Chớm Thu Nức Nở Tiếng Thu

Thảo luận trong 'Thơ' bắt đầu bởi Lu Hà, Thg 8 6, 2017.

  1. Lu Hà

    Lu Hà Active Member

    Tham gia ngày:
    Thg 10 13, 2011
    Bài viết:
    5,006
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    36
    Giới tính:
    Nam
    Bình thơ Giang Hoa - Lu Hà: “Chớm Thu“ và “Tiếng Thu“


    Đã lâu lắm Lu Hà tôi hay làm thơ cảm hứng. Nghĩa là thơ không phải từ một chút tình riêng tư, từ cõi lòng tâm hồn mình do ai oán khổ đau nhớ thương ai đó mà viết ra. Cuộc đời yêu đương trầm luân thì đã viết hết cả rồi. Nhưng Lu Hà tôi lại thấy rung động xốn xang xao xuyến với nhân tình thế thái mà xúc động thành thơ. Khi nghe một bài hát, một đoạn văn tự sự của ai đó, một tiếng thở dài bâng quơ não nùng của người qua đường, gió thổi mây bay, một bài thơ vô tình đọc được. Tất cả là những vỉa than thiên nhiên mênh mông vô tận. Mình nhặt những mẩu than rơi vãi mà nhìn ngắm nó tìm ra cái cốt của than, dù là than bùn, than thô hay than rác rưởi cũng được, mình sẽ cho nó vào lò luyện than của tâm não trí tượng tượng thần thánh của riêng mình mà luyện ra một thứ than cốc tuyệt hảo cống hiến cho đời.


    Hôm nay nhờ trời xui khiến, trận gió lành mát mẻ đầu thu tháng 8 đã thổi lão phu trở lại trang facebook: “Lu Hà Dòng Thu“ và vào khung chat thấy tin nhắn của Giang Hoa: Em làm bài thơ “Chớm Thu“ . Sao không thấy anh họa lại cho vui?


    Thì ra “Chớm Thu”viết bằng thể thơ song thất lục bát. OK anh Lu Hà sẽ không họa lại theo vần. Anh hiểu tâm trạng em khi viết bài thơ này rồi. Vậy anh sẽ cảm hứng ra thơ lục bát nhé. Cách đây vài năm nhà văn Võ Phiến đã đưa ra khái niệm dịch thơ và chuyển thể. Dịch thơ tuy cùng là chữ Việt Nam cả. Nghĩa làm thơ song thất lục bát thì mình chuyển dịch, chuyển sang thể khác như lục bát, 7 chữ, 5 chữ, 8 chữ v.v…. và ngược lại. Theo ông Võ Phiến họa thơ chỉ đúng trong trường hợp thơ đường luật. Nhưng họa phải theo nguyên tác dùng lại vần của bài xướng, còn các chữ khác cấm dùng lại. Còn họa thơ theo vần lục bát, song thất lục bát, v. v… là lối chơi thơ tùy tiện. Cái sở thích này Lu Hà tôi bây giờ không thích nữa.


    Tôi thấy ý kiến ông Võ Phiến vẫn chưa đầy đủ mà tôi đưa ra khái niệm cảm hứng. Cảm hứng thơ thì qúa đơn giản, nhưng hưởng đúng ý nghĩa của nó đã mấy ai hiểu hết. Thiên hạ hay nhầm lẫn giữa thơ cảm hứng và thơ họa lại.

    Cách thức tôi làm thơ khi nghe các bài hát của các nhạc sĩ, hay nghe một đoản văn ngắn của ông A, bà B hay hôm nay đọc thơ Giang Hoa bài “Chớm Thu“ và tôi cảm hứng ra thơ lục bát như bài “Tiếng Thu“ là như vậy. Hoàn toàn không có tí họa nào cả, kể cả họa thuần theo ý. Hai bài thơ dập dìu bổ trợ cho nhau nhưng hai mạch thơ nội dung ý nghĩa khác nhau.


    “ Chớm Thu “ là chớm đến, chợt đến, mở đầu manh nha cho mùa thu buồn lá vàng rơi khi bài thơ viết vào ngày 2 tháng 8. Chờ cho 3 ngày sau tức là ngày 5 tháng 8 nỗi buồn càng nhiều, lá rụng thêm nhiều thì có “Tiếng Thu“ nức nở thổn thức sầu bi của Lu Hà.


