Mường Nhé - thực hư ra sao? - Thanh Quang, phóng viên RFA

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi việtdươngnhân, Tháng 5 11, 2011.

  1. việtdươngnhân

    việtdươngnhân Bình Chánh

    Tham gia ngày:
    Thg 3 18, 2011
    Bài viết:
    639
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Nơi ở:
    Paris
    Web:



    2011-05-10


    Hồi tháng 2-2001 và tháng 4-2004, tình trạng đàn áp đẫm máu đã xảy đến cho người Thượng Tây Nguyên vì dám phản đối quan chức địa phương cưỡng chiếm đất đai và đàn áp tự do tín ngưỡng của họ.

    [​IMG] AFP photo

    Phụ nữ và trẻ em Hmong trong trang phục cổ truyền.

    Thì nay – vào thời điểm đánh dấu biến cố 30 tháng tư năm 1975 – lịch sử đẫm máu ấy tái diễn trên thân phận khốn cùng của sắc tộc Hmong theo đạo Tin Lành thuộc vùng mạn ngược tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên ở Miền Bắc.

    Rắc rối tái diễn giữa lúc giới cầm quyền gán tội cho “kẻ xấu” trong khi tô bức tranh màu hồng cho quan chức, như thường khi.

    Hôm thứ Hai mùng 9 tháng 5 tuần này, báo Hà Nội Mới Online trích dẫn lời chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, ông Mùa A Sơn, cho biết rằng trước tình hình dân huyện Mường Nhé “bị kẻ xấu lôi kéo, chính quyền và các đoàn thể ở huyện Mường Nhé đã kịp thời vận động, giải thích bà con hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu. Từ đó người dân đã tự giác trở về nơi cư trú. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ phương tiện, lương thực, thuốc men và trợ giúp đồng bào ổn định cuộc sống”.

    TTXVN cũng trích dẫn lời ông Mùa A Sơn không quên cáo giác “một số phần tử xấu đã có hành vi lừa gạt, lôi kéo bằng những luận điệu mê tín dị đoan, thậm chí khống chế bà con người Mông, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em ở bản Huổi Khon và 1 số bản lân cận ở huyện Mường Nhé tụ tập trong rừng, rêu rao về cái gọi là ‘thành lập Vương quốc Mông’ ”.

    Theo TTXVN, Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Vùng Tây-Bắc cho biết hiện tình tại bản Huổi Khon ở Mường Nhé hiện đã “được giải quyết trong hoà bình”, và “tất cả đồng bào bị lôi kéo, dụ dỗ đều đã trở về quê quán”.

    Trong khi đó, nhiều trang mạng nhật ký phổ biến tin của thông tấn xã Đức DPA trích dẫn phát biểu của 1 quan chức Điện Biên nhìn nhận rằng có 3 trẻ em tử vong trong cuộc biểu tình quy tụ hơn 5.000 người Hmong, và bộ đội đã giải tán cuộc biểu tình từ hôm thứ Năm, thứ Sáu tuần rồi mà không có hành động đàn áp đẫm máu nào.

    Các thông tấn xã AP, AFP thì đề cập tới hàng ngàn người biểu tình, còn Reuters trích dẫn nguồn tin ngoại giao nói là có tới 7 ngàn, qua đó, hơn hàng chục người bị cho là cầm đầu cuộc chống đối đã bị bắt và chưa biết số phận ra sao.


    Bịt mắt báo giới

    Giữa lúc giới cầm quyền VN không tiết lộ gì nhiều về diễn biến Mường Nhé, cũng như ngăn chận báo giới và nhà ngoại giao nước ngoài đến khu vực này, thì nhiều trang blog trích dẫn lời Tổ chức Tranh đấu cho Nhân quyền của người Hmong, gọi tắt là CPPA, tức Trung tâm Phân tích Chính sách Công quyền, trụ sở tại Hoa Kỳ, và nhiều nguồn tin Hmong, VN tại tỉnh điện Biên và dọc theo vùng biên giới Việt-Lào hôm thứ Hai mùng 9 tháng 5 cho biết ít nhất có 63 người Hmong đã bị sát hại kể từ khi cuộc biểu tình quy mô và ôn hoà của họ bùng phát cách nay hơn 1 tuần.

    [​IMG] Cảnh sinh hoạt, mua bán của người HMong ở Sapa. AFP

    Vẫn theo CPPA, quân đội nhân dân VN vừa mới đưa các trung đoàn tác chiến tới Điện Biên để tấn công và bắt giữ hàng ngàn người Hmong theo đạo Công Giáo, Tin Lành và các tín đồ theo Thuyết Duy Linh biểu tình đòi nhân quyền, tự do tôn giáo, cải cách điền địa, chấm dứt tình trạng phá rừng, đốn gỗ lậu, giải quyết bất công xã hội.

    Blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN phổ biến bài tựa đề “Vụ Mường Nhé: Lại Đàn Áp” của phân tích gia Nguyễn Xuân Nghĩa, lưu ý rằng việc nhà cầm quyền VN đàn áp người Thượng ở Tây nguyên, và thậm chí đàn áp tại cả Thanh Hoá và Phú Yên, đã thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa lễ Giáng Sinh.

