Canh bạc cuối cùng

Thảo luận trong 'Truyện ngắn' bắt đầu bởi Đặng Quang Chính, Thg 8 29, 2011.

  1. Đặng Quang Chính

    Đặng Quang Chính New Member

    Tham gia ngày:
    Thg 3 19, 2011
    Bài viết:
    262
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Canh bạc cuối cùng

    Vừa ngồi vào ghế, người phục vụ chưa kịp lau bàn, ba anh em đã được một người bán vé số mời mua. Không biết chú út có thỉnh thoảng mua, hay không mua vé khi có mặt anh em ….nhưng cử chỉ dứt khoát qua cái khoát tay từ chối. Anh ba nói cám ơn một cách nhẹ nhàng …có lẽ đang tập trung vào chuyện sắp nói. Anh hai không nói gì …có thái độ như là, những câu từ chối cũng là điều anh ấy muốn làm. Người bán vé số đành bước đi để khỏi mất thì giờ!....

    Nếu ai có hỏi cặn kẽ, có lẽ người anh hai trong gia đình này, sẽ nói rằng, nếu mua vé, việc đó phần nào cũng là cách giúp đỡ những người bán vé. Anh ta chưa làm được chuyện, giống như một người bạn khác của anh ấy, một đại gia nhà đất, cho tiền người bán bằng cách không lấy vé.
    - Tao nói thật …nếu không có tao làm gì chị bảy mầy có ngày hôm
    nay.
    - Em nghe anh nói chuyện này rồi !...Chú út trả lời anh ba.
    Tuy nói thế, cậu ta có vẻ chăm chú lắng nghe. Chị bảy của chú là gái út trong nhà, theo thứ tự được gọi là chị bảy. Nhà có tám anh em. Theo cách nói người xưa, giàu út ăn, khó út chịu. Không biết có khi nào chú út thắc mắc về câu nói đó không.
    - Việc làm thủ tục du học cho nó là nhờ người học trò tiếng Việt của nó ..nhưng, nếu không có tao …chắc gì cô ấy làm việc này.
    - Nhưng việc trụ lại đất Mỹ sau đó của chị …việc ở với anh chị trong thời gian đầu ..nhiều ít có phần giúp đỡ của anh chị …
    - Cái ăn không quan trọng …nhưng thiếu gì trường hợp của các gia đình khá giả, con họ, khi qua Mỹ rồi ..vừa học vừa làm để giảm gánh nặng của ba mẹ. Mà có làm gì vất vả đâu ..chúng nó chỉ làm “nail” sau giờ học ở trường.


    Sự việc đó rõ như ban ngày. Có điều hình như cô út không muốn mang lấy nó vào người, nên mỗi lúc nghe anh ba đề cập đến chuyện đó, lại cứ lấy việc người học trò tiếng Việt giúp mình để làm khiêng đỡ đạn.
    - Bây giờ anh hai có ý kiến gì không …?. Chú út hỏi.
    - Dĩ nhiên, người học trò tiếng Việt đứng ra bảo lãnh nên thủ tục du học của út gái được chấp nhận ..nhưng nếu anh ba ở Tiểu bang khác, không phải là thành phố có văn phòng của người học trò đó …là nơi có trường út gái ghi danh theo học, út gái lấy tiền đâu ra để đóng tiền học .. để mướn chổ ở ..và chi phí ăn uống. Và hình như nhiều lần út gái nói rằng, út gái không dứt khoát trong việc ra nước ngoài du học.
    - Chị út làm việc liều lĩnh …có lúc chị nói, ý đại khái là, cứ nói theo lối các anh, cứ phải hội đủ mọi yếu tố chắc ăn mới làm ..thì chẳng bao giờ thành công!...
    - Anh đã từng nói là út gái làm việc theo lối chơi cờ bạc mà!...
    - Nhưng, bây giờ giải quyết ra sao …?. Cậu út đi ngay vào việc.
    - Giải quyết gì nữa …Mọi thứ giấy tờ đã được làm rồi ..
    - Vụ này anh nói điện thoại với anh hai nhiều lần ..rồi gửi mail lâu nay, trước khi về thăm gia đình ..
    - Nhưng bữa họp gia đình, hôm đi thăm mộ ba về, anh có ý kiến gì không ..?
    - Tao nói tao không dính líu với vụ này …

    Nói là không tham dự vào canh bạc đó …nhưng sự việc bảo lãnh người mẹ ra nước ngoài sinh sống đã làm người anh thứ ba trong gia đình bận tâm quá mức.
    - Anh ba vì đã góp phần trong việc bảo lãnh gái út qua Mỹ nên nhìn sự việc có đầu đuôi như thế ..và thỉnh thoảng nhắc lại sự việc này. Phần anh, anh nhìn cách khác hơn về việc bảo lãnh.

    Cách khác hơn đó được người thứ hai trình bày ở mức độ rộng hơn. Anh ta nói về chủ nghĩa vị kỷ của xã hội Tây Phương, từ việc mọi người được hưởng sự tự do cá nhân từ lúc còn nhỏ, ngay trong gia đình chung với cha mẹ. Anh ấy nói về đạo Khổng, về một trong những điều cơ bản là “quyền huynh thế phụ”. Nhưng lối nói này, không thích hợp trong thời điểm đó, lúc ngồi ngoài quán ..và sau đó, cả ba nhận được điện thoại của gia đình là nên trở về nhà gấp, để cùng ăn tối với bà dì, mới đến thăm bà mẹ của họ.
    x
    x x

    Nếu nói việc bảo lãnh mẹ ra nước ngoài sinh sống là một canh bạc mà cô út đã bày ra, việc đó có phải là sự thổi phồng ?!...Mọi sự kiện, dù muốn dù không, khiến người nghe câu chuyện cũng có thể đồng ý với kết luận đó.

    Trưa hôm sau, người anh hai cùng nói chuyện với chú út và út gái.
    - Mình làm một việc gì …dù người giúp đỡ là ai đó, dù giúp ít nhiều, mình cũng đừng nói theo lối phủi bụi. Người đó, dù là ai, đã giúp mình, nếu họ có kể lể, mình cũng nên chịu đựng …đàng này, nếu người đó lại là anh mình…
    - Tiền học là của ông thầy cho em mượn.
    - Mượn sau này, lúc lập gia đình rồi …hay khi còn ở với anh
    anh ba..?
    - Khi còn ở với ảnh …

    Thì ra …cô này đã lật thêm một con bài, trong cách chơi bài cào. Trước giờ, cô ta có nói ra sự thật này cho ai nghe đâu, dù anh ba anh hai. Cũng như việc mua nhà của cô nàng trước đây. Thời khủng hoảng tài chánh vừa qua, dù hai vợ chồng chẳng có chút căn bản nào, cũng mua đại một căn nhà. Nói là không có cơ bản cũng không hoàn toàn đúng. Cả hai đều có việc làm. Nhưng, nếu không có vụ khủng hoảng đó, còn lâu ngân hàng mới cho mượn tiền, vì lợi tức thấp. Nhưng, sự thật sau đó đã từ từ được tiết lộ là, hai người đã hỏi mượn tiền ông thầy…và một người quen thân.

