Tạp ghi

“CÁM ƠN ANH, NGƯỜI THƯƠNG BINH VNCH”

       

                

               MỘT BÔNG HỒNG CHO NHỮNG AI ĐANG

               HÁT “CÁM ƠN ANH, NGƯỜI THƯƠNG BINH VNCH”

  Với tư cách cá nhân của một người lính VNCH, cũng đã “một thời” là thương binh, tôi viết những dòng này để bày tỏ lòng cảm phục và tri ân đối với những người đã dự phần vào, bằng cách này hay cách khác, tổ chức, bảo trợ, đóng góp công của sức lực, hoặc đến xem “Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH Kỳ 3”, vừa qua tại Hoa Kỳ.

“Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ”, bắt chước lời ai, tôi ước chi những chắp nối chữ nghĩa  mộc mạc này kết thành bông hồng gửi cài lên áo mười ngàn người đã, dưới trời oi bức đổ lửa 105 độ F, hiện diện nơi sân vận động trường Trung học Independence ngày 17 tháng 5, năm 2009, tại thành phố San José, Tiểu bang California.

Nhà tôi không có kênh SBTN nên chỉ “tham dự” buổi đại nhạc hội, mà tôi cố ý theo dõi từ khi hay tin, qua  mấy tấm hình phổ biến trên trang Vietnamexodus.org.

Tấm hình cô ca sĩ Thiên Kim đang cầm micro hát làm tôi xúc động và thoáng chốc hồi tưởng những năm tháng cũ thuở thanh xuân

Các cô ca sĩ xưa đã bất chấp hiểm nguy ra mãi trận tiền hát “ủy lạo” cho các anh chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Các cháu ca sĩ nay bỏ “chạy show” cuối tuần qúy báu để về tụ tập hàng trăm cô cậu nơi sân vận động nước non ngàn dặm, nói là hát “cám ơn anh”, mà thực ra hát cho bác, chú, có khi còn là ông , thương binh tận mãi quê nhà xa xăm!

Có điều khác biệt là đối tượng cho tiếng hát của các cháu hôm nay không chỉ là các anh thương binh VNCH đang ở trong nước, nhưng còn là tất cả các chú, các bác, các ông từng một thời cầm súng chiến đấu bảo vệ Miền Nam thân yêu của chúng ta còn sống sót đến hôm nay, đang trong nước hay tản mác năm châu giờ đây ai cũng là thương binh, thương binh tâm hồn. Có những người mất đi một phần thân thể, và tất cả đều mất đi quê hương. Những người chiến binh năm xưa đều mang chiến thương. Chiến thương thể xác và chiến thương tâm hồn.

Có lẽ vì thế nên tôi đang ở Bắc Mỹ ,thời tiết 42 độ F, mưa phùn lả tả, mà ngắm hình các em hát, cảm thấy đất trời ấm, lòng tôi ấm làm sao. Tôi nghĩ những anh thương binh bên kia nửa vòng trái đất sẽ còn ấm lòng hơn tôi dường nào.Lòng các anh ấm lại không phải vì món quà có thể mai này nhận được, nhưng vì hơi ấm từ đáy lòng chuyền qua tiếng hát các em, tiếng hát tiếp sinh khí cho những năm tháng còn lại của những mãnh đời không may đang sống trong thiếu thốn vật chất, đau đớn thể xác, và nhục nhã tinh thần ,vốn là, những anh hùng, những người con qúy yêu của Mẹ Việt Nam đã đem máu xương bảo vệ đất nước giờ đây lại bị lạc loài hất hủi và sỉ nhục ngay trên quê hương mình.

Nhìn qua một vài hình ảnh tượng trưng cho hàng chục hàng trăm ngàn các anh thương binh VNCH

       

Có lẽ không ít người nghĩ, “kéo lê cuộc sống thế này, thà chết đi thì hơn”. Bản thân tôi cũng từng là một trong số những người này.                                                                       

Ngày xưa những lần về thành phố, tình cờ gặp những người mang khuyết tật hay cụt tay chân lê lết kiếm sống nơi vỉa hè, tôi nghĩ ngay nếu sau này mình chẳng may bị thương và phải mất đi một phần thân thể, tôi sẽ tự sát để khỏi lâm cảnh huống như họ. Nhưng tôi đã lầm: khi đối diện với cái chết, tội đã cuống quýt bám víu vào sự sống, dù lúc đó nghĩ mình đã mất đi cánh tay mặt.

Đó là khoảng đầu năm 1970, tại bờ làng Dục Tượng, thuộc quận Rạch Sỏi, tỉnh Kiên Giang. Trong khi điều động chi đội M113 (Chi Đoàn 3, Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh) tiến chiếm mục tiêu, một tiếng như bom nổ từ trong người tôi ra, và tôi cảm giác toàn thân tôi đang bị thổi bùng vở vụn tan tành; tức khắc lúc đó tôi nhớ đến cha mẹ anh em tôi, và như mấp máy môi,“thằng Nhâm, thằng Phương ( cùng khóa cùng về chung đơn vị) vừa mới chết, nay tới phiên con “; rồi tôi không biết gì nữa.Tôi tỉnh dậy thấy lờ mờ mình đang nằm sấp người trên rạ lúa , bên cạnh chiếc thiết xa bất động ; giừa tiếng súng giao tranh và lửa khói nghi ngút. Tôi thấy hai mảng đen sà xuống trán, nghĩ là đầu mình đã bể ra và tôi đang trút linh hồn…

…Sao đầu bể rồi mà đợi mãi chưa chết lại càng tỉnh táo.Tôi nhận ra mình  đang nằm đè lên cánh tay trái; cánh tay phải thì sóng sượt thẳng đuột phía trước máu dầm dề, và máu cứ theo nhịp bắn lên thành vòi. Tôi cố đưa tay phải lên sờ đầu xem bị bể ra sao mà giờ này vẫn còn sống, nhưng cánh tay không nhúc nhích và tôi nghĩ nó đã đứt lìà. Tôi cố bươn bươn mãi mới đưa được cánh tay trái lên phía mặt nhưng phải lấy hết can đảm mãi mới sờ vào cái mảng đen trên trán.Tôi mừng quá khi bàn tay nhận ra cái mảng đen kia là cái nón nghe truyền tin (head set) tôi thường mang choàng qua đầu! Khi đó tôi vẫn chưa biết số phận hai cái chân như thế nào vì tôi không điều khiển được chúng để trườn trở lại phía sau, nhưng khi biết mình còn sống và (nghĩ) còn một cánh tay, tôi mừng lắm.

Các anh thương binh VNCH, dù đang trong hoàn cảnh, điều kiện nào cũng đều muốn sống, như mọi người bình thường muốn sống.

Nhưng cuộc đời các anh chắc chắn sẽ được ấm hơn từ tiếng hát của trên dưới một trăm ca sĩ chuyên  nghiệp, cũng vừa là tiếng hát của hàng vạn người trên sân cỏ vân độngTrường Trung Học Independence, San José, California Hoa Kỳ , trong một ngày chan hòa nắng nóng.

“Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ”

Bao nhiêu đoá hồng mới đủ cho những ai đã, đang và sẽ hát “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh Việt nam Cộng Hoà.”

Chương Khuê,Everett,                                                                                                 WA,Tháng 5/2009.