Tạp ghi

ĐÊM VIỆT NAM (Hà Thúc Sinh)

Một chút về Hà Thúc Sinh

 

Tôi quen biết và sinh hoạt văn học nghệ thuật với Hà Thúc Sinh đã 1/4 thế kỷ. Anh là một ngưòi đa tài, với hơn 20 tác phẩm, từ Thơ, Văn, Nhạc đến Dich Thuật. Trí Nhớ Đau Thương là tập thơ đầu tay của anh, xuất bản năm 1967, nhưng tập Dạo Núi Mình Ta  (thơ 1972, tái bản 1973) mới thực sự tạo nên tên tuổi một Hà Thúc Sinh.

Là cựu sĩ quan QLVNCH, sau ngày mất nước anh bị bắt đi tù cải tạo 5 năm. Vượt biên đến Mỹ năm 1980, tiếp tục cầm bút viết Đại Học Máu, một trong những hồi ký cải tạo gây tiếng vang trên văn đàn hải ngoại, đồng thời là một cái gai gây nhức nhối cho bạo quyền Hà Nội lúc bấy giờ. Nhưng âm nhạc vẫn là "tiếng động" của Hà Thúc Sinh, một phương tiện truyền thông dễ đi vào lòng người. Đặc biệt tập nhạc Tủi Nhục Ca của Hà Thúc Sinh được anh thực hiện qua giọng hát "gọi hồn" của Khánh Ly, nói lên thân phận nghiệt ngã của một kiếp người sinh tử dưới gông cùm của bạo quyền Hà Nội.

Để nhìn rõ hơn về con người đa tài này, kính mời Quí vị đọc Đêm Việt Nam (đính kèm), một bài nhận định bằng sự mẫn cảm sâu sắc, một cảm xúc chân thành của Phạm Tự Trọng, người bạn tù cải tạo một thời với Hà quân.

Trân trọng

 

Lão Ngoan

ĐÊM VIỆT NAM

          

  

Phạm Tự Trọng

 

       Cũng như hầu hết mọi người, trong một nghĩa nào đó, âm nhạc là điều không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của tôi. Kiến thức âm nhạc của tôi tất nhiên chỉ giới hạn trong vị trí của một người mê nghe nhạc, và dùng âm nhạc như cái thước đo cảm xúc của chính mình trong đời sống pha trộn giữa niềm vui và nỗi buồn.

       Tôi lại có thể được may mắn hơn nhiều người là vì từng được cảm nhận âm nhạc không chỉ giữa cái vui buồn, mà ở ngay giữa thời điểm tuyệt vọng nhất trong cuộc đời, gần như là sự chết không chỉ cho riêng mình mà cả số phận những người thân yêu của mình : giữa trại tù cải tạo CSVN. Tôi không định viết về “Tù Cải Tạo” vì đã có quá nhiều người kể về nó. Bắt người ta nghe đi nghe lại một chuyện ai cũng biết sẽ trở thành nhàm hóa nhảm. Tôi chỉ muốn nói đến cảm xúc về những dòng thơ nhạc một người đã viết và hát cho tôi nghe trong hoàn cảnh này.

        Đúng thế, có một nhạc sĩ, có một ca sĩ, có một đêm tối, có chung quanh là rình rập bắt bớ; một tiếng hát thì thào cất lên trần truồng từ tăm tối. Ngoài tiếng hát tất cả đều im lặng, sự im lặng như phát thành tiếng thay cho tiếng đàn đệm. Người ca nhạc sĩ đó chính là Hà Thúc Sinh với những bản Tủi Nhục Ca mà "Đêm Việt Nam" của anh là một, tôi nói không sai, đã được hoàn thành và hát cho bạn bè nghe ngay trại tù Trảng Lớn vào đêm Giáng Sinh 1975.

 

      Đêm hôm đó rét lắm, cái rét mà người miền Nam bảo là “bộ đội cụ Hồ” đem từ Bắc vào. Riêng đám tù, cái rét còn kinh khủng hơn, vì khi ra đi nộp mình ít người mang theo  chăn mền áo ấm. Và trong cái giá lạnh đó, chúng tôi sáu, bảy đứa co ro ở một góc tối nhất trong cái hội trường làm từ những tấm “ghi” sắt, để ăn “Réveillon !” bằng “gô” nước chùm bao với một nhúm thuốc lào. Ở đấy, chúng tôi “bình luận thời cuộc”, đoán mò tình hình gia đình, và trao đổi nhau những câu thơ đắng ngắt. Nguy hiểm lắm, chết như chơi, vì bọn vệ binh quản giáo có thể ập tới bất cứ lúc nào, chưa kể vài cái cần ăng-ten không tránh khỏi; hơn nữa trong bọn lại có Xuân Ròn tức HTS, người đã bị “ghim” ngay vài tuần đầu sau ngày nhập trại vì tội “mười năm ra rả chửi cách mạng”  ( Câu chửi thường được Chính Trị Viên tên Môn dùng để xỉ vả Xuân.). Nhưng thây kệ, trời rét nhưng máu tuổi trẻ không bao giờ biết rét, mọi người ai làm được câu thơ nào đều đưa ra, trừ anh chàng ròn nhất vẫn im lìm. Có tiếng nói hơi lớn, “Thằng Xuân nãy giờ chỉ ‘ăn không’, có gì đi chứ.”. Một tiếng suỵt khe khẽ cất lên, “Khẽ chứ. Câm hết, nghe đây.”. Ngay khi nghe HTS hát vài câu đầu tiên bài “Đêm Việt Nam”, người nghe cảm thấy như đang chìm vào nỗi dằn vặt trong tủi nhục :

