Tạp ghi

30 NĂM CÙNG BERKELEY TRĂN TRỞ (Giao Chỉ)

30 NĂM CÙNG BERKELEY TRĂN TRỞ

GIAO CHỈ, SAN JOSE  – Việt Tribune

 

Đại Học Berkeley 140 tuổi.

Ngôi trường đại học nổi tiếng và lâu đời nhất tại miền Tây Hoa Kỳ chính là đại học Berkeley. Thành lập 1868, khai giảng 1869 với 10 giáo sư và 40 sinh viên. Năm sau 1870 lần đầu tiên trường nhận nữ sinh viên. Ngày nay cuối niên khóa 2008 Berkeley có 35 ngàn 400 sinh viên. Ðây là trường đại học đặc biệt tại Mỹ mà số nữ sinh viên đông hơn nam, 53% nữ và 47% nam. Ngay từ khi thành phố San Francisco ra đời 1849 với các đoàn người đổ xô đi tìm vàng thì các trẻ em của di dân bắt đầu đi học. Gần 20 năm sau, nhu cầu đại học thúc đẩy và ngày 23 tháng 3 năm 1868 thống đốc ký nghị định thành lập đại học Berkeley.

Ngôi trường hết sức hãnh diện của lịch sử giáo dục Hoa Kỳ tại thị trấn Berkeley mệnh danh là thành phố của tri thức ngó xuống Vịnh Cựu Kim Sơn. Dưạ trên ý kiến xây dựng một nền đại học dấn thân vào cuộc sống và vượt khỏi mọi biên giới của con người, Berkeley không còn là tên một địa danh mà đã trở thành tên của nền văn minh đại học.

Từ căn bản đó tinh thần đại học Berkeley thổi lên ngọn gió tự do tuyệt đối, xây dựng con đường nhân bản, đứng lên cùng thế giới đón chào những tư tưởng mới từ hiện sinh đến phản chiến.

 

 

 

Berkeley thế kỷ 21.

Sau 140 năm, kể từ khi khóa đầu tốt nghiệp năm 1873 với 12 nam tân khoa, ngày nay mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường.

Số sinh viên Berkeley tính đến khóa mùa thu 2008 là 35 ngàn sinh viên, nữ nhiều hơn nam. Gốc Phi châu da đen có 1,217, da đỏ có 236, gốc Mễ và La Tinh có 3,565, Mỹ trắng 11,998 và Á châu nhiều nhất 12,232. Trong đó chưa biết rõ có bao nhiêu Tàu, Nhật, Ðại Hàn, Phi, dân hải đảo Thái Bình Dương, Ấn Ðộ và Ðông Nam Á. Chúng ta cũng không biết chắc là có bao nhiêu Việt Nam trong số các sắc dân da vàng kể trên. Chắc chắn có thể nhiều hơn 1 ngàn sinh viên Việt Nam.

Trong số các sinh viên kể trên có 2.961 từ các nước du học. Lại nữa, không biết có bao nhiêu sinh viên từ Việt Nam qua học tại đây.

Trải qua 140 năm, đại học Berkeley vẫn giơ cao ngọn đuốc tự do, qua bao nhiêu cuộc biểu tình phản chiến, nhưng vẫn còn là một đại học khoa bảng hết sức danh tiếng.

Ðứng đầu thế giới về nhiều lãnh vực từ khoa học đến xã hội, từ kỹ thuật đến nhân bản và cũng là nơi có một dàn giáo sư uyên bác với con số 20 người đã nhận tước hiệu Nobel. Sau cùng đại học Berkeley không phải chỉ có khuôn viên tại Bắc Cali mà còn có chi nhánh từ San Diego lên đến San Francisco.

 

        Berkeley ngày tháng cũ

Tuy chẳng bao giờ chúng tôi có cơ hội theo học Berkeley, thậm chí chưa có con cháu là sinh viên ở đây, nhưng thuộc về lớp dân tỵ nạn Việt Nam tại San Jose, ngay từ thập niên 70 đã nhiều phen kéo quân lên Berkeley biểu tình. Vì đại học này là cái nôi phản chiến tại Hoa Kỳ. Họ chuyên mời đại diện chính phủ cộng sản Hà Nội đến nói chuyện.

