Gvtlv2013: Duyên Nợ Tàu Hũ.

Thảo luận trong 'Truyện ngắn dư thi' bắt đầu bởi administrator, Thg 10 24, 2013.

  1. administrator

    administrator Administrator Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    Thg 3 14, 2011
    Bài viết:
    211
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    16
    Giới tính:
    Nam
    DUYÊN NỢ TÀU HŨ.

    Dì Út tôi da trắng như trứng gà bóc, mũi cao. Khuôn mặt trái xoan, mắt một mí trông như búp bê Nhật Bản. Đôi môi hơi dầy, đỏ hồng, cái miệng nhỏ xíu cười thật xinh với hai hàm răng trắng và đều như hạt bắp. Tóc dì đen mướt thả dài xuống ngang eo, mỗi lần dì vấn tóc cao ngồi bên giá thêu đặt cạnh cửa sổ của căn phòng đối diện với phòng khách trong căn nhà ngói năm gian của ông ngoại ở Gò Vấp. Ánh nắng ban trưa rọi xiên xiên qua khung cửa sổ, khuôn mặt dì ững hồng nghiêng nghiêng bên giá vẻ với đôi tay thoăn thoắt đâm lên kéo xuống, đẹp như một bức tranh vẽ thiếu nữ Việt Nam của hoạ sĩ Lê Trung ngày xưa vậy.
    Dì Út tôi đẹp như vậy mà bị cái tên nghe hơi kỳ cục, “dì Mót”. Thật ra đây chỉ là nick name gọi ở nhà cho vui thôi. Ông bà ngoại kể lại là tại bà ngoại đã lớn tuổi, nghỉ đẻ đã 20 năm. Bỗng dưng sau khi gả đứa con gái đầu lòng (là mẹ tôi) cho cha tôi xong, ba tháng sau bà ngoại phát hiện mình có bầu. Lúc đó bà ngoại đã 47 tuổi, cho nên ông bà ngoại mới gọi dì tôi là Mót. Có nghĩa là già rồi mà vẫn còn mót lại được một đứa con nên gọi là con mót. Tuy chỉ là tên gọi ở nhà nhưng gọi mãi thành chết tên luôn chứ thật ra tên dì Út tôi trong khai sanh rất là đẹp: “Trần Thiên Loan Phụng”, ông ngoại nghĩ đây là đứa con trời ban nên thay vì chữ Thị, ông ngoại lót chữ Thiên để tạ ơn ông trời đã ban cho ông bà một đứa con gái út làm vui cửa vui nhà, an ủi tuổi già của ông bà ngoại sau khi mẹ tôi xuất giá theo chồng. Lịch trình sanh đẻ của bà ngoại tôi cũng rất là ngộ, bà ngoại lấy chồng năm 22 tuổi, một năm sau mẹ tôi ra đời. Tưởng mẹ tôi là con một vì chẳng kiêng cử gì mà bà ngoại tôi vẫn không mang bầu thêm một lần nào nữa! Đùng một cái 4 năm sau, cái bụng bà ngoại cứ phình to, ăn no ngủ kỹ. Chừng nghe thai máy mới biết mình đã mang bầu, vài tháng sau đó ông ngoại tôi có thêm một đứa con trai. Đó là cậu Út tôi cách xa đứa em gái út (là dì Mót) những hai mươi tuổi. Tại ông ngoại tưởng cậu Út tôi là đứa con chót rồi nên mới gọi là cậu Út, bây giờ có thêm một đứa nữa ở tuổi xế chiều nên dì Út tôi mới bị mang tên Mót là vậy đó!
