Bình luận

CƠN ÁC MỘNG GIẤY NỢ

   CƠN ÁC MỘNG GIẤY NỢ
 
    Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
 Từ mấy tuần qua nước Mỹ đã lâm vào một cơn bão lửa tài chính, một cuộc khủng hoảng tín dụng đe dọa kéo sập cả một tòa lâu đài vĩ đại nhất thế giới là Thị trường Chứng khoán Wall Street New York liên hệ đến các công ty kinh doanh rường cột của toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Tín dụng là tiền cho vay có thế chấp theo luật định, các tổ chức hoạt động trong lãnh vực này là các công ty tài chính, các tập đoàn bao gồm các ngân hàng lớn nhỏ, các hãng bảo đảm cho sự thế chấp đó, và các tổ hợp các công ty bảo hiểm đủ mọi mặt kể cả bảo hiểm nhân thọ, tai nạn, đầu tư v.v… Tín dụng bị khủng hoảng vì các món nợ khó đòi, kẻ đi vay không có khả năng trả nợ. Ở đây nổi bật nhất là những món nợ đi vay để mua nhà.
Tín dụng là một tập quán rất quan trọng trong các chế độ tư bản, bởi vì vay tiền để làm ăn sinh lời lớn để có thừa tiền trả nợ và vẫn còn có lời. Đó là đồng tiền đẻ ra tiền vậy. Thế nhưng về mặt giấy nợ mua nhà, nó đã gặp khủng hoảng vì giá nhà xuống thấp trong hoàn cảnh kinh tế Mỹ trì trệ từ nhiều năm qua do nhiều nguyên nhân như ngân sách quốc gia thâm thủng, tổn phí chiến tranh chống khủng bố lên cao, kinh doanh yếu kém, nạn thất nghiệp gia tăng. Nguyên nhân chính của cơn bão hiện nay vẫn là lòng tham của giới kinh tài Mỹ. Thêm vào đó là sự lơ là chấp hành điều lệ nợ thế chấp. Nó gây họa lớn vì cơ cấu tổ chức các công ty tài chính dính liền với nhau trong một mạng lưới vô cùng phức tạp để mua bán đổi chác các giấy nợ, gọi là trái phiếu. Nếu đồng đô-la là tiền, đó cũng chỉ là một tờ giấy. Trái phiếu cũng là một tờ giấy, nhưng đô-la có sự bảo đảm của chính phủ Mỹ, còn trái phiếu chỉ có sự bảo đảm của các công ty tài chính tư doanh. Để làm cho sự bảo đảm trái phiếu có giá trị hơn, các tập đoàn tài chính họp nhau lại thành các tập thể đại công ty hay siêu công ty lừng danh trên thế giới. Họ nâng đỡ lẫn nhau để bảo đảm các món tiền cho vay. Vì thế đã dính là dính cả chùm.
Cơn bão lốc bắt đầu từ hai tuần trước khi hai công ty đầu tư lớn phải khai phá sản vì thua lỗ nặng. Sự liên hệ chồng chéo cái nọ kéo cái kia, vì liền sau đó hai siêu công ty tài chính lâu đời là Freddie Mac và Fannie Mae cũng chuẩn bị khai phá sản vì thua lỗ nặng, chỉ số cổ phiếu của họ tại Thị trường Chứng khoán tụt dốc thê thảm, tình thế này có nghĩa là phản ứng dây chuyền sẽ xẩy ra dữ dội. Chính vì thế chính phủ phải can thiệp cấp tốc trước khi quá muộn. Ngày 7 tháng 9, Bộ Tài chính bơm vào 2 công ty này 200 tỷ đô-la để cứu nguy phá sản, đặt dưới sự bảo hộ của chính phủ. Đây cũng là một hình thức quốc hữu hóa. Chỉ số Thị trường Chứng khoán nói chung chỉ nhích lên một chút nhưng rồi lại tụt xuống ngay. Sau đó một Công ty Bảo hiểm khổng lồ có ảnh hưởng đến các thị trường tiền tệ toàn thế giới là AIG (American Insurance Group) cuối tuần trước cũng chuẩn bị khai phá sản. Bộ Tài chính đã đỡ đòn cho nó ngay lập tức bằng cách bơm đến 85 tỷ đô-la vào công ty với hình thức cho vay trong hai năm, nhưng cũng một là cách quốc doanh hóa.
Tuy nhiên các giới kinh-tài Mỹ nhìn thấy ngay một sự thật phũ phàng. Cả một thành phố lộng lẫy đang bị nạn cháy, nếu chỉ cho lính Cứu hỏa phun vòi rồng dập tắt ngọn lửa cho hai ba căn nhà thì có ích gì? Vì thế chiều chủ nhật vừa qua sau cuộc họp cấp tốc giữa Tổng Thống Bush, Bộ trưởng Tài chính Paulson và Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Bernake, đã có thông báo cho biết Chính phủ lập một quỹ 700 tỷ đô-la cứu nguy các công ty tài chính sắp khai phá sản. Theo các chuyên gia Mỹ có lẽ phải cần đến 1,000 tỷ mới đủ. Dù sao đề nghị lập quỹ 700 tỷ đã được đưa ra Quốc hội đầu tuần này để thảo luận và biểu quyết thành luật.
Ở đây hãy hỏi các số tiền 700 tỷ hay 1,000 tỷ ở đâu ra mà lắm thế? Nó không phải từ trên trời rớt xuống mà do tiền đóng thuế hàng năm của người dân Mỹ. Và bây giờ lấy hàng tỷ đô-la của dân đóng thuế giúp cho các công ty kinh-tài tiếp tục tồn tại để họ lại tung tiền cho vay thêm nữa hay sao? Vì câu hỏi đó, đạo dự luật 700 tỷ đưa ra trước Quốc hội có kèm theo những cam kết của chính phủ xét lại luật lệ và quy chế cho vay để tránh tệ nạn lạm dụng. Thứ ba tuần này, Ủy ban Ngân hàng Thượng viện họp trong khi chỉ số Dow Jones Thị trường chứng khoán xuống 375.75 điểm, tức mất 3.3%, vì  giới kinh doanh và cả dân chúng Mỹ lo sợ còn nhiều vụ báo nguy phá sản lớn nữa sẽ xẩy ra. Vậy cần phải làm cho lẹ.
Thế nhưng khó khăn không phải nhỏ. Quốc hội Mỹ đã có kinh nghiệm làm cho lẹ rồi. Đó là lúc biểu quyết cấp tốc cho phép TT Bush đem quân đánh Iraq năm 2003. Hậu quả của cái "làm cho lẹ" đó còn kéo dài cho đến ngày nay với tất cả nỗi bi đát của nó, rút ra rất khó. Bởi thế dự luật dùng tiền của dân đóng thuế để cứu các vị tài chủ vỡ nợ cần phải được cứu xét cho kỹ. Tuần này, Ủy ban Ngân hàng Thượng viện họp bàn cãi sôi nổi và có những điều đáng chú ý chẳng hạn như nếu đã muốn cứu nguy cho hệ thống tài chính trên toàn nước Mỹ sắp sụp đổ, tại sao không cứu nguy cho những người dân nợ mua nhà sắp mất nhà? Dự án quốc hữu hóa các công ty sắp vỡ nợ dù là tạm thời nhưng vẫn có nghĩa là chính phủ "mua" những món nợ khó đòi đó bằng tiền của dân đóng thuế, vậy thì dân trở thành chủ các món nợ đó. Dân đã có lỗi lầm gì mà được hưởng cái "diễm phúc" lớn như thế? Bởi vậy sau này nếu hết cơn bão lửa kinh-tài, các công ty cho vay nợ đến khi có lời, số lời đó cũng phải chia cho dân đóng thuế một phần. Đồng thời cũng phải tính đến việc hỏi thăm sức khỏe các vị tài chủ đã vơ vét hàng tỷ đô-la trong cả chục năm trước đây, rồi để lại cả đống bầy nhầy cho hậu thế phải quyét dọn cho sạch. FBI đang diều tra.
Cuộc bàn thảo tại Thượng Viện có thể rất dài, nhưng các nghị sĩ của cả hai đảng nói có thể trong 7 ngày sẽ có biểu quyết. Một một nghị sĩ Cộng Hòa, theo tin AP hôm thứ ba, nói đùa: "Không phải vì Chúa Trời tạo ra Thế giới trong 7 ngày mà chúng ta bắt buộc phải hoàn thành đạo luật trong 7 ngày". Như vậy cơn ác mộng giấy nợ rốt cuộc rồi cũng phải hết chăng? Thời nay dân Mỹ vẫn còn bị ám ảnh về cuộc đại suy thoái kinh tế kinh hoàng nhất trong lịch sử năm 1929. Tôi nghĩ tình thế mỗi thời một khác, nước Mỹ ngày nay đã tiến bộ hơn rất nhiều so với 80 năm trước. Chỉ có điều phiền là chìa khóa để chữa dứt nọc căn bệnh tín dụng là hai chữ …"tín nhiệm". Nó không nằm trong luật pháp, điều lệ hay máy móc. Nó nằm trong lòng người.