Tác giả và Tác Phẩm

Đông Anh : Lễ Đính Hôn vào Tháng Mẹ.

Lễ Đính Hôn vào Tháng Mẹ

 

Ngày  của Mẹ, 9 tháng 5 năm 2010 lúc 2 giờ sáng, Hoa còn ngồi gói từng bao trà, chai rượu bằng giấy hồng điều, chuẩn bị lễ vật cho đám hỏi của con. Bàn tay thon vuốt những nếp nhăn tờ giấy bóng kiếng, trải ra, đặt hộp trà vào giữa, dùng hai tay gói hộp trà tròn thẳng đứng, kéo tờ giấy lên trên thành những tua trên nắp hộp. Một sợi giây băng màu hồng có điểm nét vàng tròn cột những tua đó lại với nhau trông như những cành hoa. Hai đầu của giây băng được kéo xuống chập lại với nhau làm thành trái tim giữa hộp trà. Hoa nhìn tác phẩm của mình vừa hoàn thành với ánh mắt vừa hãnh diện vừa ngạc nhiên. Nàng gói trà cho con với tất cả niềm yêu thương, niềm hãnh diện, với tất cả say mê tự hào. Hoa muốn đưa tình mẹ vào những sợi giây băng, muốn đem trìu mến tô điểm cho giấy hồng điều thêm thắm, thêm tươi. Nghĩ về con, nghĩ cho con, nàng quên hẳn thời gian, nàng quên đêm khuya, quên nỗi nhọc nhằn.

Hơn ba mươi năm nuôi con, bây giờ con đã nên người. Nhớ lại những năm trước mở cửa đợi con về trong những đêm về sáng. Gục trên ghế sô pha mà lòng thổn thức. Con đi miệt mài quên cả mẹ đợi chờ. Rồi con đi xa học hành. Tuy xa mà lòng nhẹ nhàng vì nuôi lòng tin vào con và mong cho con sớm thành công trên đường học vấn. Niềm tin cũng có khi sai nhưng niềm tin vào con thì bất diệt.

Hơn ba tháng nay, ngày nào Hoa cũng nghĩ đến đám hỏi của con. Chuẩn bị từ cái lớn nhất là nhẫn đính hôn cho đến cái nhỏ nhất là quả cau lá trầu. Nhẫn đính hôn phải đặt tại tiệm nữ trang của người quen thân xa cả ngàn dặm. Nhẫn phải giá trị, phải ngon lành để hãnh diện không những với con mà còn hãnh diện với cả nhà gái nữa. Ông bạn thân chủ tiệm vàng cũng đã quen với những đòi hỏi của khách hàng nên dù nàng có đổi kiểu vài ba lần, thay hột hai ba bận thì cũng vẫn vui vẻ chiều lòng. Chiều lòng mẹ và chiều cả lòng con. Rồi tới chuyện mua giây truyền và bông tai nữa chứ. Lựa mẫu gửi hình lên. Mấy mẫu khác của tiệm gửi xuống. Sau thời gian bàn luận bèn bỏ tất cả, đi mua chỗ khác. Thấy mẫu nào đẹp thì mua tại chỗ là chắc ăn nhất.

Đêm đêm, bật đèn sang trưng, mẹ Hoa lấy cau mua sẵn cất trong tủ lạnh cho tươi, bày ra bàn, với con dao nhỏ, sắc và bắt đầu làm việc gọt tỉa. Hoa lấy mũi dao rạch tửng ô nhỏ xíu trên quả cau cũng nhỏ xíu rối cứ cách một ô lột lấy vỏ xanh ra. Khi hoàn tất quả cau có những ô vuông màu trắng chen lẫn với ô vuông màu xanh trông rất đẹp và lạ mắt. Mỗi ô vuông như gửi cả tấm lòng. Mỗi ô vuông nhỏ xíu nhưng chứa cả một đại dương mênh mông tình yêu của mẹ.

Hoa hỏi bạn bè về lễ vật. Thế là nàng lại tất bật đi thuê các quả đựng sính lễ, đặt heo quay, mua trầu cau. Thứ nào cũng đắn đo suy nghĩ. Cả cuộc đời chỉ có một lần. Quân lại là con trai độc nhất nên cơ hội làm đám hỏi lần thứ hai không bao giờ có. Cho nên phải làm một đám hỏi để đời. Các ông anh bà chị đều được thông báo trước rất lâu về ngày đám hỏi. Thiệp mời được gửi đi trước một tháng. Hai ông bố vợ và bố chồng tương lai đều phải mặc khăn đống áo dài gấm. Nhân dịp này cô dâu tương lai và các bà mẹ rất bận rộn chọn vải và đi thăm bà thợ may áo dài nổi tiếng San Jose. Bà Mai, người may áo dài, nhà tận trên Milpitas nhận đến 10 cái áo dài cho đám hỏi kỳ này cho nên làm không kịp, đã rất chậm trễ, phải giao hàng vào lúc 9 giờ sáng ngày đám hỏi.

