Chưa được phân loại

ĐỨA CON của RỪNG HẠC

Vào một năm trời làm mưa bão dầm dề, núi Kỳ Sơn đổ. Nhiều người cho đó là điềm trời báo trước sự sụp đổ của nhà Chu . Trấn thủ Kỳ Sơn Thiệu Tường dâng biểu tâu lên vua về những thiệt hại do thiên tai gây ra và khẩn xin triều đình mở kho cứu trợ cho dân chúng Kỳ Sơn. U-Vương đã chẳng màng đến lời tâu, còn cười chê Thiệu Tường là người dốt nát không biết cai trị, rồi cách chức.

ĐỨA CON của RỪNG HẠC
                                         
 
                                                                     Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
 
 
     Bao Thành và Kỳ Sơn là hai pháo đài ở phía tây và tây nam của kinh thành để bảo vệ cho kinh đô Kiểu Kinh. Trấn thủ Bao Thành Bao Quýnh và trấn thủ Kỳ Sơn Thiệu Tường là đồng liêu và cũng là chỗ tâm giao. Cả hai đều là đại phu và là những người trung quân ái quốc.
 
     Vào một năm trời làm mưa bão dầm dề, núi Kỳ Sơn đổ. Nhiều người cho đó là điềm trời báo trước sự sụp đổ của nhà Chu . Trấn thủ Kỳ Sơn Thiệu Tường dâng biểu tâu lên vua về những thiệt hại do thiên tai gây ra và khẩn xin triều đình mở kho cứu trợ cho dân chúng Kỳ Sơn. U-Vương đã chẳng màng đến lời tâu, còn cười chê Thiệu Tường là người dốt nát không biết cai trị, rồi cách chức.
 
     Vua tôi trong triều vẫn cứ thản nhiên tiếp tục ăn chơi hưởng lạc. Nhà vua phái nội thị bủa đi tứ phương tìm gái đẹp tuyển vào cung để đờn ca múa hát và phục vụ xác thịt. Triệu Thúc Đái đang giữ chức gián quan, thấy đất nước càng ngày càng nguy ngập, bèn dâng biểu để can ngăn. U-Vương nghe lời Quắc Công dèm pha, cách chức Triệu Thúc Đái đuổi về. Bao Quýnh đang ở Bao Thành nghe tin, tức tốc vào triều để can gián vua. U-Vương giận lắm, sai quân bắt Bao Quýnh tống vào ngục. Từ đó về sau, các quan trong triều không còn ai dám can ngăn vua nữa.
 
     Bao Quýnh ở tù đã ba năm. Phu nhân và con trai ở nhà sống thiếu thốn và bị cô lập. Các đại thần đồng triều cũng như bọn quan lại thân sơ đều sợ hãi mà xa lánh. Lâu rồi, mẹ con không lẽ cứ ngồi ôm nhau mà than khóc. Bà mẹ cuối cùng đành phải liều đẩy đứa con ra đường để tìm cách cứu nước, cứu chồng. Qua bao nhiêu đắn đo suy nghĩ, Bao Quýnh phu nhân hôm nay mới đem những điều mình ấp ủ ra bàn với Hồng Đức, đứa con trai duy nhất của mình hãy còn trẻ. Bà nhỏ nhẹ nói với con:
 
–   Con không ra bên ngoài nên không biết được việc thiên hạ. Qua nhiều năm liên tiếp, hạn hán rồi lụt lội làm mất mùa liên miên. Trời làm cơ cực một phần, nhưng tham quan của triều đình nhũng nhiễu gây thê lương còn nhiều hơn gấp bội. Bọn tham quan vơ vét bóc lột thật thậm tệ. Bá tánh vì thế sống vô cùng lầm than đói khổ. Loạn lạc triền miên. Trai tráng phần bị lùa đi lính, phần thì phiêu bạt tứ xứ để làm ăn kiếm sống. Con gái còn trinh kẻ bị bắt dâng lên cho triều đình, kẻ bị bán làm nô lệ tình dục khắp nơi tại các nước chư hầu. Còn lại bên trong các làng mạc khô cằn là các cụ già và những người không sứt càng thì cũng gẫy gọng. Bên trong triều đình thì Thiên tử hoang dâm vô đạo, ham mê tửu sắc, đêm ngày nghe đàn ca hát xướng. Nhiều khi cả tháng trời vua không thiết triều một lần. Triều thần ít khi trông thấy mặt thiên tử. Mọi việc triều chính giao vào tay bọn Tam Công là Quắc Công, Sái Công, và Doãn Cầu. Một tên làm tổng quản quân đội của thiên triều. Một tên lãnh chúa đám mật vụ côn đồ. Còn tên nữa là chưởng quản tất cả đám quan lại từ trong triều ra đến ngoài quan ải. Cả ba cấu kết với nhau làm thành một mạng lưới chuyên quyền độc đoán. Vì thế mới sinh ra nạn buôn quan bán tước. Có tiền là mua được chức quan. Khi đã có chức quan, chúng vơ vét để bù lại. Toàn thể hệ thống quan lại từ trên xuống dưới đều là những tên tham quyền ham lợi, chỉ biết trên thì nhắm mắt xu nịnh, dưới thì tham lam vơ vét. Bá tánh đói khổ, còn quan lại sống phè phỡn trên sự đói khổ của lê dân. Những người trung trực kẻ thì bị giết, người bị lưu đầy, còn lại hầu hết đều cáo thoái về cầy ruộng. Trong số những người bị đi tù có thân phụ của con đang làm quan đại phu tổng trấn Bao Thành. Chưa bao giờ đất nước sa vào cảnh điêu linh như hiện nay. Cũng chưa bao giờ bá tánh phải lầm than đói khổ như bây giờ. Con phải biết, cứu phụ thân của con là chuyện nhỏ, cứu giang sơn xã tắc này khỏi ách tàn bạo vô luân của tên bạo chúa mới là chuyện lớn phải làm của một trang nam tử như con. Con cần phải hiểu rõ cái thảm cảnh hiện nay của giang sơn bá tánh.
 
     Hồng Đức nhìn mẹ buồn rầu thưa lại:
 
–   Thưa mẹ, mặc dầu con không thiếu quyết tâm báo thù cho cha và cứu dân cứu nước, nhưng con còn nhỏ, cuộc đời chưa từng trải, thiếu kinh nghiệm, lại không quen biết nhiều, làm sao con có thể làm nên việc, nếu không có người lớn bên cạnh?
 
     Người mẹ không phải không hiểu lý lẽ đó. Đặt một gánh nặng quá lớn so với tuổi đời và từng trải trên vai của đứa con, bà không thể nào không lo lắng cân nhắc. Nhưng trong hoàn cảnh đơn lẻ này, bà không còn cách nào khác hơn để giải quyết. Nghe con nói xong, bà quàng tay kéo con trai ngồi sát bên mình, rồi ôn tồn giảng giải:
 
–   Cứu phụ thân con, con làm công việc này một mình đơn độc. Nhưng con đứng lên diệt bạo chúa, mọi người đều hưởng ứng theo con. Ai bảo con không có người bên cạnh. Hơn nữa, cho dù cứu được phụ thân con, ai bảo đảm gia đình mình thoát được những tai họa khác nữa sau này. Chỉ có cứu được giang sơn này thì mọi người mới được sống yên vui hạnh phúc lâu bền. Con phải hiểu như thế.
 
