Gvtlv2013:tìm được Dĩ Vãng.

Thảo luận trong 'Truyện ngắn dư thi' bắt đầu bởi administrator, Thg 10 24, 2013.

  1. administrator

    administrator Administrator Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    Thg 3 14, 2011
    Bài viết:
    211
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    16
    Giới tính:
    Nam
    TÌM ĐƯỢC DĨ VÃNG.

    Ai dám bảo dĩ vãng trôi qua rồi không bao giờ tìm lại được? Thế mà tôi đã tìm được và đang nắm giữ nó trong tay. Vậy thì cái ước mơ: “Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…” ngày xưa của tôi trên đất mẹ sẽ có ngày trở lại. Với tấm lòng thành hướng về Tổ Quốc thân yêu tôi mong mỏi và tin tưởng như vậy.
    Bên một góc trời Âu của quận 13 giữa phố Paris, tôi đã tình cờ gặp lại nàng. Từ Hotel Le Baron, trên đường Avenue de Choisy, nàng bước ra và đi về phía chợ. Tôi lặng lẽ theo sau nàng một khoảng cách vừa phải, vừa đi vừa ngắm nghía sau lưng nàng một cách thích thú và hồi họp, trống ngực đánh thình thình như thưở còn lẽo đẽo theo sau nàng mỗi buổi tan trường về của những ngày xa xưa trên quê hương yêu dấu giờ đã xa tít mù khơi. Một ký ức không bao giờ phai, mà nay vẫn còn âm ỉ dấu kín tận đáy lòng. Ôi quê hương! Một thời thanh bình êm ả nay còn đâu?
    Nàng như chẳng nhận ra tôi bởi có lúc bất ngờ nàng quay người lại để bước lui vào một cửa hàng nào đó mà nàng đã bỏ lỡ khi đi ngang qua. Lúc đó, mặt đối mặt, hai ánh mắt chạm nhau. Nhưng cái nhìn của nàng khiến tôi nhớ đến một câu hát nào đó của nhạc sĩ Lê Tín Hương: “Không cần biết anh là ai…” Có nghĩa là nàng phớt tỉnh Ăng Lê, cho nên tôi mới có dịp nhìn thẳng khuôn mặt nàng mà không sợ bị phát hiện. Dáng dấp nàng vẫn thon thả, mái tóc vẫn xõa ngang vai. Tuy bây giờ đã không còn dầy và bóng mượt như xưa, nhưng vẫn như một bức mành với những sợi tơ muôn đời thắt chặt vào hồn tôi không buông. Nàng mang giầy boot nâu, mặc một chiếc dress màu nâu đậm, cổ tay và cổ áo bẻ lật ra ngoài bằng một lớp ren màu nâu nhạt, hai vạt áo cài chồng lên nhau bằng hai hàng nút khá đắt tiền nhìn rất sang cả. Trông nàng giống như một tiểu thư con nhà khuê các, kín cổng cao tường ngày xưa của đất thần kinh miền Trung nước Việt.
    Nàng cứ đi quanh quẩn ngắm hết cái này đến cái nọ mà không thấy nàng mua gì hết. Tôi cũng đi quẩn quanh theo nàng mà chưa dám nhận “bà con” bởi hình ảnh quá khứ đang kéo tới ùn ùn khiến tôi ngại ngùng. Dạo ấy, chúng tôi là láng giềng của nhau ở phố Sài Gòn, nàng hơn tôi vài tuổi nhưng nhằm nhò gì. Các cụ ngày xưa vẫn thường nói “gái hơn hai, trai hơn một” kia mà! Tình yêu nào có phân biệt tuổi tác? Nàng lên đại học, tôi vẫn còn là anh học trò đệ nhị. Tôi cũng chẳng biết mình trồng cây si nàng từ bao giờ. Chỉ biết khi bóng nàng thấp thoáng từ đầu ngõ mỗi buổi tan trường về là chúng tôi, một lũ “ranh con” hỉ mũi chưa sạch theo sau đuôi nàng như một đội cận vệ theo hộ tống “bà lớn” đi “thị sát dân tình”. Mỗi lần nàng quay người lại mỉm cười với chúng tôi là cả bọn “sướng tê”, đứa nào cũng nghĩ là “nàng cười với ta”.
