Bình luận

CHIẾN DỊCH TỐ CÁO (Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh)

 
 
Việc cựu Đại tướng Colin Powell quả quyết ủng hộ ứng cử viên Tổng Thống Barak Obama đã gây sửng sốt cho cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Powell là một trong số những người Cộng hòa được kính mến nhất ở Mỹ. Vị Đại tướng 4 sao này trước đây đã từng là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Ronald Reagan (CH), Chủ tịch Ủy Ban Tham mưu Hỗn hợp Quân lực Mỹ trong lúc có cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (thời TT George H.W. Bush) và Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ I của TT Bush hiện nay. Trong cuộc tranh cử Tổng Thống năm nay, từ năm ngoái Powell đã ủng hộ ứng cử viên của đảng ông John McCain. Vậy tại sao bây giờ ông đổi ý?
 
Tướng Powell là người Mỹ gốc Phi châu trước đây đã từng có ý định ra tranh cử Tổng Thống. Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài NBC hôm chủ nhật Powell nói quyết định của ông ủng hộ Obama không phải vì vấn đề mầu da, như việc ông ủng hộ McCain lúc đầu đã chứng tỏ. Từ 10 tháng trước đây ông đã thấy cần phải lựa chọn giữa hai người. Powell nghĩ Obama là "biểu tượng cho một sự biến đổi của lịch sử nước Mỹ", Obama thuộc một thế hệ mới đang lên trong cuộc diện nước Mỹ và cả thế giới. Ông nói việc bầu Obama làm Tổng Thống Mỹ sẽ như một luồng điện kích thích nước Mỹ và hoàn cầu. Ông nói: "Việc một người Mỹ gốc Phi được bầu làm Tổng Thống Mỹ sẽ là một biến chuyển lịch sử. Việc này sẽ làm người Mỹ hãnh diện, không chỉ riêng người Mỹ gốc Phi, mà tất cả mọi người Mỹ, bất luận mầu da hay sắc tộc nào". Với sự ủng hộ của Powell, Obama nói sau khi đắc cử Tổng Thống ông sẽ mời cựu tướng Colin Powell làm cố vấn cao cấp cho ông về các vấn đề an ninh quốc gia, một chức quan trọng hàng đầu cho Tổng Thống. Như vậy, Obama đã bác bỏ được những lời chỉ trích nông cạn nói ông thiếu kinh nghiệm về chiến tranh và các vấn đề an ninh nội ngoại.
 
Cựu tướng Powell nói ông đã thất vọng vì luận điệu tiêu cực trong cuộc vận động tranh cử của McCain. Ông đã thấy nghi ngại khi McCain chọn bà Sarah Palin, Thống đốc tiểu bang Alaska, đứng chung danh sách ứng cử Phó Tổng Thống. Trong những tuần lễ gần đây khi các polls thăm dò cho thấy Obama vượt trên McCain, một số người Cộng Hòa cực đoan đã cho rằng chương trình tranh cử của Palin có nhiều ưu điểm đưa ra những lời tố cáo kể cả bôi lọ, xuyên tạc cá nhân Obama, bởi vậy họ nhắm đưa Palin lên hàng đầu, biến cuộc vận động tranh cử thành một chiến dịch tố cáo. Chiến dịch này mở đầu bằng những lời rỉ tai, kể cả biểu ngữ ghi Obama "không là người Mỹ" mà là người Á rập theo Hồi giáo. Rồi đến vụ tố cáo Obama có liên hệ với "khủng bố" vì một nhóm phản chiến đã từng cho nổ bom năm 1968 (khi Mỹ tham chiến giúp Việt Nam Cộng Hòa chống cuộc tấn công của Cộng sản Bắc Việt), Obama lúc đó mới có 8 tuổi. Sau đến vụ Palin tố cáo Obama có liên hệ với ACORN, một tổ chức thiện nguyện chuyên giúp người nghèo và người vô gia cư, bị cáo buộc đã cho nhiều dân "hôm-lét" chút tiền còm đi nộp tên giả để lấy quyền được đi bỏ phiếu. Việc này FBI đang điều tra xem nhóm nào đã có âm mưu. Obama rất tán thành cuộc điều tra này.
 
