Tạp ghi

BÀI CA BÁN ÐĨA

           BÀI CA BÁN ÐĨA

           GIAO CHỈ, SAN JOSE (Viet Tribune)

 

Chuyện trong nhà :

Hơn 30 năm trước, đến định cư tại tiểu bang Illinois, ngay tại thủ đô Springfield, sống nơi băng giá, tức cảnh sinh tình, tôi bèn cầm bút trở lại viết một loạt tạp ghi và hoàn tất câu chuyện “Chân trời dâu bể.”

Mấy năm sau, di cư thêm một lần, tây tiến về Cali, in thành cuốn sách “ Cõi Tự Do “.Bèn lấy kinh nghiệm xuất bản tác phẩm tại Hoa Kỳ nên viết thêm được bài văn đặt tên là “ Bài ca bán sách “.Ðược anh em xếp vào loại bài ca con cá. Buồn nhiều hơn vui.

Tuy nhiên, câu chuyện viết sách, in sách và phát hành sách tại hải ngoại vào thời kỳ 80  cũng là một kinh nghiệm mới lạ và thú vị.

Ngày nay, hơn 30 năm sau, chúng tôi góp phần vào việc làm vài đĩa DVD gồm cả tổ chức văn nghệ, sưu tầm tài liệu, quay phim, cắt ráp, phát hành .

Bây giờ đem kể ra hết chuyện trong nhà, gọi là có thêm các kinh nghiệm và những điều thú vị rất mới.

Trước hết là chúng tôi vốn sẵn có tài liệu sưu tầm rất nhiều năm, đặc biệt là Video về chuyện quê nhà trước 75 và chuyện cộng đồng hải ngoại sau 75. Nếu không khai thác xử dụng thì kho tàng cũng thành vô dụng. Trong nội bộ cơ quan, may có ông Phạm phú Nam là người thấy được các giá trị của di sản nên đã đưa hình ảnh ra ánh sáng.

Rồi thêm những buổi văn nghệ trình diễn thu hình và các đoạn phim ngắn thời sự dành cho TV được giữ lại. Sự phát triển của Internet, của các chương trình Radio, TV Việt ngữ góp phần quan trọng vào việc sáng tạo. Sau cùng, ông Nam vốn là tay ngang, một mình vừa đạo diễn, vừa quay, vừa cắt ráp để hoàn thành những bộ DVD đã cho phát hành. Ðó chính là chuyện trong nhà, xin kể ra cho hết một lần.Tinh thần chúng tôi rất cao, nhưng khả năng thì lại rất giới hạn.

 

Vết thương tài chánh :

Con số người Việt di tản thực sự gọi là tỵ nạn trên thế giới hơn 2 triệu người. Có lẽ không ai lúc ra đi mà lại có ý định sẽ làm một Viện bảo tàng Việt Nam. Chúng tôi cũng vậy. Nhưng cơ duyên và nghiệp dĩ đưa đẩy chúng tôi vào con đường sưu tầm đã dẫn đến việc hoàn thành một ngôi nhà bảo tàng. Trị giá di sản và tác phẩm vừa sưu tầm vừa sáng tạo là 1 triệu mỹ kim tính đến năm 2009. Ngôi nhà cổ tại Kelly Park, San Jose lúc đầu dự trù sửa chữa lối $100 ngàn US. Tính toán quá sai lầm, sửa chửa thực sự suốt 3 năm, bây giờ chi ra gần $400,000 mỹ kim .

Dư luận thắc mắc lấy tiền đâu mà làm. Thiên hạ đồn đủ mọi kiểu. Vốn là cơ quan thiện nguyện đã nhận tài trợ của chính phủ suốt 33 năm, họ đồn rằng chắc là toàn xoay tiền của nhà nước. Có người lại nói là lấy tiền của tài phiệt hay xin tiền của thành phố. Người giầu tưởng tượng lại nói là tiền của CIA. May thay chưa có ai đồn là cộng sản cho tiền để xây dựng bảo tàng VNCH.

