07-1 Đồng tiền lên mặt

Thảo luận trong 'Truyện ngắn dư thi' bắt đầu bởi administrator, Thg 3 18, 2012.

  1. administrator

    administrator Administrator Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    Thg 3 14, 2011
    Bài viết:
    211
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    16
    Giới tính:
    Nam
    07
    07-1 Đồng tiền lên mặt


    Hàng xóm của gia đình tôi là hai ông bà giáo đã nghỉ hưu từ vài năm nay. Cũng vì “giấy rách phải giữ lấy lề” nên sau 30 năm đứng trên bục giảng, mặc áo cà sa, “ăn cơm rau vật nhau với trẻ”, ông bà vẫn giữ vững niệm tin, về hưu sống cuộc đời đạm bạc trong ngôi nhà cấp 4 của trường phân phối từ hai mươi năm nay.
    Sáng hôm ấy, tôi vừa đi ngang cổng, ông giáo gọi lại, nghẹo đầu nghẹo cổ khoe:
    - Này anh, tôi định mở quán bán nước
    - Giời ơi tôi giả bộ ngạc nhiên – bán chữ cả đời, lúc nào cũng đỉnh cao muôn trượng, mắt nhìn bốn hướng, trông lại nghìn xưa trông tới mai sau, trông bắc trông nam trông cả địa cầu, nay kiềng ba chân trong lòng bác chao đảo hay sao mà lại đòi bán nước?
    Bác già cười khó nhọc:
    -Thì trông tận đẩu, tận đâu cũng có lúc phải trông vào nồi cơm nhà mình chứ, cứ đạo mạo quan cách mãi sao được? Trong khi hai ả Tố Nga vì dại dột theo nghề bố mẹ mà phải lên tít tận biên giới xa xôi, nơi gà gáy một tiếng cả ba nước Lào, Việt, Thái đều nghe thấy. Mỗi quý một lần về thăm nhà, đã chả có gì biếu bố mẹ lại còn tranh thủ “nâng khăn sửa ví” bố mẹ một lần, còn thằng Hùng cũng đang tuổi ăn tuổi lớn, biết bao nhu cầu phát sinh, mà giá cả thì tăng vù vù đến chóng mặt như thế này...
    -Vâng, hiểu ý bác, tôi động viên:- Cái tuổi lợn tháu, trống choai, dê cỏn này rách chuyện lắm đấy bác ạ, đã dài lưng, tốn vải, ăn no lại ...vòi. Nào sinh nhật tiệc tùng, nhảy nhót, cứ là đánh đu trên cổ bố mẹ...Có mà cả hai xuất “cơm vua” của hai chị gái, với hai xuất cơm chim vì nghỉ hưu của hai bác cũng chả đủ, nên việc xác định bán nước là điều tất yếu bác ạ. Lãnh đạo nhà ta tiền tỉ, vàng đống còn bán nước cho Tàu cộng, nữa là nghèo rớt mồng tơi như hai bác, phải bán nước nuôi thân thôi, bán nước muôn năm!
    Biết tính tôi hay đùa, Bác già sởi lởi :
    - Tôi cũng nghĩ thế đấy, dù chẳng chính trị, chính em gì đâu, chỉ vì kế sinh nhai bức bách qúa mà đành khép đôi vạt áo cà sa lại, cất mớ chữ thánh hiền đi , hòa nhập với cộng đồng xã hội anh ạ. Kẻo cứ lạc quan tếu, trong khi dạ dày cau có mà mình cứ khư cứ khư giữ lấy đức tin, hô vang khẩu hiệu: “Những ngày ta sống đây là những ngày đẹp nhất, dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”* là không được anh ạ.
    - Tất nhiên rồi! Tôi ủng hộ: - Phải “vịn vai đời” mà sống chứ, bởi có là nghề cao quý đến mấy mà hết tiền thì cũng thành cau có hết, phải không bác?