    Tình trạng đàn áp đó đã từng xảy ra một cách có hệ thống và đều khắp ở 10 tỉnh, từ miền Trung ra tới miền Bắc. Và “bây giờ đến lượt tỉnh Điện Biên!”. Tác giả nhận xét tiếp:

    “Với sức mạnh quân sự trong tay, Chính quyền Việt Nam thừa sức diệt trừ - giết chết - những người biểu tình mà thế giới bên ngoài không thể biết được. ..Chuyện người Kinh bị cũng người Kinh nhưng có chức có quyền đàn áp và cướp đất hoặc cư xử tàn ác là hiện tượng bình thường. Dân khiếu kiện tụ tập biểu tình là điều đã xảy ra và ở mọi nơi. Vấn đề không phải là chủng tộc, tôn giáo hoặc thậm chí an ninh, mà là nạn bất công và cái ách tai ngược của một hệ thống chính trị không có tự do.

    Tiến trình chuyển hóa kinh tế thiếu mạch lạc và bất cần tới công bằng xã hội là một nguyên nhân phổ biến. Khi chánh sách quản lý kinh tế sai lầm và bất lực lại gây biến động về giá cả như hiện nay, sự bất mãn của dân chúng, nhất là thành phần thấp cổ bé miệng, sẽ càng dễ bùng nổ. Bất công xã hội giữa thành phần thị dân khá giả và đa số quần chúng nghèo khổ còn lại là một động lực bất ổn khác.

    Chính quyền Việt Nam có thể thấy ra mối nguy đó, nhưng dù có muốn cải thiện cuộc sống của dân nghèo và quan tâm nhiều hơn đến các nan đề xã hội, từ y tế đến giáo dục, họ bị giới hạn bởi thực tế kinh tế chính trị Việt Nam theo "định hướng xã hội chủ nghĩa": xâm phạm vào quyền lợi của các đảng viên cán bộ làm giàu nhờ sống bám vào hệ thống kinh tế nhà nước…

    Chế độ vẫn nắm quyền đàn áp trong tay nên chẳng sợ biểu tình. Khi có cái búa trong tay thì mọi vấn đề đều là cái đinh. Nhắm cho kỹ và đập cho mạnh là xong!”


    Mường Nhé - Tây Nguyên thứ hai!

    Blog Bô-xit VN cũng rất quan tâm “Về Cuộc Bạo Động Ở Mường Nhé”, lưu ý rằng ta cứ thay “Tây Nguyên” bằng “Mường Nhé” thì “tình hình y hệt” nhau. Và bài blog nêu lên câu hỏi rằng “Chúng ta đã học được bài học cay đắng ở Tây Nguyên chưa?”. Blog Bô-xít VN nhận xét:

    “Năm 1976 dân số Tây Nguyên là 1.202.500 người; 13 năm sau, 1989, con số đó là 2.490.178 người – tức là tăng gấp đôi. Tất nhiên, bước nhảy vọt đó chủ yếu là do di dân ồ ạt, không có kế hoạch. Và như một hệ quả, rừng bị tàn phá dữ dội, với tốc độ ngày càng nhanh. Người dân tộc thiểu số vốn sống nhờ rừng, là nạn nhân đầu tiên: cuộc sống của họ bị đảo lộn, bị bần cùng.

    Trong điều kiện đó, dễ hiểu là một số không nhỏ mất niềm tin vào thiết chế xã hội hiện tại, đi tìm một niềm tin mới. Hơn mười năm trước, một số nhà khoa học đã báo động: “Sẽ không là quá sớm khi đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì “Vấn đề dân tộc” sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ.

    Lời tiên tri đó của các nhà khoa học không được ai lắng nghe. Chỉ 4 năm sau khi công trình này được xuất bản, một cuộc bạo động lớn quả nhiên đã xảy ra ở Tây Nguyên. Chỉ cần thay “Tây Nguyên” bằng hai chữ “Mường Nhé” là ta có một tình hình y hệt. Trong vòng 10 năm, dân số tăng gấp đôi do dân cư ở các nơi khác đổ dồn đến. Rừng bị khai thác cạn kiệt.

    Dân bản địa nghèo đi. “Đạo Vàng Chứ”(Đạo Tin Lành địa phương) phát triển rất nhanh. Và bạo động. Chúng ta đã học được bài học cay đắng ở Tây Nguyên chưa?”


    Sự thật?

    [​IMG] Người H'Mông mua bán tại một Phiên chợ ở miền Bắc Việt Nam. AFP PHOTO

    Qua blog Dân Làm Báo, tác giả Trần Khải có bài tựa đề “Mường Nhé?”, nêu lên câu hỏi rằng “Sự thật như thế nào? Có phải Mường Nhé đòi ly khai lập quốc? Có phải Trung Quốc muốn bẻ gãy từng chiếc đũa của đất nước Việt Nam?”. Và tác giả phân tích:

    “Nguy hiểm cho Việt Nam là: Huyện này giáp giới với Lào và với Trung Quốc, lâu dài sẽ liên tục bị nhiều thế lực quốc tế vào dễ dàng, và vì vùng này quá nghèo nên dân cũng dễ bị mua chuộc, và vì dân thất học nhiều nên cũng dễ bị hứa hẹn mê hoặc. Có ai, hoặc chính phủ quốc tế nào, tính dàn dựng cho Mường Nhé ly khai lập quốc, kiểu như vùng Đông Timor đã tách ra khỏi Indonesia để lập quốc gia mới hồi năm 2002... Hoặc, có thể chỉ đơn giản hơn, bên cạnh yếu tố tôn giáo, chỉ là vì dân chúng Mường Nhé quá đói, và vì đất rừng bị phá sạch, thế là trở thành dân oan… nên phải biểu tình? Nghĩa là, cũng y hệt như dân oan ở Sài Gòn, Hà Nội, Bình Thuận… khi mất đất sống?”