    Cho đến một hôm, giời ạ! Nàng xuất hiện ngay ngưỡng cửa nhà tôi. Quá bất ngờ tôi đứng như trời trồng, Nàng cười (Ôi! Nụ cười nghiêng nước nghiêng thùng) hỏi tôi:
    - Có Thủy Tiên ở nhà không ạ?
    Tôi không trả lời mà chạy mất tiêu luôn. Không chạy làm sao được, bởi tôi đang quần đùi áo “may ô”, tay cầm nùi giẻ hùng hục đánh bóng chiếc vespa vừa được ông bố thưởng cho sau khi thi đậu tú tài đôi. Chiếc xe được dựng ngay giữa phòng khách, đèn đuốc sáng choang, cửa thì mở toang hoác như để cho bà con lối xóm ai cũng biết là tôi vừa được chiếc xe mới để từ nay khỏi phải đạp xe đạp đi học như thời còn Trung Học nữa! Tuy là xe mới kéo chứ không phải “secondhand”, nhưng tôi vẫn lau chỗ này, chùi chỗ nọ, miếc chỗ kia. Bóng đến nỗi tôi có cảm tưởng, con ruồi nào vô phúc đậu lên xe tôi chắc chắn là phải té lăn cù. Chính vì chăm chú, mãi mê o bế chiếc xe kỹ quá nên nàng “đại giá quan lâm” mà tôi đâu có biết. Thì ra nàng là bạn học cùng Văn khoa với bà chị cả Thủy Tiên của tôi.
    Không bỏ lỡ dịp may, tôi tắm vội vã, diện láng cón, trình diện nàng với câu nói thành tâm “lo lắng” cho nàng:
    - Để tôi chở Chiêu Thương về, con gái không nên đi tối nguy hiểm, tôi có xe đây!
    Vừa nói tôi vừa chỉ chiếc vespa, nhưng nàng lắc đầu từ chối:
    - Cám ơn, tôi có xe nhà đang chờ ngoài kia.
    Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của nàng phía bên kia đường, có một chiếc xe hơi trắng với người tài xế đang ngồi đợi. Nàng là con nhà quan, bố nàng là một vị Sĩ Quan cao cấp, nhà nàng ở cuối ngõ, tuy không đồ sộ như cái “Dinh Độc Lập” nhưng cũng kín cổng cao tường biệt lập với những nhà chung quanh. Tôi cũng rất lấy làm lạ, nàng là tiểu thư nhà cao cửa rộng. Có thể nói ra một bước là lên xe xuống ngựa như ai, nhưng không hiểu sao chẳng bao giờ thấy nàng xử dụng xe nhà đưa đón đi học, mà cứ cuốc bộ ra đầu ngõ đón xe lam hoặc xe bus như chị tôi. Dường như đọc được sự thắc mắc trong ánh mắt tôi, nàng giải thích:
    - Mẹ tôi không muốn con gái đi tối nên để người tài xế đưa đi cho an toàn. Chúng tôi chỉ xử dụng xe nhà khi cần thiết.
    Thế là tôi mất một dịp may làm quen với nàng, nhưng tôi nhất quyết không nản chí. Nàng năm thứ ba Văn Khoa, tôi bắt đầu chập chững năm thứ nhất. Vì “mê” nàng tôi cũng ghi danh Văn Khoa. Nhưng chẳng học được cái đếch gì cả, tối ngày cứ canh me hôm nào không có chị tôi đi cùng thì vác vespa đuổi theo mời nàng lên xe. Nhưng nàng từ chối, thà là lên xe bus để người ta xô qua xô lại chứ nhất quyết không chịu ngồi lên cái nệm êm ái sau xe vespa của tôi. Còn tôi vẫn không nản lòng, “có công mài sắt có ngày nên kim” mà! Tôi nhất quyết mài cho thành cây kim mới thôi.