    Dì Mót tôi được 9 tháng tuổi thì má mang bầu tôi, cho nên hai dì cháu chêch lệch nhau có hơn một tuổi chơi với nhau rất hợp. Phải nói là vì cùng độ tuổi với nhau nên dễ thông cảm với nhau hơn chứ tôi với dì như hai thái cực. Dì hiền thục, dịu dàng công dung ngôn hạnh vẹn toàn. Lại khéo chân khéo tay nên tề gia quán xuyến việc nhà đâu ra đó. Chả bù với tôi cứ như con “giặc cái”. Tôi mạnh khoẻ, người hơi gân guốc vì bơi lội tập thể thao nhiều, nên hợp với những bộ đồ có chút hơi ngổ ngáo hơn là dịu dàng khép nép với hai tà áo dài. Trái lại dì Mót tôi thân hình rất cân đối, mặc cái gì cũng rất đẹp. Dì mặc áo dài trông tha thướt cứ như người mẫu, mặc đồ tây cũng rất lịch sự, sang cả. Chỉ tiếc là dì chẳng bao giờ dám mặc mini jupe như tôi, chứ nếu dì mặc, tôi tin chắc đôi chân thuông dài của dì không thua gì cặp đùi của nữ nghệ sĩ Hương Thủy.
    Thấm thoát chúng tôi trưởng thành lớn lên cùng nhau trong căn nhà ngói năm gian rộng thênh thang của ông bà ngoại ở Gò Vấp với vườn cây ăn trái bao quanh bốn mùa xum xuê những trái là trái. Cách một hàng dừa bên ven một con hào nhỏ phía bên trái của hông nhà, có một cây cầu gỗ bắc ngang qua bên đó là một ngôi biệt thự ba tầng xây theo lối mới với một cái hồ tắm phía sau vườn thiệt là đẹp. Đó là nhà của cậu Út, bởi cậu Út tôi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc rồi vẽ kiểu nhờ thợ xây cất ngay trên miếng đất hương quả của ông bà ngoại, sau này cậu lập gia đình và sống ở đó luôn. Má tôi nói đó là ông bà ngoại chia gia tài cho cậu sở hữu miếng đất kế bên để tiện bề săn sóc ông bà ngoại lúc tuổi già. Ngoài ra cậu còn được sở hữu thêm một vườn cây ăn trái của ngoại ở Lái Thiêu mà huê lợi hằng năm không phải nhỏ. Má kể ngoại nói má với dì Mót là nử sanh ngoại tộc nên thừa hưởng gian nhà ngói năm gian với mảnh vườn bao quanh cũng khá lớn, ngoài ra còn một mãnh đất đang bỏ trống phía bên tay mặt (phía bên trái cậu Út đã xây nhà). Ngoại nói hai chị em má (má với dì Mót) muốn chia làm sao thì chia. Nhưng ngoại mong là mấy chị em đoàn kết ở chung với nhau một chỗ, đứa ăn nên làm ra thì trông nom giúp đỡ cho đứa chưa khá chứ đừng vì gia tài mà cãi cọ tranh giành làm ngoại buồn. Cũng may là cậu Út rất biết điều, mợ Út cũng biết phải quấy và giữ phận dâu con. Thêm vào má tôi với dì Mót cũng rất thuận thảo và có hiếu với ông bà ngoại nên hòa khí trong gia tộc rất là vui vẻ đầm ấm.
    Sở dĩ má tôi đã lập gia đình với cha mà vẫn ở chung với ông bà ngoại là vì cha tôi phải nhập ngũ rày đây mai đó để chú Út tôi được miễn dịch học tiếp rồi đi Tây du học theo như ước nguyện của ông nội tôi mong muốn. Khi ra trường chú lập gia đình với một bà đầm rồi ở luôn bên đó, ông bà nội thất vọng nên để di chúc quyền thừa kế tất cả bất động sản và xưởng dệt tơ lụa lại cho cha tôi khi ông bà đã qui tiên. Cho nên má tôi nói không lo chuyện chia gia tài với dì Mót, trong tương lai má và chúng tôi (khi tôi được 3 tuổi, má tôi lần lượt đẻ thêm hai em trai nữa) sẽ theo ba dọn về bên nội ở Chợ Lớn nếu dì Mót lập gia đình. Bởi ông bà Nội cứ phàn nàn là nhà rộng ba bốn tầng lầu mà chẳng ai chịu ở. Má sợ làm dâu nên nại cớ ba rày đây mai đó mà ở miết với ngoại. Sau này ba tuy được đổi về Sài Gòn nhưng cũng theo má “định cư” bên vợ luôn, ông bà nội nói hoài không được nên cũng thôi. Và chúng tôi chỉ về bên nội thăm nom theo thời khóa biểu định kỳ hằng tuần, hoặc có giỗ quảy, tết nhất hay đột xuất khi ông bà đau ốm mà thôi. Ông bà ngoại tôi vì muốn giữ lại những nét cổ xưa của ông bà Tổ Tiên để lại nên nhất quyết giữ nguyên ngôi nhà ngói năm gian (chỉ tu sửa những chỗ hư hỏng) chứ không chịu xây mới lại như cậu Út tôi vẫn “offer” sẽ xây free không lấy tiền.
