Tin Văn Thơ Lạc Việt

Chinh Nguyên : Văn Học Nghệ Thuật cuối tuần tại San Jose.

Kiều Trang, Hoàng Mộng Thu, Huỳnh Phú và KQ  Lê Văn Hải mong được Quý Niên Trưởng Và Quý Chiến Hữu tham dự và cổ động cho 2 sinh hoạt cộng đồng cuối tuần này:
 
-Chiều nhạc: Nhớ Về An Lộc –Bình Long Anh Dũng. ( Xen bài Thư Sinh đính kèm) Lúc 2 giờ chiều  Thứ Bảy 25 tháng 6/201. Tại Mount  Pleasant High School 1750 S. White Road,  San Jose Ca 95127. Vào cửa tư do!
 
-Buổi ra mắt tuyển tập thơ: Nỗi Niềm Viễn Xứ của Nguyên Hà. Lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật 26 tháng 6/ 2011.  Tại Hội trường ViVo 2260  Quimby Road, San jose Ca 95112. Do Lê Văn Hải Trưởng Ban Tổ Chức Và Chinh Nguyên Chủ Tịch Cơ Sở Thi Văn Lạc Việt bảo trợ.  Vào Cửa tự do và có  thức ăn nhẹ. Trân trọng kính mời.
 

 
Thông cáo Văn Thơ Lạc Việt

Trân trọng kính mời :

Quí vị đến tham dự buổi ra mắt tuyển tập thơ của thi sĩ  Nguyên Hà.

Tại :
Hội Trường VIVO
2260 Quimby Road.
San Jose, CA. 95122
Tel (408) 532 -7755
Giờ : Từ 1:00 tới 4:00 chiều  
Ngày 26 tháng 6 năm 2011

Sự hiện diện của quí vị là niềm hãnh diện cho tác gỉa, và anh chị em chúng tôi.
Mong được đón tiếp quí vị để thắt chặt tình giao hảo trong giới hoạt động văn học và thân hữu.

Trân trọng.

TM Ban tổ chức .
Chinh Nguyên
 

 
 
 
 
 
 
 

 

 
Một Tuần Tản Mạn:
 