    Vẫn theo tác giả Trần Khải thì “hầu như các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam đều giữ im lặng. Một phần, có lẽ vì không tìm được thông tin chính xác, phần vì sợ có một ai, hay một nhóm nào trong cuộc biểu tình Mường Nhé, thực sự là có liên hệ tới một âm mưu ly khai nào… Như thế, chính nghĩa dân chủ hóa cho đất nước Việt Nam sẽ bị nghi ngờ”.

    Nhưng bài “Vụ Mường Nhé: Lại Đàn Áp” vừa đề cập ở phần trên nêu lên câu hỏi rằng “ Loạn hay trị, làm sao biết được nếu không có tự do thông tin?”.

    Theo bà Christy Lee, Giám Đốc Điều Hành Tổ chức Thăng Tiến Cho Người Hmong cũng lưu ý rằng các tướng lãnh Hà Nội đưa thêm quân tới trấn áp người Hmong với những cáo giác và thông tin lệch lạc trong khi không cho giới truyền thông độc lập tới gặp người Hmong đang là nạn nhân của tình trạng bất công, đàn áp tôn giáo cùng nhiều nỗi thống khổ khác. Và bà Lee nêu lên câu hỏi rằng tại sao giới lãnh đạo đảng CSVN sợ sự thật và tại sao người dân ở Điện Biên này lại biểu tình đòi có cải cách thật sự tại VN ?



    Việt Nam: 130 người bị bắt trong cuộc biểu tình của người Hmong ở Điện Biên

    Đức Tâm, rfi
    [​IMG] Theo tổ chức Đoàn kết Kitô giáo Thế giới, (Christian Solidarity Worldwide – CSW), trong cuộc biểu tình của người Hmong, 130 người đã bị bắt giữ và quân đội vẫn tiếp tục được điều động lên tỉnh Điện Biên, để phong tỏa nơi mà những người Hmong, thuộc một giáo phái, đã biểu tình và bị giải tán hồi tuần trước.
    Mặc dù chính quyền Việt Nam tuyên bố tình hình huyện Mường Nhé, tại tỉnh Điện Biên, phía Tây Bắc đã yên ổn, nhưng các cơ quan truyền thông và tổ chức bảo vệ nhân quyền, đấu tranh cho tự do tín ngưỡng vẫn tiếp tục đưa tin về cuộc biểu tình của người Hmong.
    Hôm nay, 10/05/2011, tổ chức Đoàn kết Kitô giáo Thế giới, (Christian Solidarity Worldwide – CSW) có trụ sở tại Anh Quốc, cho biết là trong cuộc biểu tình của người Hmong, 130 người đã bị bắt giữ và quân đội vẫn tiếp tục được điều động lên tỉnh Điện Biên, để phong tỏa nơi mà những người Hmong, thuộc một giáo phái, đã biểu tình và bị giải tán hồi tuần trước. Hàng ngàn người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã bị đưa về bản quán, nhưng hiện vẫn còn khoảng 3000 người tụ tập biểu tình.
    Vẫn theo nguồn tin của CSW, thì có hai người cầm đầu giáo phái đã chạy trốn vào rừng và bị quân đội bắn chết. Trong khi đó, giới phóng viên và ngoại giao nước ngoài vẫn không được phép lên tỉnh Điện Biên. Điện thoại liên lạc với khu vực này bị cắt. Điều đáng lo ngại là những người còn tụ tập biểu tình ở huyện Mường Nhé phải sống trong hoàn cảnh bị cô lập, bên ngoài không thể vào được, điều kiện vệ sinh tồi tệ, quân đội hiện diện đông đảo. Chính quyền Việt Nam cho biết có ba trẻ nhỏ đã thiệt mạng.
    Các lãnh đạo Tin Lành tại Việt Nam nói với CSW rằng họ lo ngại là những người Hmong theo đạo Tin Lành đích thực bị đánh đồng với những người theo các giáo phái. Lý do là vì một website của chính phủ Việt Nam đã nhầm lẫn khi coi những người Hmong biểu tình là tín đồ của đạo Tin Lành.
    Trong khi đó, Harold Camping, học giả Thiên chúa giáo, phụ trách một đài phát thanh ở Mỹ tuyên bố rằng 21/05 là ngày tận thế và kêu gọi người Hmong tụ tập nghe thuyết giảng giáo phái và phân phát các tài liệu bằng tiếng Hmong. Thêm vào đó, có hai người tự xưng là Đấng Cứu Thế « Messiah » xuất hiện tại huyện Mường Nhé. Hàng ngàn người Hmong, từ nhiều nơi, kể cả từ Cao Nguyên Trung phần Việt Nam, kéo về đây nghe thuyết giảng. Người Hmong tin rằng Đấng Cứu Thế Messiah sẽ xuất hiện và lập vương quốc riêng cho họ.
    Theo tổ chức Đoàn kết Kitô giáo Thế giới thì Tây Bắc là một trong những nơi mà quyền tự do tôn giáo bị bóp nghẹt nhất Việt Nam. Mặc dù tình hình chung được cải thiện trong những năm qua, nhưng tác động tích tụ, dồn nén của các chính sách hạn chế tự do tôn giáo, ngăn cản thuyết giảng, in ấn Kinh thánh đối với người Hmong đã tạo ra những điều kiện làm xuất hiện và lan rộng các cuộc tập hợp nghe thuyết giảng của các giáo phái.
    Đại diện CSW, ông Andrew Johnston kêu gọi chính phủ Việt Nam tự kiềm chế và bảo đảm các quyền của những sắc dân thiểu số trong thời điểm căng thẳng hiện nay. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo của công dân.


    Đọc thêm: Vụ Mường Nhé: Lại Đàn Áp!