                                           

                              Đêm thế giới đang dồn một lần

                              Trên đất nước tôi gọi Việt Nam

                              Đêm bát ngát những khu trại giam

                              Đời thênh thang thu hẹp dần dần

 

                              Đêm em bé lên mười cùm gần

                              Anh chiến sĩ gốc Biệt Động Quân

                              Đêm thiếu nữ áo đơn tạm thu

                              Ngồi kề vai gái giang hồ lo

 

                              Đêm đấu tố và thủ tiêu

                              Đêm săn bắt cho đầy chỉ tiêu

                              Người chết nhanh…Người phát điên

                              Đêm cáo chung tự do nhân quyền

 

                              Đêm nhức buốt phang bằng chầy vồ

                              Vang tiếng thét sau cùng “Tự Do”

                              Đêm có tiếng súng sau trại giam

                              Người tù binh chết bên bìa rừng

 

                              Đêm thế giới đang dồn một lần

                              Trên miếng đất đã thừa lầm than

                              Đêm trút xuống hố sâu diệt vong

                              Là Việt Nam nước tôi buồn tênh

                             

        Tiếng hát không lớn nhưng mạnh như một luồng điện cao thế đâm bổ vào mọi người. Anh hát hai lần. Tiếng hát đã dứt mà im lặng vẫn đóng cục,  một lúc mới có những tiếng thở ra rồi hít vào như bị hụt hơi. Phải mang thân phận đó và trong thời gian không gian đó, người nghe mới cảm nhận hết được thế nào là “cảm xúc đo âm nhạc lẫn âm nhạc đo cảm xúc”.

 

       Bài Đêm Việt Nam, có lẽ là một trong hai tủi-nhục-ca đầu tiên của HTS, đã được hoàn thành và hát trong cái Tình cái Cảnh như thế đó. Bài kia là “Trại Biến Hình”, mô tả một “quyền uy điên cuồng” nuôi người trong những Trại Chăn Nuôi, nơi mà Chúa đã phải “ngậm ngùi vì khi xưa đặt người lên trên mọi loài  mà không đóng chặt cánh cửa Hỏa Ngục, để thoát ra thứ quyền uy Lucifer toan tính biến hình và tẩy sạch chất người khỏi người. Và từ cái mưu toan quỉ quái đó, người tù đã thấy không còn hình tượng thậm chí có lúc đã quên mình từng là con người. Bài thơ Người Về bất chợt truyền tai nhau trong cư dân Trại Biến Hình như lan truyền ước vọng có ngày “người về hát một câu nhỏ, hôm nay ta lại làm người”.

 

Người Về

 

Người về giữa mùa hoa nở

Trên môi ngậm một nụ hồng

Dòng đời dừng chân soi bóng

Mái tóc như gọi buồn lên

 

Người về như dòng sông mỏi

Chân xưa xin lạy đường dài

Ngọn đời dù cho le lói

Cũng có tay vòng ấm vai

 

Người về như dòng mưa lũ

Tưới trên vườn hồn em khô

Người về như là ngăn giữ

Hóa đá thân em từng giờ

 

Người về thắp lại ánh lửa

So dây chơi một đoạn buồn

Cuộc đời tự dưng thấy ấm

Tiếng hát xanh ngời lòng em

 

Người vê hát một câu nhỏ

Hôm nay ta lại làm người

Cành đời vào Xuân thay lá

Áo cũ xin gởi gió bay

 

       Người Về” lúc đầu là  thơ, sau đó khi tác giả tự phổ nhạc vẫn giữ tên “Người Về” với nguyên văn lời thơ và được lan truyền qua nhiều trại tù. Những năm tiếp theo, khi tôi đã chuyển đi nhiều trại không còn ở chung với tác giả nữa, tôi thấy nhiều anh em hát bài này và bài “Đêm Việt Nam”. Gần 20 năm sau, khi mới tới Mỹ và lần đầu nghe Khánh Ly hát hai bài này tôi thấy thật xúc động nhưng cũng hơi ngỡ ngàng vì “người” đã thành “mộng”.Tất cả những chữ “người” trong bài “Người Về” đều được đổi sang “mộng” để   có tình ca “Mộng Về”, và hơi tiếc là chữ “Mộng” lại được người hát hiểu là một ước muốn thể hiện trong giấc ngủ giới hạn trong tình yêu đôi  lứa, vì “Mộng” ở đây hàm y  một ước ao thực tại hơn là cơn mơ trong giấc ngủ. “Người về” lúc ấy mang y nghĩa là chất người được trả về con người. Người là mùa Xuân và chỉ có người mới biết cười trong cái “mùa Xuân” ấy, và thật rõ ràng khi đoạn kết thúc bản nhạc có câu “Người về hát một câu nhỏ. Hôm nay ta lại làm người”. Với “Mộng Về”, tác giả cũng thật khéo khi chỉ biến “người thành mộng” mà cả bản nhạc khác hẳn nội dung thành một tình ca mượt mà trong cay đắng, mượt và đắng như “Mộng về như là ngăn giữ hóa đá thân em từng giờ” hay “Ngọn đời dù cho le lói, cũng có tay vòng ấm vai.”

