Tác giả và Tác Phẩm

CÓ PHẢI LÀ NỖI ĐAU ? (Chinh Nguyên)

CÓ PHẢI LÀ NỖI ĐAU ?
 
Chiếc xe đò Rạng Đông 50 chỗ ngồi đã dừng trong bến đậu của hãng, sau khi tài xế cho xe chạy nửa vòng cung của ngã ba bùng binh đại lộ Lê Xuẩn (Thống Nhất cũ) và con đường mới mở sau 1975, tên Hoàng Diệu.
Tôi xuống xe, lấy hành lý, bước ra lề đường Lê Duẩn và chăm chú nhìn vào ngôi thánh đường của nhà thờ Quân Đội do sư đoàn 23 Bộ Binh xây dựng, nay đã bị nhà nước Cộng Sản tước đoạt và đổi tên thành một đại lý bia, nghe đâu là của một ông lớn cấp tỉnh ủy Ban Mê Thuột.
Tuy nhiên, trên khu đất vẫn phảng phất cột trụ gác chuông và cây thánh gía đổ nghiêng về phía sau sân vì chiến tranh tới bây giờ vẫn chưa có ai phá đi.
Vườn cà phê của ông Huấn mấy chục mẫu, và công viên trước cổng dinh Bảo Đại sát với ngân khố và văn phòng đại diên Cao Nguyên Trung Phần cũng đã bị san bằng để cho những nóc nhà công thự, hay nhà tư nhân có liên hệ với chế độ Cộng Sản, để khoe cái bề mặt gỉa dối trơ trẽn vô lương tâm, hoặc gia đình của những người có tiền tiếp máu từ ngoại quốc gởi về mọc lên san sát dọc theo đường Lê Duẩn, và nhà dân nghèo chằng chịt cái thấp, cái cao với mái tôn rỉ sét lấn chiếm phía sau, không đồng đều lớn nhỏ trải dài trên dốc xuống tận suối Mourier.
Tôi tự nhủ : Không biết chủ nhân của những ngôi nhà đồ sộ vì tiền nước ngoài gởi về có biết rằng anh, em, cha mẹ của họ đang gạt lệ thắt lòng cố sức làm để có chút tiến gởi về cho anh em, hay cha mẹ già sống xứ ngoại bằng đồng tiền trợ cấp, bòn dành những lon bia bỏ thùng rác, rồi đem bán kiếm từng cắc gởi về cho con hay không ! 
Cha mẹ nghèo khổ bên xứ người, lo lắng cho con đói khát, trong khi con ở quốc nội nhởn nhơ đua đòi chờ tiền cha mẹ gởi về đem ra ăn chơi với tụi cám bộ, những đứa con này sao trời để yên vậy !
Trước năm 1963 dân tộc radê đã dùng dốc chân đồi này làm nơi đua voi mỗi lần mừng ngày song thất (7/7) thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Suối Mourie nước trong mát ngoằn ngòeo chảy dưới chân đồi khuất sau những cây cổ thụ bằng lăng, và khúc suối Mourie này nước cạn chưa tới đầu gối bởi đáy suối đã trơ ra những tảng đá lớn mặt phẳng nhẵn như bàn nối sát nhau nên dân Ban Mê Thuột đã đưa xe hơi, hoặc xe Honda xuống giữa dòng để rửa mỗi mùa mưa rừng, nơi đây cũng là nơi ngươi Radê trên Buôn Alê A dắt voi xuống cho uống nước. Bây giờ Buôn Alê A đã mất, nhường lại cho những người họ hàng với cán bộ Cộng Sản từ Bắc đổ vào dùng quyền hạn ưu đãi lấn chiếm đất của dân tộc thiểu số, đúng với câu : Một người làm quan cả họ được nhờ, hay dân làm chủ đảng quản lý…!  
Tôi dừng lại bên lề đường với chiếc vali nhỏ cạnh chân, lấy phương hướng trước khi kéo chiếc vali nhỏ theo sau. Bỗng chiếc xe Toyota 4 Runner màu nâu đậm chạy sát lề đường gần đụng chiếc vali làm lốc bụi đỏ tung lên hắt vào mặt, và đậu cách tôi khoảng ba bốn mét. Tôi nhìn theo chiếc xe lẩm bẩm những lời bất mãn:
      Tài xế của xã hội chủ nghĩa có khác..! . Nếu sát chút nữa có thể nó lấy cẳng mình, Nhà giầu tư bản đỏ Việt Nam coi mạng người chỉ bằng vài trăm đô la nếu sảy ra tai nạn …!