Sự thực đã tiêu hết tiền quỹ $300,000 mỹ kim của cơ quan để dành trên 20 năm. Phần còn lại gia đình đóng góp, bạn bè cho vay và các ân nhân thân hữu ủng hộ. Tất cã góp lại thành một tài sản là Viện bảo tàng (Viet Museum) cho thế hệ tương lai. Xin cảm tạ hơn một trăm ân nhân góp mỗi người trên $1,000 có tên ghi danh trên bảng đồng vĩnh cửu. Mười ân nhân danh dự mỗi người cho vay từ $10 ngàn đến $30 ngàn. Năm 2007 trả nợ được $50 ngàn. Từ 2008 đến nay anh em đành khất nợ, số phận tài chánh của cơ quan đang nổi trôi theo nhịp thở thoi thóp của toàn cầu. Kinh tế xuống dốc, tấm lòng từ tâm trong thiên hạ đã khép lại. Ðành chờ một ngày mai tươi sáng hơn. Công đức vẫn ghi lòng tạc dạ. Sống để dạ, chết mang theo. Nhà riêng treo bảng bán hai lần vẫn chưa có khách. Nhưng có điều quan trọng hơn cả là, nếu thời gian qua không khởi công liều lĩnh thì sẽ không bao giờ hoàn tất được công trình lịch sử này.

Ngày nay có được một viện bảo tàng tuy là vô giá, mua không ai bán, nhưng bán cũng chẳng ai mua. Trên thực tế trị giá địa ốc, tác phẩm và di sản của Viện bảo tàng định giá là 3 triệu 500 ngàn mỹ kim. Trước sau Museum này sẽ thuộc về công sản của Thành phố. City of San Jose sẽ nhận lãnh việc bảo toàn lâu dài về sau. Nhưng ngay bây giờ cơ quan vẫn còn có món nợ $300,000 ngàn phải thanh toán. Trong phạm vi nội bộ, ông đạo diễn cũng là nhà sản xuất Phạm Phú Nam của IRCC, Inc. dự trù sẽ tung ra DVD “ Chân dung người lính VNCH “ để lấy tiền trả nợ. Ðược bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Chúng tôi lạc quan và hào hứng tính rằng nếu có được 10 ngàn khán giả ủng hộ, hy vọng sẽ có được 1 số tiền khả quan giải quyết nhu cầu tài chánh, đúng vào thời kỳ kinh tế khó khăn nhất của nước Mỹ.

 

Thành thực khai báo :

Có lẽ quý vị từng sống dưới thời cộng sản đã quen với chữ thành thực khai báo. Ðể có kinh nghiệm về việc sản xuất DVD chúng tôi xin kể chuyện riêng tư hết sức thành thực như sau :

Tổ chức 3 kỳ văn nghệ, coi như thành công, tốn kém cộng chung trên 100 ngàn mỹ kim nhưng kết quả tài chánh rất khiêm nhường. Có chút kinh nghiệm và tiếng tăm nhưng tiền bạc gần như không đáng kể. Các cụ nhà ta vẫn hay nói: Có tiếng nhưng không có miếng. Chúng tôi chỉ còn lại những thước phim rất giá trị. Cơ quan liền cho phát hành DVD “ Những tình khúc thời chinh chiến”

tiếp theo là DVD “ Lịch sử ngàn người viết”. Cả 2 lần tuy kết quả khích lệ nhưng về tài chánh thì không thể giải quyết được món nợ 300 ngàn mỹ kim. Năm nay, ông Nam tu chỉnh lại các DVD cũ, thực hiện thêm các đĩa DVD mới. Tập trung thành 1 bộ 4 đĩa, dự trù sản xuất và phát hành nhiều đợt, mỗi kỳ in từ 1,000 hay 2,000 bộ. Chúng tôi áp dụng phương pháp trực tiếp. Xử dụng Radio, Internet, TV gửi tin thẳng đến khán thính giả đặt mua.

