Tạp ghi

Chuyện ít biết về thi sĩ Bùi Giáng

Vũ Đức Sao Biển

thi si Bui Giang

Bùi Giáng và nhà thơ Lê Minh Quốc năm 1995

 

Đọc thơ Bùi Giáng, dễ thấy ông gồm thâu được ba tố chất: thi tiên, thi thánh, thi Phật và trên hết ông sống một đời chẳng vướng bận hay bị ràng buộc vào những tập quán, lề thói của xã hội.

Nằm ngủ trên nền đất ướt

Thi sĩ Bùi Giáng sống thật thoát tục, nghĩa là ở đâu, ông cũng sống được. Ông Bùi Luân ở nước ngoài về, tìm thăm anh ruột Bùi Giáng vào một đêm mưa tháng 7.1991. Ông Luân nhớ lại: “Sài Gòn đang mùa mưa; mấy con hẻm lầy lội; tôi khó nhọc lắm mới tìm ra nơi anh cư ngụ. Đang băng qua vườn cây tối om để vào nhà, thì tôi vấp suýt té nhào: Ôi, chính là anh. Anh đang ngủ. Anh ngủ mê man trên đất ướt nhèm. Tôi gọi tên anh thật lớn, thật nhiều lần. Tôi cũng xưng tên tôi ra; thật lớn, thật nhiều lần.

– Luân về đó hả? Luân về đó hả? Luân về đó hả?

Anh lặp đi, lặp lại ba lần cũng thật lớn; rồi lại thiếp đi… Tôi có cảm tưởng như anh hỏi tên tôi rồi gọi lên trong mơ, trong mê. Tôi tìm cách dìu anh vào nhà… Tôi ngỡ anh say; song không có mùi rượu. Anh tiếp tục ngủ. Tôi trở về quán trọ”.

Con người Bùi Giáng thật sướng, chẳng vướng hệ lụy nào, chẳng bị ràng buộc nào, kể cả những tập quán, lề thói của xã hội. Ông muốn làm gì thì làm, muốn nói câu gì thì nói, muốn ghẹo ai thì ghẹo. Ông mua một cây thuốc rê, loại do bà con ở Quảng Nam làm giống như chiếc gối ôm của trẻ con, nhét vào một cái bao vải làm gối. Khi cần hút thuốc, ông xé một miếng giấy từ quyển tập để làm thơ vò cho mềm đi rồi cho tay xuống “gối” bứt thuốc rê quấn vào làm ra điếu thuốc. Ông ăn mặc tuềnh toàng như đại khất cái, đôi mắt kiếng gãy gọng cũng không thèm thay. Ưng vào bất cứ nơi nào, ông cũng vào được.

Ta đã hái nhành hoa kia của đá.

Và đã trao cho nham thạch phiêu bồng.

Dù vậy, thơ Bùi Giáng vẫn hiện ra những câu bay bổng tuyệt vời, như có như không giữa một đời trần tục.

Còn đất trắng mờ sương gieo giọt nhỏ/Trút cho đời vũ trụ mọc hoang liêu.

Hay: Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?

Ta đi, gởi lại đôi dòng

Lá rơi có dội vào trong sương mù?

Làm thơ khi có rượu

Cũng giống như Lý Bạch, ông chỉ làm thơ khi có chút rượu vào. Người ta bảo ông điên; ông cũng tự nhận mình là điên. Ông điên một cách vi vu; lúc nào cũng có thể uống rượu được. Cuộc rượu của ông cũng giản dị, chỉ là rượu đế; có mồi càng tốt, không mồi cũng chẳng sao. Chữ dùng của ông thường nói là “uống rượu qua loa”. Ấy là vì ông hiểu sẽ có một ngày ông phủi tay trước cuộc đời:

Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ

Bụi thu mờ ai phủi với hai tay.

