Tạp ghi

Câu Chuyện Văn Thơ 04

Câu Chuyện Văn Thơ 4

Hà Thượng Nhân

 

Các cụ ngày xưa làm thơ đôi khi kêu lên “Bần ư nhất tự”. Nghèo vì một chữ. Cả bài thơ đã thành thì viết được mà mỗi một chữ cũng không tìm ra. Ngày xưa Giả Ðảo chỉ vì sự chọn lựa giãu chữ “Thôi” và chữ “Xao” mà để lại cho hậu thế một giai thoại văn chương.

 

Bay giờ viết một bài tứ tuyệt, Ðông Anh cũng thấy bí:

 

Vì một đôi vần thao thức mãi

Nằm yên nghe chữ gọi đêm đen

Hình như hồn mộng bay đôi ngả

Còn lại quanh đây những nỗi niềm

 

Những ai từng làm thơ, thế tất phải gặp đôi lúc những hoàn cảnh này. Có khi viết thì như bay trên ngọn bút. Có khi ngồi hàng giờ mà trang giấy vẫn trắng. Làm thơ hoặc có lúc như lên đồng. Viết dễ dàng là một chuyện, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng được. Tôi nhớ hồi đi tù cải tạo, có viết một bài thơ trong giấc ngủ. Ðó là bài “nghe tu hú kêu”. Ban ngày đi lao động, chợt nghe tu hú kêu, tôi giật mình nhớ lại những vườn vải mênh mông mạn Hà Trung. Rồi tôi làm thơ trong giấc ngủ. Sáng ngày thức giấc nhớ nguyên cả bài, bèn chép ra giấy. Bài thơ ấy lâu ngày không còn nữa. Tôi mong một bạn tù cải tạo nào đó từng ở trại 6 Nghệ Tĩnh có giữ được, cho tôi xin lại bài ấy. Hoặc gửi về cho tôi ở San Jose, hoặc gửi E-mail cho Ðông Anh là tôi sẽ nhận được. Tôi xin thành thật cảm ơn trước.

 

Ông Ðông Anh không bị hứng trào ra đầu ngọn bút, mà ông bí. Không gì khổ hơn bí chữ, bí vần, có khi chỉ vì một chữ mà thức trắng đêm:

 

Hình như hồn mộng bay đôi ngả

Còn lại quanh đây những nỗi niềm

 

Tìm chữ đã khó, khó đâu bằng vượt biển:

 

Một chiếc thuyền con giữa biển xanh

Sóng dồi, gió dập gỗ mong manh

Trăm người đói lả nằm chen chúc

Mơ đến tự do, ước đất lành

 

Trong thế kỷ chúng ta chưa có ai tìm tự do lại vất vả như người Việt Nam, một chết một sống. Xông vào đất chết để tìm sự sống. Ấy vậy mà bây giờ chúng ta có cả một cộng đồng hàng mấy triệu người, mỗi năm gửi về người thân ở quê nhà hàng mấy tỷ Ðô La. Oán thay Cộng Sản. Vui cũng cám ơn Cộng Sản. Không có ông Hồ Chí Minh, làm sao người Việt chúng ta có thể lạc lõng khắp năm châu, nói đủ các thứ tiếng, còn giỏi hơn cả tiếng mẹ đẻ. Âu đó cũng là cái giá phải trả cho tự do.

 

Vì tự do nên bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ cha mẹ, xóm giềng đi tha phương. Cái đau đớn nhất của người Việt Nam là già không được chết ở chốn quê hương. Thế mà người Việt Nam chịu chấp nhận. Chấp nhận để:

 

Cứ thấy hoàng hôn chiều sắp tắt

Là lòng thao thức nhớ quê hương

Cô đơn đất khách nhìn đêm tối

Mỗi bước chân đi mỗi đoạn trường

 

Rồi lúc vượt biên thì:

 

Sóng vỗ rì rào ai khóc than

Hỏi ra mới biết tiếng hồn oan

Dân nào rải rác thây trên biển?

Khắp thế gian này, chỉ Việt Nam

 

Khắp thế gian này chỉ Việt nam thôi. Ðã thê thảm chưa? Bây giờ cũng là Việt nam, cùng cha mẹ mà ba anh em nói ba thứ tiếng. Một người ở Bắc Âu, một người ở Pháp, một người ở Mỹ. Tổ tiên nào không đau lòng. Cho nên mới có biểu tình cờ vàng đầy đường khi có ông lớn Cộng Sản sang Mỹ. Dân Mỹ đầu tiên cũng lấy làm lạ, nhưng rồi lâu ngày họ hiểu. Không phải là người Việt Nam quá khích đâu, mà vì Cộng Sản gây nên nhiều tội lỗi quá. Họ muốn hô to cho cả thế giới cùng hiểu. Những thứ tập tành độc tài như Chavez sẽ còn làm khổ dân Venezuela nhiều. Biết ra thì đã muộn. Ðâu mà có Cộng Sản là nước ấy khốn nạn. Ðó là một định luật bất di bất dịch. Trung Hoa, Bắc Hàn, Cuba, Cao Miên đâu đâu cũng vậy. Ðầu thế kỷ trước chủ nghĩa Cộng Sản coi như một thứ tiến bộ. Từ khi bức tường Bá Linh xụp đổ thì Cộng Sản tàn rồi. Chỉ còn những nước quá nghèo đói, những người dân quá nghèo khổ thì họa hoằn còn nghĩ đến họ thôi. Như Columbia, như Argentina. Họ khó còn thí nghiệm chủ nghĩa này ở đâu hơn là nơi đó.

 

Sóng biển vơi đầy cơn thác loạn

Nghìn năm còn vọng tiếng than van

 

Tiếng sóng biển sao mà đối với thuyền nhân chúng ta ghê gớm vậy. Vơi đầy cơn thác loạn! Bể không còn ví với lòng mẹ nữa. Lòng mẹ lúc nào cũng bao dung. Chứ lòng mẹ nào mà ngàn năm còn vọng tiếng kêu than?