    Nghe tôi bày tỏ , ông giáo ngạc nhiên :
    -Chết thật cậu nói giống hệt giọng điệu xuyên tạc, nổi loạn của thằng Hùng nhà này, cũng chính vì nó tôi phải chịu bước đường cùng như thế này, chứ báu gì nghề bán nước hở anh? Toàn dân tứ chiếng, toàn lũ rỗi hơi , không biết nói tiếng người, chỉ giỏi giao tiếp, buôn bán, quan hệ bằng thứ tiếng lóng chợ trời... Thà nhịn ăn, bớt mặc mà tránh được vỉa hè cùng lũ cặn bã, ô trọc ấy có hơn không?
    Biết cụ lại sắp “mũ cao, áo dài” trút xuống đầu một mớ hổ lốn cả “hủ Mác” lẫn “hủ Nho”, “hủ ...Cộng Sản”, tôi vội chuồn, khỏi mang tiếng thất lễ, hoặc bị cụ đánh đồng với bọn người thiếu văn hóa, à “thiếu khúc giữa” như Nam Cao miêu tả ấy**
    Từ ngày có quán, cả cụ ông lẫn cụ bà đều hồng hào, khỏe mạnh, trước cứ ru rú ở trong nhà, đọc sách ngắm nhau, cấm vận tình cảm hàng xóm láng giềng, lại học theo đạo Khổng: “Người quân tử ăn không cầu no, mặc không cầu ấm, chỉ cốt ở tấm lòng làm điều thiện, việc nghĩa”, nên cứ rúm ró như miếng cau khô. Nay mở cửa, hòa nhập vui vẻ, lại có thêm đồng ra đồng vào, càng tích cực làm điều thiện, việc nghĩa hơn. Chả cứ chu cấp cho hai ả Tố Nga ở hai đầu xa thẳm, còn cung phụng tiền tài của cải cho cậu cả ăn chơi nhảy múa nữa. Từ vật chất, tinh thần đều bật trội, thành thử còn tăng cân nhanh hơn cả thời kỳ được đi điều dưỡng ở viện dưỡng lão
    Buồn một nỗi, cậu cả càng ngày càng đổ đốn, biết bố mẹ rủng rỉnh có tiền nên tha hồ đào mỏ, hết mua cát sét, đầu đĩa, đầu băng các loại, lại thuê phim chưởng hoặc tình dục đồi trụy về nhà thưởng thức, hễ nhắc đến học là giở giọng cùn cằn, cay cú, cãi văng:
    - Bố mẹ cứ lo việc bán nước, còn con học thế là đủ rồi, đã tốt nghiệp trung học, chỉ chờ xuất hợp tác lao động, bán sức cho bọn tư bản xịn mà sống, chứ lại làm thuê cho ông chủ trong nước để chờ ngày giãy chết à? Còn học lắm chỉ tổ như bố mẹ với hai chị chứ báu gì? Còng lưng mà vẫn bươn chải khó nhọc để kiếm sống, đâu phải cứ đủ tài, đức, công tâm là được hưởng giàu sang phú quý ở đời?
    Một lần đi ngang qua quán nước, tôi bị ông giáo điệu vào thì thầm:
    -Này nó thích chơi với anh, để ra vẻ chững chạc, người lớn, thôi thì năm ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn, hai ngón kia đã nề nếp ngoan ngoãn, dài đến tận cổng trời rồi, chỉ còn ngón út này, văn hóa ngắn, chỉ có tư tưởng ỉ lại, ích kỷ là không ai bằng...Tôi sợ cứ lông bông như thế này không khéo có ngày trở thành đối tượng hút hít, đua đòi thì khốn... nhờ chú để mắt đến nó, có gì khuyên giải hộ
    Dù không hy vọng được trở thành “con dê cụ***” tôi vẫn sốt sắng nhận lời, nhưng chưa kịp để mắt đến thì ngay buổi chiều hôm đó, thằng Hùng đã làm một việc “kinh thiên động địa” và bị chiếc xitđca ập tới, còng số 8 vào cổ tay lôi đi.
    Lần đầu ở công an phường, ngồi trước vị đại diện cho pháp luật, ông giáo già bối rối:
    -Xin anh thông cảm, cháu còn nhỏ dại, nông nổi, vợ chồng tôi ba đời “cháo loãng cầm hơi” theo cách mạng đến cùng, chỉ vì vài tháng nay mải ham vui bán nước, nên cháu...