    Rồi dịp may cũng đến, chị Thuỷ Tiên của tôi bỏ học ngang để lấy chồng. Thế là nàng thui thủi một mình đi học, tôi được dịp theo nàng nhiều hơn. Theo đây là theo đuôi xe bus chứ chưa được hân hạnh chở nàng đâu. Rồi một hôm chuyến xe bus chở nàng đi học bị nằm đường, tất cả mọi người đều phải xuống đường cuốc bộ đến trạm kế tiếp chờ chuyến xe sau chen nhau mà leo lên. Tôi thấy thế mới xà lại gần nàng nói nhỏ:
    - Chiêu Thương nhắm chen lại họ không? Coi chừng trể giờ đó! Sẵn tôi cũng đến trường, Chiêu Thương ngại gì mà không cho tôi chở?
    Nàng không nói gì, mắt vẫn theo dõi chiếc xe bus vừa tắp vô lề, chỉ “hốt” dùm một số ít người. Số còn lại phải chờ thêm chuyến sau nữa. Tôi nói thêm:
    - Tôi là em chị Thuỷ Tiên chứ có xa lạ gì đâu mà Chiêu Thương ngại? Số người còn lại vẫn đông như thế này thì chắc phải hai ba chuyến nữa Chiêu Thương mới lên được, liệu có trể giờ học không?
    Nàng xem đồng hồ tay rồi e dè kéo vạt áo dài ngồi lên yên sau xe vespa của tôi. Ngày hôm đó quả là một ngày thần tiên đối với tôi, mũi tôi phồng to, mặt tôi vênh váo có cảm tưởng như tất cả mọi người ngoài đường, ai ai cũng chiêm ngưỡng và bái phục tôi sao có “người yêu” đẹp mê hồn. Thế là từ đó được trớn, ngày nào tôi cũng được đưa nàng đi học và đón nàng về. Duy chỉ có một điều tôi không vui mấy ở nàng là đã bằng lòng cho tôi đưa đón, sao không để tôi đón đi và đưa về tận cổng nhà? Mà cứ bắt tôi phải chờ ở bến xe bus khi đưa nàng đi học và thả nàng ngoài đầu ngõ khi đón nàng về. Tôi có hỏi, nhưng nàng chỉ ỡm ờ:
    - Bây giờ Đằng Giao (tên tôi) muốn được tiếp tục như vầy hay muốn chấm dứt từ đây?
    Dĩ nhiên là tôi phải câm họng để được tiếp tục đưa đón nàng chứ dại gì mà yêu sách để mất đi cơ hội làm… đầy tớ cho nàng. Ôi! Nàng đẹp quá mà! Làm đầy tớ cho nàng tôi cũng cam lòng. Nàng đẹp như Thẩm thúy Hằng ngày xưa chứ không phải nhờ dao kéo mà tạo thành. Nói như thế không có nghĩa là tôi chỉ mê sắc đẹp của nàng, cũng có một phần. Ai mà không yêu chuộng cái đẹp? Tôi thích nàng ở sắc đẹp là cái chắc rồi, nhưng lại càng quý hơn ở cái nết dịu hiền, thục nữ của nàng. Con nhà quan, có học mà lại không kiêu căng, rất bình dị từ cách ăn mặc cho đến cách cư xử đối với mọi người. Thử hỏi tôi làm sao không mết nàng cho được. Ôi! Con đường tình ái của tôi đang lên hương như vậy thì 75 ập đến. Những ngày cuối tháng tư đen đó ai mà không lo sợ và xót xa cho quê hương trong cơn dẫy chết. Tuy chỉ là một sinh viên chưa hề cầm súng ngày nào, nhưng lòng tôi lúc đó cũng buồn thiu và nóng như lửa đốt. Thấy xót xa cho quê hương và đồng bào ruột thịt đang chen lấn đẩy xô nhau từ khắp nơi, trốn chạy bọn cộng sản để đổ dồn về sài gòn cũng đang oằn mình hấp hối chứ có sáng sủa gì cho cam. Ôi Mẹ Việt Nam ơi! Ôi Quê hương ơi! Hồn thiêng sông núi ơi! Lòng của tôi thì rất “đại bác” nhưng đôi tay của tôi lại quá nhỏ bé. Làm sao ôm hết được những đau thương trước mắt? Làm sao xoa dịu được nỗi đau quê mẹ?