   

       Thỉnh thoảng hát cho bạn bè nghe “Đêm Việt Nam”, tôi mạn phép tác giả sửa “chết bên bìa rừng” thành “xác bêu hàng rào” vì tôi đã thấy một người tù chết xác bêu trên hàng rào. Trong tù, ban đêm người tù muốn ra khỏi “lán” để đến khu nhà vệ sinh phải cầm theo một cái đèn bão treo sẵn gần cửa, vừa đi vừa la “báo cáo các anh tôi đi vệ sinh”, khi xong quay lại lán thì “báo cáo anh tôi đi vệ sinh về”. Có một người tù kiết lỵ phải lập đi lập lại chuyện đó nhiều lần trong một đêm, tới khi mệt quá câu báo cáo rút ngắn  còn “vệ sinh”, lúc quay lại lán chỉ còn sức kêu tiếng “Về”, và lần đi vệ sinh cuối cùng không có tiếng báo cáo “Về” của người tù kiết lị nữa, đã “có tiếng súng sau trại giam” thay cho tiếng “Về” của người tù ấy. Sáng ra, vài người được lệnh ra khiêng xác người tù kiết lỵ thấy cái xác nằm vắt ngang hàng rào với nhiều vết đạn, và được cho biết “bị bắn trong lúc leo rào trốn trại”. Kiết lị gần chết còn sức đâu mà trốn trại ? Không biết ! Chỉ thấy trên tay xác người tù thiếu cái nhẫn và chiếc đồng hồ. Tôi đã nghe tiếng súng sau trại giam và thấy cả xác tù vắt ngang hàng rào. Tôi hát “Đêm có tiếng súng sau trại giam. Người tù binh xác bêu hàng rào” mới cảm thấy một cảm xúc trọn vẹn.

 

        Dân Việt Nam nghèo đói đến nỗi trước khi chết nhiều người chỉ xin được ăn một bát cơm trắng, mà người Bắc gọi là “ăn giối” (giối = trối, trối trăn, trối chết), còn “ốm dậy ăn giả bữa” để chỉ những người khỏe lại sau cơn bệnh và  thường ăn được nhiều vì cơ thể đòi bù lại những ngày chê cơm trên giường bệnh. Có người chưa kịp nuốt xong miếng cơm giối đầu tiên đã trợn mắt chết vì không còn sức nuốt. Người chết chỉ một lần, cơn hấp hối cũng chỉ một lần và được tính trong giây phút. Những người tù sống dở chết dở, không được sống và không được chết. Họ phải sống trong cơn hấp hối bất tận năm này qua năm khác. Những bát cơm giối đã đến với Hà Thúc Sinh trong sự hấp hối triền miên đó, và anh đã viết “Tủi Nhuc Ca” như những lời để lại. Những dòng thơ nhạc tủi nhục của anh sống và thật như những tấm hình chụp. “Đám Ma Văn Hóa” được kể qua tiếng hát Khánh Ly thật gợi hình gợi cảm. Người trong kiếp trâu bò trên đường rừng quanh co dưới trời mưa, có chàng trai chết bên bờ suối,có lũ người mà người ta chỉ cần trăm tay không cần tim. Những hình ảnh đó mang hồn bơ vơ Phạm Công Văn Hóa, có oan hồn Cúc Hoa Việt Nam và thân phận đọa đầy côi cút của  những Nghi Xuân, Tấn Lực trong bàn tay độc ác mụ dì ghẻ Chế Độ.  Hồn Phạm Công trong cổ tich còn có chỗ để đòi công ly. Hồn Phạm Công bây giờ bị gặm nhấm không nơi đến đành bơ vơ dật dờ ngọn cỏ.

 

       Lịch sử VN có 2 cuộc di cư vĩ đại, 1954 và 1975, mà cả hai cuộc di cư có họ máu với nhau. Cuộc di cư lần đầu xẩy ra cũng là khi Hà Thúc Sinh ở vào cái tuổi còn chạy rong nghêu ngao “Em Bé Di Cư”, một bài “tếu ca” được sửa lời từ “Em Bé Quê” của Phạm Duy : “Ai bảo di cư là khổ. Di cư sướng lắm chứ. Ngồi tàu bay với lại ô-tô miệng thì hát bi bô. Vui thú xi- nê cả ngày. Tiền nhiều tiêu cho đã. Ước mong sao khi túi không xu ta có lại di cư…”. Như những đứa trẻ di cư khác, tuổi thơ của anh cũng gỡ gạc được vài năm “Nắng Đẹp Miền Nam” trong hòa bình, rồi sau đó lại phải lớn lên trong khói lửa và rồi lao mình vào cuộc khói lửa đó. Bài hát tếu năm xưa không ngờ lại là một lời tiên tri thê thảm, “Khi hết tiền ta lại ước mong có cuộc di cư”, và cuộc di cư lần hai đã đến khi quê hương “hết tiền”, nhưng  không nằm trong “ước mong” mà trong kinh hoàng. Hàng loạt những bài ca tủi nhục của anh đã ra đời từ sự kinh hoàng đó.

