Điểm báo : Gia đình Kadhafi cai trị Libya

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi việtdươngnhân, Thg 3 20, 2011.

  1. việtdươngnhân

    việtdươngnhân Bình Chánh

    Tham gia ngày:
    Thg 3 18, 2011
    Bài viết:
    639
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Nơi ở:
    Paris
    Web:
    Điểm báo : Gia đình Kadhafi cai trị Libya



    [​IMG]
    Kadafi
    Reuters





    Lê Phước RFI

    Thông tin về chế độ gia đình trị của Kadhafi, tuần san L’Express cho biết, 7 người con trai của ông Kadhafi đều giữ vị trí trọng yếu trong kinh tế và trong bộ máy an ninh. Trong đó, có hai người ít được biết đến, nhưng lại được giao trọng trách quan trọng trong lực lượng bảo vệ chế độ.





    Phương Tây đã chính thức can thiệp quân sự vào Libya với lí do là bảo vệ thường dân và không ngừng gây sức ép buộc đại tá Kadhafi từ bỏ quyền lực. Thông tin về chế độ gia đình trị của Kadhafi, tuần san L’Express cho biết, 7 người con trai của ông Kadhafi đều giữ vị trí trọng yếu trong kinh tế và trong bộ máy an ninh. Trong đó, có hai người ít được biết đến, nhưng lại được giao trọng trách quan trọng trong lực lượng bảo vệ chế độ.

    Hai người mà L’Express đề cập đến đó là Muatassim và Khamis, hai nhân vật hầu như không có tiếng tăm gì ở phương Tây. Họ không được như người anh thứ là Seif al-Islam, người thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và được xem là « thái tử » của chế độ Kadhafi. Thế nhưng, hai người này lại nắm giữ vị trí quyết định cho sự sống còn của chế độ.

    Muatassim năm nay 35 tuổi. Kể từ năm 2007, người này được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia Libya. Ở tuổi 29, nhưng Khamis đã là chỉ huy trưởng lữ đoàn 32. Theo các chuyên gia quân sự, đây là lữ đoàn hiện đại nhất, tinh nhuệ nhất và trung thành nhất của chế độ. Nếu có điều bất trắc xảy ra, lữ đoàn này sẽ chiến đấu bảo vệ Tripoli và Syrtre, hai pháo đài của chế độ Kadhafi.

    Lòng tham không đáy

    Muatassim và Khamis đều nằm trong số 6 quan chức Libya bị nhắm đến bởi các lệnh trừng phạt của chính quyền Obama và của Liên Hiệp Quốc. Họ cũng nằm trong danh sách đen của Tòa án hình sự quốc tế.

    Theo tiết lộ của Wikileaks, Muatassim đã từng yêu cầu một tập đoàn dầu khí quốc gia hỗ trợ 1 tỷ euro để thành lập một lực lượng cận vệ riêng. Tháng 4 năm 2009, Muatassim được ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, tiếp đón tại Washington. Anh ta còn được tháp tùng cha mình đi công du khắp nơi, từ Matxcơva, Roma đến New York, thậm chí còn tham dự một cuộc họp ở đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nhờ sự sủng ái này, Muatassim được xem là đối thủ số một của Seif al-Islam trong việc kế vị « ngai vàng ».

    Trong cuộc chiến giành ngôi báu thầm lặng này, Muatassim vừa có mặt mạnh vừa có điểm yếu. Lợi thế là anh ta được sự ưu ái của các tù trưởng bảo thủ, những người không thích ý định cải cách của Seif al-Islam. Mặt yếu là Muatassim có cuộc sống vô độ và hoang phí.

    L’Express nhận xét, có một đặc tính mà anh em nhà Kadhafi đều có, đó là lòng tham không đáy. Họ tranh nhau kiếm tiền, từ lĩnh vực dầu khí đến ngành điện thoại. Xung đột giữa anh em nhà Kadhafi vì thế cũng thường xảy ra.



    Cuba nối mạng với thế giới



    Từ đầu tháng giêng, một hệ thống cáp quang dài 1 600 km đã bắt đầu được lấp đặt dưới lòng biển Caribê đi từ Vénézuéla đến Cuba với tổng chi phí lên đến hơn 63 triệu đô la. Courrier International phân tích sự kiện này qua bài viết « Cuba nối mạng với thế giới ».

    Từ trước đến nay, Cuba sử dụng internet qua vệ tinh vốn chậm và đắt đỏ. Hệ hống cáp quang thì rẻ hơn nhiều, và đường truyền cũng nhanh hơn đến 3 000 lần.

    Dự án này được Cuba, Vénézuéla và Jamaica đầu tư trong khuôn khổ hệ thống viễn thông quốc tế Alba I, một trong những chương trình hợp tác của các nước trong khu vực.

    Theo dự kiến, dự án này sẽ được hoàn thành vào giữa năm 2011. Khi đó, Cuba sẽ có một hệ thống viễn thông ngang bằng với các nước khác. Như thế Cuba đã có bước tiến đáng kể trong lĩnh vực công nghệ.