Tôi chợt nhận thấy Hảo, em tôi bước ra khỏi xe, tiếp theo là anh tài xế và người đàn ông mở cửa bước xuống đi theo Hảo về phía tôi. Tôi nhíu mày suy nghĩ :
      Con Hảo này thật quá đáng… Gần 60 tuổi rồi, ba thằng chồng đều bỏ xác ngoài trận chiến vì những viên đạn AK ghim vào ngực , năm đứa con rồi mà vẫn bồ bịch lăng nhăng với mấy thằng cán ngố răng đen mã tấu, mất dạy…!
Tôi chợt nghĩ tới Bình, người chồng đầu tiên của Hảo mới ra trường Thủ Đức về trình diện tại Trung Đoàn 45, cây số 5 lối đi Nhatrang và Pleiku. Thời gian đó Hảo đang có bầu thằng Hùng đứa con đầu lòng, ấy vậy mà chỉ trong vài tháng hành quân, học tập với thực tế chiến tranh, súng đạn mưa rừng, nắng bụi. Tôi đã phải mang chiếc Dog xanh Không Quân chở xác Bình về nhà cho Hảo ngay tại bãi đậu trực thăng của biệt đội trực thăng 215 Thần Tượng trực thuộc Không Đoàn 62 Nhatrang . 
Tôi thương Hảo đứa em mới lấy chồng, ôm đầy hạnh phúc trong lòng nhưng đã vội đội khăn tang trong khi đứa con trong bụng. Tôi tưởng rằng đời Hảo đã yên, nhưng vài năm sau khi mãn tang chồng Hảo lại đi bước nữa với Tùng, Tùng là Sĩ quan Biệt động bạn học của Hảo ngày xưa. Tưởng yên, nhưng chưa yên, số Hảo vẫn không tự mình làm chủ được ha.nh phu c và định mệnh khắc khe, oan khiên bởi chiên tranh! Tùng bỏ lại cho Hảo thêm hai đứa con ra đi vĩnh viễn không kiếm được xác trong trận A-Sao, A lưới. Hảo khóc thảm thiết ôm ba đứa con về sống bên mẹ tôi một thời gian dài, rồi em tôi lại theo lời gọi tình bước thêm bước nữa với Thân. Nhưng 1975 đã đến Thân bỏ xác ngoài rừng thiêng trong lao tù và Hảo ôm tất cả đau thương quằn quại với 5 đứa con quay lại Ban Mê Thuột sống bên cạnh anh em ôm kỷ niệm buồn một đời…!
Tôi nhìn Hảo đi nhanh về phía tôi với lòng trắc ẩn giận, thương lẫn lộn, nhưng khi Hảo tới gần, cười trong sự mừng rỡ, đã làm tôi quên đi nỗi xót xa tưởng chừng không nguôi cho số phân người em bạc phước nhưng đã lắm cuộc tình gian truân. Hảo vẫn ôm lấy tôi như ngày anh em thời tuổi dại:
      Anh về bao giờ mà không phone cho em biết vậy? Mẹ dặn hôm nay anh mày về Ban Mê Thuột, nếu mày có đi đâu cũng nhớ phải đón anh mày, kẻo nó không mang được hai chiếc vali quần áo.
Tôi nhìn Hảo.
      Anh đâu có mang theo gì ngoài cái túi đeo vai, và chiếc vali nhỏ có bánh xe kéo dễ ợt …!
      Mẹ nói anh mày già rồi…! Tóc nó trắng như bố mày. Tụi mày phải đi đón nó
cho mẹ. Vậy là em phải đi đón anh, nếu không mẹ la nghe không nổi đâu. 
      Mẹ lúc nào mà không vậy, mẹ gần trăm tuổi rồi, các em phải chiều mẹ mới được. Kẻo sau này mẹ mất đi sẽ hối hận…! Khi mẹ mất rồi, các em sẽ cầu mong nghe được câu la mắng cũng không có đâu…!
      Ai ma không biết vậy… Nên từ khi ở Mỹ về tới giờ, Mẹ như nữ hoàng..! Cơm đút nước dâng, chẳng ai dám trái ý..!