    Rồi cái gì đến cũng phải đến thôi, bố mẹ tôi dắt díu gia đình theo ông cậu là Trung Tá Hải Quân đóng ở Phú Quốc, rời bỏ quê hương trong những ngày tận cùng đau thương của đất nước. Đứng bên thành tàu, nước mắt tôi tuông như mưa khi nhìn lui quê mẹ buồn thiu như một thành phố chết. Quê hương tôi rồi sẽ ra sao? Đồng bào tôi rồi sẽ ra sao? Thân nhân, bạn bè và “người yêu” của tôi nữa rồi sẽ ra sao? Khi đất nước “được” thống nhất dưới ách thống trị của cộng sản? Nghĩ đến Chiêu Thương tôi không khỏi đau lòng nhưng rồi tự an ủi lấy mình, cha nàng là sĩ quan cao cấp có thể đã di tản trước mình từ lâu rồi cũng nên. Những ngày cuối tháng tư đó, tôi cũng đã cố gắng len lỏi vào đến tận cuối con ngõ và đảo qua đảo lại trước cổng “tư dinh” của gia đình nàng cả chục lần. Nhưng vì cửa đóng then gài, kín cổng cao tường một cách riêng biệt khiến tôi không làm sao biết được chuyện gì đã xảy ra bên trong. Thôi thì nếu có duyên thì sẻ gặp lại nhau và không ngớt cầu xin cho gia đình nàng được bình an trong cơn lửa bỏng dầu sôi của đất nước.
    Gia đình tôi được định cư ở Mỹ, hơn 30 năm lưu lạc xứ người tôi vẫn “lưu linh lưu địa” chưa yên bề gia thất bởi không tìm được một nửa cái mình kia. Những tháng ngày mới đặt chân đến Mỹ, ai cũng đầu tắt mặt tối vừa học vừa làm để mau chóng được thích nghi, hội nhập vào xã hội mới. Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng khi đã yên ổn đâu vào đó rồi tôi bỗng nhớ nàng da diếc, tôi tìm kiếm dò la tin tức nàng khắp nơi mà chẳng ai biết. Đến cả chục năm sau mới gặp được một người quen cùng lối xóm ở VN, vượt biên sang được cho biết nàng đã lấy chồng và theo chồng ra nước ngoài nhưng không rõ đi nước nào. Thế là hết, tôi buồn chán cắm đầu cắm cổ học cho đến tột đỉnh vinh quang, bằng cấp lung tung, nhà cao cửa rộng nhưng vẫn phòng không chiếc bóng. Bây giờ già hai thứ tóc, ở vậy làm ông vãi mẹ nó cho rồi chứ ai thèm lấy? Trừ khi về VN thì con gái hơ hớ nó cũng nhào vô nhưng thèm vào! Đất nước còn cộng sản thì đừng hòng có mặt “ông”. Giữa lúc tôi tuyệt vọng nhất, lấy vacation sang Pháp thăm thằng bạn thân thay đổi không khí xem sao thì không ngờ được gặp nàng.
    Tôi sang Paris đã hơn một tuần, lần này nữa là lần thứ ba nên tôi chẳng lạ gì những danh lam thắng cảnh của nước này. Hôm nay thằng bạn bận chở bà xã đi bác sĩ nên tôi một mình lang thang trên phố của quận 13, ngắm ông đi qua bà đi lại và thả hồn về dĩ vãng một cách say sưa. Không biết có phải thần giao cách cảm hay không mà lại xui khiến nàng hiện ra bằng xương bằng thịt trước mặt tôi. Nhưng buồn thay trong lúc lòng tôi nổi sóng ba đào bởi quá xúc động khi gặp lại nàng, thì nàng lại “không cần biết anh là ai” một cách vô tư khiến tôi tủi thân vô cùng. Tôi cứ lẻo đẻo đi theo sau lưng nàng như thế, cũng có lúc vượt qua mặt nàng và làm đủ cách để gợi sự chú ý của nàng nhưng vô ích thôi. Nàng chỉ lo ngắm hàng chứ ngắm làm gì một thằng già như tôi. Một lúc sau, đoán trước nàng sẽ bước xuống bậc tam cấp trước mặt. Tôi lật đật nhanh chân hơn nàng, cũng giả vờ tự nhiên bước xuống trước nàng thì một dịp may đưa đến. Nàng trẹo chân loạng choạng suýt ngã nhào xuống phía trước, may thay có tôi nhanh tay ôm lấy nàng nói:
    - Chiêu Thương cẩn thận chứ! Có sao không?