    Giống như một bài viết đăng trên mạng điện tử của một người nào đó. Khi người này cho rằng, chính quyền CS hiện nay ở VN, cũng dở trò bài bạc cao thấp với hai ông đàn anh lớn. Trước, họ lấy chủ nghĩa dân tộc với chiêu bài chống Mỹ để tạo nên cuộc chiến với miền Nam. Nhưng để bảo vệ vị trí lãnh đạo và quyền lợi của đảng, năm 1958, họ bán quần đảo Hoàng Sa cho Trung Cộng. Nay, vừa đề cao chủ nghĩa CS giả hiệu, đồng thời theo đuôi bọn tư bản nước ngoài …nhưng lại nói là làm kinh tế tư bản theo định hướng xã hội. Chúng thấy rõ là theo Trung cộng có thể mất nước, nhưng như thế vẫn còn hơn là mất đảng, khi thân với Mỹ. Mà đảng của chúng hiện giờ chẳng qua cũng là đảng “tiền”!...Một hệ thống tham nhũng từ trên xuống dưới!...

    - “Thôi …đừng nói với nó nữa. Cũng hay ..giờ này còn kêu nó lên lầu, tỉ tê tâm sự …”. Người anh thứ ba từ đâu đó xuất hiện, nói xen vào. “Hôm họp mặt vừa qua, tao không thèm tham dự …đừng hòng mua tao bằng tiền…”.
    - Anh ba không dự thì thôi …nhưng như thế cũng chẳng hay. Còn chuyện nội bộ anh em cùng nhau giải quyết.. để người ngoài nhìn vào, thấy anh em sứt mẻ thì có hay gì. Chú út góp ý.


    Người anh hai, nói chung, có khuynh hướng này, tuy không nói rõ ra. Có thể vì đó mà các sự việc cứ trôi tuột qua ?!...Còn anh ba, khác hẳn. Anh chàng nói huỵch toẹt, nói thẳng thừng. Anh ta cho biết, căn nhà phải trả góp 20(30) năm. Trong thời gian đó, nếu cô út hoặc người chồng vì bệnh nặng - cả hai đều mang mầm bệnh nặng trong người - …. kể cả bị mất việc –ai biết trước được – không trả được tiền nhà ..là a lê hấp bị tống xuất ra khỏi nhà. Bấy giờ, bà già sẽ ở đâu….Chưa nói đến việc, trong vòng năm năm, khi chưa có quốc tịch, bà già bệnh nặng, ai chịu tiền chữa bệnh (?)...mà đụng đến nhà thương tại Mỹ chỉ có từ chết đến bị thương…vì không ai chịu được gánh nặng đó, khi chưa có bảo hiểm sức khoẻ.

    Điều rõ ràng như ban ngày đó, hai vợ chồng cô út cũng biết rất rõ ràng, ..nhưng, nếu cần “..thì sử dụng credit…”. Cả hai đều nói y hệt nhau, khi trả lời qua điện thoại, trong những lần liên lạc với anh ba, anh hai trước đây. “Tiền sử” của anh chồng, anh ba không biết rõ lắm. Nhưng, “lý lịch” em gái út, anh ba biết quá mà.

    Cô út, sau khi tốt nghiệp Sư phạm, về tận đất mũi Cà Mau nhận nhiệm sở. Ở dưới không quá 2 năm, trồi lại về Sài Gòn. Lang bang lết bết một thời ..sau lại là giáo viên một lớp dạy tiếng Việt cho các nhân viên của các sứ quán, công ty nước ngoài. Đời sống đã tàm tạm chịu được …Cô có người bạn trai, nhưng tình cảm hai người bèo bọt như lục bình dưới sông. Không biết có còn để lại cho nhau chút kỷ niệm gì. Được cô học viên nói về việc đi du học, cô ta cũng làm một chuyến đi cho biết “đá biết vàng” …cho biết nước người “mặt tròn mặt méo” ra sao …chứ cô cũng chẳng có chủ đích rõ rệt. Điều này đã từng được út gái nói đến đôi ba lần. Tiết lộ đó là sự thật …chứ cũng chẳng phải là phản ứng khi nghe người anh thứ ba kể lể chuyện đã góp phần vào việc đưa được người em gái của mình ra nước ngoài.

    - Chuyện di chúc ..chuyện tào lao. Tao không cần nhận một cắc. Tàu đã chìm rồi …gia đình không ra gì, tao cho chìm luôn.
    - Anh không nhận thì thôi …đó là chuyện của anh.

    Lần họp mặt cuối, anh ta không tham dự. Trong tờ di chúc, anh ấy không ghi vào đó tên tuổi của mình. Như thế là hết rồi !...Còn gì nói nữa ..mà cứ bàn hoài.

    Còn cô út, dù anh ba anh hai không bằng lòng chuyện bảo lãnh mẹ, cô ta cứ làm. Vậy …có gì để nói nữa đâu. Sau này, nếu có chuyện gì xảy ra, đừng nói là tại sao không nói trước. Đó có phải là cá tính riêng của cô ?... Xem qua là như thế ..nhưng hình như cô ta có cách sử xử này, bởi cô ta đã từng được người khác “lót ổ” cho nằm. Qua Mỹ, dù để thử xem nó ra sao, cũng đã có anh ba lo cho nhiều ít. Việc đóng học phí …rồi mượn tiền mua nhà cũng do ông thầy, người quen với bà ngoại, phụ giúp. Không chừng bà mẹ già, sau này có bệnh đau, lại người này người khác “lót ổ” cho cô ta !...

    - Lẽ ra chị phải “công tác tư tưởng” với mẹ thật tốt!...Phải nói chuyện thật nhiều với mẹ, để mẹ dứt khoát việc ở, đi. Em thấy hình như mẹ ra đi mà còn sợ mất nhà!...

    Sự kiện này, do anh sáu cho biết. Anh chàng nói rằng, một người đang là sở hữu chủ căn nhà, nếu ra nước ngoài sinh sống, sẽ bị gạt khỏi hộ khẩu ..và căn nhà không còn là gia sản của mình. Như thế, nếu có làm di chúc, cũng là chuyện chẳng có hiệu lực gì cả. Vì vậy, gần như phần nhiều thời gian của cô út ở Việt Nam, cô ta dùng vào việc làm cho được tờ giấy Ủy quyền và di chúc.
    - Nếu khẳng định là mình đi vì tương lai con cháu…thì có chết ở nước ngoài cũng được. Chú út nói tiếp.