       Tôi nhìn người tài xế bước tới cúi đầu chào không nói lời nào, trong khi người đàn ông tiến tới bắt tay tôi và tự giới thiệu:
      Tôi tên Nương.
      Tôi Nguyên. Anh của Hảo..
Trong khi Hảo nhìn tôi, rồi quay qua người đàn ông tên Nương. Hảo không giới thiệu, trái lại bằng một cử chỉ thân mật, Hảo ôm vai người đàn ông, và một câu nói nghe lạ tai đối với tôi :
      Đố anh Nguyên biết ai đây…? Hai ông đứng gần nhau cứ như anh em ruột, sao mà giống thế…!
Tôi lắc đầu trong khi liếc nhìn người đàn ông có vẻ trẻ hơn tôi gần chục tuổi.
Tôi nhìn Hảo chừng chừng, giọng mỉa mai :
      Anh chịu thua, vì anh chưa bao giờ gặp mặt ông bạn đây. Mà dường như anh bạn đây là đại gia quyền thế của đảng Cộng Sản, nên em quen biết phải không?
Hảo vẵn giữ nụ cười và làm như không thấy đôi mắt giận của tôi, Hảo nói với người đàn ông tên Nương:
      Anh Nguyên đã ở Mỹ lâu rồi, chẳng biết ai là họ hàng cả. Anh Nương cũng qua Mỹ mấy lần rồi đó. Anh Nương cố kiếm anh nhưng sao hai ông không gặp nhau? 
Tôi chợt nghĩ tới lời mẹ kể khi mẹ còn ở Mỹ về người chị họ của mẹ ở ngoài Bắc, tôi nghĩ thầm.
      Chẳng lẽ thằng tư bản đỏ này là con bà quản Trâm? Nếu đúng thì đám anh em thằng này đều là con bác Tựa Cộng Sản thứ gộc.     
Với ý nghĩ này tôi bắt đầu che dấu tư tưởng của tôi qua sự yên lặng thế thủ và nghi ngờ thằng anh họ quái gở, trong khi Hảo cười lớn. 
      Đây anh Nương con bác Tựa ở làng mình, cháu ruột của mẹ. Hảo quay qua anh Nương  Sao anh Thấy anh Nguyên giống anh không? Hai ông mà đi với nhau ai cũng nghĩ rằng hai ông là hai anh em ruột cho mà coi.
Tôi chợt nghe người lạ tên Nương lên tiếng:
      Nhìn anh giống cái hình của chú Ký Sê ghê đi, nếu giống chú thì tôi và anh đã 90% giống nhau.
Tôi nhìn anh Nương, chào xã giao:
      Ổ anh biết cả tên húy ca cha tôi ?
      Mẹ tôi thường gọi chú là chú Ký Sê, Nghe mẹ tôi kể là chú hồi xưa làm thư ký, và bắt chúng tôi vào Nam kiếm cho được chú.
Tôi quay nhìn thẳng vào mặt người anh họ tên Nương, và giả giọng vui vẻ hỏi:
      Tim cha tôi để thủ tiêu ông phải không? Hồi trước Ông là Thư ký Quốc Dân đảng tỉnh Hà Đông và thêo Pháp…! Anh ti`m trễ rồi…! Cha tôi bỏ xác xứ ngoại mấy năm nay rồi..!
Hảo lắn đầu nhìn tôi ái ngại, trong khi Nương im lặng.
      Anh Nguyên nói gì kỳ cục vậy ? Anh Nương kiếm để nhận họ hàng đó!
Tôi khảo lấp câu chuyện không hay vừa nói ra với nguời Cộng Sản anh em, bằng câu hỏi:
      Anh là con bác Tựa ở làng Thành Lập gần nhà bà ngoại tôi phải không ?
      Phải tôi là út.
      Tôi biết bác Tựa khi tôi còn nhỏ lắm…! Khoảng tám, chin tuổi gì đó..
Anh Nương nhìn tôi :
      Ông già mất lâu rồi, Hồi c òn thực dân Pháp, lúc đó tôi còn trong bụng mẹ hai tháng…!
Hảo nhìn tôi nháy mắt.
      Còn ba ông nữa lận, ông nào cũng làm lớn trong chế độ này ?