    Nàng vừa nhăn nhó suýt xoa vì đau chân vừa đưa tay đẩy tôi ra nói cám ơn, và mở to cặp mắt nhìn tôi ngạc nhiên vì đã gọi tên nàng ngon ơ. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi cười và tự giới thiệu:
    - Chiêu Thương không nhớ tôi sao? Đằng Giao đây!
    Nam Mô, A Men! Tôi thật không ngờ, nàng ôm lấy tôi khóc oà, và lại càng sung sướng hơn nữa nàng gọi tôi bằng “anh” ngọt sớt khiên tôi như mở cờ trong bụng:
    - Trời ơi! Anh Giao! Sao bây giờ anh lạ quá vậy? Có biết là Chiêu thương trông tin anh lắm không?
    Tôi cũng ôm lại nàng vỗ về, khi đã qua cơn xúc động, chúng tôi tìm một quán cà phê ấm cúng ngồi nói chuyện. Ngày xưa chúng tôi xưng hô với nhau bằng tên, bây giờ thấy nàng gọi tôi là anh nên tôi tỉnh luôn. Tôi hỏi nàng:
    - “Anh” thấy Chiêu Thương từ Hotel Le Baron đi ra, Chiêu Thương sang đây du lịch hay công tác?
    Nàng lắc đầu:
    - Chẳng có du lịch công tác gì cả, Chiêu Thương sống ở đây mà! Lúc nãy vào khách sạn thăm con nhỏ bạn từ Úc sang tham dự buổi Thu Tao Ngộ của các văn nghệ sĩ Paris tổ chức. Nó không có thì giờ nhiều, chỉ gặp nhau được một chút xíu, ngày mai xong việc là nó bay về ngay. Còn anh định cư ở đâu? Anh đi được từ ngay tháng 4 năm 75 phải không? Vì sau đó Chiêu Thương thấy nhà anh đã bị “tụi nó” chiếm.
    Nghe nàng nói thế tôi ngạc nhiên:
    - Uả! Chiêu Thương định cư ở Pháp hả? Đúng là vô duyên đối diện bất tương phùng thật! Anh sang Pháp chơi lần này nữa là lần thứ ba mà đâu có biết Chiêu Thương ở đây.
    Nàng cười đùa:
    - Thì bây giờ “có duyên đối diện được tương phùng” rồi nè!
    Tôi cũng cười rồi nắm nhẹ bàn tay nàng đặt trên bàn nói:
    - Lúc nãy Chiêu Thương nói lấy chồng và định cư ở đây phải không? Ba má và các em Chiêu Thương như thế nào rồi? Hãy kể cho anh nghe về gia đình Chiêu Thương từ sau cuộc đổi đời đó đi!
    Nàng tắt nụ cười, đôi mắt thoáng buồn xa xăm:
    - Buồn lắm! Anh có muốn nghe không?