SAU QUÂN LỰC, TỚI AN LỘC BÌNH LONG ANH DŨNG
 
* Thư Sinh
 
Từ Chủ Nhật 19 tháng 6 vừa qua, kể như ngày kỷ niệm Quân Lực của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đã được vinh danh và công nhận bởi ông chủ tịch Dave Cortese và 5 vị  giám sát viên quận hạt Santa Clara. Vì trong buổi lễ do anh em ta tổ chức tại hai nơi tiền đình và O Vờ Pheo, đã được chính ông ấy đến thăm và trao cho mỗi bên một tấm bằng lộng kính, được gọi là “Proclamation”.
Chỉ tiếc, ông Dave Cortese tới “bên này” khi buổi lễ tới hồi kết thúc, nên không được nhiều đồng hương chứng kiến. Vì bà con ta vốn có thói quen, ra về sớm, sau khi phần chính của buổi lễ đã xong.
Mà nói đến chữ “nhiều”, thì tôi bỗng tơ tưởng đến những con số. Cụ thể, là số khách tham dự. Phía “bên kia  tôi không nắm rõ, mà chỉ được kể rằng: Đông lắm! Còn phía “bên này”, tôi cũng chỉ dám dưa ra một nhận xét: Đông hơn năm ngoái!
Cả hai con số ở hai nơi, mang tính trừu tượng. Nên kể như… huề. Và tôi khỏi mất lòng ai.
Tuy nhiên, tính cách long trọng của buổi lễ, một phần được tăng thêm  bởi sự hiện diện của những vị khách liệt vào hàng V.ỊP; nhất là các vị tướng. Theo thời gian, các “vì sao” cứ rụng đần. Nhiều vị còn mai danh ẩn tích, vì ra lệnh cho lũ em đoàn kết, chẳng đứa nào thèm nghe. Nên rút cục, ở vùng này chỉ còn vài vị đến với ngày Quân Lực.  Năm này, “bên kia” mời được hai vị, “bên này” thỉnh được một vị .   Tỉ lệ, là 2/1. “Bên kia” có Đề Đốc Trần Văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân, và Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, xếp sòng Trung Ương Tình Báọ “Bên này” có Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh binh chủng Thủy Quân Lục Chiến.
Tôi không biết, khi xướng ở phía “bên kia”, nhị vị tướng quân nhận được những tràng pháo tay dòn đã như thế nào. Nhưng ở “bên này”, vì là tướng chiến trường và từ xa đến, nên Tướng Bùi Thế Lân đã dược đồng bào và anh em quân nhân các cấp chào đón nồng nhiệt, cả lúc đến cũng như lúc về. Lúc đưa ông ra về, ngoài thủ tục chào kính kiểu nhà binh với nhau, ông và thuộc cấp còn siết tay nhau thật chặt, như thầm hẹn sẽ… gặp lại năm sau.
Năm sau, vẫn còn ở hai nơi?
Hay, năm sau, chỉ là một?
Câu hỏi, chắc còn quá sớm để có một câu trả lời cho thật chính xác. Chỉ hi vọng, nếu quả thật thời gian là những liều thuốc tiên – thì cái “lằn ranh
Quốc cộng” đầy tưởng tượng một chiều đó, sẽ bị xóa bỏ. Lúc đó, anh em ta sẽ… mình với ta tuy hai mà một. Chẳng cần lôi thôi “oong đơ” gì hết. Cứ ngày Quân Lực nhập làm một, ắt sẽ đông dzui hết biết, sẽ đỡ hao tài, đỡ phải cầu cạnh hoặc lệ thuộc quá đáng vào cái mồi nhử “địa điểm” của các ông các bà dân cử tại địa phương này. Họ đến với những lễ lạc trong cộng đồng ta, chẳng có mục đích nào khác ngoài việc kiếm phiếu. Các đàn anh, những vị lãnh tụ cộng đồng đều nắm tỏng tòng tong những ý đồ đó đấy chớ! Thế nhưng, tại sao ta vẫn cứ “bổn cũ soạn lại” đến nỗi ngày Quân Lực cứ bị cưa đôi? Và câu trả lời sẽ là, biết rồi khổ lắm nói mãi. Càng bàn ra tán vào càng mất đoàn kết. Nên Thư Sinh tôi xin tạm ngừng ngày Quân Lực 19/6 tại đây; và hẹn tái ngộ các bạn vào năm tới!
Và bây giờ, tôi xin nói đến chuyện khác. Cũng là một chuyện dính dáng tới quá khứ và những kỉ niệm. Khi tôi nhận tấm flyer mời gọi tham dự một chương trình văn nghệ mang tên “Nhớ về An Lộc Bình Long Anh Dũng” do Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn thực hiện vào lúc 2 giờ chiều ngày Thứ Bẩy  25/6, tại Mount Pleasant High School (1750, South White Road, San Jose).
Trên tấm flyer đó, có ghi huy hiệu vè tên tất cả những đơn vị quân binh chủng, đã trực tiếp tham gia vào trận đánh kéo dài gần một trăm ngày tại thị xã An Lộc (Bình Long) vào năm 1972: Không Quân, Địa Phương Quân, Biệt Dộng Quân, Nhảy Dù, Biệt Kích Dù, các Sư Đoàn Bộ Binh 5, 9, 18 và 21.
Thời gian đó, tôi đang phục vụ tại tiểu đàn 46 Pháo Binh, một đơn vị Tổng Trừ Bị cho Quân Đoàn III, và thường yểm trợ pháo binh trực tiếp cho binh chủng Biệt Động Quân. Nên khi Biệt Động Quân vào An Lộc, tiểu đoàn 46 Pháo Binh cũng đi theo.