Trong lòng tôi bỗng sôi lửa hận, tôi đưa đôi mắt lửa nhìn em sau khi nghe câu "làm lớn trong chế độ hiện nay." , trong khi anh Nương thân thiện ôm vai tôi đi tới chỗ đậu xe. Anh tài xế vội vàng kéo cái vali nhỏ của tôi bỏ lên xe, và Hảo đi sau tôi. Tôi nhìn bàn tay của Anh Nương chợt nẩy ra ý nghĩ: "Bàn tay này có thể bóp cổ mình lúc nào mà mình không hay biết, nếu mình tin vào hắn!" Trong khi anh Nương không để ý tới ý nghĩ của tôi, hắn tự nhiên kể nể :
      Nghe Hảo nói chú về tôi mới vào đấy chứ, nhân thể thăm bà luôn. Trong xóm chú ở trước toàn anh em con cháu của bà không hà. Nhưng tôi ít tới lắm, có khi hai, ba tuần xuống thăm bà một lần rồi đi ngay.
Hảo quay nhìn tồi khẽ lắc đầu:
      Cả nhà chỉ có tôi là hợp với anh Nương, mấy ông bà kia khác tôi.
Sau khi ngồi lên xe tôi hỏi anh Nương.
      Anh ở làng Thành Lập lâu không.
      Ở đó từ bé, lớn lên đi bộ đội rồi 75 bộ chính trị đưa về Ban Mê Thuột, nhưng mãi tới năm 2005 mới nhận ra họ hàng…!
      Tại sao vậy? Bộ anh không kiếm ra mẹ tôi à ? Năm1985 cha mẹ tôi mới qua Mỹ mà!
Anh Nương quay nhìn tôi buột miệng :
      Kiếm chứ sao không ! Sau khi mẹ tôi, chị của mẹ chú nói rằng mày có bà cô họ gần trên Ban Mê Thuột , nghe đâu cô mày có nhiều con lắm, và giầu có mày kiếm cô cho mẹ, kẻo khi tao chết không gặp mặt.
Tôi liếc nhìn Hảo như dò ý rồi quay sang nói với anh Nương :
      Bác còn nhớ tới mẹ tôi.
      Ây, chị em chơi với nhau từ nhỏ, khi bà còn sống nhắc mẹ của chú hoài. Bà còn nhớ tên cô Mỹ và tên cúng cơm của chú, nên bà dặn cả ba anh em tôi
      Nếu tụi mày về làm việc tại Ban Mê Thuột thì tìm cô mày, nó có hai đứa lớn, con gái là Mỹ, con trai là thằng Trống. Ba anh em cứ theo tên củ này hỏi chẳng ai biết. Sau này tìm được bà, tôi mới hiểu ra là chú Minh chồng cô Mỹ biết rất rõ nhưng không nhận chúng tôi.
Hảo thở dài xen vào.
      Tại vì ba ông anh đều là làm lớn của chế độ, mà lúc đó anh Minh đâu có nghĩ rằng ba ông anh đi kiếm họ hàng, hay là kiếm để bắt bỏ tù, nên anh Minh nhà mình không nhận, và cũng không thích mấy ông anh cán bộ chính trị này, anh Nguyên biết không ! Chứ nếu anh Minh nhận thì ba ông sẽ gặp thày trước khi thày qua Mỹ rồi, tiếc thật!
Tôi vừa nói vừa nhìn người tài xế, và anh Nương để xem xét phản ứng của họ:
      Anh Nương biết mà…! Dòng họ nhà mình chia hai Cộng Sản và Quốc Gia đánh lẫn nhau chí chéo, như gà bôi mặt để choảng nhau nên thân. Tôi còn nhớ trong làng họ nhà mình lớn nhất nối liền cả hai làng, Làng Thành Lập và Làng Vân. Chính vì thế mới có kẻ theo đạo Phật, người đạo Công Giáo, đạo Phật thì ở làng Vân, Công Giáo thì ở Thành Lập.
Đạo đời và Quốc Cộng khác biệt nhau từ cội rễ trong dòng họ nên giết lẫn nhau không kể tình ruột thịt.
Thú thực, tới thệ hệ chúng ta tôi không muốn cảnh nồi da xáo thịt như vậy nữa…! Cái cảnh thương tâm này chẳng lẽ kéo dài mãi từ thời ông cố, ông sơ nối tới thế hệ anh và tôi…! Anh nghĩ sao anh Nương ?