    Mặc dù chúng tôi vẫn thỉnh thoảng leo qua cây cầu gỗ để hưởng ké những tiện nghi ngôi nhà mới của cậu, nhưng vẫn đồng ý với ông bà ngoại là ngôi nhà ngói năm gian vẫn là “number one”. Những buổi trưa hè nóng nực trong căn phòng với máy lạnh chạy è è của cậu Út, làm sao bằng những buổi trưa hè trên chiếc võng đong đưa treo giữa hai gốc cây bự sau hè của nhà ngoại bên cạnh những giàn bầu, giàn mướp với gió mát hiu hiu thơm lừng hương hoa trái cây đưa mình vào giấc ngủ ngon lành. Những lúc đứng trên cao với những bộ quần áo tắm thời trang lộn mèo xuống “swiming pool” bên nhà cậu Út, làm sao vui bằng những lúc mặc quần áo bà ba cùng với dì Mót và mấy thằng em trai đi qua cây cầu khỉ giởn hớt, níu kéo, xô đẩy té nhào xuống ao thiệt là sảng khoái. Rồi những đêm rằm gió mát trăng thanh, bóng trăng tròn vành vạnh trôi ngang qua cửa sổ trên bầu trời trong xanh, không khí thật trong lành như cảnh đồng quê. Tôi với dì Mót cứ tranh nhau nằm cạnh cửa sổ để được ngắm trăng trôi mà tưởng tượng đến truyền thuyết chú cuội đang đu tòn teng theo gốc cây đa bay lên mặt trăng. Ở đó, chị Hằng đang mỉm cười dang tay chào đón chú cuội, và ở đó chắc cũng chẳng bao giờ có bon chen sân hận, mà chỉ có “hai ta” với một tình yêu tràn trề hạnh phúc nên chú Cuội chẳng bao giờ thèm quay về cõi trần gian ô trọc mà làm gì. Ôi quê ngoại với thời thơ ấu của tôi chỉ vì chiến tranh mà tan hoang tất cả.
    Trở lại chuyện dì Mót, chúng tôi lớn lên trở thành những thiếu nữ phải nói là khá xinh đẹp, con nhà danh giá cũng khá nổi tiếng ở trong xóm. Dì Mót tôi học hành đàng hoàng, chăm chỉ đằm tính và vạch sẵn hướng đi tương lai cho mình, dì tốt nghiệp y tá làm việc ở Tổng y viện Cộng Hòa trước năm 75. Còn tôi chả ra làm sao cả, lúc thì muốn đi học, lúc thì muốn đi làm nên dang dở lung tung. Cũng tốt nghiệp lớp 12 và cũng lên đại học như ai. Nhưng học hành chưa tới đâu hết thì bị tiếng sét ái tình nên lấy chồng cắt ngang sự học, chồng tôi là một Đại Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuộc binh chủng Không Quân đóng ở Biên Hòa. Tôi lấy chồng xong phải theo ông xã về sống với nhà chồng ở Sài Gòn vì ông xã tôi là con trưởng. Nhưng được cái nhà chồng tôi theo Tây học nên con cái rất thoải mái trong việc giao tiếp và cách ăn mặc, miễn sao đừng quá lố thì thôi. Cho nên tôi với các cô em chồng rất hợp nhau, không bao giờ có chuyện chị dâu em chồng xảy ra như các gia đình khác. Tôi đã yên bề gia thất mà dì Mót tôi thì vẫn phòng không chiếc bóng. Ông bà ngoại tôi sốt ruột kiếm người làm mai nhưng dì không chịu, dì cứ tủm tỉm cười nói:
    - Con ở vậy để sau này nuôi ba má .