    2011-05-08

    Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo 110507

    Bấm vào đây để xem nội dung đã được giấu ở trong

    Có cái búa trong tay, mọi vấn đề đều là cái đinh! [​IMG] Coi chừng! Họ có võ khí!
    Có phải là một ngẫu nhiên không, khi mà mọi sự khởi đầu vào ngày 30 Tháng Tư? Tại tỉnh Điện Biên trên vùng cực Tây của Việt Nam tiếp giáp với lãnh thổ Lào, huyện Mường Nhé là nơi tập trung một số dân thiểu số người Hmong. Đây là thành phần cùng khốn nhất trong số người cùng khốn của Việt Nam. Ngày 30 Tháng Tư vừa qua, dân Hmong đã có cuộc biểu tình. Số người tham dự là bao nhiêu thì chưa ai biết chắc, có thể là cả ngàn, thông tấn xã Reuters trích dẫn nguồn tin ngoại giao tại Hà Nội thì nói đến bảy ngàn. Một điều mà người ta biết chắc là dân biểu tình đã bị đàn áp, và đàn áp dữ dội. Theo tổ chức đấu tranh cho nhân quyền của người Hmong hoạt động tại Hoa Kỳ là Center of Public Policy Analysis (CPPA - Trung tâm Phân tích Chính sách Công quyền) thì có 29 người bị thiệt mạng. Con số mới hơn, do CPPA loan báo ngày Thứ Sáu mùng sáu thì nói đến 39 người hay 49 người và một người bị thương nặng, mấy trăm người bị mất tích. Người ta sở dĩ không biết được tình hình chính xác ở tại chỗ vì cả huyện Mường Nhé đã bị phong toả. Truyền thông báo chí quốc tế bị ngăn cản không được tới nơi tìm hiểu, vì lý do thời tiết và đường sá đang sửa sang tu bổ. Lý do cũng kỳ! Mặc dù khu vực bị phong tỏa, tin tức được cư dân địa phương tiết lộ ra là ngoài công an và cả quân đội đã được huy động vào cuộc đàn áp. Và theo thông tấn AFP của Pháp trích dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao của Hà Nội thì cho đến ngày mùng sáu, tình hình đã... "ổn định". Loạn hay trị, làm sao biết được nếu không có tự do thông tin? Và bảo rằng mọi sự khởi đầu từ ngày 30 ThángTư thì chỉ là một cách nói.
    Cái nhân của mọi chuyện phải phát sinh sớm hơn.
    ***
    Trong các sắc dân thiểu số, người Hmong thuộc loại thiểu số nhất. Họ thuộc dân Tầy Thái đi từ những vùng hoang vu đói khổ của Trung Hoa, nhất là tỉnh Quý Châu, và di cư trễ nhất vào Việt Nam nên sống tại các khu vực nghèo nhất trên mạn ngược do hoàn cảnh "trâu chậm uống nước đục". Là một nhánh của Miêu tộc, vì vậy cứ bị chúng ta gọi là người Mèo, họ toàn sống trên thượng du cheo leo, ở vùng biên giới với Trung Quốc và với Lào. Có tinh thần độc lập rất cao, họ bị lôi vào ngần ấy cuộc chiến tại Đông Dương trong thế kỷ 20. Lại chống phe cộng sản, cả Lào lẫn Việt Nam, nên họ gặp số phận thiếu may mắn. Họ đã bị Pháp rồi Hoa Kỳ bỏ rơi, bị các chính quyền Cộng sản tại Lào và Việt Nam nghi ngờ, đầy ải. Trôi dạt qua các xứ lân cận như Thái Lan, Cao Miên để tìm đất dung thân thì bị xua đuổi. Tại Việt Nam, họ sống ở các tỉnh cực Bắc của Việt Nam như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, hay Tây Bắc như Điện Biên và Sơn La, tập trung nhiều nhất tại Hà Giang và Điện Biên. Từ vài chục năm nay, một số đã đi vào vùng Cao nguyên Trung phần (giờ gọi là Tây nguyên). Là một sắc tộc thiểu số quen nếp du mục, người Hmong gặp nhiều vất vả trong tiến trình kỹ nghệ hóa và đô thị hóa của các vùng đất ngụ cư bên Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Đó là hoàn cảnh xáo trộn chung của các xã hội nông nghiệp. Nhưng là dân thiểu số đáng nghi, họ vất vả chật vật hơn nhiều thành phần khác. Thảm kịch thứ hai là tinh thần độc lập rất cao khiến họ tìm đến vùng đất không người, vì thiên nhiên hiểm trở và tài nguyên khan hiếm, để dung thân. Mà đi mãi thì cũng hết đất, tức là mất chốn dung thân vì dân số gia tăng đều - từ 46 triệu dân vào năm 1975, Việt Nam ngay nay có dân số gần 90 triệu và đang mở mang lung tung! Thảm kịch thứ ba, cũng do tinh thần độc lập và muốn duy trì bản sắc riêng, người Hmong "sống chẳng giống ai" và càng trở thành đáng nghi với các thành phần dân chúng khác, vốn dĩ đã có tinh