     Hồng Đức không cần suy nghĩ, vội vàng quì xuống đất, nắm lấy bàn tay mẹ, nhìn thẳng vào mắt bà, giọng quả quyết:
 
–   Vâng thưa mẹ, con hiểu ra rồi. Con sẽ làm theo lời mẹ dậy. Con hứa sẽ làm được cả hai điều mẹ mong muốn, vừa cứu cha con, vừa giải phóng bá tánh khỏi ách tham tàn mê muội của hôn quân.
 
     Bao Quýnh phu nhân xúc động ôm đầu đứa con trai ghì chặt vào lòng như chưa bao giờ bà tỏ ra thương con như vậy. Ngày hôm sau, chàng thanh niên Hồng Đức từ giã mẹ ra đi, mang trên vai một gánh nặng hai bên thù nhà và nợ nước.
 
                                                / / /
 
     Hồng Đức đi Bao Thành có ý tìm gặp những thân hữu hoặc thuộc hạ cũ của cha mình khi xưa để mưu việc đại sự, nhưng chuyện đời không đơn giản như chàng nghĩ. Tất cả những người quen biết mà chàng tiếp xúc họ đều từ chối. Không phải họ không có lòng, mà vì họ nhát sợ trước những sự tàn bạo của triều đình.
 
     Suốt mấy tháng trời, sự ra đi của Hồng Đức không đem lại một kết quả nào khích lệ. Đa số đều từ chối. Một vài người hứa suông cho qua chuyện. Chàng cảm thấy thối chí nên muốn trở về bàn bạc lại với mẹ. Điều làm chàng buồn phiền nhất là sợ khi gặp lại mẹ và nhìn thấy vẻ mặt thiểu não của bà. Nhưng bất luận thế nào chàng cũng phải trở về.
 
    Trên đường về, đi đã cả buổi, chàng dừng chân nghỉ mệt. Đang lúc ngồi nghỉ dưới một gốc cây bên bờ sông, bất chợt chàng thấy một cô gái quẩy đôi thùng từ trong xóm ra gánh nước. Cô gái trông còn rất trẻ, chắc chắn chỉ vừa độ tuổi trăng tròn. Một cô gái nhà quê mộc mạc nhưng lại rất xinh đẹp, xuất hiện giữa khung cảnh buổi chiều hè rực rỡ với trời, mây, nước bao la, trông chẳng khác nào một bức tranh thủy mạc sống. Thật tuyệt vời. Cô gái có vẻ lúng túng vì sự có mặt của một chàng trai xa lạ. Nàng vục nước đầy hai chiếc lu sành rồi vội vã quẩy vô xóm. Hồng Đức để cho nàng đi khuất rồi mới theo dấu nước sánh trên mặt đất mà tìm đến nhà. Tới đầu ngõ, chàng bắt gặp một ông gìa đang đứng hóng mát gần một khóm trúc ngoài cổng. Chàng dừng lại lễ phép cúi đầu chào. Thấy cái dáng thư sinh của người khách lạ, ông già lên tiếng trước, hỏi:
 
–   Chẳng hay công tử có việc gì đi qua đây?
 
–   Kính chào lão bá, cháu ở xa đi ngang qua đây mà trời cũng không còn sớm. Cháu có ý kiếm một chỗ trọ qua đêm. Lão bá có biết xin chỉ dùm.
 
     Hồng Đức không kịp chuẩn bị trước cho tình huống bất ngờ này, nên chỉ còn cách nói dối. Nhưng làm sao chàng che mắt nổi một ông già từng trải. Con gái ông vừa gánh nước về. Ông thấy rõ chàng thanh niên theo dấu nước trên đất mà tới đây. Nhìn mặt chàng trai không quen nói láo, sắc diện trở nên bẽn lẽn, thật tội nghiệp, ông già thương hại cái dáng khờ khạo ấy, chỉ mỉm cười độ lượng:
 
–   Chỗ trọ quanh đây thì lão phu không biết. Nhưng nếu công tử không chê bai túp lều tranh này của cha con lão thì công tử cứ tự tiện ở lại đây qua đêm. Chúng tôi rất lấy làm hân hạnh được tiếp đón công tử.
 
     Hồng Đức được lời như cởi tấm lòng. Thấy ông già như có ý muốn gói ghém một lời giới thiệu khéo léo cô con gái trong cách mời mọc, chàng cảm thấy phấn khởi nê nhận lời  không chút do dự:    
 
–   Được như vậy thì tốt quá. Cháu không dám khách sáo. Xin hết lòng đa tạ lão bá.
 
     Chủ khách theo nhau vô nhà, một căn nhà tranh vách đất tồi tàn nhưng ngăn nắp và kín đáo. Ông già tự tay nấu nước pha trà, và sai cô con gái sửa soạn bữa cơm chiều đãi khách. Hai người đàn ông vừa uống trà vừa trò truyện. Biết được Hồng Đức là con quan đại phu Bao Quýnh trấn thủ Bao Thành trước đây, ông già vui mừng giãi bầy tâm sự:
 
–   Gia đình lão phu ở đây lâu rồi. Lão tên là Tự Đại. Hai vợ chồng già không có con trai, chỉ sanh được một đức con gái duy nhất, đặt tên nó là Bao Tự. Chẳng bao lâu tiện nội mất. Lão phu một mình nuôi con. Trời cho nó có chút nhan sắc. Điều này làm cho lão hãnh diện nhưng lại rất lo sợ. Con gái đẹp ở vùng này hiện nay đang bị quan lính săn bắt dâng lên cho thiên tử. Lão phu lo ngaị cho đứa con gái của lão.
 
–   Thưa lão bá, không có cách nào để tránh cho Bao cô nương không bị bắt sao?
 
     Hồng Đức lo lắng cắt ngang. Lão Đại nhấp ngụm trà, trầm ngâm, mắt nhìn mông lung ngoài trời ra chiều tư lự lắm. Lão thở dài úp mở:
 
–   Thực ra thì cũng không phải là không có. Nhưng……..
 
–   Nhưng cái gì? Xin lão bá cho biết tôn ý. Hay lão bá có điều gì khó nói thì thôi cũng không sao.
 
     Không khí bỗng dưng trở nên nặng nề. Hồng Đức cũng e dè, chàng im lặng chẳng còn biết nói gì. Một lúc lâu sau, ông già đổi đề tài câu chuyện. Lão hỏi:
 
–   Lão phu có nghe lệnh tôn bị gian thần ám hại. Chẳng hay việc này có đúng không?
 
–   Thưa lão bá, chuyện này là thiệt. Phụ thân cháu bị bọn tam công hại. Nhà vua chỉ biết nghe lời xu nịnh. Phụ thân cháu bị giam có đến gần ba năm nay rồi.
 
     Ông già chép miệng thở dài:
 
–   Thời buổi này làm dân đã khó, mà làm quan thanh liêm trung trực lại càng khó gấp bội. Những người làm quan như lệnh tôn đây không được mấy người, nhưng rồi dần dần cũng mất cả. Bá tánh lầm tham không còn biết trông cậy vào đâu. Không biết đất nước này rồi sẽ ra sao!!! Ba năm…cũng là lâu rồi đấy.
 
     Ông già ngồi trầm ngâm một lúc rồi lại tiếp tục:
 
–   Phu nhân và công tử đã có dâng biểu trần tình để minh oan cho lệnh tôn bao giờ chưa? Cũng nên thử xem sao.
 