    À ..khoản này cũng nằm trong mục đích của cô út đó nghe. Cái khoản “tương lai con cháu”, điều này không biết do cô hay do chú sáu gợi ý. Nhưng ý tưởng đó của chú sáu, cũng đã được chú ta nói nhiều lần rồi. Chú nói đại khái là, người mẹ đừng trách tại sao con mình không lo được cho mình lúc tuổi già. Chính nó không có công ăn việc làm, phải đi bán vé số qua ngày khi đã lớn tuổi thì còn lo cho ai được nữa!...Anh chàng không đề cập đến việc khi đi làm thì phải có tiền hưu. Hay là anh chàng muốn nói về tình trạng một người suốt đời đi làm việc cho các công ty tư nhân (?)...mà đồng lương công nhân (hiện nay khoảng 3 triệu) chỉ đủ để sống qua ngày tháng ?... -
    - Còn với anh …anh chỉ đồng ý khi em nói rằng, em bảo lãnh mẹ qua, mẹ muốn thì ở, không thì về lại Việt Nam
    - Em có nói như thế với mẹ mà … Cô út lần nữa khẳng định.

    Nói thế, không lẽ anh hai lại cản. Hơn nữa, anh ba bảo lãnh cho chú út được, tại sao cô út không được bảo lãnh cho mẹ. Có điều, cũng là bảo lãnh ..nhưng cách thế của hai người khác nhau. Trước đây, khi nói về việc bảo lãnh gia đình chú út, anh ba có nói rằng, đó chỉ là thủ tục. Khi thủ tục bắt đầu tiến hành, phải nhờ cô út co-sign (đồng ký tên trách nhiệm)...hay có thể nhờ ai đó bên vợ giúp giùm. Anh chàng nói thêm, nói nhờ họ giúp là nói thế, chứ cũng chưa biết họ có muốn giúp không. Rồi …không những phải đóng tiền bảo lãnh trong ngân hàng, họ còn xem lợi tức hàng tháng như thế nào. Không đơn giản!...
    - Thật ra, chị thấy ở đây mẹ quá khổ về tinh thần ..nên bảo lãnh mẹ
    Lại một mục đích khác nữa. Những mục đích này do cô út tự nhận thấy ..hay đấy là những “chiêu bài”, sau khi thăm dò phản ứng của anh em mà nảy
    sinh. Tất cả điều đó chỉ tự cô út biết. Đúng là ba con bài đều cho cô út điểm số cao. Nhưng, cái gốc của sự việc này từ đâu mà có …?
    - Chị tư có lần nhắc anh về một chữ anh đã nói khiến chị ấy không hài lòng. Anh nói “Có lẽ em “ghiền” ở nhà này …”. Anh đã trả lời với tư rằng, em thuật lại câu nói của người khác mà không nói nguyên văn nên dễ gây hiểu lầm!...
    - Lúc con chị tư còn nhỏ, chị ta về nương tựa vào mẹ …điều đó
    đúng. Nhưng, khi con chị lớn rồi …để giữ sự thoải mái cho chị, đồng thời để con mình có sự phát triển bình thường, lẽ ra chị ấy phải trở về, để ở một trong những căn nhà do chị ấy làm chủ ….Chị ấy tính quá kỹ!. Cô út tiếp lời.
    - Chị tư và chị năm cứ luôn gây gỗ, tạo sự xào xáo trong gia đình, mà mẹ là người gánh chịu ..Nhưng, em biết, thật ra ..mẹ không muốn chị tư rời gia đình, để trở về, ở lại một trong những căn nhà của chị ấy. Chú út nói rõ.


    Có phải cái gốc của sự việc mẹ ra đi lần này là vì mẹ phải “tị nạn”?. Mẹ ra đi để tránh phải bận tâm, buồn khổ vì những gây gỗ, cãi cọ liên tục trong gia đình ?...Đâu phải chỉ có cô năm là có vấn đề với cô tư. Chú sáu cũng đôi khi nhắc lại những việc, theo chú là chị tư đã làm sai.

    Bởi thế, tính đến việc bàn cãi điều gì đó trong gia đình này là một sự mệt mõi không thể tưởng. Bàn về đề tài chính thì ít, nhưng nói về chuyện xưa cũ …và nhất là móc nối những việc cũ đó lại, để chỉ trích nhau thì nhiều. Dĩ nhiên, khi lớn tiếng với nhau, sự nóng nảy, cộc cằn phát sinh. Người rơi vào tình trạng này tự cho mình là có tính thẳng thắn, bộc trực. Rồi …có cảm tưởng như thế mới là người tốt!. Dĩ nhiên, có tốt hay không, điều này phải được thể hiện trong thực tế …và làm cái điều tốt ấy là cho mình hay cho cả gia đình. Làm tốt cho gia đình là cũng chưa là trọn vẹn, vì anh em phải sống thuận thảo với nhau sao đó thì đấy cũng là một cách giữ chữ hiếu đúng mức!.

    Người con thứ ba trong gia đình này thường có viễn ảnh rất tốt đẹp. Anh ta vẽ ra hình ảnh rằng, sau một lần trúng số, anh ấy sẽ cất lại ngôi nhà của cha mẹ. Nhà sẽ có 4 lầu, dành cho bảy đứa con và một phòng làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà.

    - Thôi .. đừng nói chuyện viễn vông. Chú sáu ít nhất một lần đã cắt lời anh ba về việc đó.
    - Đúng rồi …anh em cùng ở chung nhà mà không chịu chung nhau trả tiền thuê nhà hàng tháng..thì làm gì nói được đến chuyện mua hóa giá căn nhà này. Anh ba nhấn mạnh lại sự việc đã xảy ra trước đây.


    Tuy trước đây nói thế, chính người con này …và cô út đã chung tiền để mua căn nhà mà cha mẹ họ đã mua trước năm 1975. Có chuyện quái lạ này …vì bọn tiếp thu chính quyền sau ngày 30.04 cho rằng, đây là khu cư xá của Sĩ quan “ngụy”!...lẽ ra đã phải bị tịch thu rồi.

    Khi hai người bỏ tiền ra mua, cả hai đều quyết liệt nói rằng, mua căn nhà để coi như là nhà Từ đường; không ai được quyền bán nó. Sỡ dĩ hai người này quyết liệt như thế, vì có lần, chú sáu bàn với mẹ, bán căn nhà này, để có tiền mua một căn nhà khác ở quận 8. Tiền dôi ra – vì nhà bên quận 8 lúc ấy còn rất rẻ! - …mẹ để dành, lâu lâu đi du lịch để hưởng thụ tuổi già!....

    Bây giờ, có ai ngồi nghĩ lại, ý đó cũng có lý phần nào. Nhưng, cũng ai đó ngồi nghĩ lại, nếu dùng tiền dôi ra đó để chơi trò “chứng khoán” …chắc bà mẹ cũng không bao giờ đi du lịch được. Nếu tệ hơn, bà ta cũng không có cái nền nhà để ở. Cái “nếu”, nếu cứ được người ta dùng hoài, chuyện xấu và chuyện tốt cứ trộn với nhau lộn xộn.