    - Không được, “bục công an đặt giữa trái tim người” lên tiếng:
    - Nếu ai cũng đòi thông cảm, thì ai là người thực thi phép nước? Tình cảm cứ rối tinh, rối mù lên rồi lại trắng, đen lẫn lộn, làm sao còn đúng luật lệ, phép tắc để “ngược, xuôi theo luật đi đường nhà nước” được
    Ngồi bên bác già nhăn nhó:
    -Nhưng thưa anh, cháu nó không cố ý!
    - Quên mất vai trò là người “thức cho dân ngủ, gác cho dân yên” cậu công an hằm an hằm lên tiếng
    -Tội trạng ấy, tàng trữ vũ khí trái phép, cố ý gây thương tích cho người đi đường , phải đưa ra xử ở các cấp, còn không, không, có,có gì?
    Biết đã bị hít còi, có “cố đấm” cũng vẫn vị hạ gục, bác già đành lủi thủi xin phép, hai hàng nước mắt ròng ròng châu sa, còn hơn cả nước mắt cá sấu khi nuốt con mồi vào bụng, phải thải một lượng lớn chất mặn ra
    Bà hàng xóm, mẹ của “tứ tử trình làng” đầy mình kinh nghiệm và sự từng trải trong các việc dàn xếp, lo lắng nơi công đường, cửa hậu thương tình bảo:
    - Khổ lại cảnh “họ nhà tôm cứt lộn lên đầu” ấy mà. Ngần này tuổi, nó đã không lo lắng cho mình thì chớ, lại còn bắt mình phải gập gối, còng lưng rải tiền đủ cửa cho nó nữa...thật nhục. Nhưng thôi, theo tôi cứ lên quận, chuẩn bị tinh thần lo lót là vừa.
    - Bao nhiêu ạ? Giọng ông giáo già run run
    - Mười triệu! Bà xòe hai bàn tay giơ lên đủ mười ngón tay làm hiệu. Giá lúc ở phường , dúi luôn phong bì 5 triệu vào tay chú ấy thì xong béng rồi, làm gì phải lo gấp đôi như thế cơ chứ.
    -Trời đất, ông giáo đã ra khỏi cơn mê, lắp bắp... những mười triệu đồng, bằng nửa năm tôi với bà ấy ngồi lê bán nước ấy à?
    - Vì tương lai con em chúng ta bác ơi! Tôi xuê xoa, kẻo bao năm nay bác đã vì tương lai con em... chúng nó rồi. Với lại “có thực mới vực được tình”. Bác ạ, tình là tình đồng bào, đồng chí, tình giữa những người dưng nước lã trong một... bọc với nhau ấy mà. Thôi, coi như của đi thay người vậy .
    Vét trong ngăn kéo, túi quần, túi áo, hộp đựng tiền tất cả tật được 7 triệu bạc, tôi ngán ngẩm phóng ra bưu điện đánh dây thép cho cô cả về ... Vì lợi ích trăm năm phải trồng người, nhưng lợi ích của cha mẹ và em trai trong lúc này cũng quan trọng lắm chứ?
    Được tiền như cởi mối phiền, ông giáo ôm khư ôm khư bọc tiền trước ngực, cẩn thận như nhện ôm trứng, tất tả cùng cô cả chạy sang nhà “bà mối”tốt bụng. Nào ngờ nữ công dân trách nhiệm đầy mình cấm cẩu dội nước lạnh ngay từ đầu ngõ
    - Giời ạ, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, sao các người dại dột thế không biết? Nếu đã đưa phải đưa ngay từ hôm tôi nói, lại còn chờ đến tận hôm nay. Thật là “đau đẻ chờ sáng giăng”...Bây giờ người ta đã chẳng tòi ra cả một đống tội để hoàn tất thủ tục, hồ sơ, chuyển lên viện kiểm sát rồi ấy à?
    Ngay lập tức ông giáo gục xuống như một tàu lá héo, hai đầu gối reo hát trên nền gạch, miệng không ngừng rên la tuyệt vọng:
    -Khổ tôi không? Con ơi, Hùng ơi, Làm sao lại ra nông nỗi này cơ chứ?