 

       Tủi Nhục Ca HTS gồm khoảng gần 30 ca khúc, trong đó phần lớn được sáng tác trong tù. Những bản nhạc này không bắt người ta phải phùng mang trợn mắt lên mà hát, không phải gân cổ lên như khi hoan hô đả đảo. Thật hiền hòa, nó chỉ là những tiếng kêu cứu từ vực sâu tăm tối đánh động lòng người.

 

       Có một thời chất liêu trai trong tiếng hát Khánh Ly đã như cuộn giây đưa con diều Phản Chiến Trịnh Công Sơn bay bổng. Cuộn dây tuy dài nhưng con diều chỉ thả được tới một độ cao giới hạn nào đó, và khi trời hết gió con diều hết bay. Nói như thế không có nghĩa là chê nhạc Trịnh không ra gì. Người ta có thể “chê” TCS, nhưng tất nhiên chưa ai dám xúc phạm đến huyền thoại âm nhạc của một Tài Danh Thế Kỷ như ông. Riêng Nhạc Phản Chiến TCS, nó đã có thể vượt được khoảng không gian nào đó nhưng không vượt được thời gian. Thời gian càng qua đi người thich nghe loại nhạc này càng ít hơn kể cả trong nước, vì nó càng ngày càng trở thành nạn nhân của chế độ hiện tại ở VN. Nếu đồng y Nhạc Phản Chiến TCS đã có góp phần cho chiến thắng tạo ra một chế độ càng ngày càng trở thành tội ác, thì người ta sao lại không thể càng ngày càng không thích cái phương tiện tạo ra chế độ diệt dân hại nước đó.Tủi Nhục Ca của Hà Thúc Sinh thì lại có một giá trị lâu dài vì tính trung thực và tính lịch sử của nó, và dĩ nhiên cái hồn thơ hồn nhạc của tác giả là yếu tố quan trọng ắt có để xúc động lòng người. Thử nghe tiếng hát Khánh Ly với “Đoạn Đường Núi Sọ” vẫn thấy thật xúc động, vẫn thấy thật xót xa khi con “đường gai xưa Chúa bước” vẫn còn đang đeo đuổi đất nước và con người Việt Nam. Rồi một mai dẫu “con đường gai” không còn nữa, người ta vẫn ghi nhớ “Đoạn Đường Núi Sọ” để mà sợ hãi. Có thể nói Nhạc Phản Chiến Trịnh Công Sơn là sự trang trí cho thật thơ mộng con đường dẫn đến một khu vườn cằn cỗi không sự sống. Tủi – Tình Ca Hà Thúc Sinh lại là chiếc máy ghi những tấm hình thê lương trong khu vườn chết đó. Nếu Nhạc Phản Chiến TCS thúc đẩy một sự đầu hàng tội ác thì Tủi Nhục Ca HTS chính là tiếng tha thiết kêu gọi lương tâm con người vậy.

 

        Nhà báo Frank J. Green của The San Diego Union trong Troubadour of Freedom số ra ngày 27-5-1986 đã nhắc lại cái nhìn không hoàn toàn lắm của một số người Mỹ về Hà Thúc Sinh, “…Ha – who has been called the Bob Dylan of Vietnam – is something of a superstar among the international Vietnamese community…”. Đối với Hà Thúc Sinh, “Bob Dylan của Việt Nam” chỉ đúng với anh vê “Phương Tiện”. Nếu dành cho Trịnh Công Sơn, sự đánh giá này chính xác cả về Phương Tiện lẫn Mục Đích như Joan Bazer đã từng phát biểu.

 

       Bob Dylan là một ca nhạc sĩ Mỹ, tay phản chiến hạng nặng, từng đoạt nhiều giải cao quí như Golden Globe, Grammy, và Academy Awards. Thời thập niên 60, nhiều bài hát của ông đã được dùng như “Thánh Ca” trong các Phong Trào Phản Chiến và Đấu Tranh Dân Quyền tại Mỹ, điển hình như “Blowing In The Wind” và “The Times They Are A-Changing”, kiểu thánh ca “Nối Vòng Tay Lớn”, “Hát Trên Những Xác Người”… của Trịnh Công Sơn ở Việt Nam. Hà Thúc Sinh không phải là người phản chiến và cũng không là người hiếu chiến. Chưa ai tìm được một nét phản chiến nào trong Văn Thơ Nhạc của anh. Anh cũng chưa hề hiếu chiến bao giờ. Sự gia nhập Quân Đội trước 1975 của anh là một việc làm thi hành bổn phận công dân trong y niệm tự vệ trước một hiểm họa. Đọc thơ Nghinh Địch Hành của anh sẽ thấy thái độ của anh cũng là của mọi người lính miền Nam đối với chiến tranh và những người lính bên kia :