     Hồng Đức rầu rĩ thưa:
 
–   Xin thú thật với lão bá, làm thế không được đâu. Thiên tử đã trở thành điếc đặc đối với những lời ngay thẳng từ lâu rồi. Cháu đã lặn lội mấy tháng nay để tìm xem có phương pháp nào không nhưng vô hiệu. Những chỗ quen biết xưa kia với phụ thân cháu họ đều từ chối. Cũng có người quen biết trong triều nhận giúp đỡ nhưng họ đòi nhiều tiền bạc quá, gia đình cháu thật bất lực. Lão bá có diệu kế gì xin chỉ dậy cho. Cháu mang ơn suốt đời suốt kiếp.
 
     Ông già mỉm cười hiền từ:
 
–   Nói lão phu chỉ dậy thì không dám, và mang ơn thì cũng không cần thiết. Theo ý lão phu, nếu công tử chỉ muốn cứu lệnh tôn thôi thì việc cũng không có gì khó khăn lắm. Còn nếu công tử muốn làm chuyện lớn hơn thì cũng cần phải bỏ ra một chút công sức. Tuy nhiên, dù việc lớn hay nhỏ cũng có thể làm theo cùng một nguyên tắc mà các binh gia thường hay áp dụng. Đó là lấy cái yếu của đối phương làm cái mạnh của mình mà hành động ắt có thể thành công.
 
     Hồng Đức nghe lạ tai muốn biết liền nên nóng lòng hỏi:
 
–   Cháu ngu dốt. Xin lão bá có thể giảng giải rõ hơn một chút được không?
 
–   Có gì đâu mà khó hiểu…. Nhưng thôi, chuyện còn dài. Công tử đi đường xa chắc đã mệt và đói bụng. Nghỉ ngơi một lát rồi ăn uống trước đã.
 
     Mặc cho Hồng Đức ngồi bần thần suy nghĩ, ông già cắt ngang câu chuyện, đứng dậy đi xuống bếp tiếp con gái giọn cơm. Thực ra ông đã có chủ đích rồi, nhưng ông không thể đường đột nói ra nên muốn thăm dò ý kiến của con gái, và cũng cần bàn bạc trước những gì cần thiết.
 
                                                / / /
 
     Ăn uống xong thì trời vừa tối. Chủ khách ngồi uống trà bên ngọn đèn nhựa chai leo lét. Bao Tự đứng hầu bên cạnh cha. Hồng Đức cứ băn khoăn về câu chuyện còn dở dang hồi chiều: cái gì là cái yếu của đối phương, và cái gì là cái mạnh của mình? Chàng muốn thử phân tích cái chiến pháp mạnh, yếu mà các binh gia thường áp dụng ấy xem sao. Chàng trình bầy với ông già:
 
–   Theo cháu thấy, nhược điểm lớn nhất của triều đình hiện nay là vấn đề độc đoán và thối nát. Vua không còn biết nghe lời nói phải. Quan chỉ quen thói xu nịnh. Từ Thiên tử trở xuống ai nấy chỉ biết vơ vét để ăn chơi và hưởng lạc. Hà hiếp bá tánh và vơ vét cho thật nhiều để tận hưởng. Đây là vấn đề trọng yếu phát sinh ra các nguy cơ khác làm suy yếu chế độ. Có thể kể đến như khắp nơi nạn mua quan bán tước trở thành đường lối cơ bản trong việc chọn lựa người làm quan. Do đó, quan lại chỉ là một bọn vô luân, vô đạo, vô tài và vô tướng. Chúng bỏ tiền ra mua được chức quan rồi thì tất nhiên là phải đục khoét và vơ vét để bù lại. Bọn chúng vì phe cánh và vì miếng ăn, đối với nhau cũng như mèo với chó chứ chẳng tử tế gì. Chỉ bằng mặt mà nhiều khi còn coi nhau như thù địch. Chế độ vì thế có thể ví như một cái cây đã rỗng ruột, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Bên ngoài bá tánh bị thiên tai rồi bị bóc lột đến tận xương tủy. Mọi người sống lầm than khổ cực như trâu chó. Thanh niên phải đi lính hay bị bắt làm phu dịch. Con gái đẹp ngoài số bị bắt tiến cung, còn lại hầu hết cũng bị ngay cha mẹ mình bán đi làm gái điếm để nuôi sống gia đình. Nói chung, người dân bất mãn và hoàn toàn mất tin tưởng vào triều đình. Chế độ nào cũng cần phải lấy dân làm gốc. Chế độ này đã mất gốc thì tất nhiên nó sẽ phải sụp đổ. Triều đình hiện nay đã không nhìn thấy điều đó lại còn lơ là mất cảnh giác. Thiên tử và cả triều thần vẫn cứ tưởng họ còn đang vững mạnh! Còn về phía bá tánh, cái mạnh của người dân là gì nếu không phải là hiện nay ai cũng đều có cơ hội lũng đoạn triều đình bằng bất cứ phương tiện nào họ có trong tay. Với tiền bạc, người ta có thể mua và sai khiến được quan viên triều đình trên dưới. Còn gái đẹp chính là chìa khóa có thể qua được bất cứ cánh cửa nào. Nếu có hai thứ đó là có thể đốn gục cái chế độ mục nát này rồi.
 
     Hồng Đức nói hăng say đến nỗi không để ý đến cô con gái rất xinh đẹp của ông già đang đứng gần đó. Chàng giật mình và ngừng lại, cảm thấy đã quá khinh xuất bèn xin lỗi:
 
–   Cháu thật là thất lễ, đã có lời mạo phạm. Xin lão bá và Bao cô nương tha thứ.
 
     Ông già nhìn chàng cười bao dung:
 
–   Không sao. Công tử nói rất đúng. Những nhận xét và phân tích của công tử cũng là những suy nghĩ trong đầu của lão phu. Tuy nhiên cũng còn một khía cạnh khác mà công tử không đề cập đến. Đó là thế lực của các chư hầu. Hiện nay thiên tử yếu mà có nhiều chư hầu mạnh. Tuy vậy không có chư hầu nào đủ sức lấn lướt mà vượt lên, nên họ vẫn cần phải bảo vệ ngôi thiên tử để giữ thế quân bình ổn định. Nếu có cách nào làm cho các chư hầu không còn tin tưởng vào thiên tử nữa thì sự biến mới có thể xẩy ra. Chiến lược là đúng, nhưng cũng cần phải có sách lược thích hợp để vận dụng kế sách.
 
     Lý luận của ông gìa rất mới lạ và lôi cuốn, Hồng Đức càng nghe càng bị thuyết phục. Nhưng ông ngừng lại ở đấy hình như có ý muốn cho chàng có thì giờ tiêu hóa hết những điều mình vừa nói.
 
     Không gian về đêm vốn đã tịch mịch càng trở nên u tịch hơn khi tiếng nói của ông dứt đoạn. Ông già nhấp ngụm trà nóng, mắt vẫn không rời khỏi bát nước trà một hồi lâu rồi mới lại tiếp tục nói mà như đang nói với bát nước trên tay. Ông bỗng vừa lắc lư cả thân mình ra điều thận trọng lắm, vừa thật chậm rãi cố ý gò từng câu từng chữ để thăm dò người đối diện:
 
–   Hoàn cảnh của công tử cũng là hoàn cảnh của nhiều người. Có rất đông bá tánh bị oan ức, bị vùi dập. Lão phu rất hiểu và cảm thông với công tử. Cho phép lão nói thẳng, chẳng hay công tử đã có dự tính riêng cho mình như thế nào chưa?
 
     Hồng Đức lắc đầu thở dài:
 
–   Thưa lão bá, rất tiếc là cháu tài hèn sức mọn, hai bàn tay trắng lại không có kinh nghiệm. Những tính toán đều đã thất bại cả. Cháu xin lão bá cho một lời chỉ giáo và nếu có thể giúp đỡ cho cháu chóng hoàn thành được ý nguyện.
 