thần kỳ thị và khinh miệt ngươi thiểu số, kẻ lạ. Thảm kịch thứ tư là dù rất dung dị với phong cách sinh sống của các sắc dân khác, có khi là đồng tộc, người Hmong muốn tìm đến giải pháp tâm linh mới: tin vào Cơ Đốc giáo, với các mục sư đã kiên trì miệt mài tìm đến họ để truyền giáo và giúp họ cải thiện cuộc sống. Với ngần ấy hành trang "có vấn đề", thảm kịch lớn nhất của người Hmong tại Việt Nam là sống dưới một chế độ cộng sản có tham vọng toàn trị: mọi sinh hoạt phải tập trung vào một mối, một nếp, dưới sự lãnh đạo của một đảng. [​IMG] Nạn dân người Hmong bị xua đuổi từ Thái Lan về Lào
    Tia lửa làm bật cháy có thể là ngày Tết vừa rồi của người Hmong.
    Họ muốn ăn Tết theo phong tục riêng và vào ngày khác nên gặp vấn đề với chính quyền tại Mường Nhé. Mâu thuẫn rồi xung đột bùng nổ và họ trở thành nạn nhân bị đàn áp. Loại chi tiết ly kỳ về một đấng tiên tri sẽ giáng thế hoặc về một thế lực thần linh siêu nhiên nào đó - bị phê phán là "mê tín dị đoan" - chỉ là mặt nổi của tinh thần bất dung - không dung thứ sự dị biệt. Câu hỏi ta cần nêu ra là vì sao có các mục sư vẫn cố tìm đến họ và sống với họ trong những điều kiện rất cực nhọc để truyền đạo và dần dần đem lại một nguồn hy vọng mới mà Chính quyền và người Việt lại không làm được như vậy? Bảo rằng các nhà tu đó là CIA của Mỹ thì chỉ là lý cớ láo khoét. Đặt ngược lại vấn đề thì ta thấy ngay sự xuẩn động dại dột ấy: nếu Trung Quốc cũng có cán bộ kiều vận người Miêu đi vào cộng đồng này, với cùng ngôn ngữ và rất nhiều phẩm vật để tranh thủ, thì an ninh và kinh tế sẽ xoay chuyển ra sao trong các khu vực thật ra là chiến lược đó của Việt Nam? Giữa các dự án bauxite hay di dân từ Hoa lục với những nỗ lực truyền giáo về một cõi tâm linh khác, như chúng ta đang thấy trong các tông phái Ky-tô giáo trên toàn cầu, cái nào mới là mối nguy?
    Câu hỏi ấy dẫn ta trở về vấn đề vì sao lại đàn áp?
    *** Tại vùng Tây nguyên, việc đàn áp đã xảy ra hồi Tháng Hai năm 2001 và Tháng Tư năm 2004, mà nạn nhân cũng lại là các sắc dân thiểu số theo đạo Cơ Đốc - hay Tin Lành như một cách gọi khác. Nguyên do vẫn là sự bất mãn vì đất đai bị cưỡng chiếm, tín ngưỡng bị xâm phạm và dân thiểu số bị người Kinh - người Việt ta - lẫn "công nhân" Trung Quốc ức hiếp. Đó là khi ta nhìn vào tấm bản đồ và quan tâm nhiều hơn đến đồng bào người Thượng, gọi là "Montagnards" hay "Degar" và đồng hương của họ sống tại Hoa Kỳ. Nơi đây, "Nghị hội Dân tộc Hmong Thế giới" (Congress of World Hmong People trên website cwhp.us) có trụ sở tại St. Paul của tiểu bang Minnesota hay Montagnard Foundation Inc. (trên website montagnard-foundation.org) có trụ sở tại thành phố Spartanburg của tiểu bang South Carolina, là các tổ chức thường xuyên loan tin và vận động dư luận Mỹ, tổ chức Human Rights Watch lẫn chính trường và Quốc hội Hoa Kỳ cho số phận của họ. Người Việt ta ít chú ý đến sự kiện này để có nhiều thông tin cập nhật hơn về những gì đã xảy ra ngay trong lãnh thổ của mình. Nếu lại nhìn vào tấm bản đồ cùng tấm lịch, thì những vụ đàn áp như vậy đã xảy ra từ cả chục năm nay, tại vùng Tây-Bắc của Việt Nam lẫn bên Lào. Hồi tháng Bảy năm 2000 và tháng Sáu năm 2003, Quân đội Việt Nam đã giúp Chính quyền Cộng sản Lào diệt trừ các cuộc đấu tranh của người Hmong chung quanh tỉnh Điện Biên. Cách đây đúng một năm, cũng vào dịp 30 Tháng Tư và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Hà Nội ngày mùng bảy Tháng Năm 1954, giao tranh đã bùng nổ với cuộc hành quân hỗn hợp của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và quân đội của Hà Nội vào khu tự trị của người Hmong trong các tỉnh biên giới Lào. Giao tranh bùng nổ vì một số người Hmong đã có võ khí cá nhân. Ở bên trong Việt Nam, việc đàn áp người Thượng ở Tây nguyên (Gia Lai, Kontum) và thậm chí tại cả Thanh Hoá và Phú Yên đã thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa lễ Giáng Sinh. Việc dân chúng sử dụng điện thoại để liên lạc với bên ngoài đã bị ngăn và các Linh mục Công giáo cũng bị cấm dâng lễ. Đáng chú ý mà bị lãng quên là tình trạng đàn áp đó đã xảy ra một cách có hệ thống và lan rộng trên mười tỉnh, từ miền Trung ra tới miền Bắc. Bây giờ đến lượt tỉnh Điện Biên!