      Thôi chú mày cứ vô tư đi. Chuyện đâu còn đó, mấy ông già xưa cổ lỗ.. Tôi và chú, anh em mình khác với những thế hệ trước…!  
Tôi ngạc nhiên vì hai chữ "Vô Tư" anh Nương vừa dùng. Tội hơi gằn giọng.
      "Vô Tư" là sao, anh Nương ? Có phải là thôi mặc kệ cho dòng họ bôi mặt giết lẫn nhau…! Tôi chẳng sợ quái gì cảnh giết chóc này, nhưng tôi không muốn mà thôi. 
Anh Nương quay mặt nhìn thẳng tôi trả lới:
      Tôi nói "Vô tư" có nghĩa là thôi bỏ qua đi, chuyện đâu còn đó, anh em ai mà giết lẫn nhau…!
Tôi chợt nghĩ tới lời cha tôi dặn : "Nếu con muốn làm chính trị, con phải biết giết anh em con trước, vì chúng sẽ không tha con." Tôi liếc nhanh qua mặt anh Nương và nghĩ tới thời còn bé, cái thời mà tôi không biết thế nào là hận thù, thế nào là anh em phản bội lẫn nhau đến nỗi phải từ nhau. Tôi chỉ hiểu lơ mơ rằng hồi đó tôi chạy theo cha ra cổng, và được mẹ tôi hốt hoảng cầm tay kéo lại ôm tôi vào lòng ở giữa sân, trong khi mẹ tôi khóc vùi ướt cả tóc tôi.
Ngoài đường nhóm theo cha tôi tay cầm gậy, cầm mác, hay bất cứ dụng cụ làm ruộng nào có thể cầm làm vũ khí giết người là họ cầm, và chạy theo cha tôi ra giữa cánh đồng làng để chém lẫn nhau không nương tay. Tôi đã nhìn thấy có kẻ máu chảy ướt mặt, có người ôm tay bị gẫy, có kẻ được cáng mang về bỏ nằm song soài giữa sân nhà của nội. Trong khi nội ngồi yên trên ghế trường kỷ trong nhà không nói lời nào, và từ đó căn nhà gác ba tầng sát bên nhà nội đã không bao giờ mở cửa sổ để ông Chánh nhìn qua truyện trò với ông nội như mọi ngày .
Tôi tò mò hỏi nội :
      Nhà ông Chánh hồi này sao đóng mở cửa không mở nữa hả ông nội.
Những lúc tôi hỏi như vậy, tôi thấy mặt ông buồn và có vẻ giận lắm.
      Từ nay cháu không được nhận anh em với nhà bên đó nữa nghe con.
      Tại sao vậy ông ? Ông Chánh, mẹ con bảo Ông Chánh là Chánh Tổng
em họ của ông mà..
      Đồ phản bội… ! Ông chỉ buông ra tiếng thở dài sau khi nói ra ba tiếng này rồi bỏ đi.
Trong thâm tâm tôi cứ thắc mắc hoài về chuyện ông nội tôi và Ông Chánh sao lại từ nhau…! Nhưng tôi đã không có cơ may để hỏi ông nội.
Thời gian trôi qua trong sự băn khoăn, giận ghim lòng của ông nội, tôi đã theo mẹ bỏ làng chạy giữa hai lằn đạn của hai bên Thực Dân Pháp và Việt Minh.
Tôi bỏ làng tan hoang trong cơn mưa bom đạn pháo, và tiếng thét gào ghê rợn của những người dân quê chết cháy trong lửa bom Napan. Xác người lăn lóc dưới cống rãnh, trên bờ ao và lềnh bềnh nổi trên mặt hồ trong khi nước loang màu máu.
Theo ngày tháng tôi càng xa dần quê nội mang theo nỗi nhớ trùng trùng.
Khi mẹ, và anh em tôi an bình bên cạnh chùa Pha Đen, chiều chiều nghe tiếng chuông ngân làm vui cuộc sống trong bần hàn cơ cực của mẹ. Mẹ tôi đã nuốt lệ tìm và chờ chồng nuôi con giữa thành phố Hà nội sa hoa đô hội thời thực dân Pháp.