 

                                                          Nghinh Địch Hành                               

 

                                                         Giao thừa đâu mà vội        

                                                         Hãy khoan đã chú mày      

                                                         Cứ đóng xa vài dặm           

                                                         Mà ăn uống cho say           

 

                                                         Ta cũng người như chú       

                                                         Cũng nhỏ bé trong đời       

                                                         Có núi sông trong bụng      

                                                         Mà bất lực hôm nay

            

                                                         Chiến chinh trời cũng sợ

                                                          Chỉ còn lại hai bên

                                                          Vội vàng chi cho cực

                                                          Cứ thong thả nghỉ đêm

 

                                                            Vì nói thật cùng chú

                                                            Trăm năm có là bao

                                                            Binh đao sao biết được

                                                            Sinh tử ở nơi nào

 

 

                                                            Nếu chú có cha mẹ            

                                                            Ta chẳng những người thân   

                                                            Còn mang thêm lắm nợ          

                                                            Với rượu và gió trăng

             

                                                             

                                                            Chú cứ ăn cho đủ

                                                            Mai chết sẽ chết no

                                                            Ta cũng cần đêm cuối

                                                            Từ giã gió trăng xưa

 

       Đúng quá Nghinh Địch Hành. “…Tay bóp cò lòng xót hơn muối xát. Thương thân mình thương cả địch quân…”.

 

        Bob Dylan và Trịnh Công Sơn giống nhau ở chỗ cả hai có cùng tư tưởng phản chiến và đều dùng âm nhạc làm phương tiện thực hiện chung một mục đích khích động quần chúng đem tai họa đến cho cả một dân tộc. Hà Thúc Sinh chỉ giống 2 người này trong việc lấy âm nhạc làm phương tiện, nhưng mục đích thì khác hẳn, anh chỉ hiền hòa khơi động tình yêu và lương tâm con người qua thơ nhạc như những tiếng kêu oan cho những kẻ đang bị bức tử. Con đường đi của Bob và Trịnh thật êm chân và được hàng triệu người tung hô hỗ trợ. Đường đi của những Tù Cải Tạo CSVN thật cô đơn và đầy những hầm chông với thú dữ, mà phía trước chỉ là bóng đêm dầy đặc đầy chết chóc. Xem ra Sinh chỉ giống Bob và Trịnh phần nào ở “Cách” chứ không về “Lối”.

 

       Căn cứ vào nhạc đã xuất bản tại Mỹ, có thể phân loại Nhạc Hà Thúc Sinh như sau :

       Nhạc Sinh Hoạt : Trên 10 bài viết riêng cho Hướng Đạo.

       Lưu Lạc Ca : Hơn 20 bài, nói lên thân phận lạc loài bơ vơ trước cảnh nước mất nhà tan. Nhiều người lầm tưởng Lưu Lạc Ca được viết nơi đất khách quê người. Thực ra phần lớn những bản nhạc này được viết ngay trên quê hương và ngay cả khi tác giả còn trong các Trại Tù Cải Tạo, chỉ một số ít được sáng tác tại đảo Bidong và Mỹ. Không hẳn chỉ khi ra khỏi nước mới mang kiếp lưu lạc, tác giả đã nhìn thấy chính mình cùng với hàng triệu người khác trong phút chốc đã trở thành những kẻ xa lạ mang kiếp lưu lạc ngay trên chính quê hương mình.

       Tủi Nhục Ca : Khoảng 30 bài, hầu hết được sáng tác trong nước. Như đã mô tả ở trên, đây là những bản nhạc rất hiền lành, từ âm điệu đến nội dung.

       -Tình Ca : Gần 50 ca khúc, phần rất lớn được sáng tác ở hải ngoại.

 

       Sính Lễ là 1 trong 12 tình khúc trong CD “Người Em Quận Cam” do Hồng Hạnh hát. Bài này tôi được nghe lần đầu do chính tác giả hát vào Mồng Một Tết đầu tiên của đời tù. Tôi nhớ rõ như vậy vì Sính Lễ độc ác quá. Chỉ riêng cái tên của bài hát cũng đủ để bắt những anh chàng có vợ phải nhớ về ngày cưới. Nó còn nhắc tôi tới ngày Mồng Một Tết năm trước, người vợ mới cưới của tôi phải đi “Tết Mới” một mình, vì đúng ngày đó tôi cùng đơn vị đang bận quần nhau với địch tái chiếm một vùng đất ở Long Khánh. Sính Lễ làm tôi nhớ vợ, nhớ ngày cưới trước đó không lâu tôi cũng có sính lễ như Sính Lễ, bây giờ người vợ mới vừa đôi mươi lại phải một mình nuôi đứa con đầu lòng mới vài tháng tuổi. Tôi thấy thật tội lỗi khi Sính Lễ chì chiết nhắc lại những gì tôi đã tuyên hứa với tình yêu :

 

       xin tặng em khung cửa anh mở về phía tương lai

       “xin tặng em hoan lạc anh từng tìm kiếm lâu dài

       “xin tặng em con đường hoa hẹn hò ta đi tới

       “nơi không gần không xa quá loài người  

 

       Cái “khung cửa” mà anh tặng em để “mở về phía tương lai” có ai ngờ đâu là khung cửa nhà tù giam giữ hết cả mọi thứ tình yêu, và “con đường hoa” chỉ còn là ngõ tối đầy gai nhọn em đang một mình ôm con nghiến răng dẫm lên bằng những bước chân trần… Tôi diễn tả xúc cảm của mình khi nghe Sính Lễ cũng cải lương ra phết, nhưng không phải, chất “cải lương” chảy ra từ “xúc cảm” thì đúng hơn.

