của Apple như đã theo chân Jobs rời khỏi trụ sở của công ty ở thành phố Cupertino. Nhãn hiệu quả táo chỉ còn vỏn vẹn 90 ngày để đệ đơn tuyên bố phá sản. Bước đường cùng, ban điều hành quyết định mua lại NeXT của Steve Jobs vào năm 1996 và mời luôn chủ nhân của hãng tin học này về làm cố vấn.

    Jobs trở lại Apple với một lá bài quyết định : nhà thiết kế người Anh Jonathan Ive.

    Năm 1998, Apple đem một chút mầu sắc vào thế giới tin học : những chiếc iMac vô cùng quyến rũ đã là những viên gạch đầu tiên giúp Steve Jobs tiến hành cuộc cách mạng thứ ba với những sản phẩm ăn khách như iBook, iPod, iPhone hay iPad không còn cần phải được giới thiệu. Những sản phẩm tin học của nhãn hiệu Apple đã làm điên đảo không chỉ các « fan » Âu Mỹ. Tại các nước Châu Á như Trung Quốc, hay Hàn Quốc giới hâm mộ các sản phẩm của Steve Jobs cũng nhiều. Như tường trình sau đây của thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul sau khi hay tin ông phù thủy tin học người Mỹ này qua đời:

    « Đây là hồi kết của một thời đại nhưng di sản của Steve Jobs sẽ tồn tại mãi mãi. Đó là nội dung một thông cáo của tập đoàn phần mềm AhnLab của Hàn Quốc sau khi hay tin sáng lập viên Apple qua đời. Tổng giám đốc tập đoàn viễn thông KT của Hàn Quốc thì nói đến công lao của một người đã đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực tin học, viễn thông của thế giới.


    Các trang mạng xã hội ở Hàn Quốc tràn ngập thông tin về Steve Jobs. Phản ứng này cũng tương đối lạ do phải đợi đến năm 2009 người dân tại đây mới được tiếp cận với những chiếc điện thoại iPhone đầu tiên. Apple thành công vượt bực với sản phẩm này và dư luận Hàn Quốc vô cùng khâm phục người đã phát minh ra những chiếc điện thoại xinh xắn đó.


    Bản thân phó chủ tịch tập đoàn Samsung, đối thủ nặng ký của quả táo Apple cũng đã nghiêng mình để tưởng nhớ Steve Jobs : một doanh nhân có tầm ảnh hưởng rất lớn, đã đem lại những thay đổi vô cùng quan trọng trong đời sống hàng ngày.


    Samsung và Apple hiện đang lao vào những cuộc đọ sức quyết liệt về phương diện pháp lý. Hai tập đoàn này đang kiện nhau về mặt bản quyền »

    Thông tín viên RFI vừa đề cập đến cuộc chiến trong lĩnh vực các bằng sáng chế không ngơi nghỉ liên tục giữa hai đối thủ Samsung và Apple. Hiện tại công ty Hàn Quốc và nhãn hiệu quả táo đang đọ sức với nhau ít nhất là trên bốn mặt trận : trên các thị trường Mỹ, Đức, Úc và Hà Lan. Theo các chuyên gia thì các vụ kiện giữa hai đại gia của ngành công nghệ thông tin này mới chri ở giai đoạn đầu.

    Mặt trái của thành công

    Ba mươi lăm năm gắn bó với ngành công nghệ, sự nghiệp của « ông vua táo » Steve Jobs không phải lúc nào cũng được thuận buồn xuôi gió. Không phải bất cứ sản phẩm nào của Apple cũng chinh phục được đại chúng. Trong số những sản phẩm đã bị chìm vào quên lãng phải kể đến MacIntosh TV vừa là máy vi tính vừa là tivi ; hay cuốn sổ tay điện tử Newton được cho ra đời năm 1993 bị coi là đã xuất hiện trên thị trường quá sớm.

    Về những chỉ trích nhắm vào Apple cũng như bản thân Steve Jobs báo chí thường nói đến một mô hình quản trị khá đặc biệt mà nhiều chuyên gia trong ngành không ngần ngại gọi đây là một kiểu« cai trị của một nhà độc tài ». Khi trở lại với Apple năm 1996, từ đó đến nay Jobs gần như là người điều hành duy nhất trong tập đoàn nắm trọn các dự án từ đầu đến cuối. Trong lúc các cộng tác viên thân cận của ông, thì chỉ có trách nhiệm về một khâu, một công đoạn nào đó.

    Các hãng gia công cho Apple cũng chỉ được biết rất ít thông tin về sản phẩm mà họ đang tham gia vào. Chính sự bưng bít thông tin này đã tạo dựng phần nào huyền thoại của Apple với những sản phẩm cao cấp như iPhone hay iPad. Bên cạnh đó thì ông trùm tin học Steave Jobs còn làm chủ luôn nghệ thuật sân khấu mỗi khi trình làng một sản phẩm mới. Đương nhiên với những sản phẩm xinh đẹp, quyến rũ và độc đáo Apple đã không chút nhân nhượng với các đối tác khi đề cập đến vấn đề phân phối. Trong ngành công nghệ thông tin và tin học, Jobs nổi tiếng là "cứng nhắc" khi thương lượng với các đối tác quốc tế - Âu cũng như Á.

    Về mặt quản trị, Apple là một trong những tập đoàn hiếm hoi có thể bán ra hàng triệu sản phẩm mà không hề có một đơn vị sản xuất. Apple chỉ tập trung vào khâu thiết kế và phát triển phần mềm, khâu sản xuất được trao trọn cho rất nhiều hãng gia công của châu Á .

