Tạp ghi

Câu Chuyện Văn Thơ 05

Câu Chuyện Văn Thơ 5

Hà Thượng Nhân

 

Góp gom di vật trăm năm lại

Ðể vạn đời sau biết tỏ tường

Chiến tích oai hùng nghe dậy sóng

Ðâu đây tiếng súng vọng sa trường

 

Chưa có ở đâu mà chiến tranh xảy ra dai dẳng như ở Việt Nam. Khởi từ mùa thu năm 1945 đến năm 1975. 30 năm. Cả một thế hệ rưỡi bị hy sinh trong lửa đạn. Tôi đã đi dự cuộc họp của sinh viên khóa 1 Thủ Ðức, trong đó có nhiều người là bạn, nhiều người là em út. Ba mươi năm chinh chiến mà những thanh niên thời 51 đến nay còn sống, còn đầy nhựa sống. Họ chưa già, hay không hề già như có người nói. Có người còn nói: “Những người lính không thể chết được, họ chỉ mờ nhạt, chỉ tàn đi mà thôi.” Giai nhân tự cổ như danh tướng. Có lẽ không nước nào có nhiều danh tướng như nước ta, hiểu theo nghĩa danh tướng là những chiến sĩ sống để bảo vệ tổ quốc, và chết là để bảo vệ thanh danh của một quân nhân. Cộng Sản độc ác thật, nhưng chính vì thế mà chúng ta mới có những anh hùng. Phải nói rằng những người đã từng nằm trong trại cải tạo Cộng Sản hàng chục năm liền, nhất là những người bị biệt giam phải được kể như là những anh hùng. Không anh hùng thì không thể sống. Phải có một niềm tin sắt đá rằng họ là những người yêu nước, chiến đấu vì tổ quốc! Nếu không thế thì làm sao mà sống được. Ăn đã không đủ no, lao động quá sức, con người contệ hơn là con vật. Người sống chung với sau bọ, với rệp, với muỗi, với ruồi. Vẫn không chết. Vẫn tin tưởng. Vẫn tin có một ngày ta về đòi lại núi sông ta!.

 

Một cuộc chiến tranh dai dẳng đến như thế, ghê gớm đến như thế mà có thể trôi qua không dấu vết. Cám ơn những người bạn đã nghĩ đến nó, đã ghi lại nó để vạn đời sau biết tỏ tường. Ðâu đây còn tưởng vọng lại tiếng súng từ sa trường. Ông bạn Giao Chỉ. Nhiều người có thể không ưa ông, có lẽ vì ông khôn ngoan hơn họ, nhưng có một điều ai cũng phải đồng ý với tôi: ông làm được nhiều việc có ích. Xã hội thiếu vắng những người như ông là thiếu vắng nhiều lắm. Có thể là tôi chủ quan nhưng nghĩ về người về việc làm sao không chủ quan. Chủ quan nhưng thành thực.

 

Lại nói về Tứ Tuyệt Ðông Anh. Những bài như “Lá Vàng” là những bài thơ hay. Tự nhiên thấy một chiếc diều giấy bay trên khoảng trời xanh biếc trong khi lá vàng bay lả tả khắp nơi;

 

Trơ lại vàng thu dưới nắng chiều

 

Lá vàng là lá đã già. Mùa thu là tiền đông, sắp hết năm. Những người lính năm xưa bây giờ đã là lá vàng rồi, là mùa thu rồi. Ở đây cũng có lá vàng. Ở Việt nam cũng lá vàng

 

Chiếc Nam, chiếc Bắc chia đôi ngả

Trơ lại vàng thu dưới nắng chiều

 

Mùa thu là mùa cách mạng. Cuộc đổi đời của Việt nam khởi đầu từ mùa thu. Mùa thu, mùa lá vàng rơi, con người của mùa thu 45 nay còn sống sót bỗng rùng mình se lạnh, Lạnh như lá vàng dưới nắng chiều, Ông Ðông Anh có nghĩ như thế không? Mà sao lời thơ se sắt đến như vậy!

 