 

       Thiên Thai của Văn Cao đưa người vượt Thế vào cõi Bồng Lai, nơi xa hẳn loài người, du dương cùng bầy Tiên Nữ. Sính Lễ của Hà Thúc Sinh lại đưa người vào “nơi không gần không xa quá loài người” ngay tại Thế, vì loài người sẽ trốn hết vào lúc “thế giới chỉ còn đôi ta”, và chỉ lúc này thôi mới quên được những gì đang tại Thế. Bài này tác giả viết để hát tặng một người bạn ngày tân hôn năm 1973 khi Hiệp Định Paris bắt đầu được giả vờ thực hiện. Không biết y của tác giả thế nào chứ tôi thấy Sính Lễ có lớp mây đen dưới lớp vải điều, hay tại tình yêu của tôi bị trúng đạn từ cái hiệp định giả vờ đó cũng không biết, mà khi vừa mở Sính Lễ ra đã thấy đầy chất đắng bên trong :

 

                                Xin tặng em đây mùa Xuân một buổi sáng vươn vai

                                Bông Hồng gai chiếc bàn vuông vừa từ giã đêm dài

                                Xin tặng em những giọt sương vừa chợt khô trên kính   

                                Con chim xanh cuống quit mái Tây hiên….

 

       Hiệp Định Paris đến, dù không vừa lòng, người ta cũng phải chấp nhận nó như một số phận và cứ coi đó như mùa Xuân bắt đầu hé mở. Hòa Bình khác gì bông Hồng dầy gai đặt trên chiếc bàn vuông cho “4 bên” chụp giựt, bàn tay anh nào cũng tóe máu đầy vết gai đâm. Những dòng nước mắt tạm ngưng chờ chảy như “những giọt sương vùa chợt khô trên kính” chỉ biết ngơ ngác chờ xem, và chưa gì những “con chim xanh” tình yêu đã vội “cuống qúit” dồn về “mái Tây hiên” đón cầu may chút nắng hoàng hôn, hoặc xa hơn nữa nếu tiên trí hóa Sính Lễ thì “mái Tây hiên” vài năm sau phải chăng là cái hiên nhà tận phương Tây chờ lũ chim xanh cuống quít tìm tới ?  Ôi Mẹ ơi ! sính lễ gì mà đắng quá, dầu nó cũng có “vui tiệc vui, người đầy hết chỗ ngồi” nhưng chỉ là những niềm vui gỡ gạc. Lại nữa, đang “Tặng em tia nắng ngày mới , miệng cười tươi đến nụ cuối…” chợt phang ngang “một hồn say đắm dẫu mưng vết thương. Tặng em u ám chiều tối. Dầu cho giông gió gởi tới… “. Tiên tri chứ còn gì nữa. Nhưng cũng từ cái vị đắng đậm đó mới thấy được giá trị cái vị ngọt lịm hiếm hoi của tình yêu, khác gì muối mặn càng làm ngọt lịm ngụm nước lã đến sau. Sính Lễ chẳng viết cho riêng ai, cùng với Người Về tức Mộng Về, nó là Thiên Tình Sử Bi Thảm của nhiều thế hệ cộng chung.

 

       Những ngụm nước ngọt lịm chính là những Tác Phẩm HTS ồ ạt ra đời sau khi anh vượt thoát ngoi khỏi cái ao tù đầy muối mặn. Từ Bidong rồi sang tới Mỹ, anh lao đầu vào việc như người “ốm dậy ăn giả bữa” sau cơn bệnh dài đằng đẳng. Chép lại những tác phẩm đã có sẵn trong đầu, làm báo, viết văn, sáng tác thơ nhạc…, anh xông xáo không ngừng nghi trong mọi bộ môn văn nghệ. Trong lãnh vực âm nhạc, Phạm Duy từng nói và viết về anh, “…người tiếp nối và thắp sáng nền Tân Nhạc VN.”. Đây không phải là lời khen “có qua có lại cho toại lòng nhau”, nhưng là lời làm chứng công bằng từ một người có quá đủ tư cách làm chứng. Những năm đầu sau biến cố 1975, nói chung, nền Tân Nhạc VN khác gì ngọn đèn bị rút hết dầu. Ỏ trong nước, “nhạc vàng” đã trở thành thứ quốc cấm. Tại hải ngoại, mọi người bở hơi tai vì cơm gạo thì còn tai nào mà dành cho âm nhạc, còn người sáng tác thì khi bỏ chạy đã để quên mất cảm hứng nơi quê nhà mất rồi còn đâu. Tân nhạc Việt Nam đang trong cơn hoạn nạn đó thì Sinh vượt thoát tìm tới và “…thắp lại ánh lửa, so dây chơi một đọan buồn.”. Phạm Duy quả thật không quá đáng khi nói anh là người “tiếp nối và thắp sáng nền Tân Nhạc VN.”.