    Bây giờ, nếu dùng chữ “nếu” trong câu, nếu nhà được mua dùng để làm nhà Từ đường, điều ấy có trở thành một thực tế không?. Người anh thứ hai trong gia đình đã một lần giải thích hai chữ này rất cặn kẽ. Có được một khu nghĩa trang cho cả giòng họ là điều tốt, nhưng có thêm ngôi Từ đường, để làm nơi con cháu nhiều đời tụ họp lại, vào dịp giỗ trong năm; điều ấy càng hay. Có nhà Từ đường là phải có người thắp nhang, cúng tế. Dù giòng họ có di cư vào Nam sau năm 1954 cũng thế. Mà ngay cả bây giờ cũng vậy. Dù có di tản ra nước ngoài sau năm 1975, cũng phải có người trụ lại nơi căn Từ đường đó. Thực tế với gia đình này là ai?...Là cô năm. Vì cô ấy không có gia đình. Cô năm ra nước ngoài sống, nếu hưởng tiền già, theo thời giá hiện nay, cao lắm là từ 600-800 đô la. Nếu cô chịu ở lại, mọi người anh em khác đóng góp, đưa cô ta từ 1.000-1.200 đô/tháng, như thế cũng ổn chứ !?...Nhưng, liệu cô năm bằng lòng với giải pháp đó không ?… Thời gian rồi..khi cô năm chưa có việc làm, cô út, anh ba...và kể cả anh hai, có lần cũng đã đề nghị cô năm lo việc chăm sóc mẹ...và những người này sẽ gửi tiền cho cô, giống như tiền đi làm việc..mà cô ấy có chấp nhận đâu !...

    Tuy nói vậy, nhưng người giải thích cảm thấy phần nào đây cũng là chuyện viễn vông. Mỗi người con chưa có một căn nhà riêng để ở, làm gì có chuyện dành riêng một căn để làm nhà Từ đường. Rồi ở chung nhau như anh chàng ba đã nói, việc ấy cũng đã được xem là chuyện viễn vông rồi. “Xa nhà mõi chân còn hơn gần nhà mọi miệng”, chú sáu nhắc lại một câu khá phổ biến.

    - Cái thời sau 75 …nếu gia đình đi kinh tế mới, làm gì có ngày hôm nay. Người anh thứ ba hay nhắc lại giai đoạn này.
    - Chính vì sự gan lì bám trụ của gia đình ..chính sự đoàn kết ấy mới có kết quả như chúng ta đã thấy. Người anh thứ hai nhấn mạnh.
    Nhưng, nếu đi sâu vào thực tế hơn nữa, hai người này cũng sẽ thấy một sự thật, dù đau lòng, nhưng không tránh khỏi. Sự nối kết của gia đình cần một cái gì gọi là chất “kết dính”. Cũng như một quốc gia, muốn được trường tồn phải có một cái gì có tính chung nhất của dân tộc đó.


    Dân tộc Trung Hoa có chủ nghĩa dân tộc Đại Hán và triết thuyết Khổng giáo (thêm vào đó là Lão và Trang) làm nền tảng. Người Mỹ lấy sự tự do và thịnh vượng làm nền tảng. Trừ Đài Loan, dù tự cho họ là một dân tộc khác với người Hoa nội địa, họ vẫn có cái nhìn về Việt Nam giống với chính sách của chính quyền Trung Cộng ngày nay. Vì tổng quát mà nói, họ vẫn có dính líu ít nhiều với nguồn gốc người Hán trong lục địa Trung Hoa (Những người Hoa ở các quốc gia khác cũng cho mình có gốc Hán ít nhiều). Người Mỹ, vì xem trọng sự tự do và thịnh vượng nên vô hình chung họ có khuynh hướng không có kẻ thù vĩnh viễn và người bạn thân lâu dài. Vì thế, với họ, ai cũng là đối tác làm ăn với họ được cả.

    Cái kết dính của gia đình là gì…?
    Cái thời Khổng Mạnh hình như đã qua rồi. Cái gọi là “quyền huynh thế phụ” bị quăng bỏ không thương tiếc. Người có tiếng nói ảnh hưởng trong gia đình là người có nhiều tiền. “Có tiền mua tiên cũng được”!. Ngày nay, có bài vè diễn lại cái câu cơ bản đó, đại khái là: “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật tuổi già, là kho tàng tuổi trẻ …là cái lọng che thân, là cán cân công lý…v..v.”. Bài vè đó vào đầu thời kỳ đổi mới đã nói lên ít nhiều nhân sinh quan của bọn cầm quyền mới. Có quyền là có lợi. Để có lợi, chúng tạo trò mua quan bán tước. Rồi dùng đồng tiền tạo nên lực thu hút đảng viên …thế rồi, cuối cùng, cái gọi là đảng vinh quang đó, chỉ còn là một đảng “tiền”. Có người gọi chúng là bọn mafia đỏ. Bọn mafia đỏ này mà đi với tập đoàn chủ trương không có kẻ thù lâu dài cũng hợp nhau lắm. Có điều cái tập đoàn đó lại chủ trương một sự tự do có lợi cho việc làm ăn của họ, nên bọn Mafia đỏ chưa thể là một đối tác tin tưởng của họ được. Bọn Mafia đỏ thà mất nước chứ không mất đảng!...

    Những chuyện trong gia đình, nếu dùng chữ “nếu” liên tục, kết quả không biết đi về đâu. Chẳng hạn, vào 30.04.75, người cha cùng mẹ và các em còn nhỏ (4 hay 6 người) theo sắp xếp của Toà Đại sứ Mỹ, di tản ra nước ngoài. Còn lại 2 anh lớn, anh hai và anh ba, chuyện sau đó sẽ ra sao nhỉ ..?. Hai người sẽ tự kiếm cách sinh nhai. Có thể sẽ có gia đình. Khi gia đình bố mẹ bắt được liên lạc trở lại …hai người sẽ đi theo diện đoàn tụ ..hoặc tiếp tục ở VN. Dù thế nào, cuộc sống của người anh hai dựa trên sức mình là chính. Không than van!....Người thứ ba, nói về biến cố đó, đôi khi trách là cha mình đã không có quyết định ra đi.

    Bây giờ, nếu không có việc bảo lãnh mẹ ra nước ngoài. Khi mẹ mất, liệu rằng căn nhà còn cứ để y nguyên, sẽ không được bán đi, để chia đều tài sản đó cho những người con …?.

    Sau năm 1975, vừa làm thầy giáo, anh ba vừa đi bỏ mối cà phê. Không than trách ai, không buồn cho phận mình. Còn anh hai, sau khi bỏ trường, về lại Sài gòn, vừa đi giao chuối sấy, vừa làm việc "cò" cho các Công ty xuất nhập khẩu. Sau ngày mở cửa, công việc "cò" không còn thích hợp; cũng như từ ngày Mỹ vào lại Việt Nam, các "cò" của các nhóm "Việt kiều yêu nước" cũng dẹp tiệm..! Giả dụ còn ở Việt Nam, nếu muốn mở một xưởng làm chuối sấy, anh chàng không nhờ bên vợ...chắc cũng chẳng nhờ gia đình. Không có chuyện đề nghị gia đình cầm nhà cho ngân hàng, để mình mượn tiền khuếch trương công việc của mình. Nói gì đến việc lớn như thế. Khi anh liên lạc được với ông thầy ở nước ngoài...và gia đình nhận được sự trợ giúp của ông ấy, có bao giờ anh tơ tưởng hay hỏi xin một ít tiền để tiêu vặt. Về điểm này, hình như anh hai và anh ba...cũng như cô tư có phần giống nhau. Nhưng, nhắc lại cực khổ của thời đã qua...hình như anh ba và cô tư có năng khiếu !....