Hơn 30 năm trước, có năm hai ba lần người Việt, San Jose đi dọc hai bên đường đại lộ University để biểu dương tinh thần chống Cộng. Chúng tôi dẫn đầu một bên, phía bên kia là ông Mã sanh Nhơn. Có cả hải quân Trần quang Thiệu và không quân Nguyễn quang Vĩnh.

Và cũng một lần, cách đây 30 năm, đoàn văn nghệ quốc gia San Jose, áo nâu cờ vàng đã tham dự cùng hội sinh viên Việt Nam trong đêm văn nghệ đầu tiên. Giáo sư Bùi văn Phú, cựu sinh viên Berkeley từ năm 77 ghi nhớ rằng hội sinh viên Việt Nam thành lập năm 1979 với 60 sinh viên và 1980 tổ chức văn nghệ lần thứ nhất.

Biết bao nhiêu giây phút buồn vui bên nhau với thời gian của 1 phần 3 thế kỷ về trước.

Từ đó đến nay nhiều kỷ niệm đã trôi qua. Những sinh viên làm văn nghệ tháng 4 năm 1980 ngày nay cũng đã ra trường đi khắp bốn phương. Có thể đã là phụ huynh của thế hệ sinh viên mới vào tháng 4 năm 2009.

 

          Berkeley ngày trở lại:

Cách đây 8 năm, tôi có dịp trở lại dự văn nghệ sinh viên Việt Nam tại Berkeley và được xem một đoản kịch hấp dẫn. Tạm gọi là: Ðiện cho Mẹ. Vở kịch độc thoại của cô sinh viên Việt Nam gọi phone cho Mẹ báo cáo công việc hàng ngày. Rất sống động và hấp dẫn. Ðoản kịch này được trình diễn lại tại San Jose nhân dịp IRCC kỷ niệm 25 năm thành lập.

Năm 2008, sinh viên Việt Nam Berkeley đã tổ chức văn nghệ 30 tháng 4 lần thứ 29 với nhạc kịch Cánh Hồng Trong Gió (Petals in the wind).

Ðây là một vở trường kịch về hoàn cảnh người phụ nữ Việt Nam thời chinh chiến trong giai đoạn trước và sau 75. Cựu sinh viên Bùi văn Phú kể lại rằng: “Từ chiến tranh đến hòa bình, tù cải tạo, vượt biên. Kịch bản dùng Việt ngữ nhiều hơn Anh ngữ và câu chuyện tương đối giản dị, diễn viên tuy tài tử nhưng rất nhập vai xuất sắc.

 Ý nghĩa của kịch “Cánh hồng trong gió” được chính ban tổ chức ghi lại như sau:

“Những cánh hồng tả tơi giữa cơn gió thời loạn ly. Những người phụ nữ thăng trầm cùng đất nước. Trong họ, tỏa lan ánh sáng thiêng liêng của con người Việt Nam. Những cánh hồng tỏa hương sắc qua phong ba bão táp. Người phụ nữ Việt Nam cố bám víu những hy vọng mong manh, cùng tấm lòng nhẫn nhục, cam chịu để lèo lái gia đình giữa lúc con thuyền dân tộc chao đảo. Xin hãy cùng chúng tôi, những thế hệ đi sau, tôn vinh phẩm chất cao đẹp của những cánh hồng Việt Nam.”

Ðó là đoạn văn chương rất chải chuốt của một Berkeley đầy tình tự dân tộc Việt Nam

 

 

 

          Berkeley, Văn nghệ năm thứ 30.

Nhằm mục đích trở lại Berkeley cùng các em sinh viên rất trẻ trung xa lạ, chúng tôi dự đêm văn nghệ 30 tháng 4 lần thứ 30. Lần này đề tài hết sức trăn trở và phức tạp.

Trên tờ chương trình giới thiệu vở trường kịch Moonsoon tựa đề Việt ngữ là “Gió mùa”

Ban tổ chức giới thiệu đây là chuyện xưa của Việt Nam nhưng không căn cứ vào sử liệu thực sự mà sáng tác dựa theo các chuyện dân gian.

 

Xin đọc một đoạn nguyên văn của phần dẫn giải:

“Sự tồn tại của người Việt Nam được tôn vinh qua những thành quả và hoàn cảnh chung quanh. Khởi đầu bằng sự suy tàn của toàn thể quốc gia, vở kịch kết thúc với những ý chí mãnh liệt của nhiều cá nhân đã sinh tồn và xây dựng một cộng đồng mới. Cội nguồn của con người nhờ những câu chuyện dân gian truyền từ đời này sang đời khác mà có thể duy trì, ghi nhớ và bảo tồn.