Những ngày đó tôi thường ngồi thủ thỉ với mẹ, và có một ngày mẹ đã kể cho tôi nghe chuyện ông Chánh, và ông Nội tại sao phải từ nhau, mẹ tôi kể rằng :
      Ngày đó ông tôi giàu nhất làng, có tới vài chụ mẫu ruộng tư điền do ông cố của tôi để lại, nên có tiền đưa cha tôi đi Hà Nội ăn học, nhưng cha tôi đã bỏ dở học hành theo kháng chiế n vào khu chống thực dân Pháp của thời thanh niên tiền phong, nhưng sau khi nhận biết được mặt trái của đảng Lao Động, Việt Minh, cha tôi bỏ khu về tỉnh chống Thực dân và chống luôn cái đảng mà ông đã đi theo, thế là cha tôi đều bị Cộng Sản và Thực Dân Pháp hăm doạ bắt được sẽ giết.
Ông nội tôi tuy có đất, có ruộng vườn nhưng ông không thích làm Chánh Tổng và tiếp tay với Thực Dân hà hiếp dân lành. Ông Kiệm bèn hỏi ông nội tôi cho mượn ruộng đất để thế chân làm Chánh Tổng, bởi vậy ông Kiệm mới có cái tên là ông Chánh. Sau khi làm chánh tổng ông Chánh lấy quyền cướp luôn đất ruộng của ông nội, ông nội đòi nhưng Ông Chánh không trả, lại còn báo cho Thực Dân, và Việt Minh biết cha tôi hoạt động chống họ. Từ đó cha tôi không bao giờ ngủ một đêm một nơi, và kiếm đường đi trốn biệt tích không về làng.
Cộng Sản đã phao nhiều tin thất thiệt về cha tôi như : Cha tôi đã bị Thực Dân bắn chết, hay đã bị Việt Minh bắt ổ chỗ này hay chỗ khác, hoặc có kẻ đã nhìn thấy xác cha tôi trôi song…!
Mỗi lần mẹ tôi nghe tin chẳng lành như vậy lại ngồi khóc âm thầm trong bếp, và lại tìm cách đi tới chỗ có tin đồn về cha tôi để hỏi thăm sự cố ra sao.
Một đêm du kích Việt Minh đã gõ cửa nhà tôi, họ mang mẹ tôi đi điều tra về cha tôi tới sáng mới thả về, khi về tới nhà, tôi nhìn thấy tay trái mẹ ôm tay phải bị gẫy, và thất thểu bước vào nhà ngã người trên giường khóc, anh em tôi thấy vậy chạy lại hỏi han, và cùng ôm lấy mẹ khóc ròng.
Từ đấy sau khi chữa khỏi cánh tay gẫy, mẹ tôi quyết tâm tìm cơ hội bỏ làng, nhưng không cho chị em chúng tôi hay, vì mẹ sợ lộ trong khi du kích cứ lảng vảng theo sát mẹ để mong bắt được cha tôi.
 
Quê tôi là vùng xôi đậu, sáng Thực dân pháp kéo về làng thỉnh thoảng bắt vài thanh niên để tra tấn hành hạ đến ngất ngư, rã rượi với mục đich hỏi ai là du kích Việt Minh trong làng, hoặc có thể bắn chết một vài người mà họ đã mang từ làng khác về, đôi khi họ bắn người trong làng để thị oai với dân như một trò chơi hàng ngày không thể không có của họ.
Mỗi lần thực dân Pháp về làng là sẽ có một vài thiếu nữ trong làng bị họ bắt mang vào chỗ kín, hoặc đem về đồn hiếp dâm tập thể, hay bắt buộc làm vợ của một tên lính lê dương. Đã có nhiều cô gái bị chết vì sự hành hạ nô lệ tình dục dã man, và xác bị vất xuống ao, hồ. Có kẻ đã mang thai và khi sinh ra thì đứa con oan nghiệt lại mang màu da đen, hay màu trắng pha trộn với màu da của mẹ, nên khác biệt với những đám trẻ trong làng, và càng làm cho ngươì mẹ đau khổ hơn, bởi những tia mắt nhìn soi mói của dân làng.
Những người đàn bà xấu số này đâu có được yên..! Bọn du kích tìm đến tra hỏi vì tội có con với thực dân Pháp, và người đàn bà này cũng lại bị du kích Việt Minh đe doạ khủng bố hang ngày, và chỉ còn cách duy nhất là mang thân ra trao đổi làm vui cho bọn quỷ sứ để được yên phận nuôi đứa con oan nghiệt, để rồi một đời nhịn nhục , một mình tủi thầm trong buồng vắng, và không ra khỏi nhà sau công việc bắt buộc ngoài đồng kiếm ăn cho sự sống còn…!