   

       Sau 5 năm với những bát cơm giối, người “ốm dậy” HTS nghiến ngấu ăn giả bữa. Chỉ trong 5 năm đầu từ khi tới Mỹ, anh vừa trông coi một tờ báo ở San Diego vừa cho ra đời Đại Hoc Máu và hàng trăm tác phẩm thơ – văn khác, cùng với hàng loạt những tình khúc nở rộ. Mới tới Mỹ không lâu, “Tủi Nhuc Ca” được cho thu băng năm 1981 với tiếng hát Khánh Ly, Lưu Lạc Ca trong “Hẹn Em Sài Gòn” thu băng năm 1986 qua các giọng trong nhóm Hưng Ca VN, rồi tiếp theo là những CD’s “Lạy Em Mênh Mông” trích từ 30 tình khúc của tập nhạc cùng tên và CD “Người Em Quận Cam” gồm những tình khúc trong Tình Ca Hà Thúc Sinh, lần lượt được mọi người nồng nhiệt đón nhận. Tính chung cho tới nay anh đã cho xuất bản hơn 100 ca khúc các loại, hơn 20 cuốn sách gồm hàng trăm truyện ngắn, truyện ky, truyện dài, và nhiều tập thơ trong đó chỉ riêng tập “Thơ Viết Giữa Đường” đã có 123 bài dài ngắn đủ loại. Nếu thơ nhạc không thực sự là hơi thở, khó ai có thể đa mang được như vậy.

                                                                                                                

        Truyền thuyết loài Hummingbird, nguời Da Đỏ kể rằng,” Có chàng trai yêu nàng con gái thuộc một bộ lạc thù địch,và họ thường lén lút hẹn hò nhau bên bờ suối. Cha nàng biết được, bắt nàng lấy một người khác cùng bộ lạc. Nàng buồn quá bèn một mình đến bên bờ suối khóc lóc xin thần linh giúp và vị thần đã biến nàng thành 1 bông hoa đỏ bên bờ suối, để khỏi phải lấy người mình không yêu. Còn chàng, đêm đêm vẫn ra bờ suối ngồi chờ người yêu, Thần Mặt Trăng thấy tội nghiệp và cho biết nàng đã hóa thành 1 bông hoa đỏ. Chàng hỏi làm sao tìm được nàng, Thần Trăng biến  chàng thành con chim nhỏ để có đôi cánh bay đi tìm nàng, và từ đấy bông hoa đỏ nào chàng cũng nhào đến hôn thử trong khi đôi cánh bé nhỏ đập liên hồi phát ra tiếng vi vu gọi tên người yêu. cứ vậy cả đời gặp đâu hôn đó mà chàng vẫn không tìm được mùi vị quen thuộc của nụ hôn đầu… ”. Kể ra anh chàng Humming này cũng may, bông hồng  nào cũng được nếm thử. (Phỏng theo chuyện kể từ một người hàng xóm cũ của tôi, thuần giống Native Americans.)

 

        Một số Tình Ca HTS nghe như có tiếng vi vu từ đôi cánh mỏng manh loài Hummingbird, mà khi hát lên thấy cái gì nghèn ngẹn nơi cổ và nghe như tiếng đập liên hồi của đôi cánh mong manh phát tiếng vo ve mất mát. Tuổi trẻ nào khi vào đời mà chả mang theo một giấc mơ tình yêu. Nhưng dù chỉ là giấc mơ thôi Tuổi Trẻ Việt Nam Thời Chinh Chiến cũng không dám, sự “không dám” tự nguyện mà người thanh niên thời chiến nào cũng nghĩ đến. Lửa đạn đã đốt sạch biết bao nhiêu thế hệ, để rồi khi có thứ “hòa bình nhảy múa tìm đến” lại còn thê thảm hơn, vì cái thế hệ út ít trong cuộc chiến còn tí tuổi trẻ sót lại cũng bị cướp đoạt đem đày đọa tan nát trong giam cầm. Tuổi trẻ gắn liền với tình yêu, tình yêu lại là một thứ đạo cho tuổi trè tôn sùng.Tuổi còn thanh niên, HTS đã viết tình ca như những lời sám hối của một kẻ “lỗi đạo” bằng  âm hưởng tiếc nuối, một tâm trạng “tiếc của” phải chăng có từ khi tuổi trẻ nhận ra rằng sự hy sinh của bao lớp người đang trở thành “công dã tràng” ?    

 

                                       Ôi xa thật rồi

                                       Những lá thu mơ hồ đùa chơi theo gót son đời…

                                   …Hồn anh nuôi mùa xưa nghiêng nắng xuống

                                       Đường hoa Cúc ngồi tiếc nhớ một mình…

                                      (Niệm Khúc Thu Xa, 1973)

 

       Bóng hình mà anh tìm kiếm chính là cái tình yêu tuổi trẻ đã mất mát, nó không hẳn là một bóng hình cụ thể người Nữ nào. Và cho tới bây giờ khi tóc đã đổi mầu, âm hưởng tiếc của trong Tình Ca HTS vẫn không thay đổi.