    -Giang Hoa:

    “ Thu về lại giăng buồn trước ngõ

    Hạ vừa qua vàng võ mùa sang“


    - Lu Hà:

    “Thu về giăng mắc lối đi

    Lá vàng chớm rụng rầm rì oanh ca“


    Đúng là một đôi song kiếm hơp bích liên thủ với nhau giữa Giang Hoa và Lu Hà. Nàng thì song thất lục bát du duơng vấn vương bởi các thanh trắc tiện lợi cho ngâm nga, thơ chàng thì mềm mại mượt mà thiết tha nhịp nhàng dan díu bướm hoa bởi các vần lục bát tạo na một ngữ cảnh âm điệu trầm hùng của vũ trụ thiên nhiên. Thu về giăng nỗi buồn trước ngõ kéo dài lê thê cả các lối đi. Hạ bỏ đi thu sầu lá rụng nuối tiếc nắng vàng là tiếng chim oanh ca lanh lảnh réo rắc thấu cả cung Hằng làm cho trăng thêm vàng võ xanh xao…



    -Giang Hoa:

    “Hoa rơi lẫn vệt nắng tàn

    Lá xào xạc rụng nai vàng ngác ngơ“


    -Lu Hà:

    “Phượng tàn băng gía trăng ngà

    Mắt nai ngơ ngác thiết tha đợi chờ“


    Hai câu lục bát của Giang Hoa đi sóng đôi với hai câu lục bát của Lu Hà tạo nên một bản hợp xướng trường ca của tâm linh. Tất nhiên cả hai bài thơ ngắn này không phải là trường ca bình thường mà là trường ca của tâm linh, ý thơ, tình thơ, hồn thơ cứ tự dài ra mệnh mông tùy theo khả năng tư duy của con người.


    Người nào trí tuệ kém thì chả thấy quái gì là mênh mang cả. Họ thường thích đọc những câu thơ tuy có vần mà vô nghĩa vô cảm vô hồn. Họ tưởng lục bát dễ làm ai cũng có thể là nhà thơ. Việt Nam là cường quốc thơ. Vì ai cũng biết làm thơ lục bát trên sáu duới tám là xong. Người có trí tuệ cao giàu trí tưởng tượng thì cảm thấy mênh mông trường ly tao ca thật. Này nhé hoa rơi lẫn vệt nắng tàn. Hoa nào tượng trưng cho cuối hè sang thu? Lu Hà trả lời ngay đó là hoa phương vĩ. Hoa phượng vĩ màu đỏ tựa như hoa TiGon hình trái tim cũng màu máu chỉ sự tình ái đến lúc tàn úa, làm con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng thu.

    Lưu Trọng Lư từng viết:

    “Em không nghe mùa thu

    Dưới trăng mờ thổn thức?

    Em không nghe rạo rực

    Hình ảnh kẻ chinh phu

    Trong lòng người cô phụ?“


    Hoa phượng tàn làm gía lạnh cả cung Quảng Hàn, tức ánh trăng ngà, nhưng mắt nai của cô thiếu nữ người thiếu phụ vẫn thiết tha đợi chờ ái tình đừng bỏ đi biền biệt. Nữ sĩ Giang Hoa và Mai Hoài Thu đã để lại trong lòng tôi một hồn thơ chan chứa. Tâm trạng của hai người thiếu phụ cùng trà cùng lứa rất giống nhau.


    Biết Phải Làm Sao


    Anh biết lắm hồn thu phảng phất

    Gió thu buồn chân thật làm sao

    Lá thu xào xạc vẩn vơ

    Bồi hồi thổn thức ngẩn ngơ ra vào


    Thư em viết nghẹn ngào nhức nhối

    Vẫn than phiền bao nỗi tủi hờn

    Còn anh thì cũng chẳng hơn

    Cố hương biền biệt hoàng hôn xế tà...


    Giá có được mặn mà thanh vắng

    Để vơi đi bớt đắng sầu cay

    Tình thương mang lại vui say

    Trái tim ấm áp tháng ngày em ơi!


    Hãy dấn bước vui tươi em nhé

    Vượt lên trên bao nỗi khó khăn

    Xoá đi bực bội trở trăn

    Ngày dài tháng rộng muà xuân én về


    Bao kỷ niệm tràn trề xúc cảm

    Những đêm dài thê thảm trần canh

    Mặn mà tìm giọt biển xanh

    Vườn thu ríu rít yến oanh thì thào!