     Ông già vẫn giữ giọng trầm đều:
 
–   Giữa công tử và chúng tôi trời đất xui khiến xem ra có chỗ đồng thanh và còn có thể là đồng khí nữa đấy. Công tử có mối thù gia phụ. Gia đình tôi, tiện nội bị triều đình vô cớ thảm sát. Công tử sống ở kinh đô vả lại còn trẻ chắc không biết chuyện xẩy ra tại đây mười mấy năm về trước, lúc ấy đứa con gái này hãy còn phải bế trên tay.
 
     Ông quay sang nhìn Bao Tự, rồi quàng tay kéo con lại sát bên cạnh mình, tỏ một cử chỉ âu yếm khác thường. Trong không gian chìm lắng, ông già lại cất tiếng trầm buồn kể chuyện. Chàng thanh niên trẻ vẫn im lặng chăm chú nghe:
 
–   Chuyện xẩy ra vào lúc giặc Khương Nhung nổi loạn, Tuyên Vương ngự giá thân chinh và bị thua. Quân lính chết rất nhiều. Vua phải thân hành ra đất Thái Nguyên kiểm tra dân đinh để bắt lính bổ sung. Khi trở về ngang qua một cái chợ, vua cho dừng quân để nghỉ. Có lũ trẻ con chơi đùa ngoài chợ hát câu đồng dao thế này:
 
                        Bao giờ thỏ mọc ác tà,
                        Yểm hồ Cơ bặc ắt là mất Chu .
 
     Tuyên Vương nghe thì cả sợ, bèn bắt lũ trẻ mà điều tra. Nhưng lũ trẻ cũng không biết câu đồng dao đó từ đâu mà có. Vua về triều hội bàn với các quan, nhưng mỗi người bàn một cách. Kẻ thì cho là chuyện trẻ con chẳng đáng tin. Người thì bảo rằng ứng về điềm trong nước có loạn lạc vì yểm hồ và cơ bặc ám chỉ cung tên và túi cỏ để đựng tên. Riêng quan thái sử Bá Dương Phụ bói quẻ bàn rằng thỏ là mặt trăng chỉ âm, ác là mặt trời chỉ dương. Thỏ mọc ác tà là dấu chỉ âm thịnh dương suy. Ắt hẳn là sẽ có cái họa đàn bà can thiệp đến chính trị trong nước.
 
     Bất ngờ đúng vào lúc đó, tại hậu cung lại đồn chuyện một cung nữ từ thời tiên đế đã ngoài 50 tuổi đạp phải rãi rồng mà mang thai 40 năm mới sinh được một đứa con gái. Khương hậu, vợ Tuyên Vương, thấy vậy, để giữ tiếng tăm cho hoàng gia, bắt đem đứa trẻ bỏ trôi sông. Một câu chuyện yêu quái như thế không biết từ đâu được thêu dệt rất ly kỳ khiến nhà vua liên tưởng đến cái nạn nữ họa thời Kiệt, Trụ (Thương, Ân). Tuyên Vương sợ hãi bèn hạ lệnh đi khắp mọi nơi hễ ai vớt được đứa con gái ấy đem nộp, dù còn sống hay đã chết, thì được thưởng 300 tấm lụa. Nếu có ai bắt được mà giấu giếm thì cả nhà phải chém đầu.    
 
     Vua cũng nhớ lại câu đồng dao “yểm hồ cơ bặc” ngày trước, nên truyền cho chợ búa khắp trong nước không ai được bán cây cung bằng gỗ dâu (yểm hồ) và túi tên bằng cỏ cơ (cơ bặc) nữa. Ai không tuân lệnh cũng bị chém đầu.
 
     Vợ chồng lão phu không biết lệnh cấm, đem cung dâu và túi cỏ ra chợ bán như thường lệ, vì đây là nghề sinh sống của gia đình lão từ lâu nay. Tiện nội mang đồ bán đi trước một quãng, còn lão phu đùm đề đứa con mới sanh lẽo đẽo theo sau. Vừa đến cửa thành, quan lính xét thấy đồ quốc cấm gùi trên lưng, tiện nội bị bắt liền tức thì. Lão phu ôm đứa con đi sau thấy vậy phải lẩn trốn mới thoát. Vua Tuyên Vương cho là câu hát của lũ trẻ đã ứng nghiệm, ra lệnh chém đầu tiện nội để trừ hậu hoạn. Cha con lão phu phải trốn tránh, đến ở cái xóm Hạc Lâm hẻo lánh này từ ngày đó đến nay.
 
–   Bá mẫu chết thật là oan ức!
 
     Hồng Đức nghe uất ức bèn thốt lên. Ông già cũng ngừng kể. Một lúc lâu sau ông mới đi vào kết luận:
 
–   Ông trời thật không phụ lòng người nên đã cho lão phu gặp được công tử. Chúng ta cùng có chung một kẻ thù, cũng nên phải cùng chung một hành động mới đúng. Lão phu đã già rồi, khó có thể thực hiện ý nguyện được. Lão xin có một đề nghị với công tử.
 
     Ông ngập ngừng có ý thăm dò phản ứng của chàng thanh niên và cũng còn để lựa lời cho thích hợp. Hồng Đức sốt ruột dục:
 
–   Lão bá có đề nghị gì xin cứ dậy bảo. Cháu xin lãnh giáo.
 
–   Có hơi đường đột một chút đấy, nhưng xin công tử tha lỗi cho. Nếu công tử không chê bai, lão phu xin được gởi gắm đứa con gái này cho nó theo hầu để công tử sai bảo trong khi công tử bôn ba lo công việc. Không biết ý công tử thế nào?
 
     Ông già hỏi, nhưng xem ra đã biết trước câu trả lời của Hồng Đức rồi, nên ông quay sang nhắn nhủ Bao Tự đang đứng sát bên cạnh ông:
 
–   Con phải nghe theo lời dậy bảo của công tử cũng như nghe lời cha. Con có biết không?
 
–   Thưa cha con biết.
 
     Từ chiều đến giờ, Hồng Đức mới nghe thấy người con gái nói. Chỉ vỏn vẹn có mấy tiếng. Chàng thật sự không hiểu rõ ý nghĩa trong mấy câu ngắn ngủi của cha con ông già. Ông muốn gả con gái cho mình, hay ông tình nguyện hy sinh con gái mình cho chàng để làm kế cứu cha. Thế nào thì cũng đều là chuyện khó tin. Không dễ dàng như thế chứ! Nếu ông có ý định gả con gái thì ít ra cũng phải có cưới hỏi, và nhất là được sự ưng thuận của hai bên cha mẹ. Không thế nào có chuyện quá hấp tấp đến vô lý thế được. Còn nếu ông mưu tính kế mỹ nhân thì ít ra ông cũng nên tiết lộ cho chàng biết kế hoạch? Nếu ông tình nguyện hy sinh con gái làm mỹ nhân kế để trừ bạo chúa thì chàng cũng khó lòng mà đồng ý được, vì từ lúc gặp Bao Tự ngoài bờ sông, chàng đã bị cái đẹp của nàng hớp hồn mất rồi. Theo cách này thì chàng sẽ vĩnh viễn mất nàng. Chỉ nghĩ đến chuyện phải mất người con gái xinh đẹp này, chàng đã cảm thấy chán nản, mất nghị lực. Một đàng không thể để mất đi cơ hội, một đàng không thể không hoàn thành sứ mạng mẹ chàng trao cho lúc ra đi. Cả hai đều khó cầu toàn. Điều làm chàng thực sự bận tâm là rước Bao Tự về nhà trong hoàn cảnh gia đình như thế này thì có hợp đạo lý không. Việc cứu cha chưa hoàn thành mà đã mải mê chuyện tình cảm riêng tư. Điều đó mẹ chàng chắc chắn không tha thứ, mà người đời cũng sẽ cười chê. Hồng Đức suy tính nhanh trong đầu thấy chỉ còn cách cứ đồng ý đại đi rồi sẽ tính. Chàng hy vọng sẽ tìm ra cách giải quyết. Chàng tự tin, đứng dậy khoanh tay cung kính thưa với ông già:
 
–   Cháu xin phụng mệnh của lão bá. Cháu hứa sẽ chăm sóc tốt cho Bao cô nương.
 
