Bình luận

CANH BẠC CHỨNG KHOÁN (Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh)

 
 
 
Đầu tuần trị giá chứng khoán đã nhẩy lên trở lại. Chỉ số Dow Jones industrials vọt lên đến 936 điểm, tức là lấy lại 1,200 tỷ đô- la nội trong một ngày, một mức tăng có tính lịch sử. Mọi người mừng rơn, con quỷ chứng khoán đã ngóc đầu trở lại thay vì tiếp tục lao xuống vực thẳm. Đó là nhờ chính phủ Mỹ có kế hoạch bơm 700 tỷ đô -la cứu nguy cho nó. Tình trạng này bỗng làm tôi nhớ đến một câu tục ngữ trào phúng của Việt Nam thời đại mới: "Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của…chứng khoán". Tuy nhiên nạn xuống dốc chứng khoán vẫn chưa dứt. Qua ngày thứ ba 14-10, trị giá chứng khoán chập chờn để rồi đến cuối ngày nó mất 76 điểm. Đến sáng thứ tư 15-10 có dấu hiệu đáng ngại. Ngay lúc Thị trường Wall Street mới mở cửa, chỉ số Dow Jones mất thêm hơn 36 điểm, kéo theo sự mất giá của các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới. Tại sao có tình trạng này?
 
Thiết tưởng cũng nên nhắc lại một vài biến chuyển rất mau lẹ trong những ngày vừa qua. Hôm chủ nhật, sau khi Quốc hội Mỹ chấp thuận kế hoạch 700 tỷ cứu nguy kinh tế, TT Bush đã triệu tập một phiên họp với G7, tức 7 nước giầu nhất thế giới, và 20 nước có nền kinh tế đang phát triển mạnh. Kinh tế Mỹ mạnh nhất thế giới có liên quan chặt chẽ đến các nền kinh tế khác vì mối quan hệ thương mại và tiền tệ, nên coi Mỹ là nước lãnh đạo. Cuộc họp có thành quả tốt, nên ngay sau đó chỉ số chứng khoán của các nước khác đã lên trong hai ngày. Nhưng đến ngày 15-10 khi chỉ số chứng khoán của Mỹ xuống, chỉ số chứng khoán của các nước khác cũng xuống luôn, với những số điểm nhỏ hơn của Mỹ.
 
Vậy tại sao cái đầu tầu là chỉ số của Mỹ lại chập chờn mà không tiếp tục lên nữa? Hôm thứ ba, Mỹ loan báo một kế hoạch mới là sử dụng 250 tỷ trong số 700 tỷ để mua một phần nửa các cổ phần của những ngân hàng lớn nhỏ đang lâm cảnh phá sản. Kế hoạch này có thể đã làm chỉ số chứng khoán New York chỉ tăng mạnh được một ngày rồi lại tụt dốc, dù tụt có một phần nhỏ. Nguyên nhân có thể là sự thiếu niềm tin của dân chúng vì trước mắt sự mua bán, bán buôn và bán lẻ, đang lâm cảnh tụt dốc đáng ngại, cộng thêm với nạn thất nghiệp lan rộng. Sáng thứ tư TT Bush và cả Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson đều nói sự tín nhiệm và tiền của chính phủ bỏ ra sẽ phục hồi sự lành mạnh của nền kinh tế, nhưng cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn. Cần thời gian là đúng vì không thể có phép lạ làm kinh tế phục hồi ngay tức khắc, nhưng cũng có nghĩa là gánh nặng làm kinh tế đi lên được chuyển qua vị Tổng Thống và chính phủ sắp tới của Mỹ bắt đầu từ năm 2009.
 