    Và ráp lại với chuyện Lào thì có lẽ chúng ta thấy ra bức tranh toàn cảnh.
    Đầu năm nay, Chính quyền Lào đã mở chiến dịch đàn áp và xua đuổi người Hmong trong lãnh thổ Lào, bên kia tỉnh Điện Biên. Chưa có gì chứng minh rằng người Hmong biểu tình tại Mường Nhé có quan hệ tổ chức gì với người Hmong đang nổi dậy từ nhiều năm nay ở bên Lào. Nhưng số phận ngặt nghèo của người Hmong tại Việt Nam và cách Hà Nội thẳng tay đàn áp cũng có thể giải thích được nhiều chuyện.
    Với sức mạnh quân sự trong tay, Chính quyền Việt Nam thừa sức diệt trừ - giết chết - những người biểu tình mà thế giới bên ngoài không thể biết được. Chế độ không bị đe dọa bởi những vụ biểu tình hay thậm chí nổi dậy lẻ tẻ trong các vùng đất hoang vu ít ai đặt chân tới như vậy. Và thật ra, các sắc dân thiểu số này cũng không hề có ý hướng lật đổ chế độ. Họ chỉ muốn cải thiện cuộc sống và có được những quyền tự do tối thiểu, từ thờ phụng đến sinh hoạt thường nhật.
    Nhưng nếu nhìn rộng ra toàn cảnh, người ta có thể kết luận khác.
    Chuyện người Kinh bị cũng người Kinh, nhưng có chức có quyền, đàn áp và cướp đất hoặc cư xử tàn ác là hiện tượng bình thường. Dân khiếu kiện tụ tập biểu tình là điều đã xảy ra và ở mọi nơi. Vấn đề không phải là chủng tộc, tôn giáo hoặc thậm chí an ninh, mà là nạn bất công và cái ách tai ngược của một hệ thống chính trị không có tự do.
    Tiến trình chuyển hóa kinh tế thiếu mạch lạc và bất cần tới công bằng xã hội là một nguyên nhân phổ biến. Khi chánh sách quản lý kinh tế sai lầm và bất lực lại gây biến động về giá cả như hiện nay, sự bất mãn của dân chúng, nhất là thành phần thấp cổ bé miệng, sẽ càng dễ bùng nổ.
    Bất công xã hội giữa thành phần thị dân khá giả và đa số quần chúng nghèo khổ còn lại là một động lực bất ổn khác.
    Chính quyền Việt Nam có thể thấy ra mối nguy đó, nhưng dù có muốn cải thiện cuộc sống của dân nghèo và quan tâm nhiều hơn đến các nan đề xã hội, từ y tế đến giáo dục, họ bị giới hạn bởi thực tế kinh tế chính trị Việt Nam - theo "định hướng xã hội chủ nghĩa": xâm phạm vào quyền lợi của các đảng viên cán bộ làm giàu nhờ sống bám vào hệ thống kinh tế nhà nước.
    Sau Đại hội đảng Khoá 11 vào đầu năm nay và trước khi Quốc hội tổ chức việc tái bầu cử vào ngày 22 Tháng Năm này, lãnh đạo của đảng phải tìm thế cân bằng các thế lực kinh tế và dung hòa với hoàn cảnh công quỹ đang cạn kiệt. Nếu có so sánh với những vụ khiếu kiện, biểu tình hoặc thậm chí nổi dậy thì chuyện dung hòa ấy mới là ưu tiên lớn, vì bề nào chế độ vẫn nắm quyền đàn áp trong tay nên chẳng sợ biểu tình.
    Khi có cái búa trong tay thì mọi vấn đề đều là cái đinh. Nhắm cho kỹ và đập cho mạnh là xong!
    Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội lại đùa với lửa vì những hậu quả quốc tế của việc đàn áp người Hmong trong khu vực biên giới với Lào và Trung Quốc.
    Nhiều giới chức Việt Nam cho rằng những phần tử phản loạn này bị "bọn xấu nước ngoài" xúi giục và dân Hmong còn muốn gây rối nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên. Có thể lắm, nhưng dại dột nói đến Chiến thắng Điện Biên thì đừng quên bàn tay Trung Quốc! Góp phần đáng kể....
    Đã không giải quyết được bài toán kinh tế xã hội ở bên trong mà lại còn để bùng nổ nhiều biến động trong các khu vực chiến lược tại Tây nguyên và vùng tiếp giáp với Trung Quốc và Lào, lãnh đạo Hà Nội đang tạo cơ hội cho nước ngoài điểm huyệt vào xương sống!
    Và nước ngoài ở đây không là các mục sư hay linh mục Ky-tô giáo hoặc cả Hoa Kỳ đang có đầy những ưu tiên khác.... Chơi dại!