    Tuy nhiên, bên cạnh cái được, La Havana phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc. Nước này bị xếp vào những nước có số lượng máy tính cá nhân thấp nhất thế giới. Cách đây ba năm, việc mua máy vi tính và những sản phẩm công nghệ bán lẻ bị cấm đối với người dân mặc dù máy tính đã được phép nhập khẩu với mức hạn chế. Thêm vào đó, giá cả máy vi tính vượt tầm tay đa phần người dân Cuba. Mỗi chiếc máy tính có giá gần 500 đô la, trong khi đó lương bình quân của công chức chỉ có gần 30 đô la/tháng.

    Một khó khăn nữa đến từ lệnh cấm vận của Mỹ, theo đó Cuba bị cấm sử dụng đường cáp quang trên biển. Courrier International cho biết, đường cáp quang nối thành phố Miami (Hoa Kỳ) với thành phố Cancun (Mêhicô) chỉ cách bờ biển Cuba có 30 km.

    Việc đăng ký sử dụng Internet cũng rất phiền hà. Thông thường, chỉ có thể thông qua tài khoản hoặc máy chủ được gắn với một cơ quan nhà nước hoặc một đơn vị được nhà nước ủy quyền, người dân mới có thể tiếp cận với các loại hình truyền thông số, từ thư điện tử, loại hình hạn chế sử dụng đối với người dân, nhưng mở cho một vài người nước ngoài, đến trang mạng quốc tế, trang mạng này chỉ cho phép với một số ít người vì lí do tác nghiệp.

    Courrier International nhận định, việc lấp đặt cáp quang sẽ làm thay đổi cơ bản tình hình hiện tại ở Cuba, bằng việc mở rộng lối tiếp cận mạng cho những người quan tâm và có điều kiện kinh tế. Mối quan hệ giữa người Cuba và hệ thống truyền thông số sẽ tùy thuộc vào việc chính phủ có dám chấp nhận thực tế hay không, và vào phương thức mà chính phủ đề cập đến những thách thức của việc người dân trong một đất nước như Cuba được tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin truyền thông.

    Hiện tại, Cuba đang trong thời kỳ cải cách kinh tế. Việc người dân được tiếp cận với thế giới truyền thông số là một bệ phóng cho hiện tại và tương lai của nền kinh tế và xã hội. Tờ báo kết luận: Cùng với việc hưởng lợi ích từ đường cáp quang trong tương lai, chính phủ Cuba còn phải đối mặt với những vấn đề phát sinh mới.



    Malaysia : thiếu khoan dung dẫn đến hậu quả khôn lường



    Liên quan đến tình hình chính trị Malaysia , Courrier International quan tâm đến mối bất hòa giữa các tộc người ở nước này qua bài viết “Sự thiếu khoan dung gây hậu quả khôn lường”.

    Các hướng dẫn viên du lịch Malaysia thường tự hào nói với du khách ngoại quốc về sự hòa bình và hòa hợp của các tộc dân ở đất nước đa sắc tộc này. Thủ tướng nước này ông Najib Tun Razak cũng chọn chủ đề trọng tâm trong chính sách điều hành của mình là “One Malaysia”. Ông này hãnh diện tuyên bố: Malaysia là một điển hình độc đáo về hiện tượng đa sắc tộc. Ông nói : “Mục tiêu một nước Malaysia thống nhất là làm sao bảo tồn và củng cố sự thống nhất trong đa dạng, điều đó đã làm nên sức mạnh của chúng ta, và là hy vọng lớn nhất của chúng ta đối với tương lai đất nước”.

    Ông Nazak lên nắm quyền vào năm 2009. Thế nhưng, hiện tại sự căng thẳng sắc tộc và tôn giáo còn nghiêm trọng hơn so với giai đoạn trước, thậm chí là nghiêm trọng nhất kể từ năm 1969, năm diễn ra xung đột giữa người Mã Lai đa số và người Hoa thiểu số với hơn 200 người chết.

    Courrier International cho rằng tình hình tồi tệ hiện tại là do các nhà lãnh đạo Malaysia hay có những hành động và lời nói quá khích. Tờ báo nhắc lại vụ rắc rối xảy ra khi đức tổng giám mục Kuala Lumpur mời thủ tướng Nazak. Trợ lý thủ tướng đã yêu cầu phía tổng giám mục khi tiếp thủ tướng phải dẹp thánh giá và không được hát hay cầu nguyện kinh thiên chúa vì như vậy sẽ xúc phạm thủ tướng do Nazak là người Hồi Giáo. Rồi lại việc ông bộ trưởng nội vụ đón tiếp những người Hồi Giáo quá khích, những người mà trước đó đã đặt một cái đầu bò cái trong đền thờ của đạo Hindu, một vật thiêng đối với với người Hindu giáo.

    Nghiêm trọng hơn là ông bộ trưởng quốc phòng đã từng tuyên bố, một trong những nguyên nhân mà quân đội nước này chỉ gồm người Mã Lai, đó là vì người thuộc các sắc tộc khác « thiếu lòng yêu nước ». Thậm chí tờ báo của đảng ông Nazak còn tấn công các chính trị gia gốc Hoa khi cho rằng những người này sẽ biến Malaysia thành thuộc địa của Trung Quốc.