    Dùng chữ "Nếu" một cách rộng rãi hơn nữa...cũng có đôi điều vừa buồn vừa có thể cười được. Anh hai và anh ba, do cuộc sống kinh tế yếu kém..và cũng chưa gặp người hợp ý, nên thời gian độc thân kéo dài...chỉ tạm coi như chấm dứt vào lúc đi vượt biên, năm 1989. Nếu năm đó không đi được...và sau đó lập gia đình với hai người hiện là vợ của các anh (hay người nào khác chẳng han..)...rồi có con. Không lẽ cứ nằm mơ, đợi ngày có người thân ở nước ngoài bảo lãnh vợ chồng con cái...để xác quyết ý nghĩ của mình là đúng; ý nghĩ cho rằng trẻ con chỉ thành công tại nước ngoài. Không biết thích nghi với cuộc sống...thì phải làm một cái gì đó, gọi là có phản ứng, là chống đối với xã hội đó chứ. Mà nếu chuyện gì cũng không muốn (hay không dám) làm..thì đừng trông có ngày sung rụng vào miệng. Cũng như trước đây, giới bần cùng của xã hội thường được nghe rằng, giai cấp vô sản vùng lên...nếu mất, chỉ mất xiềng xích!....

    Cái ngày vùng lên đó, trước ở miền Bắc, đã thành công. "Nếu"...(lại chữ này) ...khi tìm cách đuổi thực dân Pháp, các đảng phái tự tìm cho mình phương cách riêng - dù là cóp lại cách của nước khác cũng được-..nhưng, sau khi đất nước độc lập rồi, nhóm lãnh đạo lúc đó đừng tiếp tục xài cái chủ nghĩa ngoại lai kia thì hay biết mấy!. Sau năm 1975 cũng thế. Cái chân lý trên đầu mũi súng đã làm cho bao con người phải chạy ra nước ngoài. Nhưng, nay...hình như cuộc sống chạy theo tiền bạc đã là một vũ khí mới, không cần có đạn !....

    Người anh hai có lần nói chuyện với một thanh niên du học, lấy bằng thạc sĩ về khoáng chất. Khi hỏi nguyện vọng là gì, sau khi đạt được mục đích đó, anh chàng đó nói rằng, khi trở lại quê hương, sẽ lao vào việc mua bán địa ốc. Người nghe hơi chưng hửng, vì tưởng rằng anh ta sẽ hăng hái đi vào việc nghiên cứu gì đó; ai ngờ anh chàng người Bắc này, chỉ muốn làm việc mua và bán đất...rồi có cơ ngơi mà ngồi làm ông chủ. Trách chi ông chủ lớn của cả nước, muốn bán hết đất đai, tài nguyên của đất nước mình, bằng cách này cách khác, cho người nước ngoài. Còn ở trong nước, một người từng là thành phần trí vận, đóng góp công sức rất nhiều; nay không còn làm việc cho chính quyền mới, đã ê chề thú nhận là, khi làm việc đấu tranh trước đây, đảng viên sợ súng và đạn...nhưng nay, hòa bình rồi, họ lại sợ không có tiền. Không ít đảng viên nói đùa rằng, trước kia không sợ Đế quốc Pháp, Mỹ...nhưng nay chỉ sợ giặc tham nhũng. Trí thức, nếu nói là kẻ có bằng cấp Đại học, cũng trở thành trí "nhát" !...Họ cho rằng, nên làm con gấu ngủ đông...để thời kỳ xấu này qua đi, cho đến khi khung cảnh xã hội tốt đẹp, sẽ ra làm việc trở lại. Có người sợ đến nỗi rằng, tuy biết chính quyền "trên đầu mũi súng" không do dân bầu ra...nhưng họ chấp nhận quyền xét xử của nhóm lãnh đạo, đối với những người phản đối lại những việc làm sai trái của nhóm cầm quyền đó. Như thế, trước mắt, cái ác đã trội hơn cái thiện rồi...đồng tiền đã trội hơn cái tốt, cái đúng !... còn gì để tạo chất kết dính trong gia đình và ngoài xã hội..???...


    Cái chất “kết dính” của gia đình này là gì..?
    - Cái đau của người này là nỗi xót xa của người kia. Người anh thứ ba hay nói điều này. Anh ta còn nhấn mạnh là, phải xét nghiệm ngay bản thân nó…
    Ý anh ta muốn nhắc lại ngày mà cả gia đình ngồi trên ngọn đồi nhỏ trong công viên Lê thị Riêng. Hôm đó, sau khi các anh em trao đổi khá lâu (Lúc viếng mộ ba trở về, và người út không có mặt), cô bảy nói như tâm sự là: cô có 3 ước nguyện (hay chữ tương tự), một là, làm tất cả khả năng để lo điều tốt đẹp cho chị năm; hai là, dù chỉ có ít tiền trong di chúc của riêng mình, sẽ lo cho các cháu ăn học đàng hoàng; ba là, nếu có thể được, sẽ cho thử DNA ....(có lẽ ý muốn nói, lo cho những đứa cháu đích thực là con của các anh, em trai mình ...?)
    - Tụi nó vô cảm hết rồi!...Hai chữ trong câu nói này cũng thường được anh ba nói tới.

    Chắc là anh chàng bắt gặp hai chữ đấy ở đâu đó ..mà người anh hai, đọc trên mạng cũng thường thấy. Chẳng hạn, có bài viết trên mạng, địa chỉ mail: h_phoang05@yahoo.com.au, nói về lương tâm của bác sĩ tại VN hiện nay, đã trích dẫn thơ của Đỗ trung Quân:
    "Chúng ta đang gặt một mùa bội thu sự vô cảm
    Vì chúng ta gieo nó
    Chúng ta phó mặc cho định mệnh vì chúng ta không tin gì cả.
    Chúng ta quen nói dối.."

    và để dẫn giải cho rõ nghĩa, anh ấy viết thêm: "...Thử hỏi có bác sĩ chân chính nào vô lương tâm đến nỗi mặc cho thân nhân người bệnh quỳ lạy mà vẫn bỏ đi ngủ, để cho bệnh nhân phải chết? Đó là kẻ sát nhân, chứ đâu phải “bác sĩ”.

    Cả nước hiện nay không biết đến tình trạng "khiếu nại dân oan" à.... Chắc không!...Nhưng, người dân vẫn "mũ ni che tai", làm câm giả điếc. Bởi, chính quyền này đã triệt tiêu nó bằng cách cô lập sự việc tại mỗi địa phương. Trên mọi lãnh vực khác cũng tương tự. Họ đã khống chế phương tiện truyền thông của đất nước. Xét cho cùng, cái khống chế đó lại đi cặp kè với một lối thoát khác mà mọi người đều cảm thấy dễ chịu. Mọi người xem việc chạy theo đồng tiền là mục đích tối ưu. "Ai chết kể ai, tiền thầy bỏ túi"!...