Nếu thực sự có được 1,000 đồng hương ủng hộ, thì sẽ có lời $10,000 mỹ kim theo bản “thành thực khai báo” như sau :

Ðặt in 2000 copies, gồm 4 đĩa, in hình trên đĩa, hình trên hộp, hình quảng bá, đóng gói.. giá thành là 5 mỹ kim một bộ. Tiền gửi đi, bao thư, chi phí văn phòng và bưu phí trung bình trong nước hay ngoại quốc tính chung là 5 mỹ kim. Nếu được ủng hộ 20 mỹ kim 1 bộ, phát hành 1000 bộ sẽ có lời $10,000 mỹ kim để đóng góp cho việc trả nợ Museum. Mục tiêu này xem ra có thể đạt được. Tuy nhiên con đường đi tới 10,000 người ủng hộ, xem ra rất xa vời. Chẳng biết cô Thúy Nga, cậu Asia làm ăn ra sao, phần chúng tôi khả năng phát hành hoàn toàn trông cậy vào tình chiến hữu của bà con ta. Không có các đại lý ngoài chợ đời vì e rằng chân dung người chiến sĩ sẽ bị chìm trong rừng DVD thương mại.

 

Chan chứa ân tình :

Mặc dù mục tiêu tài chánh còn xa vời, nhưng sản phẩm của chúng tôi đã được đáp ứng với chan chứa ân tình. Sau đây là những tin tức mới ghi nhận được sau khi xem phim Chân dung người lính VNCH.

 

 

             

 

 

Bác Vương Ðình Toàn từ xứ Kansas tâm sự :

Các ông ơi, tôi là lính chiến nhưng ngày nay mới 68 tuổi đã ngồi xe lăn vì bệnh, chẳng phải vì chiến thương. Nhận được DVD mở ra coi 1 đoạn tôi phải tắt ngay; nói với vợ con, cái này không thể coi một mình. Bảo vợ nấu nồi cháo gà thật lớn, gọi mấy ông bạn nhà binh đem vợ con đến; vừa ăn vừa coi. Anh em cãi nhau xem đĩa nào trước, đĩa nào sau. Tôi nói cứ theo thứ tự người ta làm mà coi. Các ông ơi, chúng tôi coi từ 6 giờ chiều đến gần nửa đêm. Ðàn bà khóc thút thít, đàn ông quên cả uống rượu. Ðau quá các ông ơi ! mình như thế mà lại thua thì đau thật. Tôi biết ý các ông rồi. Ðoạn cuối của đĩa thứ 4 các ông cho bài Hội nghị Diên Hồng vào là đúng quá. Muốn gài độ cho Việt Nam phải đánh Tàu là hợp lòng người, hợp ý Trời.

Ông bạn khác từ Chicago gọi điện về cho biết ý kiến rất gần với nhà sản xuất. Nói rằng thực chưa có chương trình văn nghệ nào nhiều người diễn xuất như thế . Không nói về khán giả, nói về các khuôn mặt tham dự trên sân khấu trình diễn đã có cả mấy trăm người. Tìm thấy nhiều người quen.

Một bà viết rằng các ông nói một đằng làm một nẻo, bảo rằng không có ca sĩ tên tuổi, sao lại có Nam Lộc, Ý Lan, Khánh Ly, Như Quỳnh, Nguyễn Ðức Quang, Kiều Chinh, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng. Người ta thì quảng cáo có tên danh ca, khi trình diễn lại không có. Ở đây thì quảng cáo không có, lại thấy xuất hiện. Nhưng cô Nguyệt Ánh, Việt Dzũng chỉ nói mà không thấy trình diễn. Ðó là phần trách cứ rất thân tình đã ghi nhận như lời khen tặng.

Quan trọng hơn hết chúng tôi biết chắc rằng DVD gửi ra đã đem đến món quà rất đặc biệt cho hàng ngàn gia đình.

 

Ca bài con cá.