     Sáng hôm sau, Bao Tự theo Hồng Đức lên đường trở về nhà chàng. Ra đến đầu ngõ, nàng ôm cha nói lời từ biệt:
 
–   Con mong sớm có ngày được trở về bên cạnh cha.
 
     Ông già hôn lên mái tóc đứa con gái mà không nói gì. Sau đó ông đưa tay vẫy ra dấu hiệu bảo đi, rồi quay đầu lủi thủi trở vào nhà.
 
                                                            / / /
 
     Quả đúng như Hồng Đức lo ngại. Bao Quýnh phu nhân thấy con trai trở về tay không, lại còn mang theo một cô gái trẻ đẹp, bà buồn rầu không nói gì và tỏ ra lạnh lùng với con. Cũng may mà trên đường về chàng đã biết rõ được vấn đề nên đã hình thành được một kế hoạch đem trình bầy với mẹ nên bà mới an tâm.
 
     Những gì ông già nói với chàng mới chỉ là một nửa của sự thật. Còn lại nửa kia ông khôn khéo dành lại cho con gái nói ra. Nói trắng ra trước tất cả, ông già sợ Hồng Đức không chịu cho con gái ông đi theo. Việc tiến cung của Bao Tự như ông già kế hoạch bỏ đi mất một cơ hội hiếm có.
 
     Theo Bao Tự kể, nàng không phải con ruột của vợ chồng ông già mà chỉ là con nuôi. Nàng chính là đứa trẻ bị ném bỏ ngoài bờ sông. Người đàn bà đẻ ra nàng thực ra là một cung nữ trong triều đình Tuyên Vương. Cung nữ này bị hoàng tử An Kỳ, con út của Khương Hậu, tức em trai của U-Vương làm có bầu. Khương hậu không chấp nhận mối tình chủ tớ đó, nên đã cho giết chết người cung nữ và đem đứa trẻ bỏ ngoài bờ sông Thanh Thủy. Lại còn bầy ra một câu chuyện hoang đường để gạt vua. Đứa bé được vợ chồng ông già cứu sống, đưa về nuôi và nhận làm con. Bà mẹ nuôi là vợ ông già Tự Đại bị chém đầu vì tội bán cung dâu túi cỏ đúng như ông già nói. Như vậy là cả hai người đàn bà mẹ đẻ và mẹ nuôi của Bao Tự đều bị triều đình giết chết. Bao Tự từ khi lớn lên, hiểu chuyện nên thề quyết sẽ trả mối thù này. Dựa vào sự tài khéo, ý chí, và sắc đẹp của Bao Tự, cha con ông già tính kế phải vào tận hang cọp để giết cọp. Sự xuất hiện của Hồng Đức đúng là cơ hội trời cho. Ông già vì thế đã thận trọng và tỉ mỉ đi từng bước để không bị hư việc.
 
     Bao Quýnh phu nhân nghe con trình bầy, sau một đêm suy nghĩ, đến sáng cho gọi Bao Tự vào và hỏi:
 
–   Chuyện cô nương muốn báo thù cho mẹ cô là thế nào?
 
     Bao Tự kính cẩn hỏi lại:
 
–   Chắc phu nhân đã được nghe công tử kể?
 
–   Phải, ta đã nghe, nhưng tại sao cô nương lại phải đi qua gia đình ta mà thực hiện ý định đó? Có phải cô nương muốn gia đình ta phải mắc nợ cô không?
 
     Bao Tự cả sợ, vội vàng qùi xuống thưa:
 
–   Phu nhân đã quá lời rồi. Tiện nữ không dám. Tiện nữ và phụ thân chỉ vì quí mến công tử, và cảm mến công đức của quan đại phu khi người còn ở Bao Thành nên mong làm một chút việc nhỏ đáp đền mà thôi. Kính xin phu nhân chấp nhận.
 
     Mẹ Hồng Đức nghe Bao Tự ăn nói lễ phép và trôi chẩy, rất lấy làm bằng lòng. Bà cho rằng con trai mình hẳn đã đem lòng yêu thương người con gái này, và ngược lại cũng thế. Bà lấy làm đau xót và thương cho cả hai đã phải hy sinh cả cái riêng tư cao quí nhất là hạnh phúc của đời mình. Bà quay mặt đi để dấu hai dòng lệ chẩy trên má.
 
     Vài hôm sau, có quan thái sử Bá Dương Phụ là chỗ thân tình ghé thăm. Bao Quýnh phu nhân ra tiếp đón. Bá Dương Phụ nhác trông thấy Bao Tự ở nhà trong nên có ý hỏi dò:
 
–   Chẳng hay công tử nhà ta mới lấy vợ, sao không cho tại hạ biết để mừng?
 
–   Dạ không phải đâu, xin đại nhân đừng hiểu lầm.
 
     Phu nhân cải chính và nhận Bao Tự là con gái út trước đây gởi tại nhà người dì ở Bao thành nay mới đem trở về nhà, lại có ý nhờ thái sư giúp tiến dẫn Bao Tự vào cung làm cung nữ để hầu hạ vua. Bá Dương Phụ rất mừng vì tin rằng kế này chắc chắn có thể cứu được Bao Quýnh ra. Nhưng ông ta lại muốn lánh mặt, không muốn đứng ra làm trung gian, nên nói với Bao Quýnh phu nhân:
 
–   Kể như chắc ăn rồi đấy, nhưng việc này nên nhờ cậy đến Quắc Công thì tiện hơn.
 
     Bao Quýnh phu nhân đem lụa và vàng bạc đến đút lót cho Quắc Công để nhờ tâu với U Vương rằng Bao Quýnh có tội ở tù đã ngoài ba năm, nay đã già và đã biết hối lỗi. Bao Quýnh xin đại vương khoan hồng và xin tiến đứa con gái út của mình là Bao Tự để hầu hạ đại vương.
 
     Quắc Công bằng lòng nhận vàng bạc, gấm lụa để lo công việc.
 
                                                            / / /
 
     Bao Tự ở trong nhà Bao Quýnh phu nhân đã gần một tháng. Đêm trước ngày được tiến vào cung, nàng nói với Hồng Đức:
 
–   Thiếp hình như đã có thai.
 
–   Đứa bé sau này sẽ là con chúng ta.
 
     Hồng Đức mừng rỡ ôm người yêu vào lòng quả quyết. Rồi lại hỏi:
 
–   Có phải nàng có điều gì không vừa lòng mà từ ngày gặp nàng tới giờ ta thấy nàng lúc nào cũng tỏ ra buồn bã không vui?
 