    http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=4400
     
  2. việtdươngnhân

    việtdươngnhân Bình Chánh

    Tham gia ngày:
    Thg 3 18, 2011
    Bài viết:
    639
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Nơi ở:
    Paris
    Web:



    [​IMG]
    Xin giới thiệu với qúy vị, mục sư Trần Nguyên, Tổng thư ký của Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Các Dân Tộc Việt Nam (VPEF), hôm nay đã được phóng viên ChimQuốcQuốcVNCH của Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ thuộc hệ thống www.paltalk.com thực hiện một cuộc phỏng vấn, về những gì đã xảy ra đối với các tín hữu Tin Lành như MS Chủ Tịch Hiệp Hội Nguyễn Công Chính và cuộc biểu tình của đồng bào Hmông tại Mường Nhé, thuộc tỉnh Điện Biên.
    Sau đây là những trích đoạn trong lời phát biểu của MS Trần Nguyên:
    - Ngày 28/4/2011 vừa qua, MS Nguyễn Công Chính trên đường đi công tác nghiệp vụ trở về địa phương, trở về nhà, thì theo lời yêu cầu của chính quyền địa phương, MS có đến … để đăng ký tạm vắng tạm trú cho các anh em sinh viên sắc tộc để xuống Sài Gòn đi học …và khi ông đến đó thì Chính quyền họ gạt ông lại đó rồi bắt còng tay… Rồi lại nhà khám xét, … Mình thấy không có sự ngay thẳng trong này… Trong giai đoạn trước MS Chính cũng đấu tranh cho những hội thánh Tin Lành tư gia mà bị bắt bớ, bị nghiêm cấm, không cho sinh hoạt, tụ tập lại để thờ phượng Chúa… Từ những việc đó đã đụng chạm đến chính quyền và công an… Tổng kết lại ông Chính đã bị 20 tra tấn đánh đập, 86 lần bị trục xuất khỏi nhà ở, 23 lần bị ủi sập nhà nguyện, 300 lần bị thẩm vấn. Những lần đó, MS Chính đấu tranh cho cái quyền tự do sinh hoạt tôn giáo, quyền căn bản thiêng liêng của mọi người dân mà chính luật pháp của Việt Nam đã ra những pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, họ ra nghị định, chỉ thị, nói chung là công bố cho thế giới, VN tôn trọng cái quyền tín ngưỡng thiêng liêng về tôn giáo… Nhưng thật sự trong mấy năm vừa qua… tất cả các tôn giáo đều có sự khó khăn, bắt bớ… Đặc biệt ở hội thánh chúng tôi… Họ nói rằng không được tự do sinh hoạt… Mỗi lần nhóm lại là phải đăng ký xin phép… Khi mình tới đăng ký thì họ nói giáo phái này chưa có được công nhận, đợi cấp trên công nhận thì họ mới cho phép…
    Trả lời về một câu hỏi về cuộc biểu tình của đồng bào Hmông ở Mường Nhé, thuộc tỉnh Điện Biên, MS Nguyên cho biết như sau:
    - Cách đây 10 hôm thì tôi được một mục sư ở ngoài đó, anh em cũng có báo khoảng 3000 người dân sắc tộc tại đó biểu tình, họ yêu cầu 1) về đời sống, về đất đai phải được thỏa đáng… 2) chăm sóc các hộ nghèo cho công bằng, và 3) về tín ngưỡng tôn giáo… Nghe nói rằng có vụ xung đột với công an… Cách một hôm đây, anh em có điện thoại cho chúng tôi, mấy sắc tộc thông báo với nhau để cầu nguyện cho sắc tộc Hmông… có 400 người bị giết chết và thương tích luôn… con số tử vong nghe nói khoảng đâu 300, cùng luôn thương tích là 400 trên dưới… Nguồn tin này của môt mục sư, xin được phép, vì lý do an ninh, mình xin dấu tên…là con cái Chúa nên cũng đáng tin cậy…
    Thật tình, không ai hiểu nổi, dưới ánh sáng của thế kỷ 21 này, những tín hữu Tin Lành hội tụ với nhau để học Kinh Thánh và cầu nguyện Chúa mà lại phải xin phép. Cái này mà gọi là quyền tự do tín ngưỡng ư ??? Rồi thôi, họ cũng ngoan ngoãn đến xin phép chính quyền địa phương, thì được trả lời: “tôn giáo Tin Lành này chưa được công nhận, phải được cấp trên công nhận thì mới được cho phép.” Ấy là chưa kể đến việc cố tình, “trên bảo dưới không nghe”, dù luật lệ của trên đã thay đổi, nhưng cấp dưới chẳng nghe theo, làm gì được họ, nạn nhân chỉ biết cười trừ mà thôi. Chỉ khi nào nước CHXHCNVN này sụp đổ, thì mới có tự do tôn giáo mà thôi.
    Ngày 12 tháng 5 năm 2011
    Mylinhng@aol.com
    http://mylinhng.wordpress.com
    Xin phổ biến tự do

    PS: 2 đoạn thâu âm cuộc phỏng vấn của phóng viên ChimQuốcQuốcVNCH và MS Trần Nguyên:
    Attachment: MS TranNguyen 12.mp3
    Attachment: MS TranNguyen 22.mp3

    http://baotoquoc.com
     
  3. việtdươngnhân

    việtdươngnhân Bình Chánh

    Tham gia ngày:
    Thg 3 18, 2011
    Bài viết:
    639
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Nơi ở:
    Paris
    Web:



    Thứ hai 23 Tháng Năm 2011

    [​IMG]
    Người tỵ nạn Hmong ở vùng biên giới giáp Lào (AFP)




    Tú Anh

    Vào ngày 10/05, Phó thủ tướng Việt Nam Trương Vĩnh Trọng tuyên bố với báo chí là tình hình Mường Nhé đã ổn định. Tuy nhiên, 10 ngày sau, Trung tâm Phân tích Chính sách Công CPPA tại Mỹ cho biết Việt Nam đã huy động thêm trực thăng để tấn công người Tin Lành Hmong trốn vào rừng sau đợt đàn áp hồi đầu tháng.




    Các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng tố cáo hành động đàn áp tôn giáo và kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt phong tỏa Mường Nhé, để cho quan sát viên độc lập lên tận nơi điều tra sự việc. RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với Hiệp hội Quốc tế Nhân Quyền (HHQTNQ), trụ sở tại Đức về căn nguyên nguồn cội của vụ trấn áp này.
    RFI : Các tổ chức phi chính phủ nhận được thông tin ( hưa kiểm chứng) như thế nào, chuyện gì xảy ra ở Mường Nhé?


