Tạp ghi

Câu Chuyện Văn Thơ 03

Câu Chuyện Văn Thơ 3

Hà Thượng Nhân

 

Nghĩ cũng lạ, Ðoạn Trường Tân Thanh có mặt trên một trăm năm rồi. Mà đọc Kiều mỗi người nghĩ một cách. Chu Mạnh Trinh thì thương Nguyễn Du. Bởi vì Nguyễn Du cũng nòi tình. Ða tình nên đa cảm, nếu không thì câu chuyện của một ca nhi, dù là một ca nhi tuyệt sắc đâu có đáng cho một thi hào cỡ Nguyễn Du phải viết thành sách, gửi lại cho người đời sau.

 

Ðông Anh cũng thương Kiều vì “không thoát khỏi lưới tình” nhưng Ðông Anh cho sở dĩ vậy vì Kiều tài hoa. Thì ra tài hoa cũng là một cái tội. Khi Vô Tích, khi Lâm Truy… Thì ra đối với Ðông Anh, Kiều chỉ có hai mối tình lớn. Một là đối với Kim Trọng, hai là đối với Thúc Sinh. Thế còn cái anh chàng Từ Hải, chết đứng giữa trời, mối tình ấy không lớn à. Lớn chứ! Nhưng lớn mà khiến cho người yêu phải chết.Vì Kiều là đàn bà, đàn bà thích yên phận. Làm một bà lớn, ra vào kẻ hầu người hạ chẳng hơn là làm vợ một tên tướng cướp ư? Hoặc Ðông Anh chê là vì thế chăng?

 

Kiều

 

Hồng nhan khôn thoát lưới tình

Tài hoa cô độc duyên sinh tự trời

Lâm Truy Vô Tích đôi nơi

Ngàn sau vẫn đợi sóng dồi tẩy oan

 

Bán nhà, mua nhà đã có vấn đề thì dọn nhà càng có vấn đề hơn. Người xưa thường bảo ba lần dọn nhà kể như một lần làm nhà mới.

 

Nhìn bóng thời gian thoắt muộn màng

 

Gói gói, xếp xếp, cái nào bỏ đi, cái nào để lại. Mỗi thứ ngoài cái giá trị thông thường còn ấp ủ bao nhiêu kỷ niệm. Cho nên vứt bỏ đi không phải là dễ.

 

Ðôi ta còn đó chung giường

Tình yêu vẫn thiếu, tình thương lại thừa

 

Ðó là lời nói của một người đã đứng tuổi. Buổi hoa niên không còn nữa. Ngậm ngùi lạ: tình thương thừa, tình yêu thiếu. Ông nào đến tuổi Cổ Lai Hy, đọc câu này mà không nghĩ thương cho thân phận.

 

Từng giọt mưa phùn rơi lá động

Gót hài băng giá máu còn tươm

 

Giọt mưa như là giọt máu. Mấy chục năm về lại Hồ Gươm. Nhìn lại Hồ Gươm, chàng trai Hà Nội ngày trước buồn đến đứt ruột.

 

Hàng liễu đong đưa những hạt cườm

 

Không phải là mưa đâu, nước mắt đấy. Còn hơn nước mắt, đây là những giọt máu. Cái tình của người đã từng ở Hà Nội, về lại quê xưa, sầu thật.

 

Những bài “Cho Con, “Mừng Con” là những bài thơ cảm động. Nuôi được một đứa con cho thành người là cả một vấn đề. Nào lúc ốm đau, nào khi váng mình sốt mẩy. Ðộng một chút là lo. Ðộng một chút là sợ. Con lớn lên lại lo cho con học hành, chỉ mong con nên người, đời mình đã đành rồi.

 

Thời đại của mình đã qua. Bây giờ con ở Mỹ, ở một siêu cường quốc, cái gì cũng có, cái gì cũng thừa. Ngày xưa ở quê nhà một tí cơm thừa canh cặn cũng không nỡ bỏ đi. Của ngọc thiện mà bỏ đi, tội chết. Bây giờ một tuần đi chợ độ hai lần thì cái tủ lạnh chất làm sao cho hết. Mỗi lần mở tủ lạnh là mỗi lần vứt bớt thức ăn đi. Có khi cả một tảng thịt. Nghĩ lại những ngày tù cải tạo mà thương cho dân sinh. Mới được ăn cơm (chưa đủ no) mà đã được liệt vào hàng địa chủ. Cho nên ở Mỹ rồi mà không học được thật là uổng. Thương và lo cho con biết bao. Con làm bác sĩ, luật sư dĩ nhiên cha mẹ vui rồi, nhưng vui đâu phải vì được nhờ con, mà vì con được học hơn cha, mọi thứ hơn cha, là nhà có phúc. Con khá thì vợ con nó được nhờ, chưa đến phần cha mẹ, nhưng cha mẹ vẫn cầu mong con khá. Chứ còn tuổi già ở Mỹ thì đừng lo. Cơm nước, quần áo, thuốc men, cái gì nhà nước cũng lo cho hết. Nhà nước chẳng kể công bao giờ. Các ông Cộng Sản là chúa kể công với dân. Các ông đi ngoại quốc nhiều sao không mở mắt ra mà nhìn. Thậm chí bão lụt, đói khổ chính phủ đã không quan tâm đến mà ngoại quốc gửi vào giúp đỡ còn ăn bớt ăn xén nữa. Thế còn hơn ăn cướp. Thế mà dám xưng là cách mạng. Thế mà dám huênh hoang rằng dân chủ của vô sản tự do gấp ngàn lần dân chủ tư sản. Nói phét thì dễ nhưng giải phóng rồi mà dân dám liều chết ra đi thì đủ hiểu. Tiếc rằng trong những xã hội nghèo khó, người ta thường sống bằng hy vọng. Cho nên ở Venezuela Chavez mới thắng cử. Cộng Sản chỉ sống được ở châu Mỹ La tinh, làm sao sống được ở Mỹ, ở Tây, ở Bắc Âu.

 

Ðọc tám câu thơ ngắn, những kẻ làm cha mẹ lẽ nào không xúc động.

 

Cho Con

 

Dáng khổ lụy cây chàm gốc đước

Máu xương này nuôi dưỡng đàn con

Giang sơn một gánh đời suôi ngược

Có được hôm nay đã mỏi mòn

 

Mừng Con

 

Dáng gầy khô cứng bờ vai

Tháng năm đơn độc miệt mài nuôi con

Tuổi đời con đã lớn khôn

Vu quy pháo nổ rượu tuôn tiếng cười

 

Xúc động là đầu mối của mọi cuộc cách mạng, mọi sự tiến bộ. Chúng ta không dạy ai làm cách mạng cả. Cách mạng thực hay giả là do tấm lòng. Có tấm lòng là có tất cả. Lòng ta bảo đúng là đúng. Miễn là mình đừng lừa chính mình.

 

Trong bài trước tôi có viết bác sĩ Trần Văn Bảng cho rằng các anh hùng, nghệ sĩ đều là những người ít hay nhiều có bệnh (malady). Chưa nói là có bệnh, chúng ta cũng biết họ là những người tham lam muốn biến cuộc sống hữu hạn thành vô hạn.

 

Nguyễn Du than:

 

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

 

Sống hôm nay mà còn nghĩ đến ba trăm năm sau còn có ai khóc Tố Như không? Khóc hay không có nghĩa là có để ý đến tâm sự của người không?