    Anh phải biết làm sao đây nhỉ?

    Để em tôi lấy lại nụ cười

    Sẻ san cốc lệ đầy vơi

    Chắt chiu từng hạt muối đời cho nhau!


    11.1.2011 Lu Hà



    Giang Hoa:

    “ Hàng phượng vĩ giờ trơ cành gãy

    Phiến lá sầu run rẩy bên đồi “


    -Lu Hà:

    “ Đại dương sao nỡ hững hờ

    Dòng sông chung thủy lờ đờ cá bơi “


    Muà thu là mùa tàn lụi sầu ly. Nhìn cảnh muà thu, sao mà ngao ngán vô cùng.

    Hàng phượng vĩ trơ cành gãy, đại dương cách trở bao la ngăn cách những trái tim, tấm lòng thương yêu của con người da diết. Những phiến lá sầu chỉ biết run rẩy đợi rơi xuống mà thôi. Sóng vỗ hững hờ, nhưng dòng sông ái tình vẩn chung thủy quyết không thay đổi dòng dù cho đôi bờ bên lở bên bồi. Đàn cá đắm say đầy khát vọng hy vọng đợi chờ lờ đờ bơi...


    Ngày xưa, vào năm 2008 tôi có thể chưa tới cảnh giới thi sĩ chánh hiệu con nai vàng, nhưng cũng tức cảnh sinh tình, cảm tác lòng mình bùi ngùi suy tưởng để mà làm thơ. Bây giờ đã là đầu thắng rồi. Tôi lại sực nhớ mới mượn cảnh muà thu mà tả nỗi lòng mình. Nếu như trong một sự tình cờ nào đó, nàng cũng lên mạng đọc bài thơ này. Vậy cũng là an ủi cho tâm linh cuả tôi và may mắn cho tôi lắm rồi. Dù sao trong cõi trần gian giả tạm này nàng là cô gái có đôi mắt tinh đời và biết được tôi là một kẻ si tình đàng hoàng tử tế.


    Thêm Một Mùa Thu


    Mấy chục năm rồi thu laị thu

    Trời còn ảm đạm đến bao giờ

    Như tôi nhớ cánh phong lan ấy

    Thương cả muà thu lạnh bốn muà


    Cứ tưởng lâu rồi thu lại quên

    Cánh hoa yêu dấu của trần gian

    Nào ngờ năm tháng còn lưu lại

    Một chút hương lòng vẫn chẳng tan


    Nếu bảo muà thu héo cánh hoa

    Cho lòng thêm nặng nỗi tương tư

    Thương ai khao khát người tri kỷ

    Thêm một muà thu thêm khổ đau


    Một bước xa đi một lỡ làng

    Đường trần xanh thẳm áng mây trông

    Thương ai lầm lũi trong mưa gió

    Hận để ngàn thu một nỗi buồn


    Tôi phải đi rồi hãy dấn thân

    Đời trai lãng tử cõi phong trần

    Thương yêu chẳng được như mong đợi

    Kiếp quả thôi đành ôi mỹ nhân!


    Anh chẳng quỳ xin nợ vấn vương

    Tuỳ lòng tự nguyện của tình thương

    Nếu cho duyên số là như vậy

    Lỡ bước sa cơ chiụ nhỡ nhàng


    Mấy chục năm rồi thu lại thu

    Hổn tôi u uất đến bao giờ

    Cho ai mong đoá phong lan ấy

    Mưa cả lòng tôi rụng cánh sầu


    Nếu đợi muà sau được tái sinh

    Lụy tình kiếp trước hận trời xanh

    Ba sinh chồng chất duyên còn nợ

    Thương dệt cho nhau tấm mộng lành


    Thêm một muà thu thêm khổ đau

    Vẩn vơ mơ mộng mãi trong đầu

    Thương chàng thi sĩ tương tư mãi

    Nửa già thế kỷ vẫn còn yêu


    Anh sẽ tìm em ở kiếp sau

    Dương trần mộng dệt với hồn thơ

    Trời thu thăm thẳm không buồn nữa

    Chẳng nỡ sinh ly chẳng nỡ sầu


    Anh chẳng đi đâu trong gió mưa

    Yêu chiều ân ái mộng tình xưa

    Nếu trong căn số còn ghi nhận

    Kiếp trước thiệt thòi bao khổ đau


    Mấy chục năm rồi đã tạm yên

    Đường trần lê bước nỗi truân chiên

    Bỗng ai nhắc đoá phong lan ấy

    Nhớ lại ngày xưa gợi nổi buồn


    Chậm một sát na để khổ đau

    Trường tình đêm hận đếm muà thu

    Chẳng may nhầm nước sai đường bước

    Một nỗi tương nặng gánh sầu!