    Ông ngoại tôi bật cười:
    - Mai mốt ba má già rồi cũng phải chết. Lúc đó ngược lại ba má sẽ không an tâm vì con chưa có bạn đời để dựa dẫn lẫn nhau.
    Dì cười chỉ má tôi nói lãng:
    - Lúc đó con sẽ sống với chị Hai.
    Chồng tôi cũng có dắt bạn về giới thiệu nhưng dì lắc đầu và chê “con nít”, dì đã từ chối không biết bao nhiêu là cơ hội để lên xe hoa mà chúng tôi cũng không hiểu lý do tại sao. Thời gian này tôi sống bên nhà chồng nên không hay không biết dì đã từng nhận thơ của một người con trai ở tít tận phương trời Âu xa lắc đều đều mà gia đình chẳng ai hay biết. Khi tôi có bầu thằng cháu đầu lòng thì biến cố 75 xảy ra. Tôi theo gia đình chồng di tản, bỏ lại sau lưng ông bà, cha mẹ họ hàng, dì Mót và cả khung trời thơ ấu sống ở ngôi nhà ngói năm gian với những hàng dừa xanh dọc theo con hào nhỏ có cây cầu gỗ bắc ngang qua nhà cậu Út. Những cây ăn trái bốn mùa của nhà ngoại, hương thơm hoa lý với những giàn mướp, những con ong bầu, những cây cầu khỉ. Những tiếng cười đùa của dì cháu tôi, của chị em tôi thời thơ ấu còn vang lồng lộng đã làm tôi khóc ngất khi ngồi trên máy bay nhìn xuống quê hương lần cuối cùng. Xa dần, xa dần rồi mất hẳn mà cho đến bây giờ đã 38 năm qua tôi vẫn chưa một lần được gặp lại.
    Tội nghiệp dì Mót tôi đẹp người đẹp nết như thế mà số phận hẩm hiu. Ông bà ngoại tôi lần lượt qua đời sau khi cộng sản vào đã làm khó dễ và tịch thu rất nhiều đất đai mồ hôi nước mắt của ông bà ngoại tôi tạo dựng lên, xưởng tơ lụa của ông bà Nội tôi cũng bị “dính chấu”. Họ đánh tư sản mại bản, tịch thu xưởng dệt của ông bà Nội làm xưởng dệt Quốc Doanh của nhà nước. Ông bà Nội uất ức chịu không thấu nên sinh bịnh mà mất. Cậu Út tôi thấy khó sống với cộng sản liền tung vàng ra mua chỗ bán chính thức cho mọi người vượt biên, dì Mót tôi thương mồ mả ông bà ngoại không chịu đi đòi ở lại sớm hôm hương khói cho ông bà. Má tôi thương dì Mót tôi như con (hai chị em cách nhau tới hai con giáp) nên cũng ở lại theo dì Mót. Chỉ có cha tôi với hai thằng em trai là đi theo gia đình cậu Út. Cũng may cha tôi đã giải ngủ từ lâu nên không bị đi “cải tạo” khi miền Nam sụp đổ, chữ của cộng sản chứ mình tội đếch chi mà phải cải tạo?
