Bình luận

Bầu cho tương lai (Sơn Điền Nguyẽn Viết Khánh)

Bu Cho Tương Lai  
 
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Barack Obama đã được bầu làm Tổng Thống Mỹ với đại đa số phiếu. Từ tuần qua, nhìn những người dân xếp hàng chờ đợi từ tảng sáng để sớm bước vào các phòng bầu phiếu, các nhà quan sát có ý thức cao đã thốt ra một câu bất hủ: "Họ đang viết lịch sử". Từ thời xa xưa hơn 200 năm trước, khi nước Mỹ mới thành hình, người da đen Phi châu bị bọn buôn người quốc tế bắt đem sang Mỹ bán làm nô lệ, có ai ngờ sẽ có ngày một người gốc Phi châu lên làm Tổng Thống Mỹ. Một chương sử mới đã bắt đầu. Thật ra từ tuần trước tôi đã có suy nghĩ về việc này nên đặt câu hỏi "Bầu cho ai?" mà không có trả lời rõ rệt "là ai" trước khi có bằng cớ cụ thể. Nhưng câu trả lời đã nằm sẵn trong đầu từ lúc đó, nên tuần này sau khi đã có kết quả bầu cử, tôi đã trả lời bằng tựa đề "Bầu cho tương lai". Bầu cho Thượng nghị sĩ Obama làm Tổng Thống, tại sao lại gọi là bầu cho tương lai?
Chữ "tương lai" quá thông thường, nên khi nói đến tương lai người ta nghĩ ngay đến những gì sắp tới. Chữ "quá khứ" cũng vậy, đó là những gì đã qua. Như vậy hiện tại cố nhiên là ngày hôm nay. Ở đây tôi muốn nhìn đến những luận lý khoa học, theo đó quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một chuỗi dài về thời gian theo một quy luật nhất định là thời gian như mũi tên bắn, có đi mà không trở lại. Bởi vậy quá khứ chỉ là những kinh nghiệm, những bài học cho hiện tại để định hướng cho tương lai. Vậy những bài học đó như thế nào? Nó đã được tóm gọn trong một câu châm ngôn của các nhà triết học trời Âu: "Hôm nay hơn hôm qua và kém hẳn ngày mai", có hàm ý nhắc đến sự tiến bộ tất yếu của loài người. Tiến bộ tức tiến hóa.
   Theo các bằng chứng cụ thể của các nhà khoa học, con người từ thời xa xưa nhất sống trên Trái Đất sở dĩ còn tồn tại được đến ngày nay là vì đã biết tiến hóa. Ở điểm này tôi thấy cần phải góp thêm một ý. Sự suy luận của con người từ cổ xưa có hai phần căn bản, một là lý trí hai là tâm linh. Khoa học là lý trí, còn tâm linh là đức tin tôn giáo. Khi nói đến tự nhiên, người ta nghĩ đến một chữ đồng nghĩa là "thiên nhiên". Thiên là Trời, mà bất cứ tôn giáo nào ngày nay đều nhìn nhận là đấng Chí tôn đã sáng tạo ra loài người, ban cho chúng ta một bản năng là tiến hóa để sống còn và phát triển, chớ không ù lỳ đứng nguyên một chỗ, để trở thành nạn nhân của mê tín và đần độn.
Nhưng làm thế nào con người sống trong hiện tại lại có thể quyết định cho một tương lai chưa thấy? Không thể quyết định, nhưng vẫn có thể chọn một hướng đi có xác suất lớn nhất cho một tương lai sáng lạn. Hãy nhìn đến một hiện tượng thông thường trong cuộc cuộc sống của chúng ta, coi hiện tại là hôm nay và tương lai là ngày mai. Thí dụ một người tham dự trực tiếp vào sinh hoạt xã hội, ngay từ buổi sáng hôm nay bắt buộc phải có dự liệu trước những gì chưa xẩy ra, như việc làm trong ngày để kiếm sống, đồng thời cũng phải dự tính cả đến những ngày mai xa hơn nữa cho sự làm ăn phát đạt để nuôi gia đình. Đó là định hướng cho tương lai. Quá khứ không thể tái diễn y trang trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta không thể ôm lấy quá khứ để mà sống, quá khứ chỉ là những bài học kinh nghiệm hữu ích cho ngày nay. Chúng ta đang sống ở Thế kỷ 21, vậy cũng nên hít thở bầu không khí trong lành của Thế kỷ mới, đặt nặng sự tiến bộ chung của loài người, để quên đi một phần của quá khứ từng chìm đắm trong chiến tranh lạnh với khỏi lửa và hận thù. Để thực hiện việc đó, người dân Mỹ ngày nay cần phải hàn gắn sự chia rẽ do tranh chấp đảng phái gây ra, tạo lại đoàn kết nội bộ để chặn đứng nạn suy thoái kinh tế và chống kẻ thù chung là nạn khủng bố. Bởi vậy câu hỏi đặt ra là vị Tổng Thống mới của Mỹ sẽ phải làm gì?
   Ngay sau khi Obama được bầu làm Tổng Thống, người ta đã thấy những hiện tượng hiếm có hầu như cả nước Mỹ đã reo hò mừng rỡ, như hình ảnh đã thấy trên các màn hình TV của đêm thứ ba 4 tháng 11, chứng tỏ đại đa số dân Mỹ tin ở tài đức, trí tuệ và sự khôn khéo của vị Tổng Thống mới mặc dù đến tháng1-2009 ông mới tựu chức. Hãy nhìn lại một vài chi tiết của kết quả cuộc tổng tuyển cử. Obama đã thắng với 349 phiếu cử tri đoàn và 52% phiếu phổ thông, trong khi McCain chỉ được 163 phiếu cử tri đoàn và 47% phiếu phổ thông. Về Quốc hội tức ngành lập pháp, đảng Dân Chủ đã thắng với một đa số rõ rệt hơn trước. Tại Thượng-Hạ viện đảng Dân Chủ đã có thêm ghế, đủ đa số chắc chắn để từ nay loại bỏ được phần nào những màn tranh cãi kéo dài mà không có quyết định.
Và đặc biệt hơn nữa cũng nên nhìn đến phản ứng của Thượng nghị sĩ John McCain chỉ một giờ sau khi kết quả chính thức được công bố. Ông nhìn nhận sự thất bại của ông trong cuộc tranh cử và tuyên bố: "Người dân Mỹ đã nói lên tiếng nói của họ, một tiếng n&oacut
e;i thật rõ ràng. Đây là một cuộc bầu cử có tính lịch sử, tôi nhìn nhận ý nghĩa đặc biệt của cuộc bầu cử lần này cho những nguời dân Mỹ gốc Phi châu và niềm hãnh diện của họ cho đêm nay. Lúc này là thời có những khó khăn cho đất nước chúng ta. Đêm nay tôi cam kết với ông Obama, tôi sẽ làm với tất cả khả năng của tôi để giúp ông lãnh đạo chúng ta qua nhiều thử thách mà chúng ta phải đương đầu". Về phía ông Obama ngay sau khi có kết quả bầu cử, đã lên tiếng nhìn nhận việc hàn gắn lại nền kinh tế cũng như đối phó với các vấn đề đối nội và đối ngoại sẽ không thể có kết quả ngay trong một năm hay một nhiệm kỳ Tổng Thống. "Nhưng, ông nói, đêm nay hơn bao giờ hết tôi thấy có nhiều hy vọng nước Mỹ sẽ đạt được những kết quả đó. Tôi hứa với mọi người, chúng ta như một dân tộc sẽ đạt được". Cả hai ông đều có những lời lẽ làm nổi bật tư cách quý giá của những người làm chính trị.
   Tôi thiết nghĩ nước Mỹ hãy làm gương cho các nước trên thế giới thấy rằng các đảng phái chính trị làm việc cho dân chớ không làm việc cho đảng, và cần phải diệt trừ tận gốc nạn độc tài ở bất cứ nơi nào, vốn đã manh nha từ lòng tham không đáy, tính vị kỷ bảo thủ khư khư ôm lấy những gì đã có, từ đó đưa đến thói vô trách nhiệm, buông lỏng kỷ cương của đạo làm người. Người dân Mỹ đã bỏ phiếu bầu cho tương lai. Hy vọng đó cũng là tương lai của cả loài người.
 SƠN ĐIỀN NGUYỄN VIẾT KHÁNH
error: Content is protected !!