Ngày trước, khi bác sĩ Nguyễn Tuấn Phát đem đến tặng tôi cuốn “Cảm Nghĩ Của Một Người Thầy Thuốc”, tôi cứ băn khoan về một lời tâm sự mà anh đã nói với tôi vì cảm tôi đã viết về tác phẩm của anh như sau: “Tôi cầm đọc sách của bác sĩ Phát mà không nghĩ đây là một ông già 60 tuổi. Tôi cứ nghĩ là tác giả trẻ lắm, lời văn, đôi chữ thực thà như của một học sinh tiểu học. Khi tôi hỏi anh chưa chắc đã là thày thuốc giỏi mà hết làm bác sĩ riêng cho Hồ Chí Minh lại làm bác sĩ riêng cho Ngô Ðình Diệm là vì sao? Anh trả lời rất hóm: “Tôi làm bác sĩ riêng cho Hồ Chí Minh vì tôi thích lượn gái, làm bác sĩ riêng cho ông Ngô Ðình Diệm vì dốt tiếng Pháp”. Tôi xin anh nói rõ hơn, anh mới trả lời rằng anh với Vũ Ðình Huỳnh, thân sinh của nhà văn Vũ Thư Hiên là bạn thân. Cả hai vào khoảng đầu thập niên 30 vừa đỗ tú tài và cùng học đại học, kẻ học luật, người học thuốc. Lúc bấy giờ Pháp mới bát đầu mở trường đại học ở Việt Nam. Phải nói rằng thời ấy, sinh viên rất có giá. Ðeo phù hiệu con rắn (y khoa) hay cái cân (luật khoa) nơi ve áo là tha hồ lượn ở Gô Ða, tha hồ cho các cô lác mắt. Phát và Huỳnh đều có cái thú đó. Cho nên họ thân nhau. Bấy giờ theo Cộng Sản là một cái mốt. Huỳnh là Công Giáo, con nhà giàu nhưng lại có máu “cách mạng”, Cộng Sản sẵn sàng mở cửa để ông nhào dô. Vả chăng hồi đó Cộng Sản Ðệ Tam đang bị Cộng Sản Ðệ Tứ đổ cho cái tội là tay sai của đế quốc Pháp. Số là năm 1939 khi Nhật khai chiến thì Pháp hô hào phòng thủ Ðông Dương. Ðệ Tứ bèn hô hoán lên: Ðông Dương là của Pháp. Phòng thủ Ðông Dương là làm tay sai cho Pháp. Cộng Sản bèn vận động xuất bản một tờ báo bằng tiếng Pháp để Vũ Ðình Huỳnh làm chủ nhiệm. Tốt quá. Huỳnh là tay giàu có lại là dân Công Giáo, còn gì hơn. Có sao thì để cậu công tử con nhà giàu đó đi tù thay. Thế rồi Huỳnh đi Pháp du học. Khi về lại Việt Nam thì Huỳnh đi với ông Hồ. Phát gặp lại Huỳnh. Huỳnh hỏi Phát làm nghề gì? Phát trả lời làm bác sĩ. Thế là vào làm bác sĩ cho ông Hồ. Nhưng ở với ông Hồ và bọn lãnh tụ ít lâu Phát biểu rằng bọn này không làm cách mạng. Ðó là bọn bịp. Anh bỏ chạy vào Nam. Vào Nam đúng lúc xảy ra ông Ngô Ðình Diệm về chấp chánh. Lúc ấy bác sĩ Bùi Kiện Tín làm bộ trưởng phủ thủ tướng. Phát và Tín vốn là bạn học. Tín hỏi Phát làm gì? Bác sĩ. Ðã làm gì chưa? Chưa. Thì vào làm bác sĩ cho ông cụ. Nguyên lúc đi học ở trung học Phát và Tín đều dốt văn chương. Anh Phát thường tâm sự với tôi: “Anh biết Nghiêm Xuân Việt không? bạn với tôi và Tín ở trung học đấy. Luận Pháp văn Việt được 16, 17 điểm, còn tôi và Tín chỉ được 4, 5 điểm. Tôi với Tín chỉ giỏi toán, nhờ toán mà đỗ được tú tài. Vì giỏi toán nên thân nhau. Lên đại học cũng thế. Té ra là có số. Số hay gái thì gặp Hồ Chí Minh. Số giỏi toán thì gặp Ngô Ðình Diệm.

 

Tôi nói lan man đến Nguyễn Tuấn Phát mà nhớ đến Ðông Anh lúc trong trại tù Cộng Sản ở Nghệ Tĩnh. Trông anh thật gầy gò mà thật bất cần đời. Cứ một cái giây chuối thắt ngang lưng, cứ thất tha thất thểu ra vào giường bên cạnh. Sau này mới hay là cùng một nghiệp thi ca. Anh có những ý nghĩ thật ngộ nghĩnh, cứ ngây ngô như con trẻ khiến tôi càng nghĩ đến Nguyễn Tấn Phát.

 

Tôi xin kết những bài viết về thơ Ðông Anh bằng hai bài tứ tuyệt sau đây

 

Chớm Thu

 

Gió Thu tỉnh mộng mới vừa sang

Mây vẫn còn xanh lá chửa vàng

Mới chớm vào Thu lòng đã lụy

Ðường về lối cũ vẫn mênh mang

 

Nguồn

 

Muôn dặm trùng dương trở lại nguồn

Mưa rừng thay lá đẹp giang sơn

Mai vàng tô thắm xuân vàng cội

Sóng cả, đèo cao chí chẳng sờn

 

Chúng ta chưa già tuy tuổi đời chồng chất. Chúng ta là lính và lại là những lính già. Cách đây vài hôm nhạc sĩ Vũ Ðức Nghiêm vừa gọi giây nói cho tôi nhắc lại một câu thật hay của tướng Mac Arthur: “ Những người lính không bao giờ chết cả. Họ chỉ mờ đi mà thôi”