    Nhìn bộ dạng khốn khổ của ông giáo, tôi an ủi:
    - Đành để nghe ngóng thôi bác ạ, cháu có anh bạn ở trên ấy, biết đâu tình hình sáng sủa hơn? Sơn ăn tùy mặt, công an bắt tùy người, có phải trường hợp nào cũng “nén bạc đâm toạc tờ giấy” được đâu?
    Giọng ông giáo uất ức, run rẩy:
    -Vâng , tôi cũng mong thế, kẻo nó đang đâm toạc vào dạ dày của mấy bố con tôi đây này. Mười triệu bạc, bằng lương dạy học đằng đẵng của em nó 4,5 tháng chứ ít đâu?
    Quan sát khung cảnh hỗn độn giữa hai bác cháu tôi, cứ hòn đá quăng đi, hòn chì ném lại, toàn đập gậy vào chỗ không người, nữ công dân quát:
    - Thôi cả đi! Đến nước này, tính mạng của nó còn mỏng hơn tờ giấy mà các người còn tranh cãi xem nó đâm toạc vào đâu? Xì! mười triệu bọ đã là cái đếch gì mà đòi đâm toạc? Sợ lên trên ấy à, ít ra cũng gấp 3 lần như thế
    Như người mất hết sức chống đối, kháng cự, Ông giáo lại gục xuống lần nữa. Tôi cùng cô cả phải xốc nách hai bên kéo ông đi, đến cửa phòng bảo vệ , tôi nhanh chân rẽ ngang, chui tọt vào phòng anh bạn, kể lại đầu đuôi sự việc. Nghe thủng mọi chuyện, ông bạn vàng kéo bác già vào phòng bảo, giọng đầy lo lắng thông cảm:
    - Việc này, ngay từ đầu cứ chạy thẳng qua đây , cháu đảm bảo không qúa 20 triệu, bây giờ thì...
    Vừa nghe đến tiền, bác gìa ngán ngẩm:
    - Lại tiền, khổ, lúc nào cũng tiền, tôi biết con dại cái mang , con mình ngổ ngáo giơ dao lên dọa chém người ta mình phải có lời xin lỗi , có nghĩa vụ đền bù, nhưng rải đường kiểu này thì...
    Thông cảm nỗi lòng của hai bố con, anh bảo:
    - Thôi thế này, cháu hứa sẽ giúp đỡ hết sức để bác chỉ phải hầu tòa một lần thôi, với đề nghị, bác phải thu xếp đủ tiền bồi thường cho người bị hại , rồi xin họ làm đơn miễn tố cho, là xong
    Nghe có vẻ hợp lý xuôi tai , bác già cảm động , xin phép ra về
    ...Ngày Bao công xử án, cả nhà ông bà giáo đến ngồi chật hàng ghế đầu, nóng lòng đợi cậu quỷ xuất hiện
    Cúi gập cái lưng còng, cậu quý tử gầy đen như quỷ đói, mắt dán chặt vào bố mẹ, hai chị, thốt lên những tiếng than từ lồng ngực lép kẹp :
    - Con khổ lắm bố mẹ ơi, bố mẹ thương lấy con, đừng để con phải ở tù
    Cả nhà xúm lại đỡ cậu ấm dạy, ông giáo lã chã hai hàng nước mắt:
    -Con đã biết ân hận, bố mẹ nào nỡ bỏ con, cứ yên tâm chờ tòa xử con ạ!
    Từ trên bục xử, anh bạn tôi mặt xanh như chàm đổ, chạy vội xuống hàng ghế đầu, hỏi giật giọng :
    - Cậu đã đưa bác đến bồi thường cho gia đình nạn nhân chưa?
    - Rồi, tôi nhanh nhảu: -Bán cả xe đạp Nhật, vô tuyến màu cùng một lô chè chai đồng nát mới đủ 5 triệu đập vào đấy!
    -Trời! anh bạn kêu to, tưởng đâu đất đã sụt dưới chân:
    - Sao lại chỉ có 5 triệu? Hả ? Hả?
    - Thì - Tôi vội vã giải thích : Có 4% thương tật, gia đình họ đòi mười triệu, mình đã thống nhất trả đủ hai phần ba, tức 7 triệu, trước mắt đưa trước 5 triệu để bồi dưỡng thuốc men, còn 2 triệu xin khất đến khi tòa xử xong
    Trời! Khổ tôi không? Ông bạn vàng kêu lên: - Thằng Hải sợ bên này chạy làng, mất toi hai triệu của nó, nên đã lên tận tòa án thành phố làm ầm lên.