Tin mới nhất cho biết, mặc dù phát hành trực tiếp nhưng cũng đã có thân hữu cho biết thiên hạ bắt đầu sao chép lại đem bán cho các cửa tiệm. Chúng tôi thực sự chưa thấy mặt mũi copy ra sao. Xin kêu gọi quí vị tiếp tay bảo vệ, không phải giúp cho một cơ sở thương mại mà giúp cho sự sống còn của Dân Sinh media và viện Bảo tàng Việt Nam. Bài ca bán Ðĩa này xin kêu goi mỗi gia đình đã xem DVD của chúng tôi trở thành một đại lý phát hành. Hãy kêu gọi thân hữu tiếp tay phổ biến rộng rãi. Viện bảo tàng vẫn còn chào đón các ân nhân ghi tên trên bức tường công đức cho cả trăm năm sau. Có thể nhân danh gia đình ghi danh cho các thân nhân là chiến sĩ và thuyền nhân đã qua đời. Quí vị tặng 100 mỹ kim hay mua nhiều DVD trên 100 mỹ kim đều có tên trong danh sách hội viên danh dự của Museum. Sẽ nhận được bản đặc san Dân Sinh với chủ đề Xuân, Hạ, Thu, Ðông ba tháng một lần, kèm theo CD về các đề tài đã được phát thanh trong thời gian qua.

Khi quí vị đọc được tin này, nghe những câu chuyện này thì phần lớn thân hữu yêu cầu đã nhận được DVD. Xin hãy dành những giây phút bình tâm lắng đọng. Gác bỏ chuyện bên đường, tạm quên những ưu tư phiền phức quanh mình. Ngồi xuống bên người thân hay các chiến hữu. Máy hiện lên hình ảnh cùng với nhịp quân hành. Lon bia Mỹ hay ly ruợu đỏ trên tay. Thả hồn lính chơi vơi về thời quá khứ.

 

 

                               

 

Ðĩa số 1 là tài liệu mới nhất. Chân dung người lính của thời binh lửa. Ngày hội ngộ 30 năm sau. Ðệ nhất và đệ nhị cộng hòa. Mỹ đến rồi Mỹ đi.

Từ di tản đến tù đầy, vượt biên và sau cùng là đoàn tụ. Hãy cho chúng tôi biết quí vị tâm đắc ở đoạn nào?

 

 

                                 

 

Ðĩa số 2 là tám câu chuyện về đời lính. Ðủ cả hải lục không quân, nhưng hoàn toàn khác biệt và lôi cuốn. Hãy cho chúng tôi biết quí vị tâm đắc ở chuyện nào.

 

                                

 

Ðĩa số 3 là 12 phân cảnh với những khúc quân hành chen lẫn với tình ca thời chinh chiến. Những ca sĩ tên tuổi và những nghệ sĩ vô danh. Hãy cho chúng tôi biết quí vị chọn được bài nào.

 

 

                                 

 

Ðĩa số 4 với 14 tiết mục dưới danh hiệu Lịch sử ngàn người viết được coi là tài liệu phong phú đầy kỷ niệm lịch sử. Hãy cho chúng tôi biết quí vị đặt trái tim trong đoạn phim nào?

Một khán giả thân yêu của chúng tôi đã viết rằng, cứ xem xong một đĩa phim là anh lại thắp một nén nhang trên bàn thờ. Nào ai biết, ai là anh lính ngồi xem, ai là người lính ngồi trên bàn thờ. Trong DVD chân dung người lính VNCH 2009 ai là người đã ra đi và ai là người còn ở lại. Qua năm 2010, chúng ta sẽ kỷ niệm ngày quân lực lần thứ 45, tính từ năm 1965. Qua năm 2010, ghi dấu chúng ta tan hàng vừa đủ 35 năm, tính từ năm 1975. Xin cho biết 35 năm qua, đã có được năm nào là năm hạnh phúc, hay chưa bao giờ bạn có được một ngày vui.

 

Bộ phim DVD gồm 4 đĩa do Dân Sinh Media San Jose sản xuất nhân danh Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự bảo trợ của Immigrant Resettlement and Cultural Center, Inc. (E. irccsj@yahoo.com)

 

                 To Order: Sent $20.00 US to:  IRCC, Inc.

                                                                1445 Koll Circle #110

                                                                San Jose –  CA. 95112

                                                                                        USA

 

                                                                Phone : (408) 392-9923