    Cuộc vượt biển thành công nên sau này tôi được gặp lại gia đình cậu Út, cha và hai em trai tại Mỹ. Cuộc trùng phùng này cũng khiến tôi nguôi ngoai đi được phần nào nổi nhớ thương gia đình và quê nhà. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với má và dì Mót. Có một lần nhận được thơ má viết về dì Mót tôi mới biết thêm một chuyện. Thì ra dì từ chối rất nhiều cơ hội lấy chồng là tại muốn chờ đợi một ông bác sĩ trước khi đi du học Pháp đã hứa hẹn với dì hãy đợi chờ hắn thành tài sẽ quay trở lại cưới dì. Nhưng rồi trận đại hồng thủy 75 xảy ra, ông bác sĩ ở bên kia bờ đại dương đã vội quên lời thề ước với dì, lẵng lặng lập gia đình với một cô gái khác và tuyệt giao với dì luôn. Má tôi kể có một lần má tình cờ bắt gặp dì ở trong phòng một mình với cặp mắt đỏ hoe, trên tay còn cầm bức thư của một người bạn gái rất thân ở bên Pháp. Người bạn đó sau khi đã tìm hiểu và chắc chắn được sự thật với một lô hình ảnh về sự thay lòng đổi dạ của ông bác sĩ nọ, đã viết thơ kèm theo hình ảnh đám cưới rõ ràng kể lại với dì và khuyên dì hãy quên đi kẻ bạc tình kia đừng chờ đợi mà uổng phí tuổi xuân. Dì đã đưa lá thơ đó cho má đọc và ôm má khóc nức nở, má tôi đã an ủi dì:
    - Cũng không trách được lòng người. Thế sự đổi thay, dâu bể đổi dời người bên này kẻ bên kia. Cách nhau nửa vòng trái đất biết bao giờ mới gặp lại? Họ không có lòng thì em cứ coi như mình không duyên nợ, để dành tấm lòng đó mai sau tặng cho người xứng đáng hơn. Thế gian này đâu phải không còn người tốt nửa đâu em! Huống chi chỉ là lời hứa suông giữa hai đứa chứ đâu phải mối mai chính thức đôi bên cha mẹ. Họ thật lòng thì em nhờ, không thật lòng thì mình coi như không duyên nợ hơi sức đâu mà em chờ em đợi. Đừng buồn nữa em! Hãy ngó về phía trước, con đường sống mình phải đi còn dài lắm! Ngày mai không biết sẽ ra sao? Biết đâu trong tương lai em sẽ gặp được một người hết lòng hết dạ vì em.
    Rồi không biết có phải vì thất vọng với mối tình đầu hay không mà dì không phản đối khi thấy đơn bảo lãnh gởi về cho má có đính kèm theo tên của dì. Mười lăm năm sau ngày miền Nam hoàn toàn sụp đổ, chúng tôi bảo lãnh được má và dì Mót sang. Dì Mót tôi vẫn như thưở nào làm tôi chợt nhớ đến một câu hát trong bài Chị Tôi của Trần Tiến “Dì vẫn chưa có chồng ”. Mặc dù tuổi dì đã trên 40 mươi nhưng dì vẫn đẹp, chỉ hơi gầy hơn xưa một chút xíu và cặp mắt như ẩn chứa một nét buồn sương khói. Tôi chẳng hiểu “nét buồn sương khói” là gì? Nhưng nhìn vào thân hình mảnh mai, sự thanh thoát của dì. Nhất là cái nước da trắng và mái tóc “bay theo chiều gió” còn dầy, chưa bạc sợi nào thả buông lơi theo chiếc áo dài trắng dì đang mặc nổi bật giữa phi trường San Fransisco trong một buổi chiều lộng gió như thế nầy, chẳng khác gì nàng tiên bị lạc bầy lung linh trong bóng nắng trần gian, cho nên tôi buột miệng gọi cặp mắt dì là nét buồn sương khói. Tội dì tôi quá! Tôi nhìn dì và bật khóc vì thương cảm, dì cũng cảm động nhưng cố nén và nói lãng:
    - Coi kìa! Già cái đầu rồi còn khóc không sợ con nó cười cho hay sao?