    2008 Lu Hà


    -Giang Hoa:

    “ Tiếng ve ngơ ngẩn rã rời

    Chẳng còn rộn rã hạ ơi ! Đừng buồn ...“


    -Lu Hà:

    “ Ve sầu rả ríc người ơi!

    Không gian vô tận cuối trời sầu tang “


    Cùng là tiếng ve kêu với Giang Hoa thì ngơ ngẩn nhưng rã rời vì nuối tiếc mùa hè, mùa thu tới ve lột xác rồi mùa đông thì ngủ yên vòng đời vài ba năm có khi tới chục năm hoặc về cõi vĩnh hằng. Không gian vô tận biết đâu mà tìm, ve cái đẻ trúng ấu trùng vùi sâu dưới đất và tự ngoi lên tạo thành những bản nhạc lâm ly sầu tang cho thế gian này. Tiếng ve kêu tu hú kêu vải thiều nhãn chín là quang cảnh nhộn nhịp cuối hè đầu thu.



    -Giang Hoa:

    “ Đầu tháng tám mưa tuôn nặng hạt

    Tưởng đông về nhòa nhạt đóa mây “


    -Lu Hà:

    “ Mây bay làn gió mơ màng

    Sâm thương đôi ngả mênh mang đoạn trường “


    Đúng là tức cảnh sinh tình. Đầu tháng 8 những hạt mưa thu gió lạnh mà đã tưởng đông về. Cúc đã nở hoa phượng vĩ sầu rơi. Mùa đông về nhanh qúa, cõi lòng em tái tê. Mây nhạt nhòa để hồn mộng tưởng mênh mang đoạn trường, sâm thuơng dồn đuổi nhau hoài. Sâm thuơng chính là sao hôm và sao mai. Cùng chỉ là mộ vì sao ngày nay gọi là sao kim. Với người Tàu khi khoa học thiên văn chưa phát triển thì sâm thương là hai ngôi sao. Sao Sâm là một trong bảy ngôi sao thuộc chòm sao Bạch Hổ. Sao Thương là một trong bảy ngôi sao thuộc chòm sao Thương Long. Sao Sâm luôn mọc ở phía Tây. Sao Thương luôn mọc ở phía Đông. Sao Sâm và sao Thương không bao giờ cùng xuất hiện cùng một lúc trên bầu trời, lúc sao này mọc thì sao kia đã lặn và ngược lại. Vì vậy, người ta thường dùng hình ảnh “Sâm Thương“ theo nghĩa vợ chồng tình yêu ly gián cách trở, biệt ly.

    Nguyễn Du viết:

    “Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng

    Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân “


    Trong ca dao Việt Nam cũng có câu:

    “ Đôi ta như thể Sâm Thương

    Xa xôi cách trở, nhớ thương cháy lòng“


    -Giang Hoa:

    “ Ngưu lang Chức nữ hẹn ngày

    Nhịp cầu lỡ bước sắc ngài héo hon “


    -Lu Hà:

    “ Ngó lòng trót bẻ tơ vương

    Tiếng thu nức nở cố hương tủi hờn “


    Trên bầu trời ngoài hai ngôi sao sâm và thương còn có sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ. Còn có tên gọi khác theo tiếng Việt là ông Ngâu bà Ngâu, là một câu chuyện cổ tích rất nổi tiếng có xuất xứ từ bên Tàu.

    Ngưu Lang Chức Nữ hẹn ngày là ý Giang Hoa muốn tả một câu chuyện tình bi thảm. Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào cung điện. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.

    Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào ngày 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.


    Nhưng sông Ngân Hà trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế nghề nghiệp kém cỏi. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc ô kiều hay gọi là ô thước.