Ai đã gặp, đã sống và đã chơi với nhà thơ Bùi Giáng đều biết ông là con người nghịch ngợm một cách rất dễ thương. Đường ĐT 610 – con đường đi từ quốc lộ 1 lên khu đền tháp Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), nối vùng đông và vùng tây Duy Xuyên đi qua làng ông ở ngày xưa vốn là đường đất đỏ, đổ đá lởm chởm. Nhà Bùi Giáng cách đường ĐT 610 chừng một trăm mét. Buổi sáng, ông ra cái giếng nước trước nhà tắm rửa tử tế, mặc bộ quần áo đẹp rồi ra đường… đứng đón mấy chị gánh mít chín đi bán.

Bùi Giáng thường hỏi: “Mít ở mô gánh bán rứa hỉ?”. Chị bán mít nào trả lời: “Mít ở Phú Đa” hay “Mít ở Kiểm Lâm xuống đây anh” là Bùi Giáng có thể đón lại mua mở hàng cho. Còn ai trả lời: “Mít ni bên Đại Lộc qua đây, ngon lắm!” thì dù là mít ngon thiệt tình nhưng Bùi Giáng vẫn không thèm mua. Có người thắc mắc hỏi ông tại sao vậy. Bùi Giáng giải thích: Mít Phú Đa hay mít Kiểm Lâm gánh xuống là mít đi theo đường bộ. Còn mít bên Đại Lộc qua là “mít qua đò”. Ngày ấy, giữa hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc không có cây cầu, người ta phải đi đò buôn bán. Mít qua đò nói lái theo kiểu Quảng Nam là… mò qua đít. Và hễ đã mò qua đít thì Bùi Giáng dứt khoát không mua!

Thơ ông minh triết một cách kỳ lạ. Chê ai, ông chê tràn; khen ai, ông khen nức nở. Tính cách Quảng Nam mà, không khoan nhượng ngay với suy nghĩ của mình. Con người có đôi mắt ấy nhiều khi viết ra những câu thơ thần bút khiến người ta kinh ngạc.

Trong linh hồn một bông hoa

Hình như có cõi người ta đàng hoàng

Ở trong một phút lang thang

Có hồn dâu biển đa đoan cơ trời.

Ngay trong những bài thơ nói về sự đau đớn, Bùi Giáng cũng nói với một giọng điệu minh triết, chừng mực.

Đi về gót hẹn điêu linh

Suốt bờ cõi lạnh sương thình lình gieo

Đi về hồng lệ tuôn theo

Mắt màu thu nhạt gió leo chân trời.

Nhiều người cho rằng muốn thể hiện chất Phật thì thơ (hoặc ca từ nhạc) phải có các thuật ngữ niết bàn, luân hồi, vô ngã, vô thường, vô tướng, sám hối, giải thoát, cát bụi, hương sen… Bùi Giáng không vậy. Ông không sử dụng một thuật ngữ nào trong kinh điển đạo Phật nhưng thơ của ông vẫn hàm chứa Phật tính cao cường, Phật lực mênh mông.

Ngày sẽ hết, tôi sẽ không ở lại

Tôi sẽ đi và chẳng biết đi đâu

Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi

Vì nơi đây, tôi sống đủ vui sầu.

Trong thơ Bùi Giáng, có nụ cười khoan dung, cởi mở tràn đầy Phật tính của ngài Di Lặc. Bọn trẻ thấy ông ăn mặc lạ lùng, tóc tai lãng mạn, ban đầu thường sợ hãi. Hễ ông đến thì bọn trẻ lại thụt lùi, muốn chạy. Nhưng không, ông chỉ mong được chơi với chúng:

Các con đi bước thụt lùi

Xa xa nhìn thấy ông Bùi chịu chơi.

Đạo Phật coi tấm thân của con người là cái túi để đựng xương thịt, vốn chỉ là tạm bợ, hữu hạn. “Sinh ký, tử quy” –Sống gửi, thác về. Ngày con người chết đi mới là ngày đại hoan hỉ. Bùi Giáng cũng có quan điểm gần với tư duy ấy. Ông viết:

Thân là máu, thịt và xương chia biệt

Quả tim mềm sao quá dễ tổn thương

Tình cao quý vẫn là dây oan nghiệt

Ngắn vô cùng lần phùng ngộ với vô biên.