Gần đây nhất, Palin tặng cho Obama danh hiệu mới, gọi là kẻ theo "xã hội chủ nghĩa", làm nhiều người sững sờ vì từ ngữ này làm người ta nghĩ đến Cộng sản. Sự thật chủ nghĩa xã hội chỉ là một trong nhiều lý thuyết và biện pháp nhằm cải cách xã hội cho tốt đẹp hơn, tiên khởi phát sinh ở Pháp vào cuối thế kỷ 19 sau khi các nhà cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ đưa nước Pháp đến chế độ Cộng Hòa do dân làm chủ. Vào đầu thế kỷ 20, các nhóm quá khích ở Nga thúc đẩy nông nô nghèo khổ nổi lên làm cách mạng lật đổ Nga hoàng. Sau khi giết được cả gia đình Nga hoàng, các nhóm quá khích cực tả lợi dụng chủ thuyết xã hội, lập ra chế độ vô sản chuyên chính (tức là chính quyền độc tài). Chủ nghĩa cộng sản bắt đầu từ đây để bành trướng thành phong trào vô sản quốc tế, chống chế độ tư bản trên khắp thế giới.
 
Nhưng hãy nhìn đến một khía cạnh ngược chiều của chủ thuyết xã hội ở Đức vào thập niên 30 Thế kỷ trước, Hitler lập ra chế độ Quốc xã, tức quốc gia xã hội chủ nghĩa. Ở đây chữ "quốc" là chủ nghĩa dân tộc (nationalism), bởi vậy là độc tài cực hữu. Chủ thuyết quốc xã của Hitler cao ngạo, cho rằng dân tộc Đức có gốc là bộ tộc Aryan từ thời tiền sử thông minh tài giỏi, nên mục tiêu ưu tiên của Quốc xã là tàn sát người gốc Do thái trong các lò hỏa thiêu man rợ. Sau khi Đức thua trận, Hitler tự sát, những tay cầm đầu Đức quốc xã đã bị tòa án quốc tế xử tử vì tội diệt chủng.
 
Vậy giữa hai thuyết độc tài cực tả và cực hữu có thuyết nào trung dung ở giữa hay không? Chắc chắn là không vì khi đã gọi là "cực", không thể có sự dung hòa nào ở giữa. Nhưng có một chủ thuyết duy nhất có thể chống lại mọi chế độ độc tài dù tả hay hữu. Đó là chế độ dân chủ, tức dân làm chủ mà căn bản là quyền bầu cử tự do, kết quả của sự phối hợp giữa hai chủ thuyết Cộng hòa và Dân chủ. Không phải ngẫu nhiên mà nước Mỹ có hai chính đảng lớn nhất là đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ, chính vì thế Mỹ trở thành một nước mạnh nhất thế giới, đã từng hy sinh biết bao xương máu và tiền bạc để trừ khử cả hai loại độc tài cực tả và cực hữu. Sau hai cuộc thế chiến và một cuộc chiến tranh lạnh qua đến Thế kỷ 21, bất cứ một dân tộc nào ngày nay cũng biết và ghê tởm các chế độ độc tài.
 
Ở Mỹ chỉ còn 12 ngày nữa đến ngày tổng tuyển cử, nghĩa là bầu Tổng Thống, bầu Hạ Viện và một phần ba Thượng viện. Sáng thứ Tư, các polls thăm dò trên toàn quốc cho thấy Obama đã vọt lên số điểm có hai cột số trên McCain và đảng Dân Chủ có thể chiếm đa số lớn tại Quốc hội. Trong lúc tình hình nguy ngập cho đảng Cộng Hòa, người ta bỗng thấy nẩy ra hiện tượng Sarah Palin. Phe cực đoan trong đảng Cộng Hòa đã đẩy Palin vào cấp lãnh đạo vận động tranh cử cho cả đảng với những màn trình diễn đặc biệt nhẩy múa giống như các ngôi sao nhạc rock hấp dẫn nhiều người đến coi. Nhưng nếu chủ yếu là để nhắn nhủ cử tri Mỹ không nên bầu cho "tên xã hội chủ nghĩa" Obama, điều đó khác nào một sự nhục mạ, đánh giá thấp trình độ trí thức cao và kiến thức rộng của đa số người dân ở Mỹ.
 
Dù với những nỗ lực phi thuờng đó, nếu Barack Obama vẫn trúng cử Tổng Thống thì sao? Không sao hết, chỉ cần chờ 4 năm nữa, đến lần bầu cử Tổng Thống năm 2012, đảng Cộng Hòa có thể sẽ đưa bà Palin ra ứng cử làm Tổng Thống với các màn nhạc giựt gân hơn nữa để lãnh đạo cả thế giới.