Vì vậy dù trải qua bao giai đoạn đàn áp và loạn ly của chiến tranh nhưng văn hóa của người Việt Nam vẫn phồn vinh”

Với những lời lẽ khá trừu tượng và nhiều cao vọng đã mở đường cho hơn 1200 khán giả vui lòng hưởng ứng theo dõi chương trình 3 giờ đồng hồ.

Kịch bản trình diễn bằng Anh ngữ và chỉ thỉnh thoảng chêm vào một vài thành ngữ tiếng Việt. Các ban vũ rất công phu, các ca sĩ trong đoàn phụ diễn rất xuất sắc. Các vai chính thuộc vở rất đáng ngạc nhiên và khán giả thì rất lịch sự vào hào hứng. Dưới hội trường và trên sân khấu có sự thân thuộc quen biết nên luôn luôn được nhiệt thành cổ võ kể cả những giây phút diễn xuất hơi lúng túng vụng về.

Hầu hết khán giả là sinh viên, cựu sinh viên hay phụ huynh nên tham dự với tinh thần gia đình và kiên nhẫn mặc dù có nhiều đoạn độc thoại quá dài.

Âm thanh, ánh sáng và phong cảnh có sự chuẩn bị khá vất vả vì nhu cầu đòi hỏi cả 100 người tham dự trên sân khấu.

Vì kịch bản hoàn toàn bằng anh ngữ nên các khán giả sinh viên theo dõi dễ dàng. Tuy nhiên hiểu rõ vở kịch là một chuyện, còn có thể cảm nhận được thông điệp văn hóa Việt Nam hay không lại là chuyện khác.

Vượt lên trên những lời bàn về đề tài và việc lựa chọn kịch bản, đêm văn nghệ lần thứ 30 đã có những thành quả hết sức cao quý.

Các thế hệ sinh viên 30 năm trước và 30 năm sau không hề quen biết. Vậy mà truyền thống của ngọn lửa tinh thần đã được tiếp nối và thắp sáng mỗi độ tháng 4 về.

Sự tập hợp được cả trăm sinh viên giữa ngôi trường tất bật đèn sách, bài vở tràn ngập, để tập văn nghệ tháng 4 là một công trình hết sức vất vả. Những y trang, điệu vũ liên tiếp thay đổi quần áo của các nam nữ sinh viên còn trẻ và dứt khoát không chuyên nghiệp phải được coi là nỗ lực rất đáng kể. Kịch bản khá dài, học thuộc và diễn xuất trôi chảy là điều khó khăn đã vượt qua. Ban nữ hợp ca hát đệm với y phục hậu giang và giọng hát đầm ấm hết sức Nam kỳ rất xứng đáng được mời về trình diễn tại San Jose.

Và sau cùng, nỗi niềm khắc khoải trăn trở của hơn 100 sinh viên nam nữ Việt Nam giãi bày vào tháng 4 năm 2009 giữa lòng đại học Berkeley là một điểm son then chốt của đêm văn nghệ lần thứ 30.

Tháng 4 năm nay, 2009, ba mươi tư năm sau ngày oan nghiệt 75, chợt ngó lại miền đất tạm dung Hoa Kỳ, nay đã trở thành quê hương mới. Bây giờ là mùa Thu. Tháng Tư trên đất Mỹ là tháng mở đầu của mùa Phục sinh. Tiếp theo là tháng của trời cao, biển rộng, đất bao la. Cuối tuần này, tại Kelley Park, San Jose các đoàn thể và tổ chức Hoa Kỳ sẽ họp mặt trong tinh thần bảo vệ môi sinh và tuyên dương mầu xanh của hy vọng.

Riêng phần chúng tôi, mời các em nhỏ và phụ huynh đến với ngày xanh Hoa Kỳ, thăm viếng viện Bảo tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa. Vẫn mang theo nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi của một tháng tư đen. Để cùng chia sẻ tâm tư trăn trở của các sinh viên Việt Nam, tại đại học Berkeley với đêm văn nghệ đi tìm về cội nguồn  dân tộc suốt 30 năm qua.

Giao Chỉ – San Jose.