    Tôi gật đầu tha thiết nhìn nàng như thông cảm, như sẵn sàng chia xẻ tất cả với nàng mặc dù tôi chưa biết nổi buồn của nàng là gì. Nàng nhắp một chút cà phê rồi chậm rãi nói:
    - Những ngày cuối tháng tư như anh đã biết, giới nghiêm 24 trên 24 đâu có ai ra ngoài đường được. Bố Chiêu Thương chạy tới chạy lui bằng xe díp nhà binh có tài xế lái nhưng không phải tìm đường di tản mà là cứ phải nghe lệnh này, theo lệnh nọ. Cuối cùng thì bố Chiêu Thương ngồi luôn trong phòng nhận điện thoại liên miên, có lần Chiêu Thương nghe bố Chiêu Thương hét lên trong điện thoại để trả lời cho ai đó: “Danh Dự, Tổ Quốc và Trách Nhiệm là trên hết. Tôi không đi đâu hết! Là một quân nhân tôi thà chết cho quê hương chứ không thể bỏ quân đội được.” Và rồi bố Chiêu Thương tự sát ngay sau khi nghe tiếng ông Dương Văn Minh kêu gọi trên đài phát thanh “buông súng đầu hàng vô điều kiện”.
    Kể đến đây Chiêu Thương khóc nức nở, tôi thật không ngờ Bố Chiêu Thương lại khí khái và can đảm đến như vậy nên cũng yên lặng xúc động và cảm phục dâng tràn, tôi nắm lấy tay Chiêu Thương vỗ nhè nhẹ. Một lát sau nàng sụt sịt kể tiếp:
    - Bố mất rồi, mẹ Chiêu Thương vì các con mà phải sống. Những tháng ngày đó nhà Chiêu Thương khổ lắm! Họ gọi gia đình Chiêu thương là gia đình Ngụy, nói thật bố Chiêu Thương sống rất trong sạch nên đâu có dư tiền lắm bạc. Có lận lưng được chút đỉnh để phòng thân là do mẹ Chiêu Thương tằn tiện chắt mót mà ra, ăn mãi thì cũng phải hết, các em Chiêu Thương còn bé quá! Chiêu Thương là con lớn nhất nên phải nghĩ cách tìm đường sống cho gia đình. Lúc đó! Chiêu Thương mới thấy nhớ anh da diếc, Chiêu Thương không biết đó có phải là tình yêu hay không. Nhưng thật sự mà nói trong những tháng ngày đó, Chiêu Thương rất cần có được một chỗ dựa tin cậy để mà có người góp ý và cố vấn cho những vấn đề khó khăn nan giải mà những người được gọi là “giải phóng miền Nam” đang áp đặt lên người dân thời bấy giờ. Chiêu Thương nghĩ tới anh nhưng nhà anh đã bị họ chiếm. Tuy buồn nhưng Chiêu Thương nghĩ thôi thế cũng xong, thoát được người nào thì đỡ người nấy, Chiêu Thương chưa biết phải làm gì để cứu gia đình thoát khỏi cơn bế tắc thì “Đức vẩu” xuất hiện. Anh còn nhớ Đức vẩu không? Đức Tây lai và răng hô đó! Học thì dở nhưng được cái con nhà khá giả và lại có quốc tịch Pháp. Ngày xưa mình không để ý gì mấy, nhưng sau 75 cái bằng quốc tịch đó lại rất có giá trị. Chiêu Thương lấy Đức rồi đi Pháp. Sau đó bảo lãnh lại cho mẹ và các em Chiêu Thương được sang cả bên đây, đứa nào cũng được học hành tới nơi tới chốn, đã lớn lập gia đình và ổn định công ăn việc làm cả rồi.
    Biết được chồng nàng cũng là một người quen nhưng chưa kịp hỏi han thì nàng tiếp:
    - Đức rất tốt và giúp đỡ gia đình Chiêu Thương rất là nhiều. Biết mình mang ơn người ta nên Chiêu Thương sống rất trọn tình trọn nghĩa. Nhưng có lẽ cái số Chiêu thương vất vả nên gãy gánh nửa chừng, Đức mất cách đây đã 10 năm rồi. Chiêu Thương độc thân từ đó đến giờ, sống cho con mà thôi! Các con Chiêu Thương đã lớn khôn, có sự nghiệp và gia đình cả rồi! Chỉ thiếu là Chiêu Thương chưa được lên chức bà nội, bà ngoại mà thôi!