    Sự xói mòn tinh thần bao dung này còn diễn ra trong lĩnh vực kinh tế. Mục tiêu quốc gia của Malaysia là đến năm 2020 sẽ trở thành một nước phát triển. Muốn được như vậy, đòi hỏi tỷ lệ tăng trưởng trong những năm tới phải đạt 8%. Đế đạt được mục tiêu đó, chính phủ làm cho đầu tư trong lĩnh vực tư nhân tăng lên, phải cải cách sâu nền kinh tế, nâng cao tay nghề người lao động.

    Thế nhưng, căng thẳng sắc tộc và tôn giáo đã gây trở ngại cho mục tiêu này. Giai đoạn 2007-2009, đã có gần nửa triệu người bỏ đất nước ra đi. Phần lớn trong số này là người gốc Hoa hoặc gốc Ấn Độ. Nhiều người trong số họ có chuyên môn cao trong kinh tế, kỹ thuật và khoa học, những lĩnh vực mà Malaysia đang rất cần để phát triển đất nước.

    Việc người gốc Hoa và gốc Ấn Độ bị phân biệt đối xử là chuyện không có gì mới mẻ. Họ luôn bị xem là “công dân hạng hai” và phải chịu nhiều thua thiệt trong giáo dục, kinh tế và tham gia quản lí nhà nước. Thế nhưng tình hình càng lúc càng trầm trọng. Hiện tại họ cảm thấy mình không còn có tiếng nói trong chính phủ . Các đảng chính trị của họ bị chỉ trích là chỉ lo cho lợi ích của sắc tộc họ. 90% công chức là người Mã Lai, từ quân đội, cảnh sát, giáo dục đại học đến ngành ngoại giao. Thậm chí đến tổ chức TalentCorp, được thành lập năm 2010 với nhiệm vụ thu hút kiều dân trở về phục vụ đất nước, cũng có giám đốc và toàn ban điều hành là người Mã Lai.

    Courrier International nhắc lại việc năm rồi, thủ tướng Nazak đã hứa sẽ làm cho chính sách dân tộc trở nên cởi mở hơn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, minh bạch và dựa trên năng lực. Thế nhưng, ông đã thất hứa, do những người Mã Lai cánh hữu phản đối vì lo ngại quyền lợi của tộc người Mã Lai bị xâm phạm.
    Tờ báo kết luận: Nếu không cải cách, thì khả năng cạnh tranh của nước này sẽ tiếp tục giảm và tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục tuột dốc.




    Trung Quốc và nghệ thuật thế giới



    Với bài « Trung Quốc trỗi dậy », tuần san Le Nouvel Observateur quan tâm đến sự kiện Trung Quốc trên đường chiếm lĩnh thị trường nghệ thuật thế giới.

    Giao dịch trên thị trường nghệ thuật thế giới bắt đầu tuột dốc từ năm 2008. Thế nhưng, năm 2010 mọi thứ đã thay đổi. Một nghiên cứu cho biết có hai hiện tượng gây ngạc nhiên trong lĩnh vực này.

    Đầu tiên, đó là tốc độ phục hồi quá nhanh của thị trường nghệ thuật thế giới. Doanh số của năm 2010 đã đạt đến 43 tỷ đô la, tức tương đương với năm 2006.

    Hiện tượng thứ hai đó là sự bùng nổ của thị trường nghệ thuật Trung Quốc. Năm 2002, giá trị của thị trường này chỉ có 691 triệu đô la. Tám năm sau, con số này đã lên đến 6 tỷ đô la, chiếm 23% thị phần thế giới. Như vậy, Trung Quốc đã vượt qua Pháp và Anh để giữ vị trí số 2 trong lĩnh vực này, chỉ sau có Hoa Kỳ.

    Giải thích về nguyên nhân của sự kiện này, Le Nouvel Obervateur cho rằng do những người mua sản phẩm nghệ thuật Trung Quốc bắt đầu đầu tư bảo tồn di sản dân tộc. Những cổ vật có giá trị lịch sử luôn thu hút họ.

    Năm 2008, chiếc ấn của của Khang Hi được bán ở Toulouse với giá 4,7 triệu euro. Năm 2010, một chiếc bình thời Ung Chính được bán ở Paris với giá 5,5 triệu euro. Tuy nhiên những người mua đã không để lộ danh tánh.
    Theo một chuyên gia Pháp, trước kia, thị trường nghệ thuật thế giới chỉ tập trung ở Châu Âu và Mỹ. Nhưng ngày nay, thị trường này đã trở nên « đa cực ». Nó không chỉ được mở rộng về địa điểm, từ Paris đến Hồng Kong, từ New York đến Luân Đôn, mà còn đa dạng về quốc tịch người mua. Và kể từ nay, người mua đến từ Trung Quốc, Singapore và những nước vùng Trung Đông ngày càng nhiều.



    tags: Bắc Phi - Libya - Điểm báo
     

Chia sẻ trang này

Share