–   Thiếp được chàng và phu nhân hết lòng thương yêu và săn sóc thế này là hạnh phúc lắm rồi. Thật sự không có gì làm thiếp phàn nàn cả. Nhưng xin chàng hiểu cho, thiếp chỉ có thể cười to lên được khi thiếp chắc chắn trừ được tên bạo chúa kia mà thôi.
 
     Hồng Đức đã hiểu ra và thông cảm được tâm trạng của Bao Tự.
 
     Ngay ngày hôm sau, Quắc Công đưa Bao Tự vào ra mắt U-Vương. Nhà vua nghe Quắc Công tâu trình thì ưng ý, liền lập tức truyền cho Bao Tự vào bệ kiến. Bao Tự hôm nay trông xinh đẹp như một nàng tiên giáng trần. Nàng vốn đã đẹp tự nhiên, lại được trang điểm thật là lộng lẫy nên càng trở nên kiêu kỳ và quyến rũ hơn gấp bội. U-Vương trông thấy là mê liền và cho ở lại trong cung. Vua còn truyền chỉ thả Bao Quýnh, và còn cho phục chức như cũ.
 
     U-Vương được Bao Tự rồi thì hình như quên mất hẳn mình đang là thiên tử, trao triều chính cho tam công để bọn này muốn làm gì thì làm. Nhà vua xây cất cung Quỳnh Đài cho nàng ở và cả ngày tự nhốt mình trong đó như một tên tù của xa hoa và xác thịt. Bao Tự tuy chưa có danh phận gì, nhưng nàng không thèm tới chào hỏi ra mắt hoàng hậu theo đúng lễ nghi hậu cung, còn tìm nhiều cách để trêu tức bà ta. Thân hậu vừa ghen vừa tức giận vô cùng nên cùng con trai là thái tử Nghi Cửu tìm cách hạ nhục Bao Tự. Không dè đây lại là cái kế của nàng giăng ra để triệt hạ hoàng hậu.
 
     Chẳng bao lâu sau, Bao Tự sanh được con trai, đặt tên là Bá Phục. Nàng càng được vua sủng ái hơn. Bao Quýnh trở thành quốc cựu và Hồng Đức trở thành bào huynh của hoàng hậu. Cả hai thỉnh thoảng được phép vào cung thăm mẹ con Bao Tự. Thằng bé Bá Phục được hai người quí mến và coi như hậu tự của dòng họ Bao. Bọn tam công và các quan triều đình đều bị mua chuộc và đứng về phe Bao Tự cả.
 
     Khi Bao Tự đã hoàn toàn lèo lái được nhà vua và có thể khống chế được triều đình, nàng tiến hành bước kế tiếp là bước lên ngôi hoàng hậu. Vấn đề này không khó khăn gì đối với nàng, vì sự thất sủng của Thân hậu chính là bước tiến lên của nàng.
 
     Thân hậu là con người thiếu bao dung, tính tình lại hay ghen tương nhỏ mọn làm vua càng ngày càng chán mà xa lánh, cuối cùng bị thất sủng, rồi bị truất phế và đẩy vào lãnh cung. Thái Tử Nghi Cửu cũng bị chung một số phận và bị đuổi ra khỏi hoàng cung. Sau khi đã phế hậu và thái tử, U-Vương theo công luận của triều đình, lập Bao Tự làm hoàng hậu và Bá Phục làm thái tử. Ý vua đã định, triều đình nhiều người không bằng lòng, nhưng không có ai dám can ngăn vì sợ bị kết tội là phe đảng của Nghi Cửu và bị trị tội. Bá Dương Phụ trưóc kia là bạn bè thâm giao với Bao Quýnh, trước sự việc này cũng bất bình và xin từ chức. Nhiều quan viên khác cũng bắt chước từ quan theo ông.
 
     Bao Tự dẫu được phong làm chánh cung, nhưng nét mặt lúc nào cũng rầu rầu ủ dột. U-Vương truyền nhạc công và cung nữ vào cung đàn ca múa hát để nhà vua và hoàng hậu uống rượu vui chơi. Bao Tự dù thế nào cũng vẫn không tươi nét mặt. U-Vương hỏi:
 
–   Hoàng Hậu không thích ca nhạc thì thích cái gì?
 
–   Thần thiếp không thích gì cả. Chỉ nhớ hôm xưa tay cầm xé tấm lụa. Tiếng lụa xé nghe thấy cũng vui tai.
 
–   Chỉ có vậy thôi à, sao không cho trẫm biết trước?
 
     U-Vương cười rạng rỡ, truyền mỗi ngày mở kho lấy 100 tấm lụa rồi sai cung nữ đứng xé lụa cho Bao Tự nghe. Trò chơi xé lụa vậy mà gây tác dụng không nhỏ. Nó làm hao tốn công quĩ và làm cho bá tánh mang thêm gánh nặng phải phục vụ triều đình. Bao Tự dẫu hằng ngày được nghe tiếng xé lụa, nhưng vẫn không nở một nụ cười. U-Vương thất vọng lại hỏi:
 
–   Hoàng Hậu nghe tiếng xé lụa mà sao vẫn không thấy vui?
 
–   Được hoàng thượng yêu quí thế này thần thiếp vui lắm chứ, tại sao lại không?
 
–   Nàng vui nhưng sao lại không cười?
 
–   Vốn từ xưa tới giờ thần thiếp chưa bao giờ cười cả.
 
–   Thật hả? Vậy thì trẫm nhất định phải tìm ra cách làm ái hậu cười cho bằng được mới thôi. Nhất định!
 
     Nhà vua nhớ lại chuyện hồi nhỏ trong vườn thượng uyển có một đàn khỉ, tính bắt một vài con đem về cung làm trò để mua vui cho hoàng hậu, nhưng đàn khỉ ngày nay đã bị đưa ra khỏi hoàng thành vì chúng phá phách quá chừng. Vua dẫn hoàng hậu ngự giá ra ngoài dân gian tìm đến nơi có đàn khỉ. Đàn khỉ nay vẫn còn và do một người tiều phu chăm nuôi. Người này không có tên. Người ta gọi ông ta là ông Khỉ. Giống khỉ này là một giống khỉ hiếm quí, chúng được hưởng bổng lộc của triều đình, lại được chăm sóc tử tế nên triều đình thường chỉ dùng để làm quà tặng cho các chư hầu và lân bang. Chúng có bộ lông đen mướt, cũng có nhiều con lông vàng rất đẹp, lại rất thông minh, biết làm trò, và nhất là biết bắt chước tiếng người và các động tác của người ta. Bao Tự thấy đàn khỉ cũng tỏ ra thích thú. Vua liền cho bắt bốn con đen đẹp nhất và khôn nhất trong bầy, đem về cho Bao Tự. Vua hãnh diện khoe với triều thần: đây là tứ trụ điều đình của trẫm. Mỗi khi vua ngự triều đều có đem hoàng hậu cùng với đám khỉ theo. Nghị sự xong, vua thường bắt các con khỉ ra làm trò để triều thần giải trí, cốt để các quan tung hô hoàng hậu cho nàng khoái chí mà cười. Khi làm trò, những con khỉ tỏ ra rất tài nịnh bợ, luôn mồm kêu: hoàng thượng vạn tuế, hoàng hậu thiên tuế, thiên thiên tuế. Có một lần, đang lúc các con khỉ làm trò, thấy hay quá, nhà vua quay sang hoàng hậu hỏi ý kiến để xem nên ban thưởng cho chúng như thế nào. Hoàng hậu không nghe rõ nhà vua muốn hỏi gì, tưởng vua muốn hỏi tên các con khỉ, nàng trả lời gọn một tiếng “Hầu” (hầu tức là khỉ). Lập tức vua truyền chỉ phong hầu cho tất cả bốn con khỉ, gọi là Bá Hầu, Công Hầu, Đình Hầu, và Khắc Hầu, và ban hưởng bổng lộc một vạn hộ. Từ đó khỉ cũng được mang hia, đội mão, mặc triều phục. Mỗi khi vua ngự triều đều có Bao Tự ngồi bên cạnh, và dĩ nhiên các con khỉ qúi cũng có mặt và lon ton bên cạnh Hoàng Hậu. Các quan và mọi người trong triều đều phải gọi các con khỉ này theo tước vị đàng hoàng là Vạn Hộ Bá Hầu đại nhân, hay Vạn Hộ Công Hầu đại nhân v.v.
 