    Còn sự "kết dính" của cô bảy cũng độc đáo không kém.
    Cô thường luôn nói tới sự vẻ vang của giòng họ. Tốt !...Cô cho rằng, con của những người con trai trong gia đình mới là người nối dõi tông đường. Tốt...!. Có cái gì như thuyết của đạo Khổng. Cô nói là, con gái là người ngoại tộc, thuộc về gia đình người ta. Nhưng, cô lại không chấp nhận việc chị dâu, em dâu góp phần tạo nên sự ổn định và thịnh vượng của gia đình các anh, em trai của mình. Cô không nhớ rằng, ông bà đã dạy "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn". Mà cái tình trạng thuận hoà vợ chồng từ đâu mà có...nếu không do cả hai đều có thể trao đổi ý kiến của mình về những vấn đề chung..??. (Mở ngoặc ở đây là, trừ vấn đề chính trị...bởi chuyện nỏ thần An dương Vương là chuyện đã được ghi trong sách sử rồi..- có quá khắc khe ở đây không-...).

    Nhưng điều sai lầm lớn nhất mà cô đã phạm, khi cô đã tự mình quyết định việc bảo lãnh bà mẹ ruột của mình, mà không cần sự thoả thuận của anh ba và anh hai. Cô đã có gia đình riêng, cô đã là người ngoại tộc...đã thuộc về bên gia đình của chồng rồi, sao lại lo chuyện quàng xiên..?!....

    Đó là chuyện dựa theo thuyết của cô mà nói. Thật ra, công bằng mà xét, anh ba..(hay ai đó)...và kể cả cô, đều có một quyền tương tự, khi bảo lãnh những người trong gia đình; để họ đến sinh sống tại một nơi có cuộc sống xứng đáng của một con người. Chỉ trách là cô đã làm một việc không có cơ bản, lại cho rằng, phải liều lĩnh, phải chịu rủi ro theo cách "Hy sinh đời mẹ để củng cố đời con "...!

    Tội nghiệp cho người anh ba và kể cả cô út. Họ hiểu chữ "vô cảm" theo cách riêng của họ. Chứ đặt vào tình trạng khác, một người con, dù cha mẹ anh em khuyên nhủ nhiều lần, vẫn làm theo ý mình, khi bị nạn..dù thương yêu đến đâu chăng nữa, anh em cũng không thể nào giúp được như mong muốn. Chuyện thầy tu Kiền Liên cứu mẹ là một ngoại lệ. Bởi, ông ấy có đức độ quá cao.Tuy thế, đó cũng là điều trái giáo lý nhà Phật. Đạo lý ấy dạy rằng, ai tu người đó hưởng phước. Không có chuyện người này tu giùm người khác !...

    Chuyện gia đình còn sờ sờ ra đó mà. Người thứ năm trong gia đình, một đứa em trai, đã bị giết sau ngày 30.04.75. Nếu người này làm điều sai với luật pháp của chính quyền mới tiếp thu, ai là người giúp đứa em này sống sót?. Nếu người em này làm đúng...kẻ sát nhân có bị trừng phạt không...??. Đừng đổi thừa là, lúc ấy đang trong tình trạng tranh tối tranh sáng. Bây giờ, sau 30 năm cai trị, chính quyền CS vẫn đối xử người dân như cách đối xử của bọn mafia, đối với ai không phục tùng chúng. Chúng có toà án chỉ để làm bù nhìn, để lường gạt người dân và quốc tế. Chuyện một gia đình...rồi nhiều gia đình...tức là tình trạng chung của một xã hội. Thế mà tất cả còn vô cảm...nói chi, một vài cá nhân có tinh thần "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"...

    Nói cho kỳ cùng, cả hai, anh ba và cô út, đều là người đa cảm. "Thương nhau lắm, cắn nhau đau". Anh ba cũng từng nói rằng, cô út đã có gia đình riêng, không nên can thiệp vào đời sống riêng tư, dù chỉ là của riêng cô út (bởi cô út đang sống với chồng)….nhưng trên thực tế lại khác. Còn cô út, tuy không nóng nảy như anh ba, nhưng cứ cho rằng, hễ nói đến chị vợ của ảnh, là ảnh không bằng lòng. A ha !...người này cứ bảo thủ điều mình cho là đúng, không thấy cái đúng của mình đã xâm phạm đến tự do của người khác. Thế mà cứ nói người này nóng nảy, cộc cằn...người kia ngang ngược, bướng bỉnh !...Cái tính nóng nảy hay bướng bỉnh đó đều được người anh hai coi trọng…nếu cái gốc của nó là bản tính hướng đến người khác, yêu thương người khác chân tình!. Có rất nhiều câu nói xưa đặt vào trường hợp này, chẳng hạn: ”Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

    Cái chết của người em chỉ là một hiện thực của tình trạng cái ác thắng cái thiện ..và hiện nay, đó là tình trạng đồng tiền trở thành trung tâm điểm của mọi người…là ”tiên, Phật” của cái ”đảng tiền”(bọn mafia đỏ) ..và của một thành phần xã hội, được bọn giai cấp mới nhào nặn ra. Ngày nào đó, khi trong gia đình mọi người đều thấy mình tự có bổn phận chiến đấu chống lại các thói hư tật xấu vừa kể, những điều mà người xưa cho đó là một thể hiện tính đạo đức, thì ngày ấy tính ”kết dính” của gia đình sẽ sinh sôi, nẩy nở …và sự bền vững gia đình có cơ phát triển. Ngày nào khi đất nước này dứt bỏ được chủ nghĩa CS –dù hiện nay chỉ được dùng như bình phong - tạo được tự do dân chủ thật sự, ngày ấy đất nước sẽ phát triển một cách nhanh chóng và ổn định.

    Ngày nào sự gian trá còn ngự trị, ngày ấy cuộc đấu tranh cho sự thật vẫn còn tiếp diễn. Nhưng, hiện tình cho thấy, cuộc đấu tranh đó chưa ở thế cân xứng. Người dân trong cuộc chiến 20 năm trước đây cứ ngỡ mình tranh đấu cho sự độc lập của xứ sở. Nào ngờ, họ chỉ là con tốt trong ván bài của CS quốc tế, để bọn lãnh đạo trong nước chơi trò sát phạt bài bạc với chủ nghĩa tư bản. Còn lối nói ”thống nhất đất nước” của cựu Phó Tổng thống miền Nam trước đây cũng chỉ là một trò xảo ngữ. Cứ hỏi dân Nam Hàn có muốn thống nhất với Bắc Hàn hay không thì rõ. Họ sẵn sàng thống nhất với người anh em phương bắc, dù phải gánh một gánh nặng kinh tế khổng lồ …nhưng, chắc chắn họ không chịu thống nhất để chủ nghĩa CS vẫn còn ở địa vị thống trị và tình trạng độc đảng chuyên quyền. Rồi thống nhất mà điều quan trọng là có
    độc lập hay không. Có điều kiện này rồi ..còn có tự do, dân chủ hay không nữa chứ?. Đừng dùng chữ ”hạnh phúc” thêm tính xa xỉ. Người Nhật, ba
    mươi năm sau chiến tranh, đã trở thành một trong những cường quốc kinh tế. Việt Nam, sau 30 năm với chủ nghĩa CS, đất nước đã tiến bộ ra sao …?