    Nghe thủng câu chuyện bác già chưng hửng
    - Ô hay! đã bảo quân tử nhất ngôn, sao lại còn ra nông nỗi ấy?
    Cuối buổi luận tội, thằng Hùng bị kết án 30 tháng tù giam. Thế là chỉ vì sự “khẩu tâm bất nhất” của công tử bị hại, đủ đổ đi bao nhiêu công lao hy vọng của cả nhà ông giáo.
    Tết năm ấy, nhà ông giáo như có tang. Cô cả lại lận đận lên tít tận ngọn Făng xi Făng, quanh năm gió hát với mây mù, tiếp tục làm cô giáo bốn tay (tay cầm phấn, tay cầm đàn, tay đóng bàn, tay đóng ghế) ông bà giáo gần như đột quỵ trước nỗi đau khôn tả này cũng bỏ hàng, bỏ quán , bỏ cả một lô thói quen, cùng nhu cầu về ăn, mặc, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí trước đó, suốt ngày thả dài lưng đo nỗi chán chường, khiến cô thứ lo trũng mắt, phải chịu cảnh vừa “mất dạy” vừa “vô lương” để ở nhà chăm sóc bố mẹ già.
    Phần tôi vừa buồn, vừa ngượng, bèn dạt đi làm ăn xa cả tháng, hết cả tiết tháng giêng, khi thiên hạ ăn nghiêng bồ thóc xong mới lò dò về. Vừa đến đầu khu tập thể, đã thấy bà giáo tất tả chạy ra, mặt tươi hơn hớn khiến tôi không sao tin vào mắt mình:
    -Ôi anh Thông, cả nhà tôi mong anh qúa, chả là sắp tới ăn hỏi con bé Thúy.
    Tôi ngỡ ngàng:
    -Nhà mình không chạy tiếp cho em Hùng nữa ạ. Nghe bảo cuối tháng này Hùng bị chuyển từ trại giam Hỏa Lò xuống trại 6 Nghệ an, cách Hà Nội hơn 400 cây số ?
    Bà giáo lắc đầu, cặp mắt vui vẻ cụp xuống:
    - Chả giấu gì anh, em nó được ở lại Cầu Diễn rồi anh ạ, chờ vài tuần nữa là về hẳn nhà dự đám cưới anh chị thôi
    Dù thế nào tôi cũng không thể tin lời bà cụ, cho dù cụ Nguyễn Du có sống lại, để “ba thu dọn lại một ngày” ...thì may ra 2,5 năm tù mới có thể trôi vèo nhanh đến thế được, song tôi cũng biết rõ một điều là dù thế nào cụ Tiên Điền cũng không thể sống lại được, và ba thu vẫn là ba thu, chẳng thể nào mà dồn lại thành một ngày được
    Bỏ qua thái độ lẩn thẩn của tôi, bà giáo vui vẻ:
    - Thằng con rể tương lai của tôi mới ở Đức về hơn một tháng, thằng này trước mê con Thúy lắm mà không dám, giờ muốn cưới liền tay cho chắc ăn nên đã bỏ tiền ra lo liệu chu đáo đâu vào đấy rồi. Hôm nào tòa án nhân dân thành phố xử lại, mời anh lên, còn hôm này, ăn hỏi em nó, nhất định anh phải sang đấy nhớ.
    - Vâng , tôi vội vàng đáp, lòng đầy nghi hoặc: Để rồi xem chàng rể ngố xoay vần ra sao? Bạc đầu làm luật như ông bạn vàng của tôi còn chịu bó tay nữa là ...