 Đêm xuống du kích Việt Minh về làng, bắt dân đi họp học tập kiểm thảo chống thực dân pháp, và thu thuế nuôi chiến binh. Nếu có ai vì mệt mỏi công việc đồng áng không thể đi họp, hoặc nghèo không thể đóng thuế sẽ bị du kích Việt Minh cho là phản động, và ghi vào sổ đen chờ ngày họ tới nhà bắt chủ gia đình vào giữa đêm đem di mất tích. Vài hôm sau dân trong làng sẽ nghe được tin có một xác chết trên cánh đông không có đầu, hoặc tin họ nhìn thấy cái đầu trôi trên sông Cái (sông Hồng).
      Sao chú ngồi yên vậy? Chú Nguyên, tới nhà rồi đó, bà đang mò lên đưới dốc kia kìa.
Tôi quay lại nhì anh Nương và phóng mắt nhìn xuống dốc, tôi thấy mẹ đang vội vã chống gậy bước lên dốc một cách thoải mái khoẻ mạnh, tôi nói với Hảo.
      Ồ, Mẹ vê VN ở có mấy tháng mà khoẻ ra, bước mau gớm…! Khi mẹ ở Mỹ ôi thôi, kéo mẹ ra khỏi nhà đi mấy bước cũng không được.
      Mẹ còn lẩm cẩm không Hảo ?
      Đâu có, mẹ minh mẫn quá trời, nhớ từng tên hơn ba chục đứa cháu.
Anh Nương quay nhìn tôi nói.
      Bà về đây khoẻ lại thật đấy chú Nguyên. Chú để bà ở lại VN đi, bà già rồi chẳng ai hỏi han gì đâu. Khi chú Thanh đưa bà về tôi xuống thăm, bà nhận tôi là cháu ngay sau khi tôi kể tên mẹ của tôi. Mấy tuần đầu mới về bà có vẻ quên nhiều người họ hàng ngoài Bắc, bây giờ thì nhớ đủ thứ, mỗi lần tôi xuống là bà kể chuyện mẹ tôi, và mấy người bạn cũa của bà. Bạn của bà ngoài Bắc đã chết hễt rồi, chỉ còn bà là sống dai đáo để…!
Mẹ tôi đứng lại trước đầu xe, trong khi xe cũng vừa đừng lại. Tôi mở cửa bước xuống trong khi các chị em, cháu chắt tôi chạy ra vây quanh. Tôi ôm lấy mẹ, mẹ tôi cười mắng với giọng yêu thương:
      Mày thì lúc nào cũng ôm lấy mẹ…! Mẹ mà mất rôi con ôm ai…? Con gìa rồi… Hơn sáu chục rồi mà như con nít … bỏ mẹ ra đi… hàng xóm nhìn thấy kỳ lắm…!
      Mẹ nhìn đồng hồ thấy 6:00 giờ mà anh chưa về. Mẹ chống gậy định lên đầu dốc đứng chờ … Quế, em gái tôi nói.
      Sao mẹ không ở nhà, trước sau gì con cũng về nhà mà…! Tôi nói với mẹ.
      Quỷ..! Sao mà xe hôm nay đi lâu thế…! Mọi khi mẹ thấy 5:00 giờ là xe về tới bến .. Mẹ lên đầu dốc mấy lần, chẳng thấy con đâu cả.  
      Anh Nương chở con về nhà em Hảo, để Hảo dặn con cháu sau đó Hảo theo con về đây nên trễ đó mà…!
Mẹ tôi nhìn quanh tìm Hảo.
      Ôi giờì…! Con Hảo ai mà tin được nó…! Nó đi tối ngày…! Thằng ôn dịch Cộng Sản nào cũng anh anh, em em được.
Hảo nhìn mẹ tôi bất mãn ra mặt.
      Con đi với anh Nương chứ đi với ai mà mẹ nói kỳ vậy.
      Thì đi với thằng Nương, mà thằng nương không phải là Cộng Sản à..!
Anh nương cười xòa.
      Con Công Sản bao giờ…? Sao cô biết…!
Mẹ tôi liếc nhanh anh Nương.