    Dù thế, sự hào nhoáng hiện nay (nền kinh tế phồn vinh giả tạo - chữ được họ dùng trước năm 75 cho miền Nam-) có thể tạm thời gạt gẫm thế hệ sinh sau 75. Sự hào nhoáng đó làm tăng sức mạnh hai cánh tay của đảng CS là lực lượng bộ đội và công an. Mọi sức phản kháng trong nước hiện nay chưa phát huy tác dụng đúng mức. Một vài người tranh đấu bị chúng trục xuất ra khỏi nước. Những cá nhân, gia đình, sau bao năm kiên trì chịu đựng, đành tìm cách định cư ở nước người. Bọn CS lãnh đạo hiện nay tự hào cho rằng, chúng chỉ cho phép những người còn tùng phục chúng ở lại trong nước. Nhưng tình trạng ”Sơn tinh, Thủy tinh” bây giờ là cuộc đấu tranh giữa sự thật và gian trá... và cuộc đấu tranh đó, bất cứ lúc nào cũng sẽ xảy ra.

    Tất cả sự rời bỏ đất nước vào ngay ngày 30.04 ..sau này ..và kể cả hiện nay, mọi sự ra đi đó sẽ có ý nghĩa khi họ ra đi có ý thức. Ý thức được đề cập là họ nhất quyết không phục tùng cái ác và mong muốn cái thiện sẽ vươn lên. Những người có ý thức đó không phục tùng một cá nhân, một đảng phái nào cả. Họ không ủng hộ riêng cá nhân ông Diệm, ông Thiệu .v..v.. Chế độ trong miền Nam và nhất là của ngoài Bắc, trước năm 75, đều có những khuyết điểm của nó; nhưng thực chất, cái chủ nghĩa được áp dụng ngoài Bắc là một chủ nghĩa không tưởng.

    Do đó, nếu tạm thời lánh nạn tàn ác, cũng giống như gia đình hoàng gia Na Uy, vào thời đệ nhị thế chiến, đã sang tị nạn bên Anh Quốc, tránh bị sự khống chế của Đức quốc Xã, sự lánh nạn đó không cần lý do giải bày. Tự việc làm đó đã có ý nghĩa. Vài ba lý do mà cô út đưa ra để bảo lãnh mẹ cũng chẳng là gì, khi người làm công việc đó thấy hết sự việc trong toàn cảnh; sự tương quan giữa gia đình và xã hội. Còn nếu thấy việc ra nước ngoài sinh sống chỉ là thay đổi đời sống kinh tế (dù là qua việc thành tài của con cháu) điều đó không có gì đáng nói. Cũng như ông anh hai, sau khi qua sự thanh lọc của Cao Ủy tị nạn, đã đến tị nạn tại một nước Bắc Âu xa xôi, bởi theo quan điểm riêng của anh là, đất nước nào có tự do đều là nơi anh có thể sống được.

    Những cá nhân người Việt đang lánh nạn hiện nay ở xứ người chỉ cần làm
    được những việc sau, ngày trở lại quê hương sinh sống sẽ là chuyện không xa. (1) Nói lên sự thật về cuộc chiến 20 năm trước đây ..và hiện nay, giữa cái thiện và ác, bằng khả năng riêng, kể cả viết bài lên các trang mạng điện tử (2) Không làm gì sai trái pháp luật nơi quốc gia mình đang cư trú (3) Đấu tranh trực tiếp qua các cuộc biểu tình. Tốt nhất là về lại đất nước làm công việc đó (4) Nếu phải về thăm lại gia đình tại VN, hãy nói lên tất cả sự thật mình đã chứng kiến. (5) Giữ vững tuổi thọ cao để làm nhân chứng sống (nếu không có những người lớn tuổi phân tích, tuổi trẻ tưởng rằng đất nước đang trên đường tiến bộ vượt bực. Thật ra, đó chỉ là những sự việc biểu kiến đã được tuyên truyền thổi phồng). Bấm trúng vào bốn con số đó (điều kiện vừa kể) là mọi người có thể rút tiền của mình ra khỏi nhà băng. Số độc đắc thường gồm 7 (8) con số, bấm trúng bốn năm con số là có thể trúng rồi, dù không trúng lớn. Nhưng phần thưởng ở đây không là một vật chất nào đó mà là phần thưởng tinh thần, có khi kẻ giàu có cũng không đạt được. Chơi cờ bạc với chính phủ cũng có cái thú của nó chứ!.

    Chẳng có canh bạc nào trong gia đình ở đây cả. Có chăng, đó là canh bạc của bọn cầm quyền. Việc bòn rút tài sản quốc gia đưa ra nước ngoài, việc cho con ra nước ngoài du học …tất cả, chỉ là hành động của ”bọn cướp ngày”, muốn lắp đầy túi tham không đáy. Nhưng, đó cũng có thể là dấu hiệu bảo vệ sự cháy túi sau cùng, khi thất cơ, lỡ vận. Một người sinh ra năm 1917 tại Liên Xô, nếu qua đời trước khi có 72 tuổi thọ (1989) đã không thể là nhân chứng, kể lại cho con cháu cuộc sống khổ cực và sự tàn ác đã diễn tiến thế nào trong thiên đường của Chủ nghĩa Cộng Sản.

    x
    x x

    Thứ bảy vừa qua, trên truyền hình trình chiếu bộ phim ”Bury my heart at wounded knee”. Bật TV lúc phim đã được chiếu khá lâu, nhưng người anh hai đã xem cho đến hết. Khi xem, phim ở đoạn bộ lạc Sioux bắt đầu tấn công quân đội Mỹ. Ai cũng biết trước kết cuộc như thế nào. Lòng căm thù không diệt được súng đại bác. Người tù trưởng kéo tàn quân đến biên giới Canada. Để vào sống trên đất người, ông ta phải giao nạp súng, đạn. Khi ghi tên vào danh sách cư trú, ông không thèm nhận lãnh những quyền lợi của một cư dân mới. Dù trời lạnh rét, ông thèm nhận đến cả cái chăn bông được cấp
    cho mỗi người. Ông sống như để chứng kiến các cảnh đời xảy đến cho tập thể người dân của ông…và sống như cay đắng để xem cái chung cuộc được kết thúc như thế nào. Ông Thượng nghị sĩ Dawes, không phải tướng Custer,
    người đã đánh bại người Sioux trước đây. Ông này muốn giải quyết vấn đề người da đỏ theo cách có tính nhân bản. Ông đưa vấn đề lên Tổng Thống Grant và ở phía bên này, ông tìm sự ủng hộ của người Tù trưởng, vì ông biết ông ta vẫn còn uy tín ít nhiều với người Sioux. Sự liên lạc đó được thực hiện qua Eastman, một người trẻ tuổi của sắc dân này, đã tốt nghiệp bác sĩ từ một đại học Mỹ. Eastman và Goodale, một cô giáo, cả hai muốn làm đời sống của đồng bào họ trong khu vực dành cho người da đỏ được tốt đẹp hơn. Nhưng ông Tù trưởng không muốn tuân theo sức mạnh của kẻ thống trị thông qua ông Thượng nghị sĩ. Thế là sự cay đắng của ông ta tăng thêm nhiều lần, bởi ông cho rằng, người bác sĩ trẻ tuổi, ở mức độ nào đó, đã phản bội lại đồng bào của mình; khi có những ý kiến thoả hiệp với kẻ thù. Ông đã bị bắn chết trong một xung đột, khi có sự kiểm tra của quân đội chính phủ, nhằm tìm ra kẻ đầu đảng, trong âm mưu nổi loạn. Dù sao, ông đã chết trong danh dự. Cái chết làm thay đổi cuộc đời sau đó của người bác sĩ trẻ tuổi.