    Đêm hôm đó hai dì cháu tôi ngủ chung phòng và chuyện trò cả đêm không ngủ được. Dì Mót tôi vì mới sang nên giờ giấc hai bên Mỹ Việt còn xáo trộn không ngủ được thì không nói làm gì, nhưng tôi vì “già chuyện” nên cũng thức trắng mà không thấy mệt. Tôi tò mò hỏi dì về chuyện cũ, Sao hồi đó không chịu theo cậu Út đi vượt biên cho sớm mà để đến bây giờ mới chịu đi bảo lãnh muộn màng vậy? Dì đã rất thành thật kể lại mối tình đầu đẹp như mơ của dì và lời hứa hẹn trước khi đi du học của người yêu dì cho tôi nghe, sau cùng dì kết luận:
    - Chuyện xưa như trái đất rồi, nhắc lại lần cuối cho cháu nghe thôi không có hỏi nữa nghe không? Hồi đó vì mới lớn còn ngây thơ nên mới đi tin tưởng tầm xàm bá láp như vậy. Bây giờ thì dì quên hết rồi, càng ngày dì thấy mình càng chín chắn hơn. Lâu lâu nghĩ lại chuyện hồi đó dì thấy mình thiệt là trẻ con.
    Tôi ôm dì hỏi nhỏ:
    - Dì nói thiệt hôn? Nếu dì quên được sao dì hổng chịu lấy chồng?
    Dì đáp:
    - Đâu phải muốn lấy là lấy được đâu cháu! Dì rất tin vào hai chữ duyên nợ, có lẽ duyên dì chưa tới hoặc dì chẳng nợ nần ai cũng không chừng.
    Nghe dì trả lời như vậy, tôi đùa:
    - Vậy để con nói ông xã con dẫn bạn về đưa “duyên” tới cho dì nhe? Bạn ông xã con độc thân còn nhiều lắm!
    Dì quay sang hướng khác vừa ngáp vừa trả lời:
    - Lộn xộn hoài! Ngủ đi!
    Những tháng ngày sau đó, khi đã thích nghi với giờ giấc và quen dần với cuộc sống văn minh nơi xứ người. Dì Mót tôi đã biết lái xe, biết ghi danh đi học ESL, dì hội nhập rất nhanh. Mọi người đề nghị dì ghi tên College học lại y tá cho dễ kiếm việc, nhưng dì lắc đầu từ chối, dì nói không muốn dính dáng gì tới nghề cũ nữa! Sau đó dì tốt nghiệp Technician và làm việc cho đến bây giờ và “dì vẫn chưa lấy chồng”. Tôi thật không hiểu trong lòng dì nghĩ cái gì? Dì vẫn còn đẹp, có việc làm vững chắc, lương cao. Biết bao nhiêu người theo đuổi mà dì cứ phớt lờ. Chẳng lẽ trong lòng dì còn nhớ hoài cái thằng cha bác sĩ mắc dịch đã hứa tầm bậy tầm bạ làm cuộc đời dì tôi dang dở? Tôi bước gần tới tuổi 60 mươi thì dì cũng đã bước vào tuổi 60, nhưng nhìn vào chẳng ai nói dì tôi 60 cả, dì rất chịu khó ăn mặc và chăm chút nhan sắc nên ai cũng đoán dì tôi chưa đến 50 tuổi. Nói nhỏ mà nghe, dì tôi vẫn còn “trinh” đấy! Tôi thật sự không muốn dì chết già và đem theo tấm băng trinh đó xuống âm phủ một chút nào hết (phí của giời), tôi rất mong muốn có một người đàn ông nào đó đem tình yêu thật sự đến cho dì để dì hưởng “mùi đời” cho biết với người ta mà sao ông tơ bà nguyệt chắc bỏ quên dì tôi rồi.