    Tôi nghe thế thì mừng rơn trong bụng nhưng cũng không dám để lộ ra mặt, chỉ ân cần hỏi han:
    - Chiêu Thương có mấy cháu? Ở cả đây chứ? Có cháu nào đi xa không?
    Chiêu Thương dựa người ra ghế cười vui vẻ:
    - Ở xa cả, thằng cháu lớn đang làm việc ở Anh, vợ nó cũng theo sang. Đứa con gái theo chồng về Mỹ. Chồng nó là người VN nhưng ra đời ở Mỹ, cả hai đều làm việc bên Mỹ. Chiêu Thương chỉ có hai đứa con mà thôi! Thấy chúng nó có công ăn việc làm và sống hạnh phúc là mừng rồi. Còn anh thì như thế nào rồi? Thủy Tiên chắc cũng cháu nội cháu ngoại cả rồi chứ?
    Tôi không vội trả lời mà chỉ đưa mắt nhìn nàng đắm đuối. Trong đáy mắt nàng, tôi nhìn ra được cả một bầu trời rộng mở và khuyến khích cho tôi mạnh dạn bước vào mở cửa trái tim nàng. Biết được nàng goá chồng đã mười năm nay, vấn đề tài chánh trong gia đình không phải lo lắng bởi gia tài và tiền bảo hiểm của người chồng để lại. Ngoài việc chăm lo con cái ra nàng còn mang một “trọng trách” giống tôi. Để tưởng nhớ quê hương và đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy văn hoá Việt tại Hải Ngoại, nàng đã mở một trường Việt Ngữ Cội Nguồn để dạy tiếng Việt cho các trẻ em gốc Việt sinh ra tại Pháp. Tôi cũng là một giáo viên thiện nguyện của trường Việt ngữ Về Nguồn ở San Jose hơn 10 năm qua. Dĩ nhiên là tôi quá đổi vui mừng bởi cả hai đứa cùng nhìn về một phía. Nàng tâm sự: “Cái chết của bố và sự hy sinh phải sống vì con của mẹ đã khiến em có một ý thức trách nhiệm đối với quê hương. Dĩ nhiên là mình chẳng làm gì được với cái “nghiệp cộng sản” còn đang đè nặng trên quê hương tổ quốc, nhưng ít nhất nơi xứ người em cũng đã và đang cố gắng đóng góp bằng cách duy trì tiếng mẹ đẻ cho thế hệ đời sau không quên cội nguồn và phát huy văn hoá Việt đời đời vang danh trên thế giới”.
    Chúa Ơi! Nàng xưng em tự bao giờ? Trước tôi đã yêu nàng, giờ tôi càng khâm phục nàng hơn. Bởi tôi hiểu, phải có một tấm lòng thật sự hướng về đất nước như thế nào mới có thể “vác ngà voi” một cách bất vụ lợi như thế được. Nàng nói đúng, ở đâu có người Việt thì ở đó tiếng Việt đời đời không bao giờ bị mai một. Nhiều người gọi cái “nghề” thiện nguyện của chúng tôi là “ăn cơm nhà đi vác ngà voi”. Không hề chi, anh sẽ cùng em kề vai sát cánh vác cái ngà voi này tới cùng để duy trì tiếng mẹ đẻ đời đời không bao giờ nhạt phai trong cộng đồng người Việt đời sau cho dù là bất cứ ở nơi nào trên thế giới.
    Chiều buông chầm chậm, phố đã lên đèn. Trời Paris chớm Thu gió hiu hiu mát dịu, không khí thật là dễ chịu. Chúng tôi rời khỏi quán cà phê, nắm tay nhau đi ngược trở lại con đường Avenue De Choisy. Tuy chỉ là yên lặng nhìn nhau không nói gì, nhưng sự truyền cảm qua cái nắm tay đã nói lên được tất cả những gì mà hai đứa đang cùng nhau hướng về. Văng vẳng đâu đây tiếng hát Thái Thanh vang ra từ một cửa hàng Việt Nam nào đó bên vệ đường nghe nhớ nhung gì đâu: “Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!....”
    TÂM NGỌC.
     

Chia sẻ trang này

Share