    $
    $ $
    Khác hẳn lần trước, lần này thằng Hùng không còn gầy guộc, khốn khổ với cái lưng còng gập xuống và đôi mắt đầy ân hận, nuối tiếc như lần trước nữa mà ngẩng cao đầu nhìn lên bàn xử án, đối mặt vị quan tòa “đáng kính”, lễ phép:
    - Thưa quý tòa, bị cáo tự nhận là mình có tội nhưng không phải vì động cơ giết người cướp của như lời buộc tội của nạn nhân và tòa sơ thẩm trước đó. Thực chất, bị cáo và anh Hải đang ngồi chơi bài thì anh Hải ù được liền chạy làng, bị cáo tức qúa chạy theo, giằng bài lại bắt chơi tiếp để bị cáo gỡ, thì anh ấy vừa chửi, vừa đấm túi bụi vào mặt bị cáo, lại còn hô hoán lên là “đồ ăn cướp”. Do không tự chủ được, nên sẵn con dao của bà bán thịt lợn trước mặt, bị cáo đã giật lấy, đuổi theo và chém sượt tay anh ấy
    -Thôi được! Vị quan tòa bệ vệ quan cách cất tiếng hỏi có vẻ “dân chủ”, cởi mở và tin tưởng hơn hẳn cuộc “xử trảm” trước đó.
    Tòa tin vào bị cáo Nguyễn Đăng Hùng, còn trẻ người non dạ, lại mới chỉ phạm tội lần đầu nên sẽ xem xét ở mức án thấp nhất. Giờ cho hỏi anh Hải, nạn nhân, anh lý giải về nguyên nhân phạm pháp của anh Hùng như thế nào?
    Tim tôi nhói lên cảm giác mơ hồ sợ hãi, như thể có bàn tay của mụ phù thủy thò vào bóp nát...Nhưng không, thằng Hải thản nhiên đứng dạy, nét mặt không còn đằng đằng sát khí nữa mà như thể bị đánh tráo, nó ôn tồn đáp:
    - Dạ thưa quý tòa, cháu công nhận lời khai của em Hùng là đúng a. đúng là cháu có lỗi trước, làm em Hùng bị kích động, không tự chủ nổi. Bây giờ đứng trước tòa, cháu xin nhận tội, mong hội đồng xét xử xem xét lại
    Giơ cao tay xem đồng hồ, chàng rể nghẹo cổ sang tôi, toét miệng cười:
    - Chú thấy cháu bố trí có đúng không? Đã đúng bài, đúng bản lại đúng cả giờ hoàng đạo nên mọi việc đều đầu xuôi, đuôi lọt nhớ. Giờ tòa chỉ còn mỗi một việc là nhận mỗi người một phong bì bồi dưỡng hai triệu đồng rồi tuyên án tha bổng thôi.
    - Sao lại tha bổng? Mà giờ giấc thì liên quan gì đến đây?
    Không hình dung nổi thái độ của tôi lúc ấy, thằng rể cười ngặt nghẽo:
    Chú đúng là vô tâm qúa, tối hôm trước cháu với Thúy đi xem ngày giờ, thầy bảo thằng Hùng tuổi tí, đẻ vào giờ tị nên chỉ xử vào ngày canh tuất, giờ thìn là đúng cách, cháu về gợi ý đảo lại ngày giờ cho nó đấy chứ
    -Thì ra là thế, tôi túm áo nó, hỏi : - Thế việc thằng Hải cậu giải quyết ra sao?
    - Ôi nó cười, giọng dương dương tự đắc: -Dễ như trở bàn tay mà chú...Đầu tiên cháu đến gặp chú Cảnh bạn chú, xin ý kiến, chú ấy bảo:
    - Tại thằng Hải phá đám, tính nó tiểu nhân nên sợ không ăn được thà đạp đổ cho xong, hoặc đạp bừa để gia đình mình sợ mà phải cầu cạnh xuống nước, chi thêm cho nó... Ngẫm lại cả nhà mình đều dốt, chỉ biết nhờ cậy một mình chú ấy, không biết lo lót bên tòa, nên dù viện kiểm sát đã đề nghị ở mức án treo, nhưng tòa chống lại, làm vống lên, thế mới chết.
    Tôi hỏi phủ đầu :
    -Cả thẩy cậu lo lót hết bao nhiêu ?