    Trong chuỗi dây chuyền thành công của Apple Trung Quốc là một mắt xích không thể thiếu : tất cả các sản phẩm mang nhãn hiệu quả táo đều được ra đời từ các nhà máy ở Thẩm Quyến, Thành Đô hay Trịnh Châu dưới sự điều hành của tập đoàn điện tử Đài Loan Foxconn. Công ty Đài Loan này với 920.000 nhân công đã trở thành một đối tác quan trọng của Apple. Nhưng từ tháng Giêng 2010 uy tín của Foxconn phần nào bị sứt mẻ khi 18 công nhân đã lần lượt tự sát và đã có ít nhất 14 người khác toan kết liễu cuộc sống vì không chịu nổi áp lực của công việc.

    Đành rằng luật lao động của Trung Quốc quy định mỗi công nhân chỉ được phép làm thêm 36 giờ phụ trội hàng tháng, nhưng trên thực tế công nhân của Foxconn phải làm thêm từ 80 đến 100 giờ hàng tháng với đồng lương rẻ mạt và trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Thậm chí đối với các tổ chức bảo vệ người lao động, các nhà máy của Foxconn còn bị so sánh với các trại cải tạo khắc khổ nhất của Trung Quốc. Nói cách khác, Apple bị tố cáo làm giàu nhờ lợi dụng các luật lệ lao động lỏng lẻo của Trung Quốc, lạm dụng nhân công rẻ tại nước đông dân nhất địa cầu.

    Apple trong nhiều năm qua còn tạo dựng được cả một mạng lưới với các nhà cung cấp của Trung Quốc mà đến nay danh tính của các đối tác Á châu này vẫn còn chưa được tiết lộ.

    Tập đoàn do Steve Jobs sáng lập luôn tự nhận là một công ty rất quan tâm đến môi trường và điều kiện lao động của nhân viên khi ký hợp đồng gia công với các đối tác nước ngoài. Nhưng vào tháng trước, một báo cáo do 5 tổ chức bảo vệ môi trường và thiên nhiên tố cáo quả táo muôn màu của Mỹ gây ô nhiễm và thải rác hóa học làm ô nhiễm sông ngòi và đe dọa đến sức khỏe của con người. Khu vực chung quanh nhà máy Kaedar Electronics tại tỉnh Giang Tô có tỷ lệ người bị ung thư cao bất thường. Dân cư tại đây không bao giờ mở cửa sổ về ban đêm vì sợ hít phải khí thải của nhà máy. Tai nạn lao động thường xuyên xảy ra trong các xưởng gia công cho Apple : năm ngoái chẳng hạn, 137 công nhân của hãng Wintek bị nhiễm độc vì thuốc rửa màn ảnh iPhone.

    Doanh thu trên 100 tỷ đô la

    Steve Jobs trở lại điều hành tập đoàn do ông sáng lập vào năm 1997. Mười ba năm sau doanh thu của nhãn hiệu trái táo đã được nhân lên gấp 9 lần, nhảy vọt từ 7 lên thành 65 tỷ đô la. Ban giám đốc dự trù doanh thu của Apple năm nay vượt quá ngưỡng tâm lý 100 tỷ đô. Mấy ai có thể ngờ được là chưa đầy 15 năm trước đây, tập đoàn công nghệ cao cấp này từng suýt bị đe dọa phá sản, nay lại đang thống lĩnh toàn bộ ngành công nghệ mũi nhọn toàn cầu và Apple đẫn dầu trong số những doanh nghiệp làm ăn có lãi nhất trên thế giới. Với vỏn vẹn 46.000 nhân viên nhưng năm ngoái tiền lời của đại công ty này lên tới 14 tỷ đô và đang ngồi trên một gối tiền mặt 73 tỷ đô. Nếu mỗi chiếc điện thoại iPhone được ra lò được bán với giá là 100 đồng thì Apple thu về đến 30 đồng tiền lãi. Trong khi một trong những đối thủ đáng gờm khác của Apple là Nokia thì chỉ lời được có đúng ba đồng với một kiểu điện thoại di động khác.

    Nhìn từ góc độ này chúng ta không ngạc nhiên khi thấy cổ phiếu của Apple đã được nhân lên gấp 40 lần trong 1 thập niên vừa qua và hiện tại nhãn hiệu quả táo là tập đoàn có trị giá chứng khoán hàng thứ nhì trên thế giới với 337 tỷ đô la, chỉ thua có ông khổng lồ dầu khí ExxonMobil. So với một đại gia trong ngành tin học khác là Microsoft thì trị giá chứng khoán của Apple cao hơn đến 60 %.

    Sự thành công vượt bực của Apple mà trong đó Steve Jobs là tác giả không phải là một chuyện tình cờ do : Jobs không chỉ cống hiến cho công chúng những sản phẩm mới với những công nghệ tân tiến, mà ông đã khéo léo dẫn dắt các "tín đồ" của Apple đến với các sản phẩm của mình qua hàng loạt các dịch vụ, những chương trình ứng dụng hấp dẫn và tiện lợi. Qua đó Jobs cũng đã làm thay đổi phần nào cách sống của mỗi chúng ta. Ông là người đã tạo ra những nhu cầu để "bắt" chúng ta đi theo như phương châm Steve Jobs đã từng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần với các cộng tác viên. Bí quyết thành công khác của sáng lập viên Apple là ông đã liên kết tin học với các lĩnh vực công nghệ khác, mà chủ yếu là trong các sinh hoạt giải trí- để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và của một số fan ngày càng đông.


    TỪ KHÓA : Kinh tế - Tạp chí - Tin học

     

Chia sẻ trang này

Share