Tin Văn Thơ Lạc Việt

Đỗ Nam Hải : Nghĩ là nghĩ thể nào ?

 

Thành phố Sài Gòn, ngày 8/3/2011.

Kính gửi:

Các cơ quan truyền thông.
Đồng kính gửi Quý vị và các bạn quan tâm.
Tên tôi là: Đỗ Nam Hải – Sinh năm 1959 tại Hà Nội.
Nghề nghiệp: Kỹ sư kinh tế ngân hàng.
Chỗ ở hiện tại: 441 Nguyễn Kiệm–P.9– Q.Phú Nhuận– Sài Gòn.

Tôi viết thư này gửi tới công luận để kể lại việc công an Việt Nam tại Sài Gòn trong thời gian qua lại giở thêm trò hèn hạ hơn đối với tôi. Cụ thể như sau:

Ngày 24/2/2011 tôi nhận được Giấy Mời đi làm việc, do ông Đoàn Duy Thanh, thượng tá, Phó trưởng công an Quận Phú Nhuận ký ngày 23/2/2011, yêu cầu tôi: “Đúng 7 giờ 30 ngày 25/2/2011 có mặt tại Trụ sở công an Q. Phú Nhuận – số 181 Hoàng Văn Thụ, P.8, Q. Phú Nhuận để hỏi một số việc liên quan đến ông”. (đính kèm).

Cũng cần phải nhắc lại rằng: trong suốt hơn 7 năm qua, tính từ ngày 6/8/2004 đến nay (là ngày mà lần đầu tiên tôi phải đi làm việc với Cục A.42 – Bộ công an) thì những tờ Giấy Mời hay Giấy Triệu Tập kiểu này, tôi đã nhận được hàng trăm cái. Và ông Đoàn Duy Thanh cũng chính là người đã cùng một viên công an dưới quyền khác xộc đến nhà tôi vào buổi chiều ngày 7/4/2006 để niêm phong chiếc máy tính của tôi. Sau khi họ tìm thấy ở trong đó bản dự thảo Tuyên Ngôn Dân Chủ Việt Nam 2006 (sau này là Tuyên Ngôn 8406), do tôi gửi đi qua Internet, vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày. (lúc đó ông Thanh là trung tá, Phó Ban An Ninh Nhân Dân – Công an quận Phú Nhuận).

Cũng như những lần trước đó, tôi cương quyết không chịu tự đi làm việc với họ và dỹ nhiên, họ cũng quyết không để cho tôi yên: khoảng 8 giờ sáng thứ 6, ngày 25/2/2011, khi tôi đang trên đường đi làm thì bị một nhóm 4-5 công an mặc thường phục chặn xe máy tôi lại. Họ yêu cầu tôi về Trụ sở công an Q. Phú Nhuận để “làm việc”. Tôi nói với cậu trưởng nhóm chặn bắt: “Thủ trưởng của các cậu hết việc làm rồi hay sao mà cứ diễn mãi cái trò nhố nhăng và lố bịch này với tôi và những người đấu tranh khác như tôi? Chẳng lẽ tiền bạc của nhân dân, tài nguyên của quốc gia bị vơ vét là để nuôi cái bộ máy công an trị ăn hại, đái nát này hay sao? Tôi không biết là các cậu có xót ruột hay không chứ tôi thì rất xót ruột. Chuyện bội chi ngân sách, rồi lạm phát gia tăng, giá cả leo thang,… làm khốn cùng, tủi nhục biết bao người dân Việt Nam xét cho cùng là từ đây mà ra, chứ còn từ đâu nữa.”.

Cậu trưởng nhóm nói với tôi: “Thôi anh Hải cứ vui lòng về Quận làm việc đi. Có gì về đó anh nói với các ông ấy chứ tụi em thì cũng chỉ biết làm theo lệnh thôi.”. Biết có nói nữa cũng bằng thừa, tôi buộc lòng phải đi về Trụ sở công an Q. Phú Nhuận. Và sự đàn áp của công an trong suốt 12 ngày qua, tính từ ngày 25/2/2011 đến nay, đối với tôi là như sau:

–        Ngày 25/2/2011 bị tạm giữ trái phép 14 tiếng đồng hồ, từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm.

–        Ngày 26/2/2011 khi tôi vừa ra khỏi cửa thì bị một nhóm công an mặc thường phục đẩy vào nhà, không cho đi. Buổi chiều có 3 công an của phòng PA.35 – Công an Tp. Hồ Chí Minh và công an Q. Phú Nhuận là những vị khách không mời mà đến, xộc thẳng vào nhà tôi “ám” 3 tiếng đồng hồ.