Bởi vậy sự cứu nguy kinh tế cũng là một canh bạc chứng khoán. Trong khi chờ đợi kết quả canh bạc này, người ta thấy một tin từ trời Âu đưa lại. Giải thưởng Nobel về kinh tế năm nay đã được Ủy ban chấm giải tại Thụy Điển tặng cho một học giả Mỹ, Tiến sĩ Paul Krugman, về công cuộc phân tích của ông cho thấy kinh tế phát triển từng mức ảnh hưởng như thế nào đến mô hình thương mại và vị trí kinh tế của một nước. Điều đặc biệt là chuyên gia kinh tế này năm nay 55 tuổi được lãnh giải Kinh tế trị giá 1.4 triệu đô-la mà không phải chia sẻ với ai. Từ năm 2000 đến nay ông là người được lãnh giải Kinh tế một mình, bình thường giải này vẫn có đến 2 hay 3 người cùng lãnh. Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ca ngợi Krugman đã nêu ra một lý thuyết mới để trả lời các câu hỏi về thương mại tự do, và ghi nhận lý thuyết của ông đã khích lệ cho một lãnh vực khảo cứu rất sâu rộng.
 
Trong bằng tưởng lục của giải Nobel có ghi: Thương mại tự do và tình trạng đô thị hóa trên toàn cầu ảnh hưởng đến những cái gì? Ở đây Krugman đã hợp nhất được nhiều ngành khảo cứu khác nhau trên các lãnh vực thương mại quốc tế và địa dư kinh tế. Ngoài công việc khảo cứu về kinh tế ở Viện Đại học New Jersey, Krugman còn là một nhà báo. Ông chuyên giữ cột mục kinh tế cho báo New York Times. Ông cũng thường viết bài cho một số các tạp chí Mỹ. Về cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ, ông nói: "Thật kinh hoàng", ông so sánh với vụ khủng hoảng tài chính kinh tế Á châu trong thập niên 1990. Trên cột mục của tờ New York Times, Krugman cho đến nay vẫn chỉ trích gắt gao chính sách kinh tế của TT Bush và đảng Cộng Hòa.
 
Ở Mỹ việc cứu nguy chứng khoán đi song song với cuộc tranh cử Tổng Thống. Nhiều đề tài khác nhau đã được cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa nêu ra để vận động tranh cử. Nhưng từ hai tháng qua chỉ có một chủ đề nổi bật nhất và cũng là đề tài tranh cãi gay go nhất, còn những màn xuyên tạc và chụp mũ cá nhân chỉ là chuyện bên lề không mấy ai chú ý. Chủ đề đó là kinh tế bởi vì giữa lúc dân Mỹ lo sợ về đồng tiền khó kiếm, tín dụng khó trả và thất nghiệp lan tràn, các màn bới móc cá nhân chỉ quật ngược lại tác giả của nó. Đại đa số dân Mỹ quan tâm đến công việc làm ăn của họ, giới trung lưu cũng như tiểu thương và người dân nghèo đều lo lắng trước tình trạng kinh tế xuống dốc.
 
Vào tối thứ Tư tuần này, có chương trình dự liệu từ trước là cuộc tranh luận hiệp III giữa hai ứng cử viên Tổng Thống Barack Obama và John McCain. Hôm thứ ba ông McCain hiện kém điểm Obama trong các poll thăm dò, cho biết ông cũng có kế hoạch 52 tỷ để cứu nguy kinh tế, ngoài kế hoạch 700 điểm của chính phủ Bush. Đây cũng là cách ngầm cho cử tri Mỹ hiểu ông đã tách rời khỏi TT Bush hiện chỉ được 25% dân chúng tán thưởng. Nhưng đặc điểm của kế hoạch John McCain là tìm cách bớt tiền thuế đánh vào lợi nhuận của các đại công ty Mỹ. Người ta trông chờ cuộc tranh luận của hai vị tranh cử Tổng Thống, coi trận đấu chót này có thể quyết định thắng bại trong cuộc bầu cử sắp tới ngày 4-11. Theo poll của CNN sáng thứ tư, Obama được 50%, McCain 42%. Tuy nhiên không thể xác quyết ai sẽ thắng, vì còn nhiều chuyện bất ngờ có thể xẩy ra. Trước hết hãy chờ xem phản ứng của dư luận Mỹ về cuộc tranh luận hiệp chót tối thứ tư mà người ta cho rằng sẽ quyết định số phận của McCain và cả đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.
 
Nếu đề tài chính là kinh tế, nguồn gốc của nó hiển nhiên là hai chữ tín nhiệm. Bởi vậy vấn đề đặt ra cho người dân đi bỏ phiếu là giữa Barack Obama và John McCain, cử tri tin ở người nào, mọi vấn đề khác không còn quan trọng nữa.