    Bà mẹ của gia đình này, cũng không dễ dàng thuyết phục lấy mình, khi từ giã quê hương ra đi; dù bằng đi bằng sự bảo lãnh của con gái. Không như nhiều người Việt trước đây ra đi trong nguy hiểm, sống chết ..và trong sự kết tội của bọn cầm quyền là nhóm người phản quốc. Nhưng, từ bỏ đất nước ra đi không phải là một việc dễ dàng đối với bà. Bằng chứng là, lúc đã vào khu vực kiểm soát hành khách, trước khi vào phòng đợi máy bay, bà khai là có vấn đề về sức khoẻ. Rồi mọi việc may mắn đã thông qua. Bà lên máy bay, đâu thấy đứa cháu nội của bà, ở bên ngoài của phòng đợi, đã khóc lóc, khi biết rằng, bà và cháu đã chia tay. Bà sẽ ở tại đất người cho đến khi bà qua đời …hay bà sẽ trở lại Việt Nam, để nằm cạnh người chồng yêu thuơng của mình; điều đó, đến giờ này, những đứa con của bà cũng chưa có ai dám xác quyết. Nhưng, có lẽ bà sẽ có một cuộc sống cay đắng không ít, như ông Tù trưởng kia, cho đến khi nào bà biết rõ, các con bà rời đất nước ra đi chỉ thuần vì kinh tế …hay ra đi có ý thức, giống như người con thứ hai của bà đã tự vạch ra, được xem là lý tưởng trong cuộc sống của anh. Vì “phú quí sinh lễ nghĩa” để làm gì, khi lễ nghĩa đó là phù phiếm, là sự vắng mặt của tôi trung khi đất nước loạn lạc, là sự mất đi tính hiếu thảo của những người con, khi gia đình gặp hoạn nạn!.

    Ngày Chủ nhật hôm sau, khi điện thoại đến mẹ, người anh hai biết thêm một số chi tiết không vui lắm. Lúc vừa về đến New York, nghe cô út nói lại là, cô đã mất ngủ, vì trên máy bay, bà mẹ đi tiểu nhiều lần. Ông anh hai cảm t hấy có gì bất thường, không như lần trước, bà đi thăm con gái út. Lần này, tình trạng đó kéo dài …và dường như tệ hơn. Ngoài bất thường về thể chất đó, bà nói, bà thấy có nhiều người da đen vào nhà, lôi kéo vật dụng trong nhà đi nơi khác. Bà hoảng sợ, phải thủ con dao, để trên đầu giường của mình. Cô gái út nói mẹ bị hoang tưởng (illusion), bởi cô đã cho bà uống thuốc giảm căng thẳng thần kinh (stress) của cô ta. Vì kém kiến thức y khoa, hay vì muốn tiết kiệm tiền đi bác sĩ …??!. Mọi sự đổi thay trong đời sống đã trả một giá rất đắc!.

    Hôm qua, máy vi tính đã được chỉnh lại, trên mạng, người anh hai nhận được mail của em gái út, đề ngày 04.08, viết như sau: “Tôi đã ở VN hơn 3 tuần và sắp quay về Mỹ!!!...Cảm tưởng của tôi?!!. Tôi cảm thấy lạc lõng giữa mọi người than và người xung quanh: xa lạ vì tôi không thể hiểu họ và có thể họ cũng nghĩ tôi kỳ lạ hay ngu ngốc -ngớ ngẩn đúng hơn ..nghĩ cũng buồn cười vì giữa người nước ngoài thì mình thấy bình thường người với người, nhưng với người cùng màu da tiếng nói là cảm thấy như người ở hành tinh nào khác …cuộc sống ở đây thay đổi quá nhiều hay chính mình thay đổi mà mình không biết –nhưng may mắn là mình không còn sống ở đây, nếu không mình sẽ bị bỏ rơi – không tồn tại thích nghi hay mình cũng trở thành “bình thường” giữa cái “bình thường” mà mọi người đã mặc nhiên chấp nhận. MONG THỜI GIAN TRÔI NHANH VÀ TÔI QUAY VỀ VỚI CUỘC SỐNG CỦA HAI VỢ CHỒNG TÔI, THẬT GIẢN DỊ VÀ BÌNH LẶNG”.

    Chỉ còn vài ngày nữa em sẽ về lại Mỹ, thế mà em đã không có thời gian để cùng chuyện trò với anh hai của mình. Phần vì cô tự đóng vai trò “bảo mẫu” với các cháu, phần vì cô thấy chưa tiện nói ra (?). Cô đơn quá hả em !...Cô đơn vì mình đã làm một việc, ít ra là đã không có sự tán đồng của anh ba và anh hai. Em và anh ba, không vô cảm, muốn tìm cách đưa gia đình ra khỏi xã hội, một xã hội đã thay đổi kha khá về đời sống vật chất. Nhưng, xã hội đó, về đời sống tinh thần, mọi việc cũng bình thường như lâu nay, vì xã hội đó vẫn còn chịu đựng …hay ở mức độ nào đó, chấp nhận cái tình trạng “bình thường” …nghĩa là cái tình trạng chấp nhận đồng tiền là trung tâm điểm của mọi người, là ”tiên, Phật” của cái ”đảng tiền” (bọn mafia đỏ) ..và của một thành phần xã hội, được bọn giai cấp mới nhào nặn ra. Khi mọi người chưa mong chờ cái thiện sẽ lên ngôi, để cái ác tìm đường ra đi, ngày ấy, dù ở trong nước hay ở ngoài nước, điều đó không tạo thêm thay đổi gì khác nơi người anh hai. Anh hai vẫn chơi xổ số (loto) hay sẽ chơi bài với chính quyền CS. Tối thiểu, anh ta sẽ ngồi bên canh bạc cuối cùng, làm chứng nhân sống của một cuộc đổi đời!.



    Đặng Quang Chính
    Thứ bảy 27.08.02011
    22:40
     

Chia sẻ trang này

Share