     Cái trò khỉ này làm cả triều thần giận tím mặt, nhưng vì sợ vua nên họ vẫn cố gượng cười để làm vừa lòng thiên tử và hoàng hậu. Bao Tự xem trò khỉ nhưng vẫn cứ ngồi trơ, không nở được lấy dù chỉ một nửa nụ cười.
 
     Vẫn không làm được cho hoàng hậu cười, U-Vương thất vọng, một hôm lên tiếng hỏi triều thần:
 
–   Các ái khanh ai có kế gì làm cho Hoàng hậu cười được thì trẫm sẽ thưởng cho một ngàn lượng vàng.
 
     Quắc Công là tên đại thần giỏi nịnh bợ nhất trong đám quan lại, hiến kế cho vua:
 
–   Tâu Hoàng Thượng, tiên vương ngày xưa có lập ra hơn hai mươi cái chòi dưới chân núi Ly Sơn, lại làm mấy chục cái trống thật lớn, phòng khi có giặc thì đốt lửa ở trên chòi và gióng trống lên để cho các chư hầu biết có biến mà đến cứu. Lâu nay thiên hạ thái bình không được nhìn thấy cảnh đốt lửa bao giờ. Nếu hoàng thượng muốn làm cho hoàng hậu được vui thích thì xin hoàng thượng và hoàng hậu ngự giá thưởng ngoạn phong cảnh Ly Sơn một chuyến. Ban đêm hạ thần sẽ cho bầy yến tiệc ở đó để hoàng thượng và hoàng hậu cùng vui hưởng. Đồng thời thần sẽ cho đốt lửa tại các chòi để báo cho các chư hầu đem quân đến. Đùa cợt với các chư hầu một phen đâu có hại gì. Hoàng Hậu thấy vậy chắc sẽ thích lắm.
 
     U-Vương nghe tâu đắc chí vỗ tay khen:
 
–   Ý kiến rất hay! Khanh cứ thế mà làm.
 
     Chẳng phải Quắc Công có sáng kiến mới mẻ gì, mà đó là gợi ý Bao Tự đã mớm cho hắn từ trước: Bữa nào ta được ra chơi ngoài Ly Sơn xem đốt lửa thì vui biết mấy. Đây là bước chót trong kế sách ba bước tiêu diệt nhà Chu mà ông già Tự Đại đã công phu nghiên cứu và dậy cho con gái. Bước thứ nhất là làm khánh tận công khố bằng việc xây cất cung Quỳnh Đài, việc xé lụa để vui chơi, và những yến tiệc quanh năm suốt tháng trong triều đình. Thứ hai là gây bất mãn làm ly gián giữa các đại thần và thiên tử qua việc phong tước cho khỉ ngang hàng với các đại thần. Sau chót là màn đốt lửa tại Ly Sơn để huỷ diệt sự tin tưởng của các nước chư hầu.
 
     Mọi việc được an bài đúng như kế hoạch của Quắc Công đã tâu trình. U-Vương và hoàng hậu ngự giá tới Ly Sơn. Trịnh Bá Hữu là chú của vua, cũng là một đại thần cảm thấy nguy cơ nên lên tiếng can ngăn nhà vua. Nhưng U-Vương nổi giận mắng lại:
 
–   Ngày nay thiên hạ thái bình, cần gì đến các chư hầu cứu viện. Trẫm cùng hoàng hậu không có gì tiêu khiển, chỉ bỡn chơi với các chư hầu một chút có hề gì. Ngày khác có nguy cấp, can dự gì đến nhà ngươi mà nhà ngươi phải lo cho mệt trí.
 
     Màn đêm vừa buông, vua truyền lệnh khai mạc cái trò chơi đế vương của mình. Ánh lửa bập bùng lập tức nổi lên từ các chòi, soi sáng khắp bầu trời. Khói đen phủ kín núi rừng. Trống đánh, chiêng khua vang lừng bốn cõi. Vua và hoàng hậu trên ngự đài vừa uống rượu vừa nhìn tứ phía thưởng thức trò chơi.
 
     Các chư hầu tưởng có biến, lũ lượt vội vã kéo quân về Ly Sơn. Tới nơi thấy cảnh tượng triều đình bầy ra yến tiệc vui chơi để đánh lừa mình, họ nhìn nhau ngơ ngác và hậm hực tức tối. Bao Tự đứng trên lầu nhìn các chư hầu ào ào kéo tới, rồi lại đùng đùng giận dữ bỏ đi thì thích chí vỗ tay cười vang. Nàng mừng đến rơi nước mắt, mơ ước giá mà lúc này đây, không phải tên hôn quân khốn kiếp, mà là Hồng Đức nghe được tiếng cười của nàng. U-Vương nhìn thấy hoàng hậu cười, rất lấy làm đắc chí, mừng rỡ nói:
 
–   Một tiếng cười của hoàng hậu đủ trăm vẻ đẹp. Thật là Trời không phụ ta. Trẫm thật là thỏa mãn. Chuyện này âu cũng là nhờ cao kiến của Quắc Công mới có. Trẫm phải giữ đúng lời hứa với hắn mới được.
 
     Nói rồi, vua truyền lấy vàng đủ ngàn lượng ra thưởng cho Quắc Công.
 
                                                            / / /
 
     Không bao lâu sau, lần này thì có biến thật.
 
     Thân Hầu cai trị đất Thân là cha  của Thân Hậu tức hoàng hậu bị truất phế và thái tử Nghi Cửu là cháu ngoại của Thân Hầu bất mãn với việc phế lập của U-Vương, mượn quân Khuyển Nhung kéo về tấn công kinh đô Kiểu Kinh. Triều đình đang trong lúc thái bình nên không có phòng bị gì. U-Vương thấy có biến lo xanh mặt, bấn loạn cả lên, dậm chân, đập bàn quát hỏi Quắc Công:
 
–   Khanh có kế gì chống giặc không, nói mau?
 
     Quắc Công run sợ quì sụp xuống tâu:
 
–   Xin Hoàng Thượng mau sai người ra đốt lửa ở Ly-Sơn để kêu quân cứu viện của các chư hầu.
 
–   Khanh chỉ có kế đốt lửa là giỏi. Thôi được, đi làm gấp.
 
     Vua truyền chỉ nhưng vẫn cảm thấy nghi ngờ. Quả thật, không một chư hầu nào đem quân đến cứu vì họ sợ lại bị mắc lừa như lần trước. Vua tôi bấy giờ bàn nhau chỉ còn nước chạy là thượng sách. Mọi người bàn chạy. Chỉ có thái sử Trịnh Bá Hữu, chú của vua, người trước đây đã can vua đừng đốt lửa gạt chư hầu, là còn mang quyết tâm cự địch. Ông đích thân sai người đốt lửa lên một lần nữa. Chư hầu vẫn không một ai đến.
 