Tôi cũng: “Ra Dzô” An Lộc nhiều lần, bằng trực thăng, một phương tiện duy nhất. Vì đường bộ thường mất an ninh, và phi trường An Lộc đã bị hư hỏng. Trực thăng cất cánh từ căn cứ Long Bình, bay thật cao, rồi đáp xuống quốc lộ 13, theo thế rơi tự do, vì để tránh phòng không của địch.
Đúng ra, tôi không nhất thiết phải đi công tác theo kiểu “lên ruột” như thế. Vì với chức vụ một Sĩ Quan Thủ Quỹ trong đơn vị, tôi chỉ cần giao nhiệm vụ này cho vị pháo dội trưởng hoặc nguồi hạ sĩ quan thường vụ pháo đội, là kể như an toàn xa lộ. Nhưng vì  lúc ấy còn trẻ, thích chơi ngông với các anh sĩ quan cấp Trung Đội Trưởng hoặc Pháo Đội Trưởng cùng trang lứa, nên thỉnh thoảng tới kỳ phát lương, tôi cùng hai anh hạ sĩ quan tháp tùng, xách tiền, vài chai rượu mạnh, và mấy cây nước đá- quá giang anh em Biệt Động Quân, bay vào An Lộc. Mỗi lần phát lương như vậy, thường thì tôi ở lại một đêm nhậu nhẹt tưng bừng, rồi ngày hôm sau, leo lên trực thăng trở về hậu cứ đơn vị.
Những lần ra dzô như vậy, kể ra cũng le lói chán. Cũng áo giáp nón sắt, trèo lên mấy chiếc tăng T.54 bị quân ta bắn hạ, rồi vặn vẹo thân mình cho ra vẻ oai hùng, để chụp mấy tấm hình làm kỷ niệm. Rất tiếc, mấy tấm hình kỷ niệm một thời chinh chiến đó, đã lập tức bị thiêu hủy ngay sau ngày 30 tháng Tư oan nghiệt. Chớ nếu chúng cũng theo tôi vượt biên thì phải biết. Vì chúng sẽ giúp tôi…. tạo credit!
Nay, dù năm tháng qua đi, nhưng bộ nhớ trong đầu vẫn còn ghi đậm hình ảnh một thị xã An Lộc hầu như bị thành địa sau cuộc chiến. Một trung đội Pháo Binh thuộc tiểu đoàn tôi, đóng ngay tại bến xe thị xã An Lộc, chỉ đi khoảng 2 trăm thước, là sẽ đến một nghĩa địa vuông vức, dành cho những anh em Biệt Kích Dù đã hy sinh trong trận cân chiến đánh toàn bằng lựu đạn mini để dành từng tấc đất trong thị xã. Vì thiết được lập vội, nên nghĩa trang không mang một vẻ gì được gọi là hoành tráng. Nhưng ngoài cổng, có ghi hai câu đối, mà có lẽ chúng ta, và nhiều thế hệ sau này, sẽ phải ghi nhớ mãi, khi ôn lại hình ảnh oai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa:
“An Lộc Địa Sử Ghi Chiến Tích,
Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân”.
Hai câu đối bất hủ trên, gốc Hán tự. Nhưng có điều kỳ diệu là, dầu chẳng cần phải giải nghĩa, mà thế hệ như tôi và bạn vẫn hiểụ  Vì hầu như, hễ nhắc tới hai câu đối đó, thì những kỷ niệm bi hùng của dời quân ngũ, cứ ùn ùn kéo về! Chúng lại còn đến với chúng ta mạnh hơn nữa, mỗi khi anh em ta tổ chức ngày Quân Lực.
Tới hôm nay, ngày lễ Quân Lực cũng đã tạm xong. Những ồn ào đó cũng đã lắng xuống. Nhưng kỷ niệm đời lính, vẫn tiếp tục gợi lại, qua chương trình văn nghệ do Biệt Đoàn Lam Sơn tổ chức.
Trong biệt đoàn, có một người nữ ca sĩ kỳ cựu, từng phục vụ Tiểu Đoàn 50 Chiến Tranh Chính Trị. Đó là ca sĩ Kiều Trang. Và tôi thực sự xúc động khi nghe chị kể về mối tình vừa đẹp vừa bi hùng giữa chị và anh sĩ quan mang lon đại úy tên Lê Bắc Việt, Mối tình, kết thúc rất đẹp, qua một đám cưới. Nhưng “cưới xong là đi”. Anh chồng gốc Chiến Tranh Chính Trị đó, đã thênh thang đi vào gian khổ chiến trường, và đã mất tích tại chiến trường An Lộc.
Từ đó đến nay, đã là bốn chục năm. Người vợ chung thủy, vẫn cố công đi tìm xác chồng. Nhưng kết quả, vẫn chỉ là một niềm thất vọng triền miên.
Trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam, không thiếu những mối tình lâm vào tính huống kể trên. Nhưng thực hiện một chương văn nghệ, qua sự giúp đỡ của Biệt Đoàn Lam Sơn, để tưởng nhớ tới chồng mình – thì quả thực, cô ca sĩ này vượt lên khỏi những chuyện nhi nữ thường tình.
Nhưng có thật, chương trình văn nghệ này, có chỉ mang tính chất riêng tư không, khi tất cả chúng ta lúc nào cũng hoài niệm về quá khứ, về những khổ đau pha lẫn hạnh phúc, trong suốt chiều dài cuộc chiến.
Nên đến với buổi văn nghệ mang chủ đề “An Lộc Bình Long Anh Dũng”, đồng nghĩa với việc chúng ta cùng nhau nhớ lại và vinh danh tất cả các anh em đồng đội đã hi sinh trong trận chiến lừng danh tại thị xã An Lộc rồi vậy.
Hẹn bạn tại buổi văn nghệ đó! Nghe bạn.
 
Thư Sinh