–        Ngày 27/2/2011 (chủ nhật) bị giữ trái phép 7 tiếng, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

–        Ngày 1/3/2011 bị giữ trái phép 9 tiếng, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, đều tại Trụ sở công an Q. Phú Nhuận.

Tất cả những ngày còn lại, hễ cứ thấy tôi dắt xe gắn máy ra khỏi nhà thì liền bị một nhóm gồm 2 – 3 công an mặc thường phục xộc ngay đến, họ quây lấy xe tôi khiến tôi không sao đi đâu được. Họ thường chốt tại 2 nơi: thứ nhất là tại số nhà 430 Nguyễn Kiệm, đối diện với nhà tôi – nơi có điểm rửa xe gắn máy và quầy bán báo. Thứ 2 là tại đầu con hẻm số 429 Nguyễn Kiệm, cách nhà tôi 6 căn. Bất cứ ai dù là lạ đi qua, nếu chỉ cần để ý một chút là cũng nhận ra họ ngay. Những người trong gia đình tôi cùng hàng trăm gia đình khác xung quanh, bạn bè và đồng nghiệp của tôi thì đã biết quá rõ những chuyện như thế này trong suốt bao năm qua.

Khi chặn tôi lại, họ nói: “Thôi anh Hải “vui lòng” quay vào nhà nghỉ đi, nếu bây giờ anh mà ra đường thì tụi em buộc lòng phải đưa anh về công an quận theo lệnh.”. Tôi nói lại: “Các cậu này nói lạ nhỉ, tôi còn phải ra ngoài làm ăn sinh sống chứ ở nhà để mà “nghỉ” là nghỉ thế nào? Tôi thành thực khuyên các cậu điều này: các cậu còn trẻ, vì vậy các cậu nên tìm việc khác mà làm đi, chứ làm cái nghề công an chuyên đi đàn áp người lương thiện như thế này là bất nhân, thất đức lắm. Rồi cái luật nhân – quả nó vận ngay vào các cậu đấy.”. Mỗi khi tôi nói như vậy thì thường là họ im lặng và vẫn quyết tâm làm theo “lệnh”. Thế nhưng cũng có khi, một cậu nào đó trong nhóm nói lại: “Thì bọn em cũng chỉ biết làm theo lệnh thôi chứ nhiều khi phải đối xử với anh Hải như vậy, tụi em cũng rất bức xúc nhưng cũng không biết làm sao.”

Như vậy là trong những ngày qua, công an Việt Nam tại Sài Gòn đã dấn thêm một bước nữa trong việc bao vây, theo dõi, xách nhiễu tôi: nếu như trước đó họ chỉ thiết lập các tổ chốt xung quanh nhà tôi suốt ngày đêm, tôi đi đâu thì họ đi theo đó và khi xét thấy cần phải phá đám thì họ mới ra tay. Thì nay, họ biến ngay nhà tôi thành cái nhà tù mà không cần phải có lệnh bắt giam hay lệnh quản chế nào.

Một số hình ảnh trong tháng 3-2011 về tội ác của công an Việt Nam tại phường Thịnh Liệt-Hà Nội đánh chết người công dân Trịnh Xuân Tùng chỉ vì không đội mũ bảo hiểm. Điều mà mọi người bức xúc nhất ở vụ án này, là sự nhẫn tâm, tàn bạo của viên Trung tá công an khi đánh đập nạn nhân đến gãy đốt sống cổ rồi hô hào cái lực lượng gọi là dân phòng cùng tấn công và dùng còng số 8 khóa ông vào gốc cây sau đó bắt lên xe chở về phường. Nhẫn tâm hơn là kể từ khi bị đánh dập đốt sống cổ từ 3 giờ chiều và nạn nhân đương nhiên đã có dấu hiệu nguy hiểm, gia đình đến xin đưa đi khám, nhưng mãi cho đến 9 giờ 30 đêm, đến khi nạn nhân trở nặng thì mới cho đi bệnh viện khám và cái chết oan khuất đã đến với một con người hiền lành, vô tội. Hình ảnh và tin chi tiết: Ôi thảm thương thay, lá vàng khóc lá xanh rơi.

Đồng bào tập trung đông đảo trước cửa nhà nạn nhân, ai cũng đầy phẩn uất, căm hờn lũ hung bạo...

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.


The Share on FacebookShare on Twitter