    Ông Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký Hiệp Hội Quốc tế Nhân Quyền

    23/05/2011
    Nghe (09:41)
    [​IMG]
    [​IMG]












    Hiện nay Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được nhiều thông tin khác nhau và chưa thể kiểm chứng chúng được vì chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục phong tỏa khu vực quanh huyện Mường Nhé ở tỉnh Điện Biên. Hiện nay chúng tôi chỉ ghi nhận rằng bắt đầu từ ngày 30/4 đến ngày 4/5 hàng ngàn người thuộc sắc tộc Hmong đã tụ tập về một khu rừng thuộc thôn Huổi Khôn, huyện Mường Nhé để chờ đón đấng Cứu Thế. Nhưng phía chính quyền lại lẫn lộn đấng Cứu thế của một số hội thánh Tin Lành với Vua Hmông của đạo Vàng Chứ nên cho rằng những người Tin Lành này có ý định thành lập Vương quốc Hmông. Cần biết rằng một tháng trước cuộc tụ hội nói trên xảy ra, chính cơ quan ngôn luận của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Biên phòng là báo Biên phòng đã cho đăng một loạt 4 bài đả kích đạo Vàng Chứ. Họ xem đây là một thứ đạo do tướng lưu vong Vàng Pao lập ra để chống cộng sản. Sự nhầm lẫn này đã dẫn đến cuộc đàn áp dã man cuộc tụ hội nói trên. Sự ngộ nhận này vô cùng tai hại vì đã đẩy một tôn giáo - dù là một tôn giáo không chính thống - trở thành một tổ chức chính trị ly khai với âm mưu thách thức quyền lực của đảng Cộng sản Việt Nam.
    RFI : Chính quyền đã đối phó ra sao?

    Ngày 4 và 5 tháng 5 chính quyền Việt Nam đã cho quân đội và công an đến đàn áp và giải tán buổi nhóm ôn hòa mà họ xem là của đạo Vàng Chứ này. Hậu quả của cuộc đàn áp này rất thảm khốc. Chúng tôi nghe rằng số người chết có thể lên đến vài chục người, số bị thương lên đến trên 100 người, số người bị tạm giữ lên đến trên 1.000 người. Một số lớn các tín đổ Hmong dù sau đó đã được thả ra nhưng sợ không dám về nhà nữa. Có tin cho chúng tôi biết có thể có vài trăm người hiện đang phải lẩn trốn trong rừng. Theo HHQTNQ vụ đàn áp tôn giáo lớn nhất trong những năm qua này là kết quả của một chính sách tôn giáo sai lầm lâu dài đối với người Hmong theo đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

    RFI : Nguồn tin riêng của Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế xác nhận nguyên nhân và diễn biến vụ việc đến đâu?

    Nguyên nhân là chính sách tôn giáo hà khắc đối với đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và đặc biệt hà khắc ở tỉnh Điện Biên nói riêng. Trong khi chính quyền Việt Nam chấp nhận nới lỏng cho các hội thánh Tin Lành miền xuôi hoạt động trở lại trong những năm qua thì họ lại xiết chặt chủ trương đối phó với đạo Tin Lành ở các tỉnh biên giới phía Bắc và phía miền Trung. Các tài liệu tập huấn của Ban Tôn giáo Chính phủ từ năm 2006 đến nay vẫn không chấp nhận cho những người mới theo đạo Tin Lành ở các tỉnh Tây Bắc được hoạt động bình thường.

    Người Hmong vì bị đàn áp tôn giáo mà phải di cư từ địa phương này đến địa phương khác nên bị xem là người mới theo đạo. Các chính quyền địa phương đã vi phạm đến nhân quyền căn bản nhất của họ là quyền được có và được giữ tôn giáo cho riêng mình bằng cách bắt họ phải bỏ đạo. Còn nếu muốn sinh hoạt đạo chung với nhau thì họ phải làm chui và bị xem là bất hợp pháp. Ngay cả Tổng Hội Tin Lành miền Bắc, là một tổ chức có tư cách pháp nhân từ năm 1958, cũng không có quyền công nhận và đào tạo các trưởng nhóm trong các sắc tộc nữa.

    Trong tay chúng tôi có rất nhiều tài liệu mật, tài liệu nội bộ của đảng và chính quyền Cộng sản tố cáo chính sách tôn giáo 2 mặt của Việt Nam. Về mặt công khai và ra phía quốc tế Việt Nam đã đưa ra một bộ mặt hòa hoãn và chấp nhận đối thoại để sửa đổi. Nhưng HHQTNQ chúng tôi vẫn bắt được những văn bản chỉ đạo đàn áp tôn giáo – trong đó có cả văn bản của thủ tướng chính phủ - được lưu hành trong nội bộ có nội dung đi ngược với chính Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo của năm 2004. Do đó biến cố Mường Nhé là một chuyện đương nhiên phải xảy ra.


    RFI : Cần phải điều tra thêm về những sự kiện nào chưa rõ ràng ?

    Nguyên nhân và hậu quả của biến cố Mường Nhé hiện vẫn là một bí ẩn. HHQTNQ kêu gọi chính quyền Việt Nam phải công bố danh sách những người bị chết, bị thương và bị giam giữ. Chính quyền Việt Nam phải mở cuộc điều tra sâu rộng về nguyên nhân trực tiếp lẫn gián tiếp dẫn đến cuộc đàn áp này và minh bạch hóa kết quả cuộc điều tra này. Chính quyền Việt Nam cần rút lại mọi chỉ thị phong tỏa Mường Nhé để cho các quan sát viên độc lập quốc tế có thể đến đó và đến các địa phương lận cận để tiếp xúc với người địa phương. Đó là những biện pháp cần thực hiện ngay. Sau đó Việt Nam phải rà soát lại chính sách tôn giáo hai mặt và hủy bỏ tất cả những văn bản mật về đàn áp tôn giáo được lưu hành trong nội bộ đảng và chính quyền.



    tags: Nhân quyền - Phỏng vấn - Việt Nam
     

Chia sẻ trang này

Share