     Kinh đô Kiểu Kinh trở thành hoàn toàn tuyệt vọng. Một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy xẩy ra. Người sợ chết thì bỏ của chạy để giữ lấy thân. Kẻ sợ mất của ở lại giữ của thì mất cả thân lẫn của. Cướp bóc nổi lên khắp nơi. Những tham quan ngày trước bị giết để trả thù vô số kể. Quân địch chưa đến nơi nhưng vua tôi đã bỏ thành mà chạy trước. Bá tánh lũ lượt bồng bế nhau chạy theo.
 
     Trịnh Bá Hữu phò vua đi trước chạy ra Ly-Sơn, giữa đường bị quân Khuyển Nhung chận đánh và bị giết. U-Vương cũng chết trong trận này.
 
     Bao Tự trước khi ra đi, truyền lệnh cho Quắc Công vào lãnh cung để thả Thân Hậu đang bị giam trong đó. Nàng có ý nhờ tay Thân hậu giết U-Vương và Quắc Công, tên loạn thần số một này, vì Thân hậu biết Quắc Công trước kia đã dâng sớ xin truất phế bà ta. Quắc Công nhận lệnh nhưng hắn không thi hành vì sợ nguy hiểm đến tính mạng.  
 
     Khuyển Nhung người đông thế mạnh tiến vào kinh đô Kiểu Kinh như chỗ không người. Bọn man rợ này tha hồ mà vơ vét, cướp bóc, vì chúng phải sống trong một đất nước vô cùng nghèo nàn và lạc hậu. Thiếu thốn và đói ăn triền miên khiến chúng trở nên thèm khát hết mọi thứ. Chúng tàn phá không thương tiếc cả những tiện nghi mà vì lối sống đã quen thói rừng rú, chúng cho là hoang phí và xa xỉ. Kinh đô Kiểu Kinh dưới gót chân của quân chiếm đóng chẳng mấy chốc trở nên tan hoang, trơ trụi.   
 
     Thân Hầu theo quân Khuyển Nhung mà vào thành. Thân phận kẻ rước cướp vô nhà bị đối xử cũng không hơn gì một tên đầy tớ. Ông ta chẳng có quyền hành gì dưới chế độ ăn cướp của Khuyển Nhung ngoài cái quyền ông ta tự ban phát cho mình là thu giọn những đổ nát mà quân chiếm đóng đã gây ra. Ơn huệ độc nhất quân Khuyển Nhung ban cho ông ta là được phép vô lãnh cung cứu con gái ông. Thân Hầu nghe nói U-Vương đã trốn ra Ly-Sơn liền vội vàng đuổi theo để có ý khuyên vua hàng giặc hầu giữ lại ngai vàng, khôi phục địa vị cho con gái và cháu ngoại của ông. Ông gặp vua Khuyển Nhung ở dọc đường, và được nghe kể về chuyện U-Vương đã bị giết như thế nào. Lúc đó ông mới giật mình chợt tỉnh, thở dài thậm thượt và than:
 
–   Mình chỉ muốn mượn oai hùm để răn thiên tử, không ngờ lại thành ra kẻ phản quốc bất trung. Tiếng đời sẽ cười chê khó mà rửa được.
 
     Vua Khuyển Nhung nghe được, cười lên hô hố, chế nhạo Thân Hầu:
 
–   Quốc cựu thật là ngây thơ giống như con gái mới lớn, lúc nào cũng sợ bị dụ khị.
 
     Bao Tự ra khỏi thành, lén tách rời đoàn xa giá, giắt thái tử Bá Phục và một thị nữ trà trộn vào đám đông, ăn mặc như thường dân, theo đoàn người lánh nạn chạy về phía Bao Thành. Dọc đường, hai mẹ con bị Khuyển Nhung bắt. Chúng giết chết thái tử, còn Bao Tự thấy xinh đẹp, chúng định bắt đem về hầu trong trướng của vua Khuyển Nhung, nhưng nàng tự vẫn mà chết.
 
     Hồng Đức đang ở Bao Thành nghe tin kinh thành bị thất thủ, vội trở về để đi tìm Bao Tự. Trên đường chàng chứng kiến bao nhiêu là thảm cảnh của chiến tranh. Những bãi chiến trường còn vương mùi tử khí. Binh khí vương vãi khắp nơi không ai thèm lượm. Xác chết rải rác không có người chôn. Từng đoàn người lôi thôi, lếch thếch, lang thang không định hướng, không được tiếp tế. cũng chẳng được ai giúp đỡ. Mọi người đều phải tự sinh, và không thiếu người đã phải tự diệt. Hồng Đức đi từ sáng tới chiều, hỏi thăm từng người, lật xem từng xác chết trên đường. Cuối cùng chàng may mắn tìm được Bao Tự chết nằm bên bờ một con suối. Xem chừng nàng cũng mới chết chưa bao lâu. Một mũi đao xuyên qua ngực, đúng vào tim. Đao vẫn còn nằm trong đó. Máu khô bết lại nhuộm đỏ hết xiêm y. Chàng cẩn thận lục xét chung quanh tìm Bá Phục, nhưng không thấy. Chàng gói xác Bao Tự lại tươm tất cho lên xe rồi đẩy về xóm Hạc Lâm.
 
     Mái tranh xưa vẫn còn đó nhưng dột nát và tồi tàn đi nhiều. Ông già Tự Đại lọm khọm chống gậy ra nhận xác con gái. Lão đã già đi, tiều tụy và thiểu não, vẻ tinh anh đã biến mất. Hai người chôn xác Bao Tự bên cạnh căn nhà. Ông già lấy từ trong nhà ra một cái thúng nhỏ và một gói đồ. Cái thúng bằng mây đan rất tinh xảo. Gói đồ gồm một tấm nệm gấm nhỏ mầu hồng nhạt, và một vuông mền mỏng bằng lụa quí có thêu hoa ngũ sắc. Ông trao tất cả những thứ ấy cho Hồng Đức và nói:
 
–   Của nó. Nên đem theo cho nó.
 
     Hồng Đức đốt những thứ đó chung cùng với vàng mã khi hạ huyệt. Chàng thắp nhang, đứng trước ngôi mộ, nghẹn ngào nói với ông già:
 
–   Đây là người vợ yêu quí của con. Chúng con đã thành thân và đã có con. Cả hai mẹ con nàng đã vì con mà hy sinh mạng sống.
 
     Ông già không giám nhìn thẳng vào cảnh tượng trước mắt, hai tay ông run run, mắt nhắm nghiền, giọng thều thào như hơi gió:
 
–   Không phải vì một mình công tử không thôi, mà còn vì thiên hạ bá tánh nữa. Bây giờ thì con gái lão đang đoàn tụ với cả hai người mẹ của nó rồi. Nó đã có thể vui cười thoải mái như ý nó. Đây là cái giá phải trả cho một mơ ước đạt thành. Công tử cũng đừng quá đau buồn, nên vui lên mới phải vì các con đã trả được thù nhà và đã đền được nợ nước.
 
     Xóm Hạc Lâm đón đứa con thân yêu của nó trở về. Trời Hạc Lâm vẫn xanh. Rừng cây xanh. Đồi núi xanh. Và dòng sông xanh quanh co uốn khúc. Đứa con của Hạc Lâm có cái tên Bao Tự đã hoàn thành xuất sắc một sứ mạng cao cả. Giờ đây nàng xứng đáng được yên nghỉ giữa cái không gian đầy mầu xanh tươi đẹp này của Rừng Hạc.
 
 
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Theo: Văn Thơ Lạc Việt