    Nhâm Thìn đã hết, Quý Tỵ vừa đến mà “dì vẫn chưa có chồng”. Tôi cứ tưởng chắc dì Mót tôi làm “ma soer” suốt đời quá! Ai ngờ đùng một cái, mồng ba Tết dì dắt một người đàn ông về ra mắt và nói: “Dì cũng muốn lấy chồng”. Người đàn ông dì tôi chọn trông rất bảnh trai, mạnh khoẻ, chỉ cở tuổi dì tôi. Gốc là một ông cha tu xuất chưa hề lập gia đình lần nào (hí hí còn “jin” giống dì tôi). Dì nói tội nghiệp Thịnh lắm! (Ổng tên Thịnh) ở có một mình không biết nấu nướng dì cả nên dì thấy tội. Dì kể, trước năm 75 ông đang tu trong nhà thờ nhưng vì “giặc đến nhà làm “cha” cũng phải quánh”. Cho nên ông nhập ngũ đóng lon Trung Úy cho đến năm 1975 thì đi học tập mút mùa lệ thủy, đến khi được thả ra tìm đến nhà thờ chẳng còn ma nào ở, ông ở nhờ nhà họ hàng cho đến khi được đi Mỹ theo chương trình HO. Sang bên Mỹ rồi thì cứ tự lực cánh sinh đi cầy mà nuôi sống bản thân mình. Ông rất siêng năng và có óc cầu tiến, vừa làm vừa học. Hiện tại ông đang là một Dược Sĩ, có job, có nhà có xe, có đủ thứ nhưng duy nhất có một cái để đêm đêm “ta leo lên ta chơi” thì ông lại không có. Tình cờ đi chợ VN mà quen dì tôi. Sau này khi đã trở thành “họ hàng” rồi ông mới “xì” ra cho mọi người biết. Ông nói nhìn thấy dì ông chịu quá mà không biết làm sao để làm quen, ông rất kém trong vấn đề tán gái (tu xuất có khác). Nhưng có lẽ duyên nợ đã đến cho nên ông đã mạnh dạn hỏi những câu thật ngây ngô khi đứng xếp hàng trả tiền sau lưng dì tôi. Hôm đó sau khi tan sở, dì tôi ghé chợ Việt Nam mua vài miếng tàu hũ về chiên để thả vào nồi bún riêu cho nó đẹp mắt. Bỗng có một người đàn ông đứng sau lưng dì lên tiếng:
    - Chị ơi! Chị mua miếng tàu hũ này về là chị chiên hay làm cái gì khác? (Đời thưở nhà ai tán gái mà gọi người ta bằng “chị”!)
    Mặc dù câu hỏi rất là ngớ ngẩn nhưng dì vẫn lịch sự trả lời:
    - Dạ chiên.
    Người đàn ông nói tiếp:
    - Sao chị hay thế! Chứ tôi chiên nó cứ cháy đen như là than phải bỏ hết không ăn được, sau này nếu muốn ăn tàu hũ chiên tôi cứ phải ra tiệm mua chiên sẵn.
    Mọi người xếp chung hàng nghe ông nói đều quay lại nhìn, có người mách nước:
    - Lần sau nếu ông muốn chiên thì cứ nhờ bà xã hay con gái chiên trước cho một lần rồi bắt chước theo mà chiên.
    Ông thanh minh liền:
    - Tôi làm gì có bà xã.
    Có lẽ vì “get line” dài quá nên họ chuyện trò cho vui:
    - Ông sang đây theo diện gì?
    - Dạ HO.
    - Trước 75 ông đã có gia đình chưa? Hay đi học tập về rồi bị mất vợ?
    Ông lắc đầu như phủ nhận tất cả và chậm rải giải thích:
    - Thật ra trước 75 tôi đang tu trong nhà thờ rồi phải nhập ngũ đi lính. Sau 75 đi học tập về không được tu nữa.
    Có người thấy ông chữa vợ nên đùa:
    - Sao hồi đi HO ông không sớt đại một cô nào đem sang đây có phải vừa làm phước cứu được một người, vừa có người chiên tàu hũ cho ăn không?
    Ông cười:
    - Chả biết là làm phước hay lại thành của nợ đây?