    Không thèm để ý đến tâm trạng bần thần, hồi hộp của tôi, nó cười , hàm răng ám khói thuốc vàng xịt:
    - Chuyện vặt ấy mà chú, đầu tiên cháu thuê taxi đưa cả đại gia đình nhà mình đến tận nhà để gặp nó. Trước mặt cả ông, bà, dâu, rể chi nốt 2 triệu, bắt ký tên chỉ điểm đàng hoàng, còn trả thêm vài “vé” để bay đến các cửa kêu cầu, giải vây cho thằng Hùng, không kể chuyện quà cáp, bánh trái lặt vặt cho ông bà già với hai đứa nhỏ, cháu mang từ Đức về nữa
    Tôi bắt tay chàng rể, bàn tay của kẻ có tiền,vừa lạnh vừa mỏng:
    - Chịu cậu thật, thế mà cả tháng trời chúng tôi chỉ biết tóm cá đằng đuôi, không ngờ cậu lại dùng “đô” mà tóm gáy cả lũ chúng nó, bắt chúng phải ngoe nguẩy theo đúng ý mình
    Có lẽ không đợi một lời khen cao sang đến thế, chàng rể toét miệng cười, bộc bạch:
    - Làm sao có thể tay không bắt giặc hả chú, người Đức vốn rất thực tế và thực dụng đã từng nói “Phải biết mở mọi cánh cửa bằng đồng Mác (Deutsch Mark) vì thế cháu chỉ cần bỏ ra vài nghìn Euro, rồi đổi ra đồng đô là mọi việc xong béng ngay
    -Vài nghìn, tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên của mình, lẽ nào cái giá để mua lấy sự tử tế đắt đến thế?
    - Vâng, chàng rể hồn nhiên, cháu đã bàn kỹ từng đường đi nước bước với bố mẹ Thúy rồi. Tương lai của thằng Hùng là quan trọng hơn tất cả, vì vậy phải cứu nó ra bằng mọi cách...Thà ném tiền qua cửa sổ cho một lũ thối nát, cơ hội, ăn không ăn hỏng còn hơn ném một mạng người vào tù. Ở nhà tù lớn xã hội chủ nghĩa Việt Nam quen rồi, chú có thấy đứa nào vào nhà tù nhỏ mà khá hơn không? Hay lại học thêm các mánh khóe ở tù, rồi ra đời lại ...tiếp tục dấn thân vào chỗ chết? Dù có vấp ngã rập mặt trên các bậc thềm ở cửa nhà tù mà vẫn không sao thoát khỏi còng số tám khóa chặt trên tay mình?
    Mặt tôi nghền nghệt như mất của , không biết nói gì hơn khi chàng rể vẫn thao thao bất tuyệt .
    - “Quê hương là chùm khế ngọt, quan tham trèo hái mỗi ngày” mà chú? Vì thế cưới xong là cháu bắt Thúy phải bỏ việc sang Đức bán hàng cho cháu. Ở lại Hà Nội làm gì ? Đất nghìn năm văn vật mà có qua nổi vụ “vật giá, giá vật” này đâu? Giá cả tăng chóng mặt, vật người tiêu dùng chết tươi, giãy lên đành đạch . ..
    - Thì ra là thế, Dường như đã hiểu ra mọi sự, tôi lắc mạnh tay nó, bộc lộ sự khâm phục :
    - Cậu khá lắm, không ngờ ông bà Thảo có được chàng rể tài ba, từng trải việc đời đến thế.
    Nó nở nụ cười ngạo mạn, khinh bạc như chế giễu sự thiếu hiểu biết của tôi :
    - Tiền trải chứ cháu có...từng trải đâu chú, chú quên là thời buổi “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” này, đồng tiền rất lên mặt à?
    Tôi giật mình, xưa các cụ dạy:
    “Đồng tiền không phấn không hồ
    Đồng tiền khéo điểm khéo tô mặt người.
    Không ngờ ở thời điểm xã hội chủ nghĩa- xuống hố cả nút này, đồng tiền không những chỉ “khéo điểm khéo tô mặt người” còn có thể vênh mặt lên như bánh đa nướng, trong bất cứ tình huống nào. Nhờ vậy chàng rể không chỉ mở được cánh cửa buồng the cho mình còn mở được cánh cửa tương lai cho em vợ, cũng như đóng sập lại cả qúa khứ túng thiếu đói nghèo và đau thương khốn khổ cho hai ông bà giáo nữa...Thật là kế sách
    07
     

Chia sẻ trang này

Share