Sáng 23 tháng 5 năm 2010, Hoa đã dậy thật sớm mặc dù suốt đêm qua không ngủ được. Nàng đi lấy xôi gấc còn nóng hổi về nhà, lấy khuôn làm bánh hình trái tim, hoa hồng, nhồi xôi vào khuôn lớn nhỏ khác nhau làm thành những cái bánh xôi gấc màu hồng rất đẹp mắt. Hai con búp bê bằng ngón tay, mặc áo dài khăn đóng tượng trưng cho hai trẻ được đặt vào chiếc bánh to nhất hình trái tim. Tay mẹ Hoa muốn đặt muôn ngàn hạnh phúc trong tim con.

Đúng 12 giờ, giờ hoàng đạo, đoàn xe nhà trai chuyển bánh đến nhà gái. Trên xe lễ vật đầy đủ. Dẫn đầu là trầu cau, xe thứ hai mang trà rượu, xe thứ ba bánh trái, xe thứ tư hoa quả và xe cuối cùng chở chú heo quay vàng rượm phủ giấy hồng điều.

Đoàn xe đến nhà gái đúng 12 giờ 5 phút, giờ Ngọ, đúng hẹn. Mười cô gái áo dài thướt tha đứng đợi. Các chàng trai bưng quả lễ vật tiến vào xếp hàng trước mặt các cô. Nhà trai được mời vào nhà. Lễ vật cũng được chuyển giao cho các cô gái để bưng vào theo. Các cô rất khéo tay nhẹ nhàng đặt quả xuống, tuần tự xếp khăn, gỡ nắp theo thao tác rất đẹp.

Lễ chính thức bắt đầu theo nghi lễ cổ truyền. Lễ gia tiên, lễ trao nhẫn đính hôn. Đặc biệt nhất là hai trẻ mời trà tứ thân phụ mẫu để cảm ơn công dưỡng dục, tự hứa thương yêu nhau đến trọn đời và nhận được những lời khuyên của bố mẹ. Hai nhân vật chính Hoàng Quân, Thiên Kim đều còn trẻ, sinh trưởng tại Mỹ, nhưng muốn về nguồn, tìm hiểu truyền thống văn hóa, nên xin có được một đám hỏi thuần túy Việt Nam. Đòi hỏi trên dú có khó khăn cách mấy thì cha mẹ đôi bên cũng cố gắng chu toàn với mong ước đem công ơn tiền bối cho con cháu mai sau.

Tiệc vui họp mặt và cảm ơn hai họ diễn ra tại nhà hàng New Sam Ky cũng quy tụ được cả 100 người. Rượu được khui ra. Ánh đèn flash chớp lóe liên hồi khiến không khí đã vui càng nhộn hơn lên. Hai bà mẹ lên diễn đàn với nét mặt rạng rỡ. Tình thương yêu con mấy chục năm nay được thể hiện hoàn toàn và sự thành đạt của con cũng làm mắt mẹ long lanh, mang cho mẹ nụ cười tươi thắm.

Hai bà mẹ đều là thuyền nhân, các bà mạo hiểm vượt biển. Bà Hương, mẹ Thiên Kim, qua tới Mã Lai năm 1980. Bà Hoa, mẹ của Hoàng Quân, qua tới Singapore năm 1990. Vì là thuyền nhân nên các bà đều hiểu giá trị của các chuyến hải hành lênh đênh trên biển cả và cuộc sống thiếu thốn khó khăn trong các trại tỵ nạn. Nhờ vậy con của các bà cũng hiểu rõ nỗi bất hạnh của cả một dân tộc trong giai đoạn chiến tranh.

Hôm nay Hoàng Quân đính hôn với Thiên Kim trong tháng của Mẹ. Tình mẹ là thiêng liêng, là cao cả. Nhưng dù thiêng liêng và cao cả đến đâu cũng cần được con bảo vệ giữ gìn thì mới mong tồn tại được.

Ngày hiền mẫu để tưởng nhớ đến công ơn mẹ. Nhưng ngày hiền mẫu đâu phải chỉ có một ngày. Một năm có tới 365 ngày hiền mẫu. Cả đời mẹ bao giờ cũng ở bên con. Thân xác mẹ hao gầy và mái đầu bạc trắng cũng vì con. Một năm có bao nhiêu ngày đều là ngày của Mẹ.

 

Đông Anh