    Dì Mót đã trả tiền xong nên ra về không còn nghe tiếp được chuyện “ông cha” đó nữa! Vài ngày sau, theo thói quen thường lệ cứ đúng weekend là chúng tôi đi chợ VN một lần. Khi thì tôi đi, khi thì dì Mót đi hoặc có khi cả hai dì cháu cùng đi. Cũng có khi đột xuất cần một món gì đó thì chúng tôi lại đi thêm vào một ngày thường nào đó lúc tan sở về. Weekend đó dì Mót tôi lãnh nhiệm vụ đi chợ VN một mình. Sau khi đậu xe và lock cửa đàng hoàng, dì thong thả rời khỏi khu parking để tiến về phía chợ, bỗng có một giọng đàn ông từ phía sau gọi tới:
    - Cô tàu hũ! Cô tàu hũ!
    Dì quay lại thì gặp ngay ông cha bữa trước, dì ngạc nhiên đứng lại, ông cha cười toe toét, nét mặt mừng rỡ trông thấy rõ:
    - Rất may được gặp cô ở đây! Xin lỗi cô bữa trước không kịp hỏi tên cô nên tôi đã vô phép gọi cô là cô tàu hũ.
    Dì mắc cười quá khi thấy sao ổng không gọi mình bằng chị như bữa trước mà lại sửa miệng gọi bằng cô? Dì chưa kịp phản ứng gì hết thì người đàn ông nói tiếp:
    - Xin lỗi cô, tôi tên Thịnh. Hỗm rày tôi rất muốn gặp lại cô để nhờ cô chỉ tôi cách chiên tàu hũ làm sao cho đừng bị khét mà không biết tìm cô ở đâu, nên tôi đành phải đi chợ dài dài thời may quá hôm nay được gặp cô. Vậy cô cho phép tôi cùng đi vào chợ với cô mua tàu hũ được không?
    Đến đây thì dì Mót tôi đã hiểu “ông nội” này muốn kiếm chuyện để làm quen với dì chứ tàu hũ với tàu hấp gì. Nghĩ thế nên dì te te vừa đi vừa trả lời:
    - Chợ là nơi công cộng, ai muốn đi thì đi. mắc mớ gì ông phải xin phép tôi?
    Và rồi họ quen nhau từ đó. Dì Mót tôi thiệt là kín miệng, email qua lại, hẹn hò đi chơi với nhau gần cả năm trời nay mà ở nhà chẳng ai hay biết. Bây giờ sau khi đã tìm hiểu lẫn nhau, họ cảm thấy tình yêu đã chín mùi nên đưa nhau về ra mắt gia đình đôi bên để tính đến chuyện chung thân đại sự. Ba má tôi tuổi đã ngoài 80, một lần nữa phải đứng ra làm xuôi để gả dì Mót tôi đi lấy chồng. Ngày “Valentine” Quý Tỵ là ngày cưới của hai người. Dì Mót tôi thật là đẹp trong ngày vui đó, hình như dì chỉ hợp với màu trắng và dì cũng rất thích màu trắng. Chiếc áo đầm cưới dài đến tận gót chân, bông cài đầu, hoa cầm tay, voan che mặt, tất cả đều trắng từ trên xuống dưới, trông dì trẻ trung như một thiên thần. Hèn gì dượng Mót tôi đeo dính không tha. Trong đêm tân hôn, chú rể đã thì thầm thú thật với cô dâu:
    - Anh bịa ra chuyện chiên tàu hũ để làm quen với em chứ thật ra chiên tàu hũ dễ ợt ai mà không biết. Anh sẽ chiên cho em ăn trọn đời.
    Một cuộc tình duyên muộn màng nhưng ai nấy đều vui vẻ và hài lòng, nhất là má tôi vui đến chảy nước mắt vì đã làm tròn bổn phận “quyền huynh thế phụ”. Riêng tôi rất vui mừng vì: “Dì cũng đã có chồng…”
    TÔN NỮ MẶC GIAO.
     

Chia sẻ trang này

Share