 

                                       Tôi với em tan bầy lạc đàn

                                       Sầu hoa rơi khi chớm hoa tươi

                                       Tôi với em trôi một dòng đôi

                                       Khóc ai nghe, ơi bèo bọt ơi….

                                   …Tôi mơ hoài một ngày thu mưa

                                       Em quay về bàn chân năm xưa

                                       (Tôi Với Em, 1992)

 

       Đối với Đấng Tạo Ra Trời Đất, tôi thường làm dấu thánh giá sau mỗi bữa ăn thay cho lời tạ ơn đã ban cho tôi của ăn hàng ngày, một thói quen tôi vần thường làm kể cả khi còn trong tù mà Cán Bộ Kỷ Luật Cao-Văn-Liên của Trại CT Xuyên Mộc đã biếm nhẽ xỉ vả “Tại sao trước sau khi ăn lại phải ‘chỉ thiên chỉ địa’, đồ mê tín dị đoan. Cấm tiệt nghe chưa.”. Đối với Đời, tôi cám ơn tất cả những gì mà đời đã cho dù ngọt hay đắng. Khi nghe một bản nhạc và tôi xúc động, tôi thầm cám ơn tác giả cũng như ca sĩ hát bản nhạc đó. Tôi không ủng hộ Trịnh Công Sơn về Nhạc Phản Chiến, chưa hẳn tôi đã ghét ông. Khi nghe “Ướt Mi” hay những bản không phải là Nhạc Phản Chiến, tôi cám ơn cả Khánh Ly lẫn tác giả; cũng như tôi vô cùng cảm kích Từ Công Phụng khi được nghe chính ông hát Mùa Thu Mây Ngàn hay Mắt Lệ Cho Người …,  v.v… Trong trường hợp này,tôi luôn luôn phân minh giữa cảm tình và cảm súc. Với Hà Thúc Sinh cũng thế, tôi kể lại sự xúc động của mình khi được nghe anh hát trong tù cũng chỉ vì không muốn mình là kẻ vô ơn với những dòng thơ nhạc của anh. Cảm tình của tôi dành cho Sinh đến sau một cảm xúc, và tôi đã viết bài này không vì cái đến sau đó.

 

          Có lần tôi được trực tiếp nghe một ca sĩ, nổi tiếng tương đối, nói kiếm được năm ngàn đô-la cho một show hát hai bản nhạc, tính ra mỗi lần hát một bản nhạc kiếm được hai ngàn năm trăm. Bản nhạc đó có thể được người ca sĩ đó hát nhiều trăm lần trong đời, nghĩa là kiếm được nhiều trăm lần hai ngàn năm trăm. Đó chỉ là lợi tức cho một bản nhạc. Trong khi người nhạc sĩ làm ra bản nhạc đó chưa chắc đã có đồng nào, mà nếu có thì cũng chỉ chút đỉnh tượng trưng. Còn những tràng vỗ tay sau mỗi bài hát nữa, khán giả chỉ dành cho người ca sĩ, chứ có mảy may nghĩ tới người làm ra bản nhạc đâu. Cứ tưởng tượng, trong lúc những tràng pháo tay như bất tận đang đưa vinh quang và cuộc sống thừa bứa vật chất đến những người trình diễn nói chung, thì tại một góc tối nghèo nàn hôi hám nào đó có kẻ cũng đang đưa bàn tay xương xẩu chỉ vào chiếc TV sờn mép nơi góc nhà mà miệng ú ớ “Hình như là nhạc của mình.”, mới thấy thật bất công và bất hạnh cho thân phận người nhạc sĩ Việt Nam Lưu Lạc. Thậm chí có những bản nhạc khi được giới thiệu trước khi hát đã không hề nhắc nhở gì tới người sáng tác ra nó nữa. Mỗi lần nghe tin có buổi tổ chức Đêm …cho một nhạc sĩ nào đó là y chang có Cáo Phó theo sau, và sau Cáo Phó thì linh hồn người nhạc sĩ nào thật nổi tiếng mới được hưởng một chương trình vinh danh thật lớn, vì có nổi tiếng mới … bán được vé giá cao. Chưa thấy một văn nghệ sĩ chân chính nào, người đã hiến dâng cả đời cho Nghệ Thuật cũng như góp công vun xới cho Nền Văn Hóa Dân Tộc, được “vinh danh” khi còn đủ tỉnh táo để biết được những gì mình đã làm ! ? Xin đừng làm ma cúng ruồi. Xin đừng cúng giỗ linh đình những người quá vãng đã bị bỏ đói lúc sinh thời !

 

        Đặc biệt bài viết này, xin vinh danh và cám ơn tất cả những người đã làm ra những dòng nhạc, những áng văn hay vần thơ mang sức sống và làm đẹp thêm cho đời, trong đó có cả những tác giả sáng tác trong tù còn được nhớ hay đã quên tên nhưng còn sống ngày hôm nay. Ngày mai  còn gì nữa đâu, khi…

                                                    

Phạm Văn Trọng  

Chandler, AZ.  4/2009