    Nữ sĩ Giang Hoa viết vậy, Lu Hà còn bồi thêm: Ngó lòng tức ngó sen lòng dù có trót bẻ thì tơ còn vương vấn ví von hình ảnh tượng trưng cho chuyện tình yêu nam nữ. Mùa thu lá vàng mưa rơi cũng nức nở cung đàn sầu ly chia phôi. Mùa thu là mùa của tình yêu xa cách nhớ thương.



    -Giang Hoa:

    “ Hồn xao xuyến mỏi mòn chờ đợi

    Bóng nhạn xa vời vợi về đâu “


    -Lu Hà:

    “ Mưa ngâu tầm tã đòi cơn

    Canh ba gà gáy chập chờn dư âm “


    Còn gì buồn thảm hơn cảnh mùa thu mới chớm mà hồn người mỏi mòn sao xuyến chờ đợi. Chờ đợi bóng nhạn xa, hay chim én báo hiệu một mùa xuân ấm áp của ái tình. Mùa thu mới bắt đầu mùa đông chưa qua mà đã mong mỏi mùa xuân rồi. Nhưng cảnh ngộ chớ trêu chỉ có những trận mưa ngâu tầm tã, gối lẻ chăn đơn nửa đêm gà gáy canh ba chập chờn dư ảnh âm ba heo hút của bóng người xa xưa, dư âm qúa khứ dĩ vãng dần trôi.


    -Giang Hoa:

    “ Để thu chết lặng hoang sầu

    Nhìn cây trơ lá hoa cau rụng đầy “


    -Lu Hà:

    “ Hải triều sóng vỗ ầm ầm

    Nhịp cầu ô thước nhủ thầm Ngưu Lang “


    Dư âm ảo ảnh của linh hồn đã để lại cho mùa thu chết lặng sầu bi. Phong cảnh xác xơ tàn lụi côn trùng, thảo mộc, đông di thê lương vô cùng, cành cây khẳng khiu hoa cau rụng đầy rắc trắng lối đi một màu tím trắng xót xa hoài cảm. Ngoài khơi kia thì hải triều sóng vỗ ầm ầm biết bao người thứ lữ tha phương ngậm ngùi thương nhớ cố hương mà nhủ thầm chim ô thước tức quạ đen bắc cầu cho chàng Ngưu Lang bơ vơ nơi đất khác quê người trở về quê hương nơi chôn rau cắt rốn tìm nàng Chức Nữ đang thui thủi một mình chăn tằm dệt vải. Cả bốn câu thơ Giang Hoa và Lu Hà sóng đôi thật là ăn ý tròn trịa rất đẹp trong nghệ thuật tu từ của thơ lục bát vốn dĩ là loại thơ rất khó làm

    Không phải chỉ cốt sao cho có vần là được như nhiều người lầm tưởng là loại thơ phổ thông dân dã, thảo dân quê mùa.



    -Giang Hoa:

    “ Thu vừa chớm rừng cây khô lá

    Hạ đẫm buồn vội vã chia ly “


    -Lu Hà:

    “ Mạch tương Chức Nữ dở dang

    Nửa đời cô quạnh lang thang bến tình “


    Hết hạ thì thu đến. Thu đến thì hạ buồn. Để cho lòng người nhân thế trăn trở từng đêm. Đất trời đã rung chuyển vũ trụ càn khôn đã mấy lần? Trăng và sao xa xôi như trăm vạn lần luân hồi của kiếp đời phu du bèo bọt hợp tan, tan hợp của nỗi sầu vương vấn chia ly.


    Mạch tương nàng Chức Nữ dở dang là dòng nước mắt của hai bà Hoàng Hậu. Theo truyền thuyết, vua Thuấn đi tuần thú đất Thương Ngô ở miền sông Tương không may bị bệnh chết. Hai người vợ là Nga Hoàng và Nữ Anh (con vua Nghiêu) đi tìm vua đến bên sông Tương, ngồi bên bờ sông khóc lóc thảm thiết rồi trầm mình tự tử. Do đó, giọt Tương hay mạch Tương thành điển cố chỉ giọt nước mắt, nhất là nếu khóc vì tình.

    Trong Truyện Kiều có câu: "Chưa xong điều nhĩ đã dào mạch Tương".

    Khóc vì tìnn yêu dang dở Giang Hoa và Lu Hà đã khéo léo mượn cảnh chớm thu để miêu tả lòng người nửa đời qúa bụa hay thủ tiết cô đơn thờ chồng, đợi chồng của người phụ nữ thế gian này có khác chi Chức Nữ lang thang dọc bờ sông Ngân Hà tìm hình bóng của chàng Ngưu Lang?


    -Giang Hoa:

    “ Tình ơi sao nỡ phân kỳ

    Để cho một đóa Cẩm ly hóa sầu ...“


    -Lu Hà:

    “ Chắp tay cầu nguyện thánh linh

    Thiên sầu vạn cổ hành tinh ngậm ngùi...! “


    Giang Hoa sinh trưởng ở miền Nam nên hay dùng những câu chữ như miên trường, đăng trình, phân kỳ v.v… chỉ sự kéo dài bền bỉ hay cách trở chia ly khác với người miền Bắc. Cẩm ly là một loại hoa màu tím lá mỏng, có vị ngọt nhạt, tính mát có tác dụng thanh phế giảm ho long đờm, cầm máu. Lá cẩm còn được người dân tộc làm nước để tắm cho trẻ con khỏi rôm sảy. Ở một số nơi, người ta còn sử dụng lá cẩm để nhuộm màu cho thực phẩm, hoặc dùng để chế biến các thức ăn vì loại lá này không gây độc. Ví dụ như ở Việt Nam có xôi lá cẩm, bánh tét lá cẩm, v.v...


    Đóa hoa cẩm ly có ý nghĩa trong thơ tả sự chung thủy chung tình như hoa sim, hoa ti gon vậy, nay đã hóa sầu. Bởi cuộc tình phôi phai chia ly cách trở phân kỳ,


    Hình ảnh tuợng trưng đóa cẩm ly, cẩm tú cầu, hoa trinh nữ đều là những loại hoa chỉ người phụ nữ yếu đuối khát khao tình yêu đã trong có điển tích, chuyện cổ dân gian rất quen thuộc. Lu Hà đã kịp thời phối cảm với Giang Hoa tạo thành một chuỗi ngữ điệu hình ảnh âm thanh, tình cảm rất con người như chắp tay cầu nguyện thánh linh để cho hành tinh này thiên sầu vạn cổ phải ngậm ngùi.

    Chớm thu để mà nức nở tiếng thu. Sầu tang ly biệt. Than ôi cho ái tình!

    Buổi Chiều Định Mệnh



    Anh đến bên em một buổi chiều

    Ngàn năm tiền định kiếp phiêu diêu

    Nào ngờ em vẫn còn non trẻ

    Cho sóng lòng anh nuối tiếc nhiều


    Anh muốn tìm em những ái ân

    Những thương những nhớ những ân cần

    Em tôi luống thẹn nhìn vơ vẩn

    Xa cách nhau thêm dậu cúc tần


    Cánh én bay xa chẳng hẹn về

    Thương chiều thu lạnh nắng vàng hoe

    Ven đê in dấu chàng thi sĩ

    Chiếc bóng xa xưa vẫn nhạt nhoè


    Anh đã ra đi chẳng hẹn thề

    Nỗi lòng xa nhớ với sao khuê

    Chân trời xa lạ hồn du tử

    Mộng ước duyên thầm tan khói mê


    Xưa đó anh thường hay đến nhà

    Lòng sao dấu kín chẳng phơi ra

    Dửng dưng con cá vàng lơ đãng

    Thui thuỉ tình anh có đậm đà....


    Thu đến thu đi thu lại qua

    Lòng tôi tan nát đến bao giờ ?

    Bây giờ em hỏi còn thương nhớ

    Khóc bóng trăng xưa trót héo mờ...


    28.1. 2009 Lu Hà




    Nàng thơ là tinh tú bước vào giấc mộng phiêu diêu gỉa tưởng liêu trai. Lời dễ phôi phai mà lòng khó quên giữa ngôn ngữ Bắc Kỳ ẻo lả trăng gió và ngôn ngữ Nam Kỳ thanh tao đài các đầy vẻ trang trọng. Tạo nên một bản hợp tấu âm lạ tai phù thủy quyến rũ tâm hồn trái tim chúng ta. Đây là những dòng chân thành dành cho tuổi trẻ Việt Nam, chả có ý khoe thơ mình hay đâu, đừng hiểu lầm nhé.


    6.8.2017 Lu Hà
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: Thg 8 7, 2017

Chia sẻ trang này

Share