      Mày không là Cộng Sản, thì bố mày là Cộng Sản…!
Tôi ôm vai mẹ, nói đùa cho anh Nương khỏi mích lòng.
      Bà ơi bà…! Con cũng là con cháu Cộng Sản gộc đây…! Bà có ghét cũng huề vốn…! 
Anh Nương vào nhà, anh em nói chuyện với nhau những câu truyện về làng Thành Lập, làng Vân. Tôi hỏi thăm anh những người bạn cũ của tôi và hiểu rằng đa số những người bạn của tôi đã qua đời. Bỗng dưng tôi hỏi anh Nương:
      Anh biết tên người nào là Mến, em của chị Mộ con bác phó Tập không ?
Anh Nương nhìn tôi thốt lời :
      Trời đất, phone lúc nãy là phone của con bà Mến gọi cho tôi. Bà ta có năm đứa con, hai trai ba gái. Hai thằng con của bà Mến làm dưới quyền tôi ở gần sống Bé mà, khi nào rảnh tôi chở chú tới gặp thằng Khôi. Con lớn của bà Mến.
      Bà Mến còn sống không ?
      Mất lâu rồi! Chú quen bà Mến à? Mấy chục năm mà còn nhớ dai nhỉ !
Tôi gật đầu không trả lời anh Nương, trong lòng tôi tự nhiên vương lên hình ảnh cô bé hay khóc luôn chạy theo tôi bắt đền đủ thứ, và tôi cũng thường dắt Mến tới bên gốc gạo đuổi bắt bông gạo đỏ lìa cành rơi xoay xoay trên không, Đôi khi cùng Mến và các bạn chơi trò cưới hỏi trẻ con, những lúc chơi như vậy tôi luôn làm chàng rể và Mếm luôn làm cô dâu.
Thời gian đã qua thật nhanh, tôi bỏ làng năm mười tuổi xa Mến, bỏ làng đã hơn 50 năm, tuy nhiên mỗi lần nói tới làng Thành Lập là tôi chợt nghĩ tới cô bé khóc nhè dai dẳng ngày cũ, nước mũi chảy thò lò lấy tay quẹt ngang, mớ tóc dày rối bù luôn ôm vạt áo dạp chân xuống đất khi tức giận, và lẽo đẽo theo sau tôi bất kỳ chỗ nào. Hình ảnh làng Thành Lập luôn ẩn hiện trong tiềm thức với nóc nhà thờ cao vút, và những con đường dọc, ngang mà tôi đã một thời đi qua.
Ban Mê cũng là một đớn đau dài khôn nguôi khi thân xác tôi lớn lên và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Ban Mê đã thay đổi không còn như những cô gái thượng hiền hoà ngày cũ, mà là một cuộc sống lam lũ nghèo khổ dưới sự che đậy bề ngoài bằng những dinh thự mới xây dựng của các tư bản đỏ Cộng Hưởng ăn cướp. Dân khổ nhục xả than chỉ mong sao kiếm nổi một bữa ăn tối cho đêm bớt lạnh.
Xã hội cộng Sản không có tình người, tôi chỉ nghe được hai tiếng"Vô tư" buốt lạnh từ miệng của những người Cộng Sản, và tiếng thở dài lén lút của dân.
Tất cả đã qua…! Thơ ấu không trở lại mà chỉ con tiếc nuối mơ hồ hồng hoang…! Tuổi xanh mộng mơ bội vã mất biến trong cơn lốc thời cuộc…!
Bây giờ nửa đời bến lạ ôm ký ức tuổi thơ về lối cũ…!
Những gì nắm chặt trong tay rồi cũng sẽ mất, thời gian sẽ làm mọi thứ đổi thay…!
Những người Việt hải ngoại cũng sẽ trở về khi không còn quân cưỡng chiếm, độc tài, và tôi sẽ mang tất cả sóng lòng vỗ mạnh vào nước phù sa Sông Hồng trào dâng vào ruộng đất quê tôi, để đất mềm bung lên xoá đi nỗi thương lòng dòng họ ngày cũ, những hạt cỏ dại tình người sẽ mọc, hoa sẽ đơm bông và tiếng chuông chiều lại ngân vang vọng như mơ trong sương chiều quê nội !
Quê Hương ơi… Có phải là nỗi